VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhân chuyện mấy cây si và đôi voi đá

         Đền chùa ở các tỉnh xa thường được đặt trong một cảnh quan rộng rãi thoáng đãng nên đi dạo ở ngoài khuôn viên cũng đã là một niềm vui. Chùa Côn Sơn trong cái lần tôi đến thăm mấy năm trước lại mới được tu sửa nên khá khang trang.
         Chỉ hiềm một nỗi ra về tôi cứ thấy thương cho mấy cây đại vốn rất điển hình cho các chùa chiền phương Đông được trồng ngoài sân.

        Còn nhớ trong những lần ghé qua một số thắng cảnh ở Trung quốc thấy các cây cổ thụ loại quý đều có gắn một tấm biển ghi rõ cây đã bao nhiêu tuổi. Ngay ở Bách thảo Hà Nội trước năm 1954 nhiều cây cũng có biển ghi tính danh cùng niên xỉ đính ngay vào thân.
       Còn trước mấy cây đại ở Côn Sơn, bọn tôi chỉ có cách đứng nhìn rồi đoán già đoán non về tuổi của chúng.
        Khổ một nỗi nữa là cảnh chèn ép diễn ra trước mắt.
        Không hiểu từ đâu lạc vào mà mấy thân si tầm thường có mặt ngay giữa sân chùa. Lá si xanh tốt, rễ si khô cứng lùm loà tranh cướp cả không gian sinh sống, thành thử mấy cây đại kia trở nên côi cút lạc lõng ngay trên mảnh đất vốn dành cho chúng.
     Từ Côn Sơn sang đền Kiếp Bạc không xa, và ở đây chúng tôi lại xót xa vì một chuyện khác.
      Vào nhiều đền chùa bây giờ người ta không khỏi bực mình vì những bức hoành phi câu đối được tu sửa. Màu sắc không phải thứ màu nền nã vẫn thấy ở các đền chùa thời xưa. Mà màu mới tô, khi thì quá xỉn, khi quá loè loẹt, không hợp với khung cảnh chung. Chữ viết lại xấu, chắc không tìm đâu ra các cụ thạo chữ Hán nên cứ viết đại cho xong, cốt có chữ vuông là được.
      Đền Kiếp Bạc cũng không ra ngoài thông lệ đó. Đến như đôi voi đá đặt ở sân đền thì lại càng khiến người ta ngao ngán. Chúng trắng phếch như vừa được làm vội và thô thiển như một thứ hàng tầm tầm. Chắc do ai đó mới đặt để công đức cho đền.
      Di tích là của mọi người, ai cúng vào cái gì mà chẳng thấy quý? Chắc có người sẽ hỏi thế.
       Song, sách vở mà tôi từng đọc mách bảo một cách nghĩ khác. Xưa, phải thứ chữ như thế nào mới được mang khắc ở đền chùa. Cũng như đồ cung tiến nói chung phải tinh xảo sang trọng như thế nào mới được phép đặt vào những nơi tôn nghiêm.
      Chỉ có tiền và mong muốn đóng góp chưa đủ, nếu không nói là không được phép.
       Người xưa hay gọi những nhà có của mà kém về khiếu thẩm mỹ là mấy anh trọc phú đâu có phải oan ?
       So với các công việc phải làm ở một cơ sở cơ sở văn hóa  thì việc chọn trồng vài giống cây, sắp đặt vài cái ghế chỉ là một việc nhỏ. Có thể những người  chủ trì  trong ở hai di tích này chỉ hành động theo thói quen, nhưng thật ra đằng sau đó là cả một trình độ quản lý xã hội:
      -- không tách nổi cái ưu tú khỏi cái tạp nhạp làng nhàng
      --với cái thực có giá trị thì rẻ rúng chẳng coi là gì, còn với những cái tầm thường thì lại quá rộng rãi, để chúng tha hồ lấn lướt và leo lên cả những chỗ chúng không xứng đáng.
        Câu chuyện như vậy là có liên quan tới một chủ đề dư luận đang bàn nhiều – câu chuyện về các tài năng và một nhu cầu cấp bách là khai  thác các tài năng ấy phục vụ tối đa cho xã hội.
       Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Ở rất nhiều nơi, người ta nhắc đi nhắc lại câu nói đó. Thế nhưng thực tế là như thế nào?
         Xem thường. Ghen ghét. Khinh rẻ. Cần người trung thành nịnh bợ hơn người hiểu biết. Khi cần cũng có thể lợi dụng, nhưng nếu thấy có vẻ bảo không được là thẳng tay gạt bỏ…
       Tạm để những cái quá đáng đó sang một bên, chỉ riêng việc đối xử bình quân, coi các tài năng thực sự với những kẻ làng nhàng loại hai loại ba, cá mè một lứa, ngang hàng như nhau  -- suy cho cùng là một quan niệm nông cạn và hời hợt về thang bậc giá trị --  cũng đủ là cho các tài năng thực sự ngày một héo hon thoái hóa.
       Cũng như ở các ngành khác, ngành sáng tạo văn học của chúng tôi những năm tháng này đang chịu một thử thách lớn. Người ta làm ra quá nhiều của tầm tầm mà lại không sao làm ra nổi những tác phẩm có giá trị có thể đứng vững trong thời gian và hy vọng hòa nhập vào gia tài của ông cha.
       Anh A còn mới vào nghề cắt nghĩa:
-- Tôi cũng thừa biết là những bài viết của tôi giá kể được đầu tư thêm thì còn có thể khá hơn. Nhưng so với một bài làng nhàng,  công sức bỏ ra để có một bài viết hay nhiều khi gấp hàng chục lần, mà thu nhập trở lại có khi chỉ được thêm có vài chục phần trăm. Vậy thì tội gì?
    Anh B lâu năm trong nghề  nhìn rộng ra xứ người:
-- Ở nước ngoài người ta có thể bỏ ra cả đời để viết một hai tác phẩm, nhưng nên nhớ là sau đó khi thành công chỉ với một hai tác phẩm đó họ đủ sống cả đời. Còn ở ta ai dám làm chuyện phiêu lưu đó?!  Giá sử cam chịu cảnh cơm niêu nước lọ để lo viết đi nữa thì chắc gì ra đời đã được công chúng đánh giá đúng mức. Chen làm sao lại với bọn to mồm huyênh hoang và quăng tiền quảng cáo, hoặc chạy chọt với cấp trên để chiếm giải thưởng?
     Điều dễ thấy nhất là một thứ chủ nghĩa bình quân đang ngự trị cả trong việc đãi ngộ lẫn quan niệm chi phối.
      Mà đứng đằng sau đó là một sự thiếu hiểu biết sâu sắc về những bước tiến hóa của xã hội và vai trò của những nhân tố ưu tú trong việc thúc đẩy sự tiến hóa chung đó.  
      Cái ưu tú có một nhược điểm lớn. Nó rất yếu và dễ bị thương tổn. Còn cái tầm thường thì dễ nuôi dễ sống. Chẳng những thế , một khi thắng thế chúng lại tha hồ bành trướng lấn át những cái tốt đẹp và tác oai tác quái. Người xưa gọi đó là tình thế con tốt lộng hành. Trong truyện ngắn Ngôi mả cũ  in trong Vang bóng một thời, nhà văn Nguyễn Tuân đã gửi vào miệng ông già một chân lý khi để ông giảng giải cho một cậu nho sinh trẻ hơn:
  -- Cậu thua vì đã khinh thường con tốt biên của tôi và để nó qua hà. Rồi lại cho nó nhập được vào cung. Con tốt mà sang hà tức là đứa tiểu nhân lúc đã đắc thế. Tha hồ mà phá phách .
   Lâu lắm tôi không trở lại Côn Sơn, không biết cái cảnh cây si bắt chết cây đại nay thế nào. Cũng có thể có người nào đó đã nghĩ ra cái việc đánh cây si đi nơi khác, trả không gian thanh tĩnh về cho cây đại. Nhưng có phần chắc hơn, nếu không phải là nó đã chết hẳn thì mọi chuyện vẫn y như cũ, tức nép mình mà nhẫn nhục sống, cằn cỗi mòn mỏi, trong khi thân si bên cạnh thì càng rườm rà tươi tốt. Bởi trong đời này tôi đã và đang thấy bao chuyện tương tự. Trong các lớp học phổ thông, mấy học sinh học giỏi giang chăm chỉ khổ sở vì sự ghen tị của đám bạn hỗn hào và lười biếng. Trong các cơ quan nghiên cứu khoa học, các tài năng xuất chúng bị chén ép, bị khóac lên vai đủ thứ công việc lặt vặt và chỉ được thí cho những đồng lương còm, khiến họ trước sau không khỏi bị lôi kéo vào những việc bịp bợm để kiếm tiền, tức bị tha hóa dần dần. Còn trong giới quan chức, càng ngày những kẻ tầm thường phàm tục càng thêm vênh vang, giữa thanh thiên bạch nhật mà tự do lui tới như trong chỗ không người, quát thét hành hạ dân thường, ra tay kiếm chác cho thỏa lòng tham. Trong thâm tâm, đám người này thừa hiểu rằng nay là thời của họ.

Đã in TBKTSG số Tết Nhâm Thìn

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn