VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Các nhà văn làm báo tết

Hoa đào năm ngoái
Lệ làm báo Tết, theo nhà văn Tô Hoài, vốn có từ các tỉnh trong Nam, sau mới lan ra cả nước. Song, một khi đã thành phong trào, thì hầu như tờ báo nào Tết đến cũng cố làm cho hay cho đẹp. Vô hình chung hình thành nên một cuộc ganh đua ngầm, trong đó, lực lượng các nhà văn cũng được huy động rất sớm.
Tản Đà, nhà thơ đi đầu trong việc chuyển nghiệp hoá ngòi bút hồi đầu thế kỷ, có lẽ là một trong những người để lại nhiều thơ về Xuân về Tết hơn cả. Trong tuyển tập Tản Đà in ra 1986, riêng trong phần Thơ chưa rõ xuất xứ, đếm ra đã thấy trên chục bài có chữ Xuân và Tết. Xuân tứ, Tân xuân cảm, Gặp xuân, Cảm xuân, Ngày xuân nhớ xuân, Ngày xuân  thơ rượu...
Tiếp đó, đến phần thơ mới đăng báo và An Nam tạp chí, chưa in thành tập, người ta lại gặp những là Mậu Thìn xuân cảm, Xuân hứng, Vui xuân... Thơ nhiều như thế, một phần là vì Tản Đà viết khá dễ dàng, phần khác, có một lý do quan trọng không kém: Tác giả Khối tình con sớm có ý thức về cái việc "thơ văn bán phố phường". Nghĩa là có người yêu cầu thì phải làm bằng được. đã mang lấy kiếp thi nhân, phải biết đơm hoa kết trái những lúc thiên hạ mong đợi. Tết nhất là một dịp "con gà khoe tiếng gáy".

*
Trong số các thi sĩ xuất sắc của phong trào thơ mới, người biết tự khai thác mình một cách bền bỉ nhất trong những dịp Tết, phải kể là Nguyễn Bính. Một mặt, thơ Nguyễn Bính loại này rất nhiều. Mặt khác theo dõi từ năm này qua năm khác, người ta thấy rõ một sự biến đổi. Thoạt đầu là những bài thơ ngợi ca mọi sự êm đềm tốt đẹp, đôi lúc ngả hẳn sang giọng chúc tụng lấy lòng.
Pháo nổ đâu đây pháo ngợp trời
Nhà nhà đoàn tụ dưới hoa tươi
Lòng tôi như cánh hoa tiên ấy
Một sáng thơ đè nét chẳng phai
Dần dần, niềm vui nói mãi cũng hết, nhưng bài thơ về Xuân và Tết của Nguyễn Bính về sau thường vẽ lại những cảnh xót xa. Tết xa nhà, xa người yêu; xuân tha hương, xuân đến mà chẳng có gì để thiết tha và hy vọng; càng thấy thiên hạ hân hoan đón Tết càng ngao ngán cho phận mình. Lòng người thi sĩ lúc này có phần giống như lòng người lính thú nơi biên ải.
Rượu chẳng say cho, đèn cũng lụi
Ngày mai xuân nở khắp giang san
Ngày mai ăn Tết bằng chi nhỉ
Ăn Tết bằng hai cánh cửa quan
Đây là sự đổi màu thấy ở nhiều nhà thơ khác chứ không riêng gì Nguyễn Bính.
So với việc làm thơ, thì việc viết văn xuôi (nhất là truyện ngắn) cho các số báo Tết, lại có cái khó riêng của nó. Người viết không những cần cảm hứng, mà còn cần có câu chuyện có nhân vật.
Song không phải vì thế, mà các nhà văn tỏ ra kém cạnh trong việc làm hàng. Họ vẫn phải viết để làm đầy các số báo Xuân. ở đây có thể quan sát thấy hai quá trình trái ngược:
Một là, trong khi chiều lòng thiên hạ, người nào người nấy vẫn giữ được mặt hàng riêng của mình. Nguyễn Tuân khai thác đến kiệt cùng những vui buồn chung quanh cuộc đời lang bạt của chàng lãng tử. Nguyễn Công Hoan rất thiện nghệ trong việc trưng ra mọi cảnh trớ trêu như kiểu Người ngựa, ngựa người. Nam Cao thì trở lại với những con người lún sâu vào trong vô vọng, bất lực...
Hai là, cũng không ít trường hợp, nhờ làm báo Tết, nhà văn phát hiện ra  mình những mảnh đất mới, lâu nay chưa có dịp khai thác.
Nguyễn Công Hoan vốn xưa nay chỉ viết truyện ngắn và tiểu thuyết, có lần đã đóng góp vào một số báo Tết tới hai vở kịch ngắn. Thạch Lam thì vẽ minh hoạ cho một số đoạn văn ngắn in trong các số Ngày nay do ông chủ trì, và có lần (hình như là duy nhất) ký tên dưới một bài thơ. Lại có trường hợp như Khái Hưng. Bên cạnh những tiểu thuyết và truyện ngắn viết về cuộc sống thường ngày của con người đương thời, nhà văn này còn là tác giả của nhiều thiên truyện dựa hẳn vào mô típ sẵn có trong các truyện cổ tích, chẳng hạn như Quán Nghinh Xuân (viết theo Lưu Bình Dương Lễ). Có thể nói đó là món đặc sản mà việc làm báo Tết đã rèn đúc cho Khái Hưng. Liên tiếp trong nhiều năm, từ 1936 trở đi trên báo Ngày nay các Tết, Khái Hưng thường khai bút bằng các truyện cổ tích, do ông mới... bịa ra. Bởi một trong những nguyên tắc chi phối việc làm báo của nhóm Tự Lực, là luôn luôn phải có mặt hàng lạ, để bạn đọc khỏi có cảm giác nhàm chán.

*
Một lần, nhân nói về nghề với mấy anh em chúng tôi là lớp người viết trẻ hơn, Tô Hoài kể: Mấy năm 1941-1942, có những truyện ngắn, ông chỉ viết đúng có một đêm. Đại khái, tối ba mươi sau đủ chuyện lo Tết cho gia đình, tác giả mới ngòi vào bàn viết gấp một truyện cho xong, để còn kịp, sáng hôm sau mùng một mang đến mừng tuổi ông Vũ Đình Long, chủ nhà Tân Dân. Sau khi mừng tuổi lại mình vài đồng, ông ấy sẽ cất vào tủ cái truyện ngắn vừa được viết ráo mực ấy đi, để sang năm đưa in vào Tiểu thuyết thứ bảy, số Tết.
Đây có lẽ là một ví dụ cho thấy, hồi bấy giờ trình độ làm hàng của các nhà văn đã lên dến mức thiện nghệ, và trong cái việc bắt buộc phải làm theo com-măng, người ta vẫn vùng vẫy một cách tự nhiên, hào hứng.

*
Những người có dịp lo nấy cỗ Tết đều biết rằng lúc bấy giờ quả thật thịt thà không thiếu. Cái để cho người ta phải lo- bởi nó là yếu tố để cho mâm cỗ được đậm đà vị Tết- nhiều khi lại ở mấy thứ gia vị.
Thì nghề làm báo cũng vậy!
Người đứng ra chủ trì một số báo Tết, ngoài những bài phông, bài đinh (từ chữ Pháp: clou) không thể để mắt tới các bài dấm ghém, be bé, nho nhỏ nhưng lại thường được bạn đọc đọc ngay khi mới cầm tờ báo trên tay.
Ở chỗ này, người ta mới chợt nhận ra sự đắc địa của một vài cây bút như Thanh Tịnh hoặc tài tháo vát biến báo của tác giả Mấy vần thơ, là nhà viết kịch Thế Lữ.
Có lần, khoảng năm 1942, Thanh Tịnh đã đứng ra thầu hẳn một số báo Xuân. Một phần thì ông xin bài những người quen. Phần còn lại (hơn nửa số báo 24 trang khổ to) do ông bao sân. Truyện ngắn có. Thơ có. Rồi chuyện phong tục ăn tết ở Huế. Rồi chuyện thờ cúng ở các tỉnh miền Trung. Bên cạnh những mẩu đùa vui rí rỏm, ông đã sáng tác từ hồi còn học tiểu học, là những đoạn thơ hài hước, lấy đề tài trong văn thơ cổ. Tóm lại, trò diễn ấy gần như chỉ có một diễn viên duy nhất, vậy mà đọc thấy rất hoạt.
Thế Lữ cũng tỏ ra một người đa-gi-năng kỳ lạ, trên các số Phong Hoá, Ngày nay ra ngày Tết. Với ông, không có mục nào là mục nhỏ, không đáng làm. Phần lớn những bài lặt vặt ở góc trang, đọc vui ngồ ngộ, có sự tham gia của ông. Và nhiều khi do ông đầu têu. Thế Lữ lại còn có biệt tài trong việc "câu khách" tức lôi cuốn bạn đọc tham gia viết báo. Dưới bút danh Lê Ta, ông đã thách mọi người đối lại một câu đối mà vế ra như sau:
Tết năm mèo ông lão dê mua hoa mõm chó gói giấy mỡ gà đem tặng cho mèo mà không biết hổ.
Không biết bao nhiêu câu đối lại đã được gửi về toà soạn, chỉ biết số in ra trên mặt báo, đã lên tới hơn một chục. Và khá nhất có lẽ là hai câu dưới đây:
Xuân Năm Tí, cô bé tị, tắm nước lá mùi ở bên bờ dậu, mới được một tí phải cảm nên thân.

Xuân còn xanh, thiếu nữ trắng thoa phấn màu hồng, đôi môi thắm đỏ, đi trong bóng tối, trông thật là đen.

*
Văn chương sâu sắc thì không gì bằng và lúc nào cũng cần.
Nhưng trong lúc chưa sâu sắc được và để người ta phải đọc trong những ngày Tết nhất bận rộn chỉ có một yêu cầu: Không được phép nhạt. Hơn ai hết, những cây bút tài năng hồi tiền chiến, rất biết điều đó khi làm báo Tết.

Thể thao Văn hoá Xuân 98


             


  Thạch Lam& và một số báo Tết   
        Trong thời kỳ hưng thịnh của mình Tự lực Văn đoàn có hai cơ quan ngôn luận là Phong HoáNgày Nay. Phong Hoá xuất bản sớm hơn mang tính cách mở đường, nhiều khi ngả sang đấu tranh gay gắt. Trong khi, Ngày Nay được hình thành muộn hơn và do đó, đằm hơn, chín hơn.
         Tên tuổi Thạch Lam đã xuất hiện trên Phong Hoá nhưng với Ngày Nay mới thật là cuộc trình diện đầy đủ. Ở đây, có thời gian ông làm thư ký toà soạn, lo việc sắp xếp bài vở và thực sự đã mang lại cho tờ báo một sắc thái riêng: sắc thái của một ấn phẩm chuyên về nghệ thuật.
      Công việc chuẩn bị cho những số báo Tết càng cho thấy rõ điều đó.
     Nhìn vào Ngày Nay số 198, số Tết 1940, trước tiên chúng ta bắt gặp mấy lời rào đón mà dù Thạch Lam không ký tên, ta cũng đoán ra chỉ ông mới viết như thế.
      Ông thận trọng giới thiệu bức tranh phụ bản mang tên Dưới hoa do Trần Văn Cẩn vẽ, cho thấy rằng đây là “Một bức vẽ có giá trị, những nét uyển chuyển hợp với các màu nhã và êm dịu ”, bởi lẽ, qua những hình ảnh được phác hoạ “hai thiếu nữ, tóc còn buông xoã, mình hơi gầy vì còn non trẻ đứng tựa dưới cành hoa phù dung” người ta có được “một cảm giác mát mẻ và tươi sáng”.
       Ông dừng lại kỹ hơn ở bức tranh dùng làm phụ bản cho báo, bức Ba thiếu nữ của Tô Ngọc Vân. Nói về một tác phẩm mà như Thạch Lam gọi ra cái thần của người nghệ sĩ (cố nhiên đây là Tô Ngọc Vân trước 1945): “trong nét bút và màu sắc của hoạ sĩ này, có phảng phất một đằm thắm xác thịt, một tình yêu các hình thể nõn nà vừa đến độ nẩy nở. Một vài đường nhịp nhàng và hoạt động, sự hoà hợp của vài màu tươi thắm, thế là hoạ sĩ đủ khiến chúng ta có một cảm giác hơi say mê và ân ái. Và nhận thấy cùng một lúc cái nghệ thuật chắc chắn và cái thông minh ý nhị của hoạ sĩ”.
      Tiếp đó,Thạch Lam trình bày qua về cách sắp xếp bài vở, về những khó khăn trên các phương tiện in ấn mà toà soạn đã phải tìm cách vượt qua để mang lại cho tờ báo một tính cách hoàn hảo.
      Đọc những dòng này, ai người có lúc vào trong hậu trường bếp núc của việc làm báo Tết, ắt hẳn cảm thấy được thông cảm: ra cái sự làm báo Tết, thời nào cũng vậy. Không phải ngẫu nhiên mà trong một bài viết ở số Tết ấy, Thạch Lam lấy câu cách ngôn Ả Rập sau đây làm đề tài:
Hưởng, đấy là khôn ngoan;
Khiến hưởng, đấy là đức hạnh.
      Đặt vào hoàn cảnh của số báo, câu này có nghĩa: làm cho người khác vui, chuẩn bị những món thức ăn tinh thần ngon lành thanh sạch cho bạn đọc thân yêu, đấy là đạo đức của người làm báo. Ở chỗ này, mỗi người cầm bút giống như nhiều nhân vật phụ nữ trong văn Thạch Lam, những người chí chút kỹ càng, lấy sự tận tuỵ hy sinh làm lẽ sống của chính mình.
     Chẳng những đứng ra đạo diễn chung cả số báo, mà nhiều lần, khi làm báo Tết, Thạch Lam cũng đã góp vào đấy những bài viết riêng. Có khi ông viết về tục đi hái lộc, tục gói bánh chưng, có khi ông trình bày những suy nghĩ riêng về những bức tranh Đông Hồ – vốn là một “tài sản” của vùng Kinh Bắc xưa.
      Bài viết mang tên Tranh tết  ( in trong Sách Tết Đời nay 1941) giới thiệu sau đây không chỉ bộc lộ sự hiểu biết  kỹ lưỡng của Thạch lam về văn hóa dân tộc mà còn cho thấy ở ông một mỹ cảm tinh tế, nó là điều mà người nghiên cứu cần biết  khi tìm hiểu văn ông.
Tranh tết
        
      Những tranh ngày Tết người ta bán nơi nhà quê kẻ chợ. Đó là những tranh khắc gỗ, do mấy làng làm. Tranh vẽ nhiều cảnh, tất cả cuộc sinh hoạt của thôn xóm Annam, những bà mẹ và trẻ em thường gọi là tranh gà lợn. Đó là những tranh rất cổ của ta.
       Những bản gỗ của các tranh ấy không rõ có từ bao giờ, và do ai vẽ. Trong sự giấu tên kín tiếng của các nghệ sĩ xưa ấy có một cao quý và trong sạch đáng yêu. Đó hẳn là những người bình dân vẫn sống chung lộn với những người khác trên đồng ruộng, cùng sống một cuộc đời, cùng làm những công việc im lặng và khó nhọc. Họ không biết họ là nghệ sĩ, và có lẽ, nếu không có một trường hợp nào đó, một kích thích gì đột nhiên, họ suốt đời không bao giờ vẽ cả.
     Những người đó vẽ với tất cả tâm hồn của họ. Vẽ đối với họ tức là sống lại ngay chính cái đời họ sống. Những cảnh đồng ruộng, các công việc cày cấy, những cảnh trong gia đình hay ở sân sau, được hoạ trên giấy một cách rất linh động và đúng nét. Cái khoa học dáng điệu của họ - nếu có thể gọi được thế, một sự tự nhiên, không xếp đặt trước - thật là lạ lùng. Dáng điệu của người cày ruộng, người quạt thóc v.v… như sống thật. Tất cả cái thi vị, một mạc và đơn sơ của đồng ruộng, phô diễn trên giấy. Những gia súc, vì họ sống gần gụi và thân mật với chúng, trong nét hoạ cũng trở nên thân mật như thực. Cả đến các gia thần, ông Táo Quân, ông Thổ Công, cũng chỉ là những người cùng sống chung dưới một nóc, có liên lạc mật thiết đến cuộc đời của người.


     Những nghệ sĩ Annam của thôn quê đó còn cả cái giễu cợt khôi hài ý tứ và chân thật nữa. Trong bức tranh Đám cưới chuột, hay Ông đồ ếch và học trò có thấm thía một cái duyên vui và rộng lượng. Những người giản dị ấy không mất lòng kính trọng của họ đối với mọi việc. Cái roi mây trong tay ông đồ hay cái hoả lò để quạt nước cho thầy biểu hiện tất cả cái tinh thần cốt yếu của buổi học, cùng một lúc với cái khôi hài thân mật của người vẽ.
    Trong cảnh Đám cưới chuột tôi thấy sự mềm dẻo và, quen đi, dai dẳng của cuộc sống. Bao nhiêu triết lý trong việc dâng biếu cá cho chú mèo! Tất nhiên là muốn được an hưởng thì phải đút lót; trước khi đám cưới đi, người ta đã trù tính rồi. Mới đầu còn là sợ hãi bắt buộc, rồi sau mãi, biết đâu lại không thành quen đi, và lấy làm sung sướng và vui vẻ nữa. Ngài sẵn lòng nhận cá, thế là ơn huệ rồi.
    Tôi muốn dừng lại lâu hơn ở những cảm tưởng mà các tranh tết ấy đã dậy trong trí tôi. Không phả là hoạ sĩ, tôi e sự phán đoán về màu, nét của tôi không đủ đúng đắn. Những bức tranh mộc mạc ấy, ngày tết, trang hoàng cho vách đất, của phên ở thôn quê, chỉ là hình cảnh của cái đời ấy. Những màu tuy tươi thắm mà cổ xưa, màu cánh sen, màu xanh lá mạ, là bài ca hát của người và vật truyền nhau trên đồng ruộng: cái gì tựa như một tục lệ hằng năm nhắc lại, mà không vì thế mất vẻ đáng yêu.
Tôi ước ao những tranh ấy cứ còn mãi. Những bản gỗ ấy bây giờ còn ở làng Hồ (Bắc Ninh). Hình như còn vài làng nữa, tôi không nhớ tên. Những màu sắc đều lấy trong thảo mộc cả. Bởi vậy không có cái sắc lánh và lạnh rắn của kim loại, vẫn dịu và mát tuy rất tươi. Màu đen rất ấm cúng, êm như nhung, và màu trắng thì ánh như xà cừ.
     Mấy năm gần đây, đã có thấy các chợ bày những tranh lối mới, vẽ những cảnh bây giờ. Nhưng vụng về và giả dối, thật rõ cái không trật tự, sự lẫn lộn của các giá trị ở buổi này. Không phải ai cũng có thể vẽ được những tranh đẹp như cũ. Phải cần một hoạ sĩ mà tâm hồn cảm thẳng ngay với cảnh vật của đất nước, không cần đến sự môi giới của trí thông mình. Cái nghệ thuật phải tự nhiên và thật.
     Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí mấy năm trước đây có khắc vài bản gỗ mà hoạ sĩ gọi nhũn nhặn là một cuộc thí nghiệm . Với tôi, sự thí nghiệm ấy đã thành công đầy đủ rồi. Trong mấy bức chụp đây, người ta thấy rõ hoạ sĩ đã đi đúng đường. Dáng điệu và các nét thật linh hoạt và phơi phới. Tôi không thể nói hết được cái giá trị cao về nghệ thuật.
    Một hương vị cổ kính và mãi mãi hiện ra trong các tranh ấy. Cử chỉ của cô bé đội lá sen trên đầu để che mưa có tính cách gì bình dân và Annam lắm. Và cây bàng lá thu che bóng cho chị hàng rươi tự bao nhiêu năm trở lại.
   Những tranh Tết kia là hình ảnh bằng màu sắc của cuộc sống Annam, cũng như những câu ca dao là nình ảnh thơ điệu. Hai nghệ thuật cùng một nguồn và nghệ sĩ nọ có khi là nghệ sĩ kia. Sống cùng một màu đất và cùng một gió mùa, họ lưu truyền cái gì là sâu sắc, bền chặt và tinh tuý nhất của tâm hồn chúng của dân gian, yên tĩnh hay biến đổi, nhưng biểu lộ trong tất cả trạng thái có khi rất nhỏ nhặt của cuộc đời.
Đã in trong Chuyện cũ văn chương

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn