Đỗ Ngọc Thạch
Cũng gần như là chân dung văn học, hai bài “Xuân Sách hay là một đặc sản văn chương” và “Tô Hoài - nhìn từ một khoảng cách gần” được đăng tải trên nhiều trang Web gần đây cũng thuộc phạm vi chú ý của bài viết vì có nhiều điểm liên quan.
*
Vương Trí Nhàn đã viết cuốn Cây bút, đời người dưới sự dẫn dắt của tư tưởng chủ đạo nào? Tôi đã tìm thấy phần nào câu trả lời qua một bài trả lời phỏng vấn của ông trên báo Lao động sau khi cuốn Cây bút, đời người ra mắt :
“May mắn trong nghề làm phê bình của tôi là luôn được sống và làm việc gần các nhà văn, nhà thơ, đủ để bị thôi thúc bởi ý nghĩ: bên cạnh các bài thơ, cuốn truyện thì các nhà văn còn thường xuyên sáng tác ra một tác phẩm độc đáo khác, đấy chính là tính cách của họ. Người đời đôi khi thành kiến, đám người viết văn chẳng qua chỉ là một bọn dông dài. Trong khi, một số đồng nghiệp của tôi (nhất là các nhà giáo) lại có xu hướng lý tưởng hóa những người viết, xem cây viết nào cũng tâm huyết đầy mình. Phần tôi, tôi nghĩ, ngoài đời có bao nhiêu kiểu người thì trong văn chương cũng có bấy nhiêu kiểu người cầm bút, có thánh thần lẫn ma quỷ. Và trừ một số tài năng sáng chói, thì phần lớn người cầm bút cũng có cả những chỗ tầm thường lẫn chỗ cao quý. Rồi điều quan trọng hơn, mỗi con người có một tư cách, một số phận. Không phải chỉ những tài năng lớn mới có một cuộc đời thú vị, những nhà văn tạm gọi là bình thường cũng có cách phấn đấu riêng, những bi kịch riêng. Những cuộc làm người của họ trong văn chương cũng rất đáng ghi chép lại...
Tôi đã chân thực với những điều mình thấy, nhưng không vì thế mà dám nghĩ rằng, tôi chắc chắn đúng và chỉ có mỗi mình đúng. Có một câu của Ehrenburg mà tôi thấy tâm đắc: "Trí nhớ người ta giống như ánh đèn pha của một chiếc xe đang đi trong đêm, khi thì nó cho thấy hình ảnh một gốc cây, khi thì một trạm gác, khi thì lại là một con người".
Tôi đã và có thể vẫn đang còn là người sống hơi đơn độc như một thứ chầu rìa, một thứ mèo hoang giữa làng văn... Để yêu nhau, theo tôi, đôi khi nên đứng tách ra một chút để tưởng tượng và suy ngẫm về nhau”.
Ở một chỗ khác, Vương Trí Nhàn nói: Trong nghề viết văn tôi hay nhìn ra khuyết điểm của văn chương. Trần Đăng Khoa nói phải “tâm địa xấu xa” mới nhận xét được thói hư tật xấu của người khác như thế. Tôi nói về thói hư tật xấu của người khác để giúp người ta tiến lên.
*
Nên bắt đầu từ đâu? Có lẽ bắt đầu từ Tô Hoài (chân dung thứ 11 của tập sách) vì Tô Hoài cũng là một “cao thủ” của chuyện viết chân dung văn học (cuốn “Cát bụi chân ai” viết về Nguyễn Tuân là chính) và Vương Trí Nhàn đã khen Tô Hoài rằng: “Những nét sinh hoạt của những người cầm bút thời nay đã được nhiều người trình bày lại một cách tự nhiên, trong số này giỏi nhất phải kể Tô Hoài. Ông biết gỡ đi phần hào quang chói lọi mà người ta hay lấy ra để lãng mạn hóa các nhà văn. Ông làm cho cái nghề gọi là sáng tạo này gần gũi với đời thường”( 1). Quả là trong cuốn Cây bút, đời người này, Vương Trí Nhàn đã học hỏi được nhiều ở bậc tiền bối và ông đã viết chân dung văn học theo cái cách “gỡ đi phần hào quang chói lọi mà người ta hay lấy ra để lãng mạn hóa các nhà văn… làm cho cái nghề gọi là sáng tạo này gần gũi với đời thường”. Trong bài Xuân Sách hay là một đặc sản văn chương, Vương Trí Nhàn cũng đã viết: “Tôi học theo cách làm của Tô Hoài khi viết về một người thầy như Nhị Ca, một người bạn như Nghiêm Đa Văn”.
Nếu cứ nhìn vào số lượng 150 cuốn sách đã có cùng với “hàng núi công việc” mà Tô Hoài đã làm từ khi hành nghề cho đến nay, ta chỉ có thể ngạc nhiên mà nói đó là một người khổng lồ và không dám đến gần! Nhưng Vương Trí Nhàn đã giúp ta tiếp cận Tô Hoài từ một khoảng cách rất gần, tới mức như là có thể chui vào “lục phủ ngũ tạng” của người khổng lồ Tô Hoài này một cách thoải mái! Bài chân dung Tô Hoài trong cuốn Cây bút, đời người (Tô Hoài và những nghiêm chỉnh của kiếp phù du) dường như chỉ mới là những nét phác thảo nên Vương Trí Nhàn đã công bố tiếp bài viết khá công phu, sau bảy năm: VƯƠNG-TRÍ-NHÀN: TÔ HOÀI -nhìn từ một khoảng cách gần.
Nếu như ở Tô Hoài và những nghiêm chỉnh của kiếp phù du chỉ là những nhận xét còn thận trọng, dè dặt, như:
“…đây là một người có cách sống cách làm việc phù hợp với nghề, do đó, đời cầm bút thật bền mà cũng thật hiệu quả. Sau hơn 50 năm lao động chữ nghĩa, con người đó vẫn làm việc đều đặn tưởng như có viết vài chục năm nữa cũng không hết việc…Dông dài mà thiết thực, chuyện của Tô Hoài là chuyện của người đang sống đang lo toan vui buồn về cái hàng ngày, như mọi người khác… Tô Hoài có thể mang vào đó đủ thứ chi tiết linh tinh của “thời mở cửa” mà người ta khó nghĩ là một ông già bảy mươi lại có thể còn để ý tới. Sau thời bao cấp, không ít nhà văn lúng túng…Về phần mình, Tô Hoài có vẻ như không chút ngạc nhiên. Đã già từ lúc còn trẻ, nay về già ngòi bút ông lại trẻ lại. Ông vẫn đi họp, làm báo, chủ tọa hội nghị, và lại viết khỏe. Nhiều lần tôi đã tự hỏi, vì sao Tô Hoài lại có được sự trẻ khỏe dẻo dai như vậy? Ở đây, hẳn có những phần thuộc về sự rèn luyện của ông, lâu ngày thành một thói quen không cần cố gắng. Và trước bao thay đổi hàng ngày, con người ông vẫn dễ dàng thích ứng. Ông thường sống đúng như ông có, biết lui biết tới, biết lẩn tránh, nhưng cũng biết đối mặt trước mọi sự tọc mạch”...
Và trong mọi việc lại thấy hiện ra một Tô Hoài lõi đời, sành sỏi, con ruồi bay qua không lọt khỏi mắt! Những chuyến giang hồ vặt không một đồng xu dính túi; cái miên man cuốn hút khi dông dài giữa đám cầm bút nhà nghề, những chuyến viễn du, mãi tận Huế, tận Sài Gòn, Dầu Tiếng, cái tự nhiên không dễ có khi một mình về công tác tại một bản Mèo thấp thoáng giữa triền núi cao... bao nhiêu từng trải, như còn in dấu vào cách sống, cách chuyện trò của Tô Hoài hôm nay, bên cạnh cái nhũn nhặn lảng tránh, con người ấy thật cũng đã nhiều phen phải dàn mặt, phải chịu trận, nói chung là phải đối chọi với đời và nếu như có lúc phải đầu hàng thì đó cũng là bước đường cùng, rồi, nín nhịn chẳng qua để tồn tại, và sau hết, để được viết.
Có một thoáng gì đó, như là một chút hư vô trong con người thực dụng Tô Hoài chăng? Một nhận xét như thế là đầy mâu thuẫn, nhưng biết sao được, con người mỗi chúng ta trong những năm này bị bao sức mạnh xâu xé, kể sao cho xiết! Một chút khinh bạc có từ rất sớm (bản thân Vũ Ngọc Phan vốn rất hiền từ cũng phải nhận ra và lên tiếng cảnh cáo, khi đọc Quê người, O chuột...), cái khinh bạc đó hẳn không bao giờ mất hẳn. Cộng thêm vào đó là bao nhiêu ngọt bùi cay đắng đã đến trong cuộc đời một người viết văn, một người cán bộ, những phút bốc đồng và những lần tỉnh mộng, những lầm lỡ và man trá xen lẫn vào giữa những chân thành ngây thơ, cuộc bể dâu diễn ra ngay trước mặt. Khi đã trải tất cả những sự đó rồi, cái hư vô sẽ như một thứ ánh sáng mờ mờ giúp cho người ta sống nhẹ nhõm hơn và tự do hành động hơn. Lúc này, hư vô đã trở thành một điều kiện bắt buộc để sống, hư vô là một thứ thuốc an thần cho những kẻ ham hành động, nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo, để hiểu rằng hành động của mình cũng rất có thể chỉ là vô nghĩa.
Không chỉ một lần, hình ảnh phù du như một ám ảnh trở về trong một số trang văn hồi ký, nó là những trang mang nặng tâm sự Tô Hoài. Những khi có việc đụng chạm đến toàn bộ cuộc đời viết văn của mình, ông phải nhớ tới nó. Là phù du, những năm tháng dong nhan chơi bời viết lách trước cách mạng. Là phù du những chuyến viễn du mãi tận phương trời xa thẳm. Mà cũng là phù du, những khi cố gắng viết nốt những trang cuối cùng của một quyển sách tầm tầm. Tưởng dã qua hẳn rồi, nhưng không phải, làm sao quên được sự phù du khi hàng mớ năm tháng quàng lên vai, càng sống càng thấy nhiều điều ngang trái. Có cần nhìn đi đâu xa, hãy nhìn cuộc đời những đồng nghiệp gọi là thành đạt sống ngay bên cạnh: Nguyễn Tuân được tiếng ngang ngạnh, rồi cũng là một Nguyễn Tuân phải khéo xoay xở để tạo ra cảm giác không bị ai quên, và nhất là một Nguyễn Tuân buông xuôi bất lực, muốn đi mà không đi được, muốn nói khác mà không nói được, khối cái đã tính nát ra định viết lại thôi. Xuân Diệu loay hoay giữa những bài thơ thù tạc và những bài nói chuyện đi theo lối mòn, Xuân Diệu nhuộm tóc cố làm ra trẻ, ham ăn ham uống, lúc chết mỡ quấn vào tim. Một Nam Cao tâm huyết lại mất sớm, coi như đã xong. Nhưng bao kẻ sống sót sau những cơn giông tố, mấy người sống được đúng tầm người của mình, hay lại chui lủi trốn tránh, hoặc lá mặt lá trái, dối dá qua ngày? Sự khinh bạc muốn gạt đi, nó cứ tìm đường quay trở lại. Rồi chính mình cũng đánh mất mình và nhìn đi nhìn lại, chỉ có thời gian là chiến thắng, là không thể đảo ngược. Cái phương châm sống cuối đời rút lại là ở hai điểm:
Một là làm thật nhiều muốn viết gì thì viết, không định bụng thế này thế kia, mà cũng không sợ mang tiếng khi viết.
Hai là không coi mình là quan trọng, chấp nhận hết thảy. Giữ được từng phút cảm động ngạc nhiên nho nhỏ, nhưng không còn gì ngạc nhiên trên những cái lớn
Thực hiện điểm thứ nhất thật không gì dễ hơn, nhất là khi người ta đã có trên 150 đầu sách như Tô Hoài.
Còn điểm thứ hai? Bảo là biết điều, là khiêm tốn có lẽ không phải. Ai đâu còn trẻ con thế! Sống cho nhẹ nhõm là cách tốt nhất để bảo toàn mình. Lại nhớ những câu Kiều mà thuở mới lớn, đã cùng với nhiều bạn thợ cửi, ngâm đi ngâm lại không biết chán: Nàng rằng thực dạy quá lời / Thân này còn dám coi ai làm thường!
Loanh quanh một hồi hóa ra chưa thoát khỏi chỗ xuất phát ban đầu? Nhưng với Tô Hoài lúc này, mọi sự khen chê không còn ý nghĩa. Trong cái thế kỷ đa đoan chúng ta đang sống, dẫu sao ông cũng đã luôn luôn dập dềnh trên mặt sóng. Tháng bảy và tám 1997, ông đến Đà Lạt ngồi viết xong một tập hồi ức, có tên là Chiều chiều. Chắc chẳng ai không hiểu đấy là chủ tâm “chiều chiều cuộc đời”, nhưng ông vẫn không quên ghi thêm hai câu ca dao cổ: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai” cho tơ liễu và lửng lơ đôi chút. Âu lại cũng vẫn những cái tạng Tô Hoài”....
- thì đến Tô Hoài - nhìn từ một khoảng cách gần, những nhận xét của Vương Trí Nhàn đã mạnh dạn, sắc sảo hơn rất nhiều (những đoạn ghi chép kiểu như Nhật ký giống như những thước phim tài liệu chân thưc, sinh động):
“…Văn Tô Hoài không gợi cảm giác sang trọng mà thường ăn ở cái vẻ miên man không cùng; sinh động tự tin, nhưng lại vẫn có chút hậm hụi, hèn hèn tội tội như thế nào đó. Một câu trong Xóm giếng ngày xưa “Tôi vẫn quen với những nhem nhọ “.
Về kỹ thuật viết
Tô Hoài mạnh nhất khi tả phong cảnh, tả những ấn tượng của người viết. Từ đoạn này sang đoạn khác, nhiều khi chuyển rất đột ngột, không đếm xỉa gì đến người đọc. Nhưng vì cái duyên, người ta bị hút ngay vào những đoạn rẽ ngang rẽ dọc đó.
Tôi nghĩ rằng Tô Hoài không biết rõ nhân vật và ông không để ý đến nhân vật bằng phong cảnh.
Các loại nhân vật
Chỉ có một lần, Tô Hoài tả nhân vật có chí khí và có tầm nhìn xa - Dế mèn.
Chỉ có một lần, Tô Hoài tả loại người quật khởi - đó là A Phủ.
Còn ngoài ra các nhân vật của ông đều là là sát mặt đất; pha tạp, không thuần nhất; mặt mày nhòe nhoẹt; tồn tại theo kiểu khật khà khật khưỡng. Người ta hơi khó nghĩ khi xếp họ vào những loại người cụ thể. Nhiều người là loại tầm thường.
Sự tồn tại giữa đời
Mỗi lần nghĩ đến Tô Hoài, tôi vẫn lạ vì sao có một người khinh người rẻ của như vậy, lạnh lùng như vậy, mà vẫn sống giữa người đời rất nhẹ nhàng, và đi đâu cũng lọt. Hay là sự chân thành của Tô Hoài và người đời cũng rất thật mà tôi chưa nhận ra
…Bề ngoài có tính chất dân gian, song thực ra đó cũng là một quan niệm hiện đại về thế giới này, ở đó con người vừa có mặt, vừa vắng bóng; mọi hoạt động vừa là làm, vừa là chơi; tác phẩm vừa là tinh túy, vừa là độn; con người vừa là cán bộ, vừa là dân thường. Dễ từ bỏ nhau, dửng dưng với nhau, như đã dễ gần gũi với nhau.
…Trong bài viết về Nguyễn Bính, Tô Hoài bảo trong đời sống văn học trước 1945, người lẫn với ma, đó là cái thời nửa người nửa ma. Theo nghĩa này có thể bảo chính ông như một con ma, trong ông có một con người nghĩ ngược với những điều đang viết. Lúc nào ông cũng có nhu cầu tố giác mọi người, lật tẩy mọi người - kể cả lật tẩy chính mình. Lúc nào ông cũng đắm đuối trong một vài ý nghĩ tinh quái nào đó.
Trong con mắt những đồng nghiệp
Tô Hoài cũng có cái nhân bản của mình, chỉ có điều cái nhân bản đó, không có được cái tầm như ở những ngòi bút kiệt xuất.
Con người làm bằng chất dẻo
Nói chung, theo Ý Nhi, Tô Hoài tỉnh bơ như không, khi nghe người khác chỉnh mình, cười mình, vạch cái xấu của mình.Tôi nghĩ, ông như có cái khóa tốt, khóa tạch lại một cái, thế là mọi ý kiến về ông ở ngoài.
Theo nghĩa rộng, Tô Hoài rất khớp với xã hội Việt Nam hôm nay. Đọc lại Tự truyện, thấy tưng tức. Người tài quá, mà lại cũng khinh người rẻ của, ma giáo quá.
Một kiểu làm ăn tùy tiện
Thỉnh thoảng liếc qua báo Người Hà Nội, tự nhiên thấy nhếch nhác quá. Mà do Tô Hoài làm đấy.Từ người phụ trách báo đã khinh thường tờ báo của mình biết bao.
Một lúc nào đó tôi buột miệng nói: nếu tất cả chúng ta đều là cặn bã, thì loại như Tô Hoài vừa là cặn bã của xã hội cũ, vừa là cặn bã của xã hội mới.
Đọc lại bài viết Núi Cứu quốc (Nguyễn Đình Thi), thấy có câu “Tô Hoài thú Việt Bắc nhưng không yêu Việt Bắc.”
Có lẽ với cả cuộc đời này cũng vậy, Tô Hoài đâu có yêu. Một mặt, đó là người chả có nguyên tắc sống gì (dân ngoại ô không có nghề chuyên, chỉ đi làm thuê, việc gì cũng có thể làm; người ta chỉ thuê một lần, sau này cũng chả nhớ mặt nhau nữa). Mặt khác, đó lại là một cán bộ biết vươn lên trong xã hội, cũng thích công danh lắm.
Phan Thị Thanh Nhàn bảo: Bây giờ Tô Hoài vẫn bảo là không phải làm báo cho bạn đọc, mà là làm báo cho tuyên huấn họ đọc.
Tầm vóc văn chương
Đọc những nhà văn lớn ở nước ngoài, thấy rõ người ta định lớn - người ta muốn cạnh tranh cả với Chúa! Các nhà văn VN ở trình độ khác. Từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân tới Xuân Diệu Tô Hoài, luôn luôn ở người ta chỉ có cái ao ước là tìm ra một chỗ đứng trong đời sống, len lỏi để có thể bám trụ được, và từ đó nhìn ra với nụ cười hể hả: ta không chết.
Và nỗi lo lớn nhất là cạnh tranh với các đồng nghiệp ghi điểm trước đồng nghiệp.
Niềm tự tin
Trong Tô Hoài có chất của dân buôn bán Bắc bộ, nghèo nàn, chắc lép; lại có chất của dân công chức thuộc địa, cốt làm xong việc lấy lương, còn đâu kệ thằng Tây; có triết lý của người người hư vô, thây kệ đời bởi hiểu mọi cố gắng chỉ vô ích, vậy thì cứ sống cho thoải mái, đến đâu hay đến đấy. Tô Hoài là một hãng hàng thật hàng giả đều làm được, cũng biết người biết của, mà nhìn chung đối với sự đời chả coi cái gì ra gì hết.
Những năm chín mươi
Sức sống của nhà văn này cho tôi hiểu thế nào là sự phong phú của con người, nhất là loại người từng trải. Có thể nói ở mỗi con người loại này có những con người khác nhau. Trước công việc, một con người khác - đôi khi là Chúa - chi phối anh ta. Trong khi đó, thì ngoài đời, anh ta vẫn tiếp tục phiêu lưu, lang thang, hưởng thụ, hư hỏng.
Phan Thị Thanh Nhàn kể : Ông Tô Hoài làm ở cơ quan báo, lại Hội nữa, ăn hai lương như Bằng Việt, mà chả bao giờ đến cơ quan cả.
…Cơ quan có cô N. làm văn phòng. Ông Tô Hoài dùng nó, nể nó. Đùng một cái, nó xin vào Hội. Anh em thấy chuế, ông Tô Hoài cũng thấy chuế. Cho nó vào thì ra làm sao nữa.
Có người như Bằng Việt nói thẳng, thôi N. ơi chờ chút đã, để bọn này viết cho N. mấy cái truyện hoặc mấy bài thơ rồi ký tên N. đã, N. hãy vào. Nhưng N. nó không chịu.
Đến ngày Ban chấp hành bỏ phiếu thì ông Tô Hoài vắng một cách cố ý.
Ấy, ông cứ sợ một đứa khùng dại như vậy để rồi có lúc ông coi thường cả một đại hội.
Người khác tham lộ mặt. Ông ấy thì lẩn khuất kín đáo. Khi có hai bên tranh nhau thì ông ấy nhường ngay. Chỉ khi nào, ở chỗ nào không ai để ý, ông ấy mới bổ nhào, và người ta phải chịu.
Cái mà tuổi tác mới dạy cho ông ấy chăng ? Không, từ trẻ ông đã thế.
Là cái mà văn hóa Việt Nam nó thấm vào ông nữa.
Con người trong Tô Hoài
Đọc lại Dế mèn. Đúng là có một tính cách, sự khao khát, ý tưởng hành động. Nhu cầu muốn làm việc lương thiện. Sự sòng phẳng, chấp nhận những lầm lỡ của con người mình.
Tính cách kiểu Dế mèn là tính cách thông thường của con người lập nghiệp, tuy không có cái sắc cạnh, cái quá đáng, cái gần như không thể bộc lộ được. Lại cũng đã bắt đầu thích chức vụ xã hội.
Nhưng ngoài Dế mèn, thì các nhân vật khác đều lặt vặt không có con người nào như Dế mèn. Trong truyện Tô Hoài trước cách mạng, loại con người hiện ra vớ va vớ vẩn đông hơn nhiều.
Trong một phiếm luận, tôi đã từng chứng minh những variant khác nhau mở ra trước nhân vật Tô Hoài trong việc mưu cầu hạnh phúc. Có vẻ như Tô Hoài muốn đưa ra cả loạt, một cụm mà lại không có một phương án nào là rõ rệt.
Tô Hoài không thật yêu một con người nào, một kiểu tính cách nào. Các loại nhân vật chỉ để vẽ phác, và đều nham nhở. Nhân vật không có những khao khát lớn. Nhân vật không có cái đắm đuối như các nhân vật của Nguyên Hồng. Bước đi loạng choạng, ý định thú tội - nhớ có một nhân vật Nguyên Hồng được tả như vậy. Gắn liền với ý thức về tội lỗi, khao khát chuộc tội. Sự thông cảm kỳ diệu với thiên nhiên, thấy ở đó một biểu hiện của Chúa, những cái ấy có ở những trang đặc sắc nhất của Nguyên Hồng.
Cuộc đời trong Tô Hoài thì lẩn mẩn rất nhiều chi tiết mà người bình thường quen thuộc nhưng lại hay bỏ qua. Đọc Tô Hoài người ta có thích thú nhưng không sửng sốt. Nhân vật trong Tô Hoài thiếu hẳn bản sắc riêng, cái thật nổi trội kỳ lạ. Có vẻ như họ sát ngay mặt đất, họ dễ lẫn đi giữa những người khác.
…Lạ thật, một mặt thì Tô Hoài rất tiêu biểu cho lối làm việc của nghệ sĩ Việt Nam, loanh quanh tả cái cây cái lá với những chuyện vặt vãnh. Mặt khác, ông lại là người có lối làm việc của nhà văn hiện đại. Ông sớm viết hồi ký, viết ngay từ hồi 22-23 tuổi - tập Cỏ dại. Hình như ông hoàn toàn hiểu rằng nhà văn còn biết viết về những gì khác ngoài chính mình nữa !
Bên cạnh cái phần đôn hậu, sự ma mãnh là một thứ bản chất thứ hai Tô Hoài, nó giúp cho ông tồn tại nhưng cũng kéo thấp ông xuống.
- ma mãnh nghĩa là sẵn sàng làm bậy, nói dối, viết ẩu, len lỏi để sống.
- ma mãnh nghĩa là cứ tự nhiên mà thành, mưu mô lặt vặt xoay xở tầm thường cũng là tự nhiên, và không đủ sức vươn lên thành trí thức, vươn lên trong kiến thức, sách vở, phiêu lưu vào những khu vực thiêng liêng của đời sống tinh thần.
Về quyển hồi ký Cát bụi chân ai
Từ hồi gặp nhau ở Moskva, Tô Hoài đã nói với tôi về ông Tuân, phải viết về ông ấy, viết chứ, nhưng không phải là kính viết mà viết một cách như là vẫn sống với ông ấy vậy.
Cả quyển viết về Nguyễn Tuân. Mở đầu bằng câu tôi kém Nguyễn Tuân 10 tuổi. Và đến cuối là đoạn có người đến báo Nguyễn Tuân chết. Theo cách trình bày của Tô Hoài, thấy ông không định viết Nguyễn Tuân cho sang mà kéo Nguyễn Tuân gần với mình, để rồi, cũng vẫn không quên cái điều căn bản, thực ra Nguyễn Tuân là Nguyễn Tuân mà mình vẫn là mình. Cái hiện tượng Nguyễn Tuân với Tô Hoài không gì khác, là chính văn học, là chính đời sống, chúng ta không lựa chọn cuộc đời này, ta sống với nó, vừa hăng hái thiết tha, vừa uể oải chán chường. Chưa bao giờ, chưa ở chỗ nào, tôi thấy Nguyễn Tuân như ở đây, nghe giọng toàn là thứ thiệt cả. Mặc dù luôn luôn nghi ngờ Tô Hoài, cho Tô Hoài là khôn, ranh, giấu mặt, song Nguyễn Tuân vẫn không bỏ được Tô Hoài, vẫn thấy đấy là một phần của cuộc đời mình. Theo cách nhìn của Tô Hoài, ở con người khinh bạc ấy, vẫn có biết bao tha thiết.
Đoạn cuối, tả Nguyễn Tuân già yếu, bất lực, tiếc đời, lụn bại, đúng với tình thế một người hết thời, nhưng cũng cho thấy một cuộc đời qua đi, chớp mắt một cái, thế là đã xong hết cả. Nhưng mấy hôm nay, người trong giới bảo nhau (tôi nghe Nguyên Ngọc bảo) là sách không in được đâu, trên chưa định thanh toán cái hóa đơn này đâu.
Tô Hoài: Nhưng ở tuổi tôi, tôi phải viết thế chứ còn gì nữa!”.
Ta có thể tạm dừng nói về việc viết chân dung Tô Hoài của Vương Trí Nhàn bằng một nhận xét bao quát về chân dung Tô Hoài qua việc Tô Hoài viết chân dung Nguyễn Tuân bằng cuốn Cát bụi chân ai:
Nhưng dẫu sao, Cát bụi chân ai vẫn là một cuốn hồi ký. Dù bóng dáng của Nguyễn Tuân có trùm lên cả quyển sách, thì cạnh đấy, vẫn hiện lên mồn một cái bóng dáng chính của người viết, một Tô Hoài lịch lãm, ý nhị, bắt vở hết các bậc đàn anh, biết thóp đủ mọi chuyện, khinh bạc, đáo để, song cũng lại biết thiết tha với từng chi tiết trong cuộc sống hàng ngày, lại càng tha thiết trước một chén rượu quý, mấy câu tâm sự bâng quơ, những lá thư cảm động.
*
Với Xuân Diệu, cùng là một kiểu nhà thơ, nhà văn “đồ sộ” và cũng có ngàn lẻ một chuyện hư có, thực có bao bọc xung quanh. Vì thế, viết về Xuân Diệu vừa dễ, vừa khó. Dễ vì có rất nhiều “tư liệu”, khó vì phải biết đãi cát tìm vàng, chọn lấy những gì “Xuân Diệu nhất”. Và phải nói ngay, Vương Trí Nhàn đã biết chọn lựa những chi tiết chỉ Xuân Diệu mới có…Có một số nhà nghiên cứu, phê bình văn học chú ý đến sự ám ảnh của thời gian trong thơ Xuân Diệu và coi đó là một sự chi phối lớn đến nội dung cũng như phong cách nghệ thuật của thơ Xuân Diệu. Song, chưa ai thấy được rằng đó chỉ là biểu hiện “bằng thơ” của một con người Xuân Diệu thực dụng, mà trong bài viết về chân dung Xuân Diệu, Vương Trí Nhàn đã nhận ra:
“…Cái đích mà ông khao khát chiếm lĩnh là những giá trị còn mãi trong đời. Việc tìm hiểu giới thiệu các tác giả cổ điển, với tất cả sự khó khăn có thể có của nó, chừng nào đó, vẫn bảo đảm cho Xuân Diệu có điều kiện đến với cái đích đã đề ra. Việc ông sốt sắng lao vào nó hết mình là kết quả của cả tình yêu lẫn một sự tính toán khá chính xác.
Đến đây, chúng ta lại có dịp đối diện với một khao khát thường trực mà cũng là một động cơ chi phối toàn bộ con người Xuân Diệu, nó như nhiên liệu, tạo nên năng lượng cho mọi hoạt động của cái cỗ máy tinh vi trong con người tác giả Thơ thơ, đó là khao khát vượt lên trên thời gian, trở thành vĩnh cửu.
…Tuy nhiên, vấn đề sống chết là cả một câu chuyện lớn và trong cái ham muốn phổ biến là trở thành bất tử, con người ta cũng tự chứng tỏ nhân cách của mình, trình độ hiểu cuộc sống của mình. Nếu như đã không biết sống cái ngày hôm nay, thì làm sao người ta có thể biết sống trong vĩnh viễn?!
…Ở trên, chúng ta nói, do ham sống Xuân Diệu rất sợ chết và nỗi sợ ấy của Xuân Diệu đôi khi bị đẩy đi quá đà, đến chỗ quá quắt.
Đầu năm 1984, Tuyển tập Xuân Diệu, tập I (thơ) ra đời trong sự chờ đợi. Ai cũng mong tác giả sẽ gạn đục khơi trong tạo ra cho mình một khuôn mặt khả ái. Nhưng không! Người tuyển quá tham, lấy vào tuyển quá nhiều bài thơ dở. Khi tôi hỏi Vũ Quần Phương, tại sao lại thế, thì được Vũ Quần Phương cho biết cố nhiên là Xuân Diệu có tham gia vào công việc. Và khi có người bàn rằng nên làm cho tinh, thì Xuân Diệu bác đi: “Các cậu buồn cười thật. Chưa phải lúc làm tuyển làm tiếc gì cả. Giống như khi cháy nhà lúc này làm sao biết được cái gì hay với cái dở. Thấy bài nào bạn đọc chưa biết hãy nhặt vào đấy, sau này lịch sử định liệu”.
Ở đây, có cả sự biết điều chân thành lẫn sự khôn ngoan hám lợi thô thiển.
…Để công chăm lo dựng tạo hình ảnh của mình với hậu thế là một việc mà không ít nhà thơ nhà văn lớn nghĩ tới, song cái cách làm của Xuân Diệu trong nhiều trường hợp thật đã là “làm lấy được”.
Vào những năm ấy, nhà phê bình P. còn đang thao túng đời sống văn học. Ông sớm bắt tay làm những cuốn sách mang tính chất tổng kết, giống như một thứ đúc bia tạc tượng các nhà văn lớn đương thời. P. bảo với Xuân Diệu: - Anh tặng sách tôi như mang tiền gửi nhà băng, không có đi đâu mà thiệt.
Câu nói quả đã đánh trúng tim đen Xuân Diệu. Bởi vậy mặc dầu trong thâm tâm không thích gì P., ông vẫn biếu sách và ông giải thích phải qua P. để đến với các sinh viên đại học.
Thậm chí đây đó còn có thể nói trong việc tìm cách đưa mình vào vĩnh cửu Xuân Diệu có lúc đã đi sát tới cái chỗ như là... đẽo gọt đời mình cho vừa với lịch sử nữa. Ông sẵn sàng giấu diếm một đôi điều, nếu điều ấy không có lợi cho tên tuổi ông, uy tín ông trong tương lai.
…Sự thực dụng của Xuân Diệu trong việc này vốn có từ trước Cách mạng. Chúng ta đã biết hồi mới ra Hà Nội, ông đã vô cùng tha thiết với việc tham gia vào nhóm Tự Lực. Thế nhưng, khi nhóm này tan, thì tình nghĩa của ông với các bạn cũ cũng cạn luôn, ít ra là ở bề ngoài ông làm cho người ta hiểu như vậy. Trong khi một người như Tú Mỡ nhiều năm sau còn nhắc đến những kỷ niệm về Nhất Linh, Khái Hưng thì Xuân Diệu không bao giờ đả động đến những ngày làm việc ở Phong hóa, Ngày nay.
Thơ thơ in ra lần đầu (1938), bên cạnh hai chữ Xuân Diệu, còn chua rõ trong Tự Lực văn đoàn. Đến khi in ra lần thứ hai, mấy chữ trong Tự Lực văn đoàn đã bị cạo hẳn. Từ sau 1945, cái việc chia tay với Tự Lực còn được làm một cách ráo riết hơn nữa.
Nhật ký kháng chiến của Bùi Hiển (1946-47) còn ghi rõ vào những năm ấy, ở thành Vinh, Bùi Hiển có dịp gặp gỡ đủ mặt văn nghệ sĩ từ Nguyễn Tuân đến Hồ Dzếnh. Lạ một điều, là vừa gặp, Bùi Hiển đã được nghe Xuân Diệu phân bua: từ 1940 về trước, khi mới đến với văn đàn, Xuân Diệu còn phải nương tựa vào đám Tự Lực để lấy tiếng. Chứ thực ra có tình nghĩa gì đâu.
…Chúng ta đều biết, so với Hoài Thanh, Chế Lan Viên, là những người có lúc triệt để phủ nhận Thơ mới, thì Xuân Diệu có phần phải chăng hơn. Với những đứa con tinh thần đã dứt ruột đẻ ra, ông kiên trì bảo vệ đến cùng. Khi làm Tuyển tập của mình, ông đã lấy lại gần hết cả Thơ thơ lẫn Gửi hương cho gió. Kể ra, lúc đó phải coi là một hành động dũng cảm. Nhưng đây là một vài biểu hiện của thái độ phi lịch sử khá khéo léo ở Xuân Diệu: Nếu khi khai sinh, nhiều bài thơ của ông có lời đề tặng ở bên cạnh như Đi thuyền tặng Khái Hưng, Đây mùa thu tới tặng Nhất Linh, Vô biên tặng Hoàng Đạo thì trong công trình mà ông đích thân tham gia chuẩn bị là Tuyển tập Xuân Diệu ở trên vừa nói, những dây mơ rễ má đó, được ông xóa sạch.
…Sợ liên luỵ vì những người bạn cũ, trong các tài liệu chính thức, chẳng hạn, tiểu sử bản thân, đề ở đầu Tuyển tập Xuân Diệu (mà đọc kỹ thấy đúng giọng ông, tức do ông tự tay viết ra), nhà thơ giấu biệt chuyện mình từng là một thành viên của Tự Lực.
Và có lẽ chịu sự chi phối của ông - những lời năn nỉ thiết tha - nên các tài liệu nghiên cứu về ông, các giáo trình đại học viết về văn học trước 1945, hoặc trong Từ điển văn học in ra 1984, chuyện này cũng được lờ đi hoàn toàn.
…Đúng là Xuân Diệu chưa kịp viết hồi ký. Nhưng giá có viết nữa, thì chắc ông không định viết tiểu sử như ông có thực, mà sẽ chỉ viết tiểu sử của ông như nó nên có, như ông muốn bạn đọc biết.
Thậm chí đây đó còn có thể nói trong việc tìm cách đưa mình vào vĩnh cửu Xuân Diệu có lúc đã đi sát tới cái chỗ như là... đẽo gọt đời mình cho vừa với lịch sử nữa. Ông sẵn sàng giấu diếm một đôi điều, nếu điều ấy không có lợi cho tên tuổi ông, uy tín ông trong tương lai”.
*
Với “Người tài tử, lãng tử” Nguyễn Tuân, Vương Trí Nhàn đã có cái nhìn thấu đáo. Trước hết là Vương Trí Nhàn đã quan niệm đúng : người tài tử, lãng tử là những người có tư cách, không chịu cúi luồn, khinh bạc, ham chơi. Có điều, cách chơi của họ rất khác đời. Sự say sưa khi cầm trên tay quân bài lá bạc, hoặc chén rượu ngon, đối với họ, không phải là mục đích cuối cùng. Giữa một xã hội phong kiến cào bằng nhân cách, trói buộc người ta trong những quy ước tẻ nhạt, cách chơi của những bậc tài tử này là lối chơi của kẻ thạo đời, đã đọc đủ sách thánh hiền nhưng vẫn chán, đành lấy việc chơi đùa để khẳng định chỗ hơn người và cả khát vọng tự do của mình. Và con người tài tử, lãng tử ở Nguyễn Tuân đã được Vương Trí Nhàn cắt nghĩa rõ ràng:
“Sở dĩ Nguyễn Tuân có thể diễn tả thành thục người và cảnh Vang bóng một thời, bởi xét trên nhiều phương diện, ông vốn là một tài tử nhà nòi, đã sống thật chín, thật kỹ cái nếp sống phong kiến trái mùa kia, tức bản thân ông là một kiểu người vang bóng. Thận trọng và tinh tế, hay nghĩ về đời nhưng lại khinh bạc quay mặt đi vì biết không làm sao xoay chuyển được cuộc đời, ham tìm những cái đẹp tao nhã, sẵn sàng bạn bầu cùng một ánh trăng suông, một nhành hoa lạ..., những đặc tính ấy của Nguyễn Tuân thật ra là một sự thừa kế có phần tự nguyện nhưng cũng có phần bất đắc dĩ từ nhiều bậc tiến bối. Ông sống trong những cung cách sống xưa một cách tự nhiên, cứ để cho nó tha hồ “hành” mình và tự nó ngấm vào mình lúc nào không biết. Vào cái thời mà Nguyễn Tuân lớn lên, những năm ba mươi bốn mươi của thế kỷ này, loại người giữ được cái chất tài tử ấy đi dần đến chỗ tuyệt chủng, nhưng chính vì thế, còn rơi rớt lại ở người nào đó, nó càng bền chắc và nhiều khi phô ra cái vẻ khá sặc sỡ.
Một lý do nữa khiến cho cái bản chất lãng tử kia ở Nguyễn Tuân ngày càng được ông giữ gìn là nó có một vai trò đặc biệt giúp ông lập nghiệp. Nó cần cho ông trong đời. Bởi vậy, ông phải để tâm chăm chút nó và ông đã làm điều này một cách có ý thức. Gắn bó với quá khứ trong khi lịch sử đang sôi nổi nhiều biến động, giữ lấy chất lãng tử tự do trong lòng một xã hội thực dụng - ở một đôi người, cách sống ấy nhiều khi đã gợi nên cảm tưởng về một cái gì trái khoáy, lạc lõng, y như cảnh “bức sốt nhưng mình vẫn áo bông” mà Tú Xương đã tự chế giễu. Nhưng Nguyễn Tuân không ở vào cái thế bị động đó, bởi ông có một nghề lạ, là nghề viết văn, viết báo. Quá trình chuyên môn hóa rất mạnh trong lòng xã hội tư sản không làm con người nền nã trong bộ y phục cổ này ngần ngại. Ngược lại, với sự hỗ trợ của sách vở và kiến thức, với sự hiểu biết sâu sắc về hoàn cảnh, ông có ngay sự thích ứng tối ưu. Nương theo tình thế để sống, lấy ngay sự gắn bó với quá khứ làm chỗ mạnh để chọi với đời, con người ông trở thành một thứ hàng cao giá mà xã hội lúc đó không phải là không có yêu cầu (dù chỉ là yêu cầu rất ít).
Nếu có một thứ nghề sống, nghề làm người như cách nói của nhà văn ý Pavese (2) thì Nguyễn Tuân trước đây quả thực đã là một tay nghề có hạng, với nghĩa tốt đẹp của chữ “có nghề” này.
Giữa một cuộc sống trần tục xô bồ, trước sau ông vẫn là một nhà văn xem trọng sự thiêng liêng nghề nghiệp và sống với nó thành kính thật sự.
Nhìn lại cả đời văn Nguyễn Tuân, chúng ta thấy gì? Chúng ta nghĩ đến sự công bằng. Ai đối xử với nghề nghiệp ra sao, sẽ được nghề nghiệp đối xử lại như vậy. Cố nhiên, rộng hơn câu chuyện tác phẩm còn có câu chuyện về chính con người đã tạo ra các tác phẩm này nữa. Trong sự độc đáo của mình, cuộc đời Nguyễn Tuân có hấp dẫn chúng ta, nhưng suy cho cùng, đó không phải là lối nêu gương để chung quanh bắt chước. Không, Nguyễn Tuân không thể làm thế. Với tất cả cái hay cái dở, cái tài cái tật vốn có, lời kêu gọi của ông giản dị hơn: Mỗi người hãy sống đúng với bản sắc của mình.
Thật vậy, sau khi nói rằng sự làm người là nghiêm chỉnh, rằng chúng ta phải sống đúng sống tốt, như cái phần lương tri trong chúng ta vẫn yêu cầu, cuộc đời Nguyễn Tuân như còn muốn nhắn nhủ thêm một điều này nữa: muốn hay không muốn mỗi chúng ta đều là một thực thể đơn nhất, riêng biệt, không giống một ai khác và không ai thay thế nổi. Khi điều đó không phụ thuộc vào ý muốn của riêng ai mà là một cái gì tất yếu “không thể sửa chữa” thì tại sao chúng ta không tạm bằng lòng với mình, yên tâm là mình, nó là điều để ta tự vệ tức tránh bớt được những dằn vặt vô ích, mà biết đâu đó chẳng phải là một cách giúp ta để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng đồng loại và do đó trở nên có ích hơn hết?”.
…Nhà văn như kẻ đi đường không bao giờ mệt mỏi. Nhưng chữ đi ở Nguyễn Tuân vốn không chỉ bó hẹp vào sự di chuyển trong không gian mà có nghĩa rất rộng: “Ngay cả lúc anh đăm đăm ngồi trước trang giấy trắng lạnh phau giữa phòng văn, anh cũng vẫn là một con người đang đi. Đi vào cái đêm làm việc của mình. Đi cho đến chỗ tận cùng của đêm mình”. Cái dạng đi này của Nguyễn Tuân còn ít được nói tới, nhưng thật ra, chính nó lại là khía cạnh quan trọng bậc nhất trong con người Nguyễn Tuân mà những người yêu mến văn ông cần biết.
Có lẽ cũng cần dẫn lại đây bức chân dung Nguyễn Tuân bằng thơ của Xuân Sách để bổ sung cho bài viết của Vương Trí Nhàn (Lấy trong bài Xuân Sách hay là một đặc sản văn chương):
Một mắt lư đồng một mắt cua
Chém treo ngành toàn chém a dua
Hà Nội đánh Mỹ giỏi, thua bác
Cả đời ăn phở chẳng cần mua...
*
Chân dung Tế Hanh được lấy từ tên một bài thơ trong tập thơ đầu “Nghẹn ngào”, cũng là bài thơ được Hoài Thanh chọn giới thiệu Tế Hanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam: Tế Hanh, Lời con đường quê. Phải nói ngay rằng, đây là một chân dung có vẻ đẹp toàn bích và cảm động nhất trong Cây bút, đời người. Xin trích lại ra đây những đoạn, những câu mà tôi cho là đạt nhất, nói được nhiều về Tế Hanh nhất:
…Hình như con người này không có thói quen phải đối diện với cả một đám đông cử tọa. Có mặt giữa mọi người mà ông vẫn mải mê chạy theo những ý nghĩ của mình, đầu óc để tận đâu đâu, chỉ thỉnh thoảng chợt nhớ ra một điều gì đó ông vỗ vai thầm thě vào tai người ngồi cạnh, rồi lại ngơ ngác suy nghĩ tiếp, hoặc xách túi lẳng lặng chia tay anh em trước. Chắc chắn đó không phải là người của những cuộc đối thoại say sưa! Mà trước tiên, đó càng không phải là người của những ý tưởng nồng nhiệt, nói ra có thể làm đảo lộn đầu óc, hoặc gây ấn tượng thật đậm với những người chung quanh! Thành thử ngay khi Tế Hanh ngồi giữa đám đông, người ta vẫn thấy ở ông nhu cầu trao đổi trò chuyện một hai câu với một người nào đó thật ra là một biến tướng của nhu cầu độc thoại, kết quả sự đắm chìm triền miên của ông vào bản thân mình ngay giữa cuộc sống hàng ngày.
…Có điều, khi nhớ lại những nhận xét bất chợt của Tế Hanh - lại được ông nói ra một cách khó khăn, nói kiểu nhát gừng, hoặc lụn vụn dang dở - chúng tôi vẫn cảm thấy thường khi đấy là những ý kiến độc đáo, của một người có gu, tinh tế và đáng ghi nhớ nếu không hơn thì cũng không kém các ý kiến được nói theo kiểu hùng biện và đầy sức thuyết phục. Ở con người này, sự đơn điệu tẻ nhạt và sự sâu sắc đôi khi lẫn vào nhau, tồn tại cạnh nhau, xuất hiện cùng nhau tới mức dễ lầm lẫn, song khi nghĩ lại, người ta vẫn thấy có sự phân biệt rành rẽ.
…“Chất Tế Hanh” là những nhẹ nhõm “nỗi vui nỗi khổ đều qua vội vàng”, những lơ mơ bất định “thân buông theo gió hồn theo mộng”, từ đó, là những lửng lơ, ngơ ngẩn, những hành động vu vơ, và những dừng lại bất chợt.
- Những ngày buồn nhớ lại thấy vui vui
Những ngày vui sao bỗng thấy ngùi ngùi
hoặc:
- Tôi đi để mặc cỏ may
Hai bên bờ biếc ghim dày quần tôi
- Dừng chân trước một quả đồi
Gỡ từng sợi cỏ, tôi ngồi nhìn thu
…Chế Lan Viên, trong lời bạt viết cho Tuyển tập Tế Hanh (1987) từng nói tới cái tạng riêng, cái gu riêng nó là nét độc đáo của Tế Hanh bên cạnh các nhà thơ khác:
“Dù anh viết khá hay về biển, biển trong bão dữ, nghĩ đến anh tôi vẫn nghĩ đến cái êm đềm của những con sông. Chim anh viết hay, không phải chim hải âu mà là chim én. Anh có thể tả mùa hè rực rỡ nhưng hình như anh xúc động nhất mùa thu. Anh không tả giỏi mặt trời bằng tả vầng trăng (...) Mặt trời của anh khi nào chói quá thì anh kìm nó lại bằng một dòng sông hay những bóng cây xanh. Và cây xanh thì có lẽ anh yêu nó hơn, khi ở trong vườn (...) hơn là ở những khu rừng (...) Nếu vào trong khu vườn, Xuân Diệu sẽ ngoạm vào cả các trái hồng lẫn các trái xanh, Huy Cận lắng nghe chất nhựa trên cành, người nào đó hì hục tìm thơ trong bộ rễ âm thầm, còn với Hanh thì màu xanh của lá cũng đủ cho anh hạnh phúc”.
…Cái phong cách ở Tế Hanh không gắt lên như một Nguyễn Tuân trong văn xuôi, một Hàn Mặc Tử trong thơ, song vẫn là một phong cách tự nó đã hoàn chỉnh và ổn định.
…Trước sau, ông vẫn giữ nguyên cái tính cách ngơ ngơ ngác ngác và cái xúc động hồn nhiên kiểu học trò của mình - ít ra là ở bề ngoài.
…Về mặt chức vụ mà xét, trong nhiều năm, Tế Hanh từng là ủy viên Ban chấp hành hoặc Thường vụ Hội Nhà văn (như Ban thư ký về sau), từng mười năm liền phụ trách đối ngoại của Hội, từng có chân trong Ban phụ trách nhà xuất bản Văn học những năm nó còn thuộc về Hội. Nhưng ông đã dễ dàng thoát ra khỏi các ràng buộc đó để trở về vị trí một người lao động có nghề, một nhà thơ lấy sáng tác làm lẽ tồn tại.
… Song tôi cứ thấy trên đại thể thì Tế Hanh, đó vẫn là một người dễ chịu. Người giữ được cái cốt cách thi nhân. Người biết điều. Và người có khôn, thì cũng là khôn kín đáo.
…Điều này lại cũng thấy rõ cả trong sáng tác. Qua cách sống cách viết của Tế Hanh, có cảm tưởng là ông rất hiểu cái tạng mà một nhà thơ mang tên Tế Hanh mang sẵn trong mình, và ông có thể là không cố ý, nhưng thật ra đã làm mọi cách, để cái tạng ấy được bền chắc và độc đáo. Khả năng sống hoà hợp với mình, hơn nữa khả năng giữ mình thật là mình, chỉ là mình, đã chi phối việc làm thơ của Tế Hanh trong mọi khâu từ chọn đề tài, chọn cách nói, cho đến sử dụng ngôn ngữ, thể loại. Nhưng trước tiên nó ở cái điệu tâm hồn của nhà thơ.
…Mặc dù cũng trải qua đủ mọi khó khăn vất vả như mọi người đương thời, nhưng ông thích nói về những gì êm ả, dịu dàng.
…Mặc dù nhận ra đủ mọi sắc thái gắt đậm, cùng là những cay chua mặn chát của đời sống, nhưng khi làm thơ, ông chỉ muốn viết về những sắc màu tươi tắn, những tấm lòng nhân hậu.
…Mọi việc ở ông đôi khi như là tự nhiên mà nói, tự nhiên mà làm, không cần chủ tâm chủ định, mà cũng không cần lên gân lên cốt cố gắng.
…Một người như thế sẽ có những thiệt thòi riêng, nhưng lại có những may mắn riêng, những niềm vui riêng mà cái niềm vui lớn nhất là có thể dồn tất cả nghị lực cho sáng tác, và dễ cảm thấy là chỉ ở đấy, mình mới được sống trọn vẹn.
…Tổng kết đời mình, ông bảo cũng có những thành công, nhýng nhiều thất bại. Ðứng trước những bài thơ hay, ông bảo ở mình có cảm giác nước đôi, lúc nghĩ như mình cũng viết được, lại có lúc nghĩ mình hoàn toàn bất lực. Và giả sử hiếm hoi có viết ra được vài câu có người khen hay thì ông cứ muốn thú nhận với mọi người là những dòng thơ ấy, ông đã ngẫu nhiên mà bắt được, chẳng qua là ông gặp may chứ không tài cán gì. Với một nụ cười ngượng nghịu ông sẵn sàng thú nhận với chúng ta rằng, làm thơ dễ sa đà lắm: “Có một hồi, tôi toàn viết lục bát. Lại có một hồi làm bài nào cũng ra thất ngôn. Nghĩ lại thì chẳng qua mình quen tay và nếu không cảnh giác với mình, khéo cứ theo mãi những lối mòn có sẵn”. Không rõ người khác có tin những lời tâm sự ấy của Tế Hanh, song về phần tôi, phải nói là tôi tin, cái chính là vì nó là một cái nhìn phải chăng về công việc của giới cầm bút. Nó không dẫn người ta tới sự thần bí hóa sáng tác, mà cũng không dẫn tới buông thả, lười biếng. Ngược lại nó yêu cầu người ta luôn luôn tỉnh táo đánh giá chính mình và các đồng nghiệp. Và tất cả là dựa trên một nhận thức cơ bản: nghề này rất khó.
…Cũng nên nói thêm là bề ngoài có vẻ lơ mơ vậy, nhưng Tế Hanh thường chịu đọc người khác, và có cách đánh giá độc lập về sáng tác của người khác. Thỉnh thoảng có điều gì, cần hỏi về ai, tôi vẫn tìm gặp Tế Hanh và thường được ông trả lời bằng những nhận xét ngắn gọn, trực tiếp. Những cuộc trò chuyện với Tế Hanh không bao giờ thật hào hứng nhưng thường khi vẫn có những khía cạnh hữu ích, lý do là ở chỗ ấy.
…Không chỉ trong việc làm thơ mà còn có một lĩnh vực nữa mà ở đó, cái lối sống lối làm việc bất chợt, tuỳ tiện, có lúc như là thiểu năng bạc nhược ở Tế Hanh có dịp bộc lộ đầy đủ, đồng thời đằng sau đó, ở một tầng sâu hơn, lại là một Tế Hanh có vốn học khá rộng, một con người có thói quen làm nghề nghiêm túc, đã tự nguyện làm và muốn làm bằng đuợc những việc một người cầm bút phải làm. Đó là câu chuyện của Tế Hanh khi đi dịch, và rộng hơn, việc tiếp xúc của ông với văn hóa nước ngoài.
.... Đã làm việc gì, là Xuân Diệu đào cùng tát cạn. N. Hikmet và P. Neruda, Dmitrova, N. Guillen..., Xuân Diệu đã chạm vào ai là dọn ra một mâm đầy đặn. Những sáng tác của người ấy, tức là mỗi tác giả lớn ấy, được ông tổ chức dịch và giới thiệu hoàn chỉnh thành một tập riêng, đứng tên ông, ít nhất cũng là góp thêm một dòng trong cái mục Cùng một tác giả đặt ở mấy trang đầu các cuốn sách của ông.
Lối làm việc của Tế Hanh thì hầu như ngược lại.
Trong khi cũng lang bạt phiêu lãng giữa cánh rừng thơ, hầu như chưa bao giờ ông thuộc về ai hoàn toàn. Thuý Toàn dịch Pushkin ư, ông sẽ gửi tới bài Một bờ bến khác. Bằng Việt dịch J. Ritsos ư ? Ông cũng có cả một chùm để góp cho tập Tôi muốn nói bằng ngôn ngữ tình yêu ấy, nhưng chỉ là một chùm nhỏ. Rồi Hugo, rồi L. Hughes, rồi S. Petofi, rồi B. Brecht, hầu như không có nhà thơ lớn nào mà ông không từng đọc, và giá ai kia có làm riêng tập thơ về nhà thơ lớn đó ông cũng có thể góp một hai bài. Nhưng chỉ có thế! Rất chật vật là những lần tự ông phải thầu dịch cả một nhà thơ nào đó. Thể nào ông cũng cần đến người chi viện. Và tập thơ ấy thường mỏng, lời giới thiệu thường ngắn gọn. Ông không yêu ai đến cùng, hay không đủ sức làm một công trình dịch thuật trọn vẹn - nói như thế nào cũng được. Thế nhưng không phải như vậy mà nói rằng sự đọc nước ngoài của Tế Hanh tuỳ tiện chểnh mảng. Ngược lại, trong cái vẻ ngẫu nhiên gặp đâu hay đấy của mình, ông lại có một sự quan tâm thường trực với văn học nước ngoài và có thể nói là luôn sống với nó một cách sâu sắc. ở đây ông không làm dáng làm bộ, không ra vẻ một tín đồ cuồng nhiệt, mà cũng không có lối vụ lợi, đọc đến đâu phải dịch, phải cho in, phải kiếm lời hoặc phải vận dụng vào các sáng tác trước mắt ngay lập tức - không, việc đọc và dịch với Tế Hanh đơn giản hơn nhiều. Làm nghề gì, thì cũng phải biết bên Tây bên Tàu người ta làm nghề ấy thế nào, nữa là nghề cầm bút - ấy, đại khái lý lẽ thúc đẩy ông là như vậy. Lâu dần, ông biến đọc và dịch thành một niềm vui, một việc hàng ngày như phải ăn phải uống, và trong khi cứ đủng đỉnh mà đi, không quá bị ràng buộc bởi những chủ đích có sẵn, đôi khi ông lại hái được những trái đẹp”.
Tế Hanh, người ngay từ bài thơ đầu tay Lời con đường quê đã cảm thấy mình là một con đường quê, “kéo nỗi buồn không dạo khắp làng”, đã thấm thía sự đời có cả mất và được, vui và buồn:
Và khi liên hệ đến những bài thơ ở tuổi 70, Tế Hanh nói :- Hoá ra cuối cùng mình lại trở về chính mình. Có thể nói, Vương Trí Nhàn đã rất tinh khi đưa chân dung Tế Hanh ở tuổi 70 lên con tàu “đi ngược thời gian” trở về nửa thế kỷ trước. Đó chính là ông đã làm cho Tế Hanh bất tử!
*
Những chân dung còn lại, mỗi người một vẻ độc đáo riêng và phải nói đó đều là những chân dung đẹp (dù có không ít bi kịch), xứng đáng để công chúng văn học ngưỡng mộ và dành cho nhà văn, nhà thơ của chúng ta những từ ngữ đẹp như “Kỹ sư tâm hồn”, “Nhà Tiên tri”,v.v... Song, những mẫu nhà văn, nhà thơ đẹp như thế càng ngày càng thành của hiếm và có khá nhiều những “Chân dung nửa người nửa ma” mà sự tha hóa về nhân cách đã và đang trở thành một thứ dịch bệnh không thuốc chữa! Điều này được Vương Trí Nhàn lý giải khá sâu sắc, thẳng thắn:
“Không lo rèn luyện về mặt nghề nghiệp, không tự cảnh tỉnh và hướng suy nghĩ vào cuộc tìm tòi hoàn thiện của người trí thức, thế các nhà văn - tôi không nói tất cả, nhưng ngờ rằng không ít nhà văn ở ta - hướng năng lượng, hướng nhiệt tình đời sống của mình vào đâu? Xin thưa: hướng đi làm quan. Câu trả lời nghe có vẻ lạ tai nhưng lại là sự thật mỗi ngày mỗi hiển hiện rõ rệt.Xưa kia, dưới thời phong kiến, nhiều nhà nho có tâm huyết đã ra làm quan rồi, thậm chí đã hiển đạt lắm rồi, thượng thư, tổng đốc hẳn hoi, nhưng vẫn canh cánh bên lòng một nỗi buồn cảm thấy mình rơi vào vòng ô trọc, và dồn cả tấc lòng mình vào những câu thơ tâm sự mà lúc viết ngỡ rằng có thể không ai biết tới. Trong lòng các ông quan ấy vẫn còn những thi sĩ chân chính. Nay thì hình như mọi chuyện xảy ra theo chiều ngược lại, người ta thích làm quan ngay trong giới của mình, một sự lạ lùng, vậy mà, oái oăm thay, lại là điều có thật. Trong bộ máy hành chính của ta, Hội nhà văn chỉ là một cơ quan nhỏ, cỡ ngang một vụ, quyền lợi hình như không có gì béo bở lắm. Tiền tiêu cho Hội hàng năm, đã có người nửa đùa nửa thật mà dự đoán rằng không khéo chỉ xấp xỉ tiền tiêu cho một đội bóng đá. Nhưng như mấy câu thơ tức cảnh của Nguyễn Gia Thiều: Vẻ chi tèo teo cảnh / Thế mà cũng tang thương. Ở đây cũng vẫn có đủ những căn bệnh mà xã hội ta đang có. Cái ham muốn làm quan đó diễn ra dai dẳng hàng ngày lại càng nồng nã quay cuồng trong lòng người ta trước những sự kiện như một kỳ bổ nhiệm, một đợt đại hội “Lâu nay nhiều người chúng ta đến đại hội, điều đầu tiên là xì xào xem ai vào chấp hành”. Một nhận xét như thế không làm ai bận tâm vì nó là chuyện đương nhiên. Sở dĩ người nào cũng ngong ngóng nhìn vào chỗ ấy, vì quả thật, theo cách tổ chức như của chúng ta, một chức vụ trong Hội bảo đảm cho người ta nhiều thứ lắm. Một người phụ trách nếu biết tận dụng quyền lực sẽ có thể in sách ào ào vì Hội có nhà xuất bản riêng. Sách ra rồi sẽ có báo của Hội ca ngợi tâng bốc. Các hội đồng thì đề nghị tặng thưởng. Các cơ quan đối ngoại thì gợi ý Hội bạn nên dịch nên in…Hồi còn bao cấp, quyền lợi lớn đến vậy đó. Về sau có vẻ bớt đi, nhưng còn lớn lắm, vì ở lĩnh vực nào có xóa bỏ bao cấp không biết, chứ trong lĩnh vực tư tưởng, đâu có chuyện bỏ! Có thể so với “quan chức” ở các ngành khác, quyền lợi của các “quan chức” trong giới cầm bút chả mùi mẽ gì! Nhưng “quan chức” trong văn nghệ có cái thú là nhàn thân và có một lớp vỏ rất đẹp đẽ. Trong lúc làm “quan”, người ta có thể tự an ủi: hình như ta vẫn là người lao động cơ mà…Do ta viết hay nên sách được tái bản và nước ngoài cho dịch… Họ không viết hay bằng ta nên họ tị nạnh… Ôi, đã có cái lý để tự biện hộ khéo léo đến như thế, thì sự hấp dẫn của quyền lực chỉ càng thêm mạnh mẽ! Cũng do chỗ được một hình thức màu mè che đậy, nên chủ nghĩa quan liêu có nhiều biến dạng cụ thể, tạo nên một sức quyến rũ kỳ lạ. Người xưa nói tu tại gia, còn trong giới chúng ta có lối vụ tiếng tăm nhất thời, thực chất cũng là làm quan mà lại không có chức tước nào, chỉ có sự thiêng liêng của nghề văn bị đánh tráo và bị lợi dụng.
Ở ta danh nghĩa hội viên Hội nhà văn khá quan trọng, và đó là một quan niệm được hình thành trong suốt trường kỳ lịch sử, nên khá bền chắc trong lòng người .Trong khi kiếm sống bằng nhiều nghề khác, nhiều người vẫn tìm đủ cách để xin vào Hội, và hay oán thán rằng Hội không mở rộng cửa đón mình. Lại cốt vào để dành quyền lợi, một ít tiền trợ cấp, một suất vé đi tham quan, đi họp ở nước ngoài chứ gì? Một số người khinh bạc dè bỉu. Cái đó theo tôi có, nhưng không phải tất cả. Công bằng mà nói, phải thấy nhiều người có động cơ trong sáng, muốn vào Hội vì nghĩ rằng có xuất hội viên nghĩa là tài năng được khẳng định, là có được một vị trí nghề nghiệp vững chắc. Nhưng với tư cách là một hội viên tính đến 2007 là ba chục năm, tôi cũng xin được phép thú nhận một suy nghĩ khác: Cái đích của việc viết văn cao đẹp hơn nhiều, sự công nhận của những người đương thời, kể cả những người cùng giới, rất cần cho mình, nhưng suy cho cùng, vẫn không phải là bảo đảm chăc chắn cho những gì mình đã và sẽ viết ra. Xưa nay, trong lịch sử, đã có bao nhiêu trường hợp một nhà văn được người đương thời đưa lên tận mây xanh, sau không ai biết tới nữa. Vậy thì dù rất quý những lời động viên nhau, chúng ta cũng nên nhìn sự đời nhẹ đi một chút, và chính các nhà văn phải đi đầu trong việc này, thành thực, biết điều, thận trọng. Sở dĩ, một số anh em mới viết đôi khi cay cú với chuyện vào hội vì chính các hội viên cũ đầu têu gây ra một thứ danh hão . Trong thâm tâm những hội viên ấy không khỏi cảm thấy (và qua giọng nói tiếng cười cho người ta cảm thấy) mình là một cái gì đã thành rồi, đã liệt hạng rồi, có ngạch có bậc rồi. Đây chính là chủ nghĩa quan liêu thông thường, một thứ tâm lý quan liêu bắt rễ vào suy nghĩ trong số đông chúng ta. Từ chỗ cần khẳng định vị trí và thành tựu của văn học cách mạng, chúng ta đi dần tới chỗ khuếch đại đóng góp của từng người. Tự chúng ta làm, rồi lại tự chúng ta khen nhau, văn thơ chúng ta in trên báo chưa ráo mực nhiều khi đã vào thẳng sách giáo khoa. Trong các sách văn học sử, chúng ta dành chỗ cho thời hiện đại quá nhiều; dù cố ý hay vô tình thì cũng là cách vĩnh viễn hóa những tên tuổi hiện thời, xếp mình và bè bạn mình bên cạnh những đấng, những bậc kỳ cựu trong quá khứ đã chịu nổi thử thách của thời gian. Đấy là một thứ tự đầu độc rất có hại cho sáng tác (Tôi nhấn mạnh – Đ.N.T).
Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu là một người lao động rất cần cù, ngay khi tuổi đã cao, ông vẫn hàng ngày đánh vật với trang giấy trắng, luôn luôn dốc sức làm những công việc lâu dài mà khi có dịp xuất hiện trên báo chí cũng không bỏ qua bao giờ. Có điều, đối với nhiều anh em làm biên tập ở các báo, nhà xuất bản, tức cánh ở trong bếp núc nghề văn như chúng tôi, Xuân Diệu thường hiện ra với một chỗ yếu không thể khắc phục, đó là ông rất sợ người ta quên mình, lâu không mời ông viết là ông không bằng lòng, trong một “bảng vàng danh dự” nào đó (nhiều khi chỉ là một danh sách đưa ra ngẫu nhiên, trong một bài báo nhỏ) mà thiếu tên ông là ông cự ngay. Sự hiếu danh ở Xuân Diệu rất thành thực, khiến không ai nỡ giận ông. Chúng tôi cũng hiểu, trong đời tư, ông rất đơn độc, nên luôn luôn cần được bù đắp, muốn mình luôn luôn sống với văn học, sống với mọi người. Song nghĩ đến việc một nhà thơ thuộc loại dẫn đầu cả một nền thơ, mà luôn luôn sợ người ta quên, sợ người ta xếp lầm chỗ ḿnh như thế, chúng tôi cứ thấy có gì tội nghiệp, lại cứ thấy tiếc cho ông. Mặc dù đã có gan bỏ hết các chức tước để chỉ dồn sức vào các trang viết, Xuân Diệu vẫn bị mấy chữ tiếng thơm trói buộc, và điều đó đã kìm hãm ông, không cho phép ông tập trung làm việc, nhất là không cho phép ông phiêu lưu tìm kiếm, như nghề văn vốn đòi hỏi.
Trường hợp Xuân Diệu thật ra chỉ là một ca điển hình, căn bệnh trên đây ít nhiều có trong mỗi chúng ta. Do ảnh hưởng của một thứ chủ nghĩa tập thể thô thiển, ta quan niệm rằng sự đánh giá của số đông về từng cá nhân bao giờ cũng chính xác và nhất thành là bất biến, và thuộc về lịch sử, ta đâm ra sợ hãi khi có vẻ ra ngoài thông lệ, không theo lối nói, lối ứng xử của chung quanh và chỉ hoàn toàn yên tâm khi thấy mình nói chung cũng giống như mọi người, rồi trong khuôn khổ cái chung ấy, nhích được một chút hơn mọi người thì hí hửng, sung sướng. Cái tâm lý bầy đàn này - ở Liên Xô cũ người ta gọi như thế - vốn đã đi ngược lại bản chất con người nói chung, lại càng là không thể chấp nhận được với những ai làm nghề sáng tạo, bởi nó không tạo được sự đơn độc tinh thần vốn là cần thiết với những công việc lớn. Để khắc phục chỗ yếu này, trước hết cần có sự cởi mở về quan niệm. Cái mới nào khi mới ra đời chẳng đơn độc, thậm chí là thiểu số nữa. Nếu cứ lấy đa số ra mà áp đặt thì trong nhiều trường hợp, không có được cái mới thực sự. Muốn có được cái mới, chủ quan từng người phải có sự kiên trì mà chung quanh phải có sự thông cảm. Trong nền văn học ta sau Cách mạng, đã có những trường hợp do người viết có được ngoan cường chỉ là mình, dám là mình, mà một phong cách được hình thành. Đó là, chẳng hạn, những trang văn xuôi của Nguyễn Khải, một cách nhìn đời sống ban đầu bị bao người kêu là độc ác, tàn nhẫn, nhưng khi quen rồi, lại cho là sắc sảo, biết phát hiện. Đó là, chẳng hạn, thơ của Nguyễn Đình Thi, thứ thơ có một thời bị mang ra phê bình cho là yếu đuối, xa lạ với quần chúng (chúng tôi còn được nghe kể là có một câu phê phán rất cô đọng “Anh không khóc nhưng những chữ của anh nó thút thít”), nay đối với chúng ta lại là một thứ thơ có chiều sâu nội tâm và theo ý tôi là một cách tân về giọng điệu trong thơ. Hóa ra, chưa nói đâu xa, ngay ở các bậc đàn anh hôm nay đang viết, cũng đã có những bài học quý, các anh đã nêu gương dũng cảm tìm tòi, đi ngược lại sự công nhận nhất thời của số đông để tìm tới giá trị lâu dài hơn cho tác phẩm của mình. Tôi không rõ là tại sao các anh thường quên không dặn dò lớp người sau dũng cảm, dám đơn độc tìm tòi, mà thường chỉ nhắc chúng tôi là lắng nghe chung quanh, hòa hợp với phong trào và khi xem xét các tác phẩm mới viết ra, các anh cũng chỉ lấy sự công nhận của số đông ra làm tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá. Trong một hoàn cảnh như thế, dĩ nhiên, cái tâm lý quan liêu nói trên - thích danh tiếng, thích xác định “địa vị lâu dài” trong văn học, hợm hĩnh một cách nông nổi - tha hồ lây lan như một thứ dịch bệnh, đời sống văn học có lúc chỉ còn cái vẻ nhộn nhịp bề ngoài mà thiếu sự âm thầm kiên nhẫn tìm tòi. Lấy cái nhất thời để đánh giá nhau hoặc chê bai nhau, chúng ta tự làm yếu mình đi rất nhiều và đến khi làn sóng văn hóa tiêu dùng lan tới, thì nhiều người bó gối quy hàng. Trước khi mất, Nguyễn Minh Châu có nói với Nguyễn Đăng Mạnh: “Nhà văn mà sợ dân chủ thì không thể hiểu được”. Mượn cách nói đó cũng có thể nói nhà văn mà chỉ biết có tiếng thơm đương thời (tôi nhấn mạnh chữ chỉ), mà chỉ đánh giá theo số lượng trang viết, số cuốn được làm khi in tuyển tập, số bài phê bình tâng bốc… thì cũng không thể hiểu được. Nhưng đó là một nét tâm lý đang phổ biến. Cái hướng mà chúng ta phải nghĩ ở đây là bảo nhau cùng sửa, người nào cũng sửa thì mới nhanh chóng giải được bệnh” (Khi người viết văn không xem cầm bút là một nghề nghiệp).
Sài Gòn, tháng 10-2010
Đỗ Ngọc Thạch
----
Chú thích:
(*) Cây bút, đời người:NXB Trẻ, 2002; NXB Hội Nhà văn, 2007, bổ sung hai bài là Khi người viết văn không xem cầm bút là một nghề nghiệp và Mặc cảm - tha hóa - phân thân và những diễn biến tâm lý có thật.
(**) Mười hai chân dung đó là:
(**1) Xuân Quỳnh (1942-1988): là nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều bài thơ tình được nhiều người biết đến như Thuyền và Biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu... Tác phẩm đã in: Tơ tằm (thơ, in chung); Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung); Gió Lào, cát trắng (thơ, 1974); Lời ru trên mặt đất (thơ, 1978); Sân ga chiều em đi (thơ, 1984); Tự hát (thơ, 1984); Hoa cỏ may (thơ, 1989); Thơ Xuân Quỳnh (1992 , 1994); Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ (1994);Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995).
(**2) Lưu Quang Vũ (1948 - 1988): Quê Đà Nẵng, sinh tại Phú Thọ, lớn lên tại Hà Nội. Tác phẩm: Thơ: Hương cây (1968 - in cùng Bằng Việt trong tập Hương cây - Bếp lửa); Mây trắng của đời tôi (1989); Bầy ong trong đêm sâu (1993); Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi (Tuyển Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2010). Kịch: Sống mãi tuổi 17; Nàng Sita; Hẹn ngày trở lại; Nếu anh không đốt lửa; Hồn Trương Ba da hàng thịt; Lời thề thứ 9; Khoảnh khắc và vô tận; Bệnh sĩ; Tôi và chúng ta.
(**3) Nghiêm Đa Văn (1944-1997): quê Hà Tây ; là nhà văn cùng lớp với Nguyễn khoa Điềm, Phạm Tiến Duật… Trong khi bè bạn mỗi người đã tự định hình văn học cho riêng mình, như làm thơ hoặc phê bình, nghiên cứu… thì Nghiêm Đa Văn xông xáo vào đủ thể loại: truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, thơ, kịch bản điện ảnh. Tuy không chuyên hẳn một thể loại nào, nhưng trong từng lĩnh vực, anh đều để lại dấu ấn. Tác phẩm chính: Đàn trâu Nghệ, - Thơ ; NXB Lao Động - 2001
(**4) Nguyễn Khải (1930 - 2008) : Năm 1982, Nguyễn Khải nhận Giải thưởng Hội Nhà văn VN với tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm. Năm 2000, được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về Văn học nghệ thuật. Ông sáng tác nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, kịch. Trong đó, Nguyễn Khải để dấu ấn qua nhiều tác phẩm như: Xung đột (1959-1962), Mùa lạc (tập truyện ngắn, 1960), Thời gian của người (1985)... Tiểu thuyết Thượng đế thì cười (2003), mang giọng văn hồi ký về cuộc đời viết lách của ông. Tác phẩm cuối cùng là tùy bút Đi tìm cái tôi đã mất (2006): ghi lại những trăn trở của Nguyễn Khải vào những năm cuối đời.
(**5) Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989): là một nhà văn có ảnh hưởng quan trọng đối với văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và thời kỳ đầu của đổi mới.
Các tác phẩm chính: Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972); Miền cháy (tiểu thuyết, 1977); Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (truyện ngắn, 1983); Bến quê (truyện ngắn, 1985); Mảnh đất tình yêu (tiểu thuyết, 1987); Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (1987);Cỏ lau (truyện vừa, 1989); Nguyễn Minh Châu toàn tập (NXB Văn Học, 2001).Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000;Tác phẩm Cỏ lau đạt giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam vào năm 1990; Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1984 - 1989 cho toàn bộ sáng tác của Nguyễn Minh Châu viết về chiến tranh và người lính.
(**6) Nguyễn Thành Long (1925-1991): Các bút danh khác: Lưu Quỳnh, Phan Minh Thảo. Quê quán: Quy Nhơn, Bình Định. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1957).
Tác phẩm đã xuất bản: Bát cơm Cụ Hồ (1955); Chuyện nhà chuyện xưởng (1962); Những tiếng vỗ cánh (1967); Giữa trong xanh (1972); Nửa đêm về sáng (1978); Lý Sơn mùa tỏi (1980); Sáng mai nào, xế chiều nào (1984); Lặng lẽ Sapa; Hạnh Nhơn, Núi Đỗ Quyên.
(**7) Nhị Ca (1926 - ?) : tên thật là Chử Đức Kính, quê tại Hà Nội. Sau khi nhập ngũ, ông đã kinh qua đủ thứ công việc, cuối cùng gần 40 tuổi, mới đi hẳn vào nghề phê bình văn học. Năm 1972, khi đã 46 tuổi, tập sách phê bình văn học đầu tiên của Nhị Ca mới được in ra: Từ cuộc đời vào tác phẩm. Tiếp sau là Dọc đường văn học (1977) và một cuốn chuyên khảo Gương mặt còn lại - Nguyễn Thi (1983).
(**8) Thanh Tịnh (1911-1988): tên thật là Trần Văn Ninh (6 tuổi được đổi là Trần Thanh Tịnh). Các bút danh khác của: Thinh Không, Pathé (trước 1945), Thanh Thanh, Trinh Thuần (sau 1945). Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Tác phẩm đã xuất bản: Trước 1945: Hận chiến trường (thơ, 1936); Quê mẹ (truyện ngắn, 1941); Chị và em (truyện ngắn, 1942); Ngậm ngải tìm trầm (truyện ngắn, 1943); Xuân và Sinh (truyện ngắn, 1944). Sau 1945: Sức mồ hôi (thơ và ca dao, 1954); Những giọt nước biển (tập truyện ngắn, 1956); Đi từ giữa mùa sen (truyện thơ, 1973); Thơ ca (thơ, 1980);Thanh Tịnh đời và văn (1996).Giải thưởng Hội Văn nghệ VN (1951-1952) cho những bài độc tấu xuất sắc.Giải thưởng Nhà nước về VHNT 2007.
(**9) Tế Hanh (1921 - 2009): tên thật là Trần Tế Hanh, quê làng Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1957, khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông là Ủy viên thường vụ Hội khóa I, II, ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1963), tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khóa, giữ các chức vụ: Trưởng ban đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng dịch thuật (1983), Chủ tịch Hội đồng thơ (1986). Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.Tác phẩm chính:Nghẹn ngào (1939); Hoa niên (1944); Lòng miền Nam (1956); Hai nửa yêu thương (1967); Khúc ca mới (1967);Đi suốt bài ca (1970);Câu chuyện quê hương (1973); Tuyển tập Tế Hanh (tập I-1987); Tuyển tập Tế Hanh (tập II-1997).
(**10) Nguyễn Tuân (1910-1987): quê ở xã Nhân Mục (tên nôm là Mọc), thôn Thượng Đình, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho. Những tác phẩm chính: Ngọn đèn dầu lạc (1939); Vang bóng một thời (1940); Một chuyến đi (1941); Chiếc lư đồng mắt cua (1941); Tùy bút (1941); Thiếu quê hương (1943); Tùy bút II (1943); Nguyễn (1945); Chùa Đàn (1946); Tùy bút Sông Đà (1960);Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972); Ký (1976); Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập I: 1981, tập II: 1982); Truyện Kiều (tiểu luận văn học).
(**11) Tô Hoài, tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 ở quê ngoại tại làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong một gia đình thợ thủ công. Ông viết văn từ trước năm 1945, với các thể loại truyện phong phú, đa dạng. Tác phẩm chính: Dế Mèn phiêu lưu kí (1941) ; O chuột (1942) ; Truyện Tây Bắc (1953) ; Miền Tây (1967) ; Cát bụi chân ai (1992). ; Ba người khác (2006) (Tác phẩm này được viết xong năm 1992 nhưng đến 2006 mới được phép in, nội dung viết về thời kỳ Cải cách ruộng đất, đã gây tiếng vang lớn). Giải thưởng: Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam 1956 (Truyện Tây bắc) ; Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội 1970 (tiểu thuyết Quê nhà); Giải thưởng của Hội Nhà văn á-Phi năm 1970 (tiểu thuyết Miền Tây); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996); Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, 2010.
(**12) Xuân Diệu (1916 - 1985): tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha; quê quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mĩ Tho (nay là Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938-1940).
Tác phẩm chính: Thơ: Thơ thơ (1938, 1939, 1968, 1970); Gửi hương cho gió (1945, 1967); Ngọn Quốc kỳ (1945, 1961); Hội nghị non sông (1946); Riêng chung (1960); Mũi Cà Mau - Cầm tay (1962); Tôi giàu đôi mắt (1970); Hồn tôi đôi cánh (1976); Thanh ca (1982)… Văn xuôi: Phấn thông vàng (1939, truyện ngắn); Trường ca (1945, bút ký); Miền Nam nước Việt (1945, 1946, 1947, bút ký); Ký sự thăm nước Hung (1956, bút ký); Tiểu luận phê bình: Những bước đường tư tưởng của tôi (1958, hồi ký); Ba thi hào dân tộc (1959); Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm (1961); Dao có mài mới sắc (1963); Thi hào dân tộc Nguyễn Du (1966); Thơ Trần Tế Xương (1970); Đọc thơ Nguyễn Khuyến (1971); Và cây đời mãi xanh tươi (1971); Mài sắt nên kim (1977); Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy (1978); Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (tập I, 1981; tập II, 1982). Dịch thơ: Thi hào Nadim Hitmet (1962); V.I. Lênin (1967); Vây giữa tình yêu (1968);Việt Nam hồn tôi (1974); Những nhà thơ Bungari (1978, 1985); Nhà thơ Nicôla Ghiđen (1982).
(1) Trong bài XUÂN SÁCH hay là MỘT ĐẶC SẢN VĂN CHƯƠNG | Vương Trí Nhàn.
(2) Cesare Pavese (1908-1950): tác giả tập Il Mestiere di vivere.
(Hết)
V-T-Đăng sưu tầm trên mạng Đỗ Ngọc Thạch
(Đọc tập Chân dung văn học của Vương Trí Nhàn)
Tập sách Cây bút, đời người (*) của Vương Trí Nhàn tập hợp 12 bài viết về 12 nhà thơ, nhà văn Việt Nam hiện đại (**) -, là một cuốn sách thuộc thể loại “Chân dung văn học”, một thể loại vào loại khó viết. Khó viết bởi nó liên quan đến việc xác định chân giá trị cũng như đẳng cấp của các nhân vật mà việc xếp hạng các nhà văn, nhà thơ là điều rất tế nhị và phức tạp!Cũng gần như là chân dung văn học, hai bài “Xuân Sách hay là một đặc sản văn chương” và “Tô Hoài - nhìn từ một khoảng cách gần” được đăng tải trên nhiều trang Web gần đây cũng thuộc phạm vi chú ý của bài viết vì có nhiều điểm liên quan.
*
Vương Trí Nhàn đã viết cuốn Cây bút, đời người dưới sự dẫn dắt của tư tưởng chủ đạo nào? Tôi đã tìm thấy phần nào câu trả lời qua một bài trả lời phỏng vấn của ông trên báo Lao động sau khi cuốn Cây bút, đời người ra mắt :
“May mắn trong nghề làm phê bình của tôi là luôn được sống và làm việc gần các nhà văn, nhà thơ, đủ để bị thôi thúc bởi ý nghĩ: bên cạnh các bài thơ, cuốn truyện thì các nhà văn còn thường xuyên sáng tác ra một tác phẩm độc đáo khác, đấy chính là tính cách của họ. Người đời đôi khi thành kiến, đám người viết văn chẳng qua chỉ là một bọn dông dài. Trong khi, một số đồng nghiệp của tôi (nhất là các nhà giáo) lại có xu hướng lý tưởng hóa những người viết, xem cây viết nào cũng tâm huyết đầy mình. Phần tôi, tôi nghĩ, ngoài đời có bao nhiêu kiểu người thì trong văn chương cũng có bấy nhiêu kiểu người cầm bút, có thánh thần lẫn ma quỷ. Và trừ một số tài năng sáng chói, thì phần lớn người cầm bút cũng có cả những chỗ tầm thường lẫn chỗ cao quý. Rồi điều quan trọng hơn, mỗi con người có một tư cách, một số phận. Không phải chỉ những tài năng lớn mới có một cuộc đời thú vị, những nhà văn tạm gọi là bình thường cũng có cách phấn đấu riêng, những bi kịch riêng. Những cuộc làm người của họ trong văn chương cũng rất đáng ghi chép lại...
Tôi đã chân thực với những điều mình thấy, nhưng không vì thế mà dám nghĩ rằng, tôi chắc chắn đúng và chỉ có mỗi mình đúng. Có một câu của Ehrenburg mà tôi thấy tâm đắc: "Trí nhớ người ta giống như ánh đèn pha của một chiếc xe đang đi trong đêm, khi thì nó cho thấy hình ảnh một gốc cây, khi thì một trạm gác, khi thì lại là một con người".
Tôi đã và có thể vẫn đang còn là người sống hơi đơn độc như một thứ chầu rìa, một thứ mèo hoang giữa làng văn... Để yêu nhau, theo tôi, đôi khi nên đứng tách ra một chút để tưởng tượng và suy ngẫm về nhau”.
Ở một chỗ khác, Vương Trí Nhàn nói: Trong nghề viết văn tôi hay nhìn ra khuyết điểm của văn chương. Trần Đăng Khoa nói phải “tâm địa xấu xa” mới nhận xét được thói hư tật xấu của người khác như thế. Tôi nói về thói hư tật xấu của người khác để giúp người ta tiến lên.
*
Xuân Sách |
V-T-N và Xuân Sách |
Nếu như ở Tô Hoài và những nghiêm chỉnh của kiếp phù du chỉ là những nhận xét còn thận trọng, dè dặt, như:
Tô Hoài |
Và trong mọi việc lại thấy hiện ra một Tô Hoài lõi đời, sành sỏi, con ruồi bay qua không lọt khỏi mắt! Những chuyến giang hồ vặt không một đồng xu dính túi; cái miên man cuốn hút khi dông dài giữa đám cầm bút nhà nghề, những chuyến viễn du, mãi tận Huế, tận Sài Gòn, Dầu Tiếng, cái tự nhiên không dễ có khi một mình về công tác tại một bản Mèo thấp thoáng giữa triền núi cao... bao nhiêu từng trải, như còn in dấu vào cách sống, cách chuyện trò của Tô Hoài hôm nay, bên cạnh cái nhũn nhặn lảng tránh, con người ấy thật cũng đã nhiều phen phải dàn mặt, phải chịu trận, nói chung là phải đối chọi với đời và nếu như có lúc phải đầu hàng thì đó cũng là bước đường cùng, rồi, nín nhịn chẳng qua để tồn tại, và sau hết, để được viết.
Có một thoáng gì đó, như là một chút hư vô trong con người thực dụng Tô Hoài chăng? Một nhận xét như thế là đầy mâu thuẫn, nhưng biết sao được, con người mỗi chúng ta trong những năm này bị bao sức mạnh xâu xé, kể sao cho xiết! Một chút khinh bạc có từ rất sớm (bản thân Vũ Ngọc Phan vốn rất hiền từ cũng phải nhận ra và lên tiếng cảnh cáo, khi đọc Quê người, O chuột...), cái khinh bạc đó hẳn không bao giờ mất hẳn. Cộng thêm vào đó là bao nhiêu ngọt bùi cay đắng đã đến trong cuộc đời một người viết văn, một người cán bộ, những phút bốc đồng và những lần tỉnh mộng, những lầm lỡ và man trá xen lẫn vào giữa những chân thành ngây thơ, cuộc bể dâu diễn ra ngay trước mặt. Khi đã trải tất cả những sự đó rồi, cái hư vô sẽ như một thứ ánh sáng mờ mờ giúp cho người ta sống nhẹ nhõm hơn và tự do hành động hơn. Lúc này, hư vô đã trở thành một điều kiện bắt buộc để sống, hư vô là một thứ thuốc an thần cho những kẻ ham hành động, nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo, để hiểu rằng hành động của mình cũng rất có thể chỉ là vô nghĩa.
Xuân Quỳnh |
Một là làm thật nhiều muốn viết gì thì viết, không định bụng thế này thế kia, mà cũng không sợ mang tiếng khi viết.
Hai là không coi mình là quan trọng, chấp nhận hết thảy. Giữ được từng phút cảm động ngạc nhiên nho nhỏ, nhưng không còn gì ngạc nhiên trên những cái lớn
Thực hiện điểm thứ nhất thật không gì dễ hơn, nhất là khi người ta đã có trên 150 đầu sách như Tô Hoài.
Còn điểm thứ hai? Bảo là biết điều, là khiêm tốn có lẽ không phải. Ai đâu còn trẻ con thế! Sống cho nhẹ nhõm là cách tốt nhất để bảo toàn mình. Lại nhớ những câu Kiều mà thuở mới lớn, đã cùng với nhiều bạn thợ cửi, ngâm đi ngâm lại không biết chán: Nàng rằng thực dạy quá lời / Thân này còn dám coi ai làm thường!
Loanh quanh một hồi hóa ra chưa thoát khỏi chỗ xuất phát ban đầu? Nhưng với Tô Hoài lúc này, mọi sự khen chê không còn ý nghĩa. Trong cái thế kỷ đa đoan chúng ta đang sống, dẫu sao ông cũng đã luôn luôn dập dềnh trên mặt sóng. Tháng bảy và tám 1997, ông đến Đà Lạt ngồi viết xong một tập hồi ức, có tên là Chiều chiều. Chắc chẳng ai không hiểu đấy là chủ tâm “chiều chiều cuộc đời”, nhưng ông vẫn không quên ghi thêm hai câu ca dao cổ: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai” cho tơ liễu và lửng lơ đôi chút. Âu lại cũng vẫn những cái tạng Tô Hoài”....
- thì đến Tô Hoài - nhìn từ một khoảng cách gần, những nhận xét của Vương Trí Nhàn đã mạnh dạn, sắc sảo hơn rất nhiều (những đoạn ghi chép kiểu như Nhật ký giống như những thước phim tài liệu chân thưc, sinh động):
“…Văn Tô Hoài không gợi cảm giác sang trọng mà thường ăn ở cái vẻ miên man không cùng; sinh động tự tin, nhưng lại vẫn có chút hậm hụi, hèn hèn tội tội như thế nào đó. Một câu trong Xóm giếng ngày xưa “Tôi vẫn quen với những nhem nhọ “.
Về kỹ thuật viết
Tô Hoài mạnh nhất khi tả phong cảnh, tả những ấn tượng của người viết. Từ đoạn này sang đoạn khác, nhiều khi chuyển rất đột ngột, không đếm xỉa gì đến người đọc. Nhưng vì cái duyên, người ta bị hút ngay vào những đoạn rẽ ngang rẽ dọc đó.
Tôi nghĩ rằng Tô Hoài không biết rõ nhân vật và ông không để ý đến nhân vật bằng phong cảnh.
Các loại nhân vật
Chỉ có một lần, Tô Hoài tả nhân vật có chí khí và có tầm nhìn xa - Dế mèn.
Chỉ có một lần, Tô Hoài tả loại người quật khởi - đó là A Phủ.
Còn ngoài ra các nhân vật của ông đều là là sát mặt đất; pha tạp, không thuần nhất; mặt mày nhòe nhoẹt; tồn tại theo kiểu khật khà khật khưỡng. Người ta hơi khó nghĩ khi xếp họ vào những loại người cụ thể. Nhiều người là loại tầm thường.
Sự tồn tại giữa đời
Mỗi lần nghĩ đến Tô Hoài, tôi vẫn lạ vì sao có một người khinh người rẻ của như vậy, lạnh lùng như vậy, mà vẫn sống giữa người đời rất nhẹ nhàng, và đi đâu cũng lọt. Hay là sự chân thành của Tô Hoài và người đời cũng rất thật mà tôi chưa nhận ra
…Bề ngoài có tính chất dân gian, song thực ra đó cũng là một quan niệm hiện đại về thế giới này, ở đó con người vừa có mặt, vừa vắng bóng; mọi hoạt động vừa là làm, vừa là chơi; tác phẩm vừa là tinh túy, vừa là độn; con người vừa là cán bộ, vừa là dân thường. Dễ từ bỏ nhau, dửng dưng với nhau, như đã dễ gần gũi với nhau.
…Trong bài viết về Nguyễn Bính, Tô Hoài bảo trong đời sống văn học trước 1945, người lẫn với ma, đó là cái thời nửa người nửa ma. Theo nghĩa này có thể bảo chính ông như một con ma, trong ông có một con người nghĩ ngược với những điều đang viết. Lúc nào ông cũng có nhu cầu tố giác mọi người, lật tẩy mọi người - kể cả lật tẩy chính mình. Lúc nào ông cũng đắm đuối trong một vài ý nghĩ tinh quái nào đó.
Trong con mắt những đồng nghiệp
Tô Hoài cũng có cái nhân bản của mình, chỉ có điều cái nhân bản đó, không có được cái tầm như ở những ngòi bút kiệt xuất.
Con người làm bằng chất dẻo
Nói chung, theo Ý Nhi, Tô Hoài tỉnh bơ như không, khi nghe người khác chỉnh mình, cười mình, vạch cái xấu của mình.Tôi nghĩ, ông như có cái khóa tốt, khóa tạch lại một cái, thế là mọi ý kiến về ông ở ngoài.
Theo nghĩa rộng, Tô Hoài rất khớp với xã hội Việt Nam hôm nay. Đọc lại Tự truyện, thấy tưng tức. Người tài quá, mà lại cũng khinh người rẻ của, ma giáo quá.
Một kiểu làm ăn tùy tiện
Thỉnh thoảng liếc qua báo Người Hà Nội, tự nhiên thấy nhếch nhác quá. Mà do Tô Hoài làm đấy.Từ người phụ trách báo đã khinh thường tờ báo của mình biết bao.
Một lúc nào đó tôi buột miệng nói: nếu tất cả chúng ta đều là cặn bã, thì loại như Tô Hoài vừa là cặn bã của xã hội cũ, vừa là cặn bã của xã hội mới.
Đọc lại bài viết Núi Cứu quốc (Nguyễn Đình Thi), thấy có câu “Tô Hoài thú Việt Bắc nhưng không yêu Việt Bắc.”
Có lẽ với cả cuộc đời này cũng vậy, Tô Hoài đâu có yêu. Một mặt, đó là người chả có nguyên tắc sống gì (dân ngoại ô không có nghề chuyên, chỉ đi làm thuê, việc gì cũng có thể làm; người ta chỉ thuê một lần, sau này cũng chả nhớ mặt nhau nữa). Mặt khác, đó lại là một cán bộ biết vươn lên trong xã hội, cũng thích công danh lắm.
Phan Thị Thanh Nhàn bảo: Bây giờ Tô Hoài vẫn bảo là không phải làm báo cho bạn đọc, mà là làm báo cho tuyên huấn họ đọc.
Tầm vóc văn chương
Đọc những nhà văn lớn ở nước ngoài, thấy rõ người ta định lớn - người ta muốn cạnh tranh cả với Chúa! Các nhà văn VN ở trình độ khác. Từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân tới Xuân Diệu Tô Hoài, luôn luôn ở người ta chỉ có cái ao ước là tìm ra một chỗ đứng trong đời sống, len lỏi để có thể bám trụ được, và từ đó nhìn ra với nụ cười hể hả: ta không chết.
Và nỗi lo lớn nhất là cạnh tranh với các đồng nghiệp ghi điểm trước đồng nghiệp.
Niềm tự tin
Trong Tô Hoài có chất của dân buôn bán Bắc bộ, nghèo nàn, chắc lép; lại có chất của dân công chức thuộc địa, cốt làm xong việc lấy lương, còn đâu kệ thằng Tây; có triết lý của người người hư vô, thây kệ đời bởi hiểu mọi cố gắng chỉ vô ích, vậy thì cứ sống cho thoải mái, đến đâu hay đến đấy. Tô Hoài là một hãng hàng thật hàng giả đều làm được, cũng biết người biết của, mà nhìn chung đối với sự đời chả coi cái gì ra gì hết.
Những năm chín mươi
Sức sống của nhà văn này cho tôi hiểu thế nào là sự phong phú của con người, nhất là loại người từng trải. Có thể nói ở mỗi con người loại này có những con người khác nhau. Trước công việc, một con người khác - đôi khi là Chúa - chi phối anh ta. Trong khi đó, thì ngoài đời, anh ta vẫn tiếp tục phiêu lưu, lang thang, hưởng thụ, hư hỏng.
Phan Thị Thanh Nhàn kể : Ông Tô Hoài làm ở cơ quan báo, lại Hội nữa, ăn hai lương như Bằng Việt, mà chả bao giờ đến cơ quan cả.
…Cơ quan có cô N. làm văn phòng. Ông Tô Hoài dùng nó, nể nó. Đùng một cái, nó xin vào Hội. Anh em thấy chuế, ông Tô Hoài cũng thấy chuế. Cho nó vào thì ra làm sao nữa.
Có người như Bằng Việt nói thẳng, thôi N. ơi chờ chút đã, để bọn này viết cho N. mấy cái truyện hoặc mấy bài thơ rồi ký tên N. đã, N. hãy vào. Nhưng N. nó không chịu.
Đến ngày Ban chấp hành bỏ phiếu thì ông Tô Hoài vắng một cách cố ý.
Ấy, ông cứ sợ một đứa khùng dại như vậy để rồi có lúc ông coi thường cả một đại hội.
Người khác tham lộ mặt. Ông ấy thì lẩn khuất kín đáo. Khi có hai bên tranh nhau thì ông ấy nhường ngay. Chỉ khi nào, ở chỗ nào không ai để ý, ông ấy mới bổ nhào, và người ta phải chịu.
Cái mà tuổi tác mới dạy cho ông ấy chăng ? Không, từ trẻ ông đã thế.
Là cái mà văn hóa Việt Nam nó thấm vào ông nữa.
Con người trong Tô Hoài
Đọc lại Dế mèn. Đúng là có một tính cách, sự khao khát, ý tưởng hành động. Nhu cầu muốn làm việc lương thiện. Sự sòng phẳng, chấp nhận những lầm lỡ của con người mình.
Tính cách kiểu Dế mèn là tính cách thông thường của con người lập nghiệp, tuy không có cái sắc cạnh, cái quá đáng, cái gần như không thể bộc lộ được. Lại cũng đã bắt đầu thích chức vụ xã hội.
Nhưng ngoài Dế mèn, thì các nhân vật khác đều lặt vặt không có con người nào như Dế mèn. Trong truyện Tô Hoài trước cách mạng, loại con người hiện ra vớ va vớ vẩn đông hơn nhiều.
Trong một phiếm luận, tôi đã từng chứng minh những variant khác nhau mở ra trước nhân vật Tô Hoài trong việc mưu cầu hạnh phúc. Có vẻ như Tô Hoài muốn đưa ra cả loạt, một cụm mà lại không có một phương án nào là rõ rệt.
Tô Hoài không thật yêu một con người nào, một kiểu tính cách nào. Các loại nhân vật chỉ để vẽ phác, và đều nham nhở. Nhân vật không có những khao khát lớn. Nhân vật không có cái đắm đuối như các nhân vật của Nguyên Hồng. Bước đi loạng choạng, ý định thú tội - nhớ có một nhân vật Nguyên Hồng được tả như vậy. Gắn liền với ý thức về tội lỗi, khao khát chuộc tội. Sự thông cảm kỳ diệu với thiên nhiên, thấy ở đó một biểu hiện của Chúa, những cái ấy có ở những trang đặc sắc nhất của Nguyên Hồng.
Cuộc đời trong Tô Hoài thì lẩn mẩn rất nhiều chi tiết mà người bình thường quen thuộc nhưng lại hay bỏ qua. Đọc Tô Hoài người ta có thích thú nhưng không sửng sốt. Nhân vật trong Tô Hoài thiếu hẳn bản sắc riêng, cái thật nổi trội kỳ lạ. Có vẻ như họ sát ngay mặt đất, họ dễ lẫn đi giữa những người khác.
…Lạ thật, một mặt thì Tô Hoài rất tiêu biểu cho lối làm việc của nghệ sĩ Việt Nam, loanh quanh tả cái cây cái lá với những chuyện vặt vãnh. Mặt khác, ông lại là người có lối làm việc của nhà văn hiện đại. Ông sớm viết hồi ký, viết ngay từ hồi 22-23 tuổi - tập Cỏ dại. Hình như ông hoàn toàn hiểu rằng nhà văn còn biết viết về những gì khác ngoài chính mình nữa !
Bên cạnh cái phần đôn hậu, sự ma mãnh là một thứ bản chất thứ hai Tô Hoài, nó giúp cho ông tồn tại nhưng cũng kéo thấp ông xuống.
- ma mãnh nghĩa là sẵn sàng làm bậy, nói dối, viết ẩu, len lỏi để sống.
- ma mãnh nghĩa là cứ tự nhiên mà thành, mưu mô lặt vặt xoay xở tầm thường cũng là tự nhiên, và không đủ sức vươn lên thành trí thức, vươn lên trong kiến thức, sách vở, phiêu lưu vào những khu vực thiêng liêng của đời sống tinh thần.
Về quyển hồi ký Cát bụi chân ai
Từ hồi gặp nhau ở Moskva, Tô Hoài đã nói với tôi về ông Tuân, phải viết về ông ấy, viết chứ, nhưng không phải là kính viết mà viết một cách như là vẫn sống với ông ấy vậy.
Cả quyển viết về Nguyễn Tuân. Mở đầu bằng câu tôi kém Nguyễn Tuân 10 tuổi. Và đến cuối là đoạn có người đến báo Nguyễn Tuân chết. Theo cách trình bày của Tô Hoài, thấy ông không định viết Nguyễn Tuân cho sang mà kéo Nguyễn Tuân gần với mình, để rồi, cũng vẫn không quên cái điều căn bản, thực ra Nguyễn Tuân là Nguyễn Tuân mà mình vẫn là mình. Cái hiện tượng Nguyễn Tuân với Tô Hoài không gì khác, là chính văn học, là chính đời sống, chúng ta không lựa chọn cuộc đời này, ta sống với nó, vừa hăng hái thiết tha, vừa uể oải chán chường. Chưa bao giờ, chưa ở chỗ nào, tôi thấy Nguyễn Tuân như ở đây, nghe giọng toàn là thứ thiệt cả. Mặc dù luôn luôn nghi ngờ Tô Hoài, cho Tô Hoài là khôn, ranh, giấu mặt, song Nguyễn Tuân vẫn không bỏ được Tô Hoài, vẫn thấy đấy là một phần của cuộc đời mình. Theo cách nhìn của Tô Hoài, ở con người khinh bạc ấy, vẫn có biết bao tha thiết.
Đoạn cuối, tả Nguyễn Tuân già yếu, bất lực, tiếc đời, lụn bại, đúng với tình thế một người hết thời, nhưng cũng cho thấy một cuộc đời qua đi, chớp mắt một cái, thế là đã xong hết cả. Nhưng mấy hôm nay, người trong giới bảo nhau (tôi nghe Nguyên Ngọc bảo) là sách không in được đâu, trên chưa định thanh toán cái hóa đơn này đâu.
Tô Hoài: Nhưng ở tuổi tôi, tôi phải viết thế chứ còn gì nữa!”.
Ta có thể tạm dừng nói về việc viết chân dung Tô Hoài của Vương Trí Nhàn bằng một nhận xét bao quát về chân dung Tô Hoài qua việc Tô Hoài viết chân dung Nguyễn Tuân bằng cuốn Cát bụi chân ai:
Nhưng dẫu sao, Cát bụi chân ai vẫn là một cuốn hồi ký. Dù bóng dáng của Nguyễn Tuân có trùm lên cả quyển sách, thì cạnh đấy, vẫn hiện lên mồn một cái bóng dáng chính của người viết, một Tô Hoài lịch lãm, ý nhị, bắt vở hết các bậc đàn anh, biết thóp đủ mọi chuyện, khinh bạc, đáo để, song cũng lại biết thiết tha với từng chi tiết trong cuộc sống hàng ngày, lại càng tha thiết trước một chén rượu quý, mấy câu tâm sự bâng quơ, những lá thư cảm động.
*
Với Xuân Diệu, cùng là một kiểu nhà thơ, nhà văn “đồ sộ” và cũng có ngàn lẻ một chuyện hư có, thực có bao bọc xung quanh. Vì thế, viết về Xuân Diệu vừa dễ, vừa khó. Dễ vì có rất nhiều “tư liệu”, khó vì phải biết đãi cát tìm vàng, chọn lấy những gì “Xuân Diệu nhất”. Và phải nói ngay, Vương Trí Nhàn đã biết chọn lựa những chi tiết chỉ Xuân Diệu mới có…Có một số nhà nghiên cứu, phê bình văn học chú ý đến sự ám ảnh của thời gian trong thơ Xuân Diệu và coi đó là một sự chi phối lớn đến nội dung cũng như phong cách nghệ thuật của thơ Xuân Diệu. Song, chưa ai thấy được rằng đó chỉ là biểu hiện “bằng thơ” của một con người Xuân Diệu thực dụng, mà trong bài viết về chân dung Xuân Diệu, Vương Trí Nhàn đã nhận ra:
“…Cái đích mà ông khao khát chiếm lĩnh là những giá trị còn mãi trong đời. Việc tìm hiểu giới thiệu các tác giả cổ điển, với tất cả sự khó khăn có thể có của nó, chừng nào đó, vẫn bảo đảm cho Xuân Diệu có điều kiện đến với cái đích đã đề ra. Việc ông sốt sắng lao vào nó hết mình là kết quả của cả tình yêu lẫn một sự tính toán khá chính xác.
Đến đây, chúng ta lại có dịp đối diện với một khao khát thường trực mà cũng là một động cơ chi phối toàn bộ con người Xuân Diệu, nó như nhiên liệu, tạo nên năng lượng cho mọi hoạt động của cái cỗ máy tinh vi trong con người tác giả Thơ thơ, đó là khao khát vượt lên trên thời gian, trở thành vĩnh cửu.
…Tuy nhiên, vấn đề sống chết là cả một câu chuyện lớn và trong cái ham muốn phổ biến là trở thành bất tử, con người ta cũng tự chứng tỏ nhân cách của mình, trình độ hiểu cuộc sống của mình. Nếu như đã không biết sống cái ngày hôm nay, thì làm sao người ta có thể biết sống trong vĩnh viễn?!
…Ở trên, chúng ta nói, do ham sống Xuân Diệu rất sợ chết và nỗi sợ ấy của Xuân Diệu đôi khi bị đẩy đi quá đà, đến chỗ quá quắt.
Xuân Diệu |
Ở đây, có cả sự biết điều chân thành lẫn sự khôn ngoan hám lợi thô thiển.
…Để công chăm lo dựng tạo hình ảnh của mình với hậu thế là một việc mà không ít nhà thơ nhà văn lớn nghĩ tới, song cái cách làm của Xuân Diệu trong nhiều trường hợp thật đã là “làm lấy được”.
Vào những năm ấy, nhà phê bình P. còn đang thao túng đời sống văn học. Ông sớm bắt tay làm những cuốn sách mang tính chất tổng kết, giống như một thứ đúc bia tạc tượng các nhà văn lớn đương thời. P. bảo với Xuân Diệu: - Anh tặng sách tôi như mang tiền gửi nhà băng, không có đi đâu mà thiệt.
Câu nói quả đã đánh trúng tim đen Xuân Diệu. Bởi vậy mặc dầu trong thâm tâm không thích gì P., ông vẫn biếu sách và ông giải thích phải qua P. để đến với các sinh viên đại học.
Thậm chí đây đó còn có thể nói trong việc tìm cách đưa mình vào vĩnh cửu Xuân Diệu có lúc đã đi sát tới cái chỗ như là... đẽo gọt đời mình cho vừa với lịch sử nữa. Ông sẵn sàng giấu diếm một đôi điều, nếu điều ấy không có lợi cho tên tuổi ông, uy tín ông trong tương lai.
…Sự thực dụng của Xuân Diệu trong việc này vốn có từ trước Cách mạng. Chúng ta đã biết hồi mới ra Hà Nội, ông đã vô cùng tha thiết với việc tham gia vào nhóm Tự Lực. Thế nhưng, khi nhóm này tan, thì tình nghĩa của ông với các bạn cũ cũng cạn luôn, ít ra là ở bề ngoài ông làm cho người ta hiểu như vậy. Trong khi một người như Tú Mỡ nhiều năm sau còn nhắc đến những kỷ niệm về Nhất Linh, Khái Hưng thì Xuân Diệu không bao giờ đả động đến những ngày làm việc ở Phong hóa, Ngày nay.
Thơ thơ in ra lần đầu (1938), bên cạnh hai chữ Xuân Diệu, còn chua rõ trong Tự Lực văn đoàn. Đến khi in ra lần thứ hai, mấy chữ trong Tự Lực văn đoàn đã bị cạo hẳn. Từ sau 1945, cái việc chia tay với Tự Lực còn được làm một cách ráo riết hơn nữa.
Nhật ký kháng chiến của Bùi Hiển (1946-47) còn ghi rõ vào những năm ấy, ở thành Vinh, Bùi Hiển có dịp gặp gỡ đủ mặt văn nghệ sĩ từ Nguyễn Tuân đến Hồ Dzếnh. Lạ một điều, là vừa gặp, Bùi Hiển đã được nghe Xuân Diệu phân bua: từ 1940 về trước, khi mới đến với văn đàn, Xuân Diệu còn phải nương tựa vào đám Tự Lực để lấy tiếng. Chứ thực ra có tình nghĩa gì đâu.
…Chúng ta đều biết, so với Hoài Thanh, Chế Lan Viên, là những người có lúc triệt để phủ nhận Thơ mới, thì Xuân Diệu có phần phải chăng hơn. Với những đứa con tinh thần đã dứt ruột đẻ ra, ông kiên trì bảo vệ đến cùng. Khi làm Tuyển tập của mình, ông đã lấy lại gần hết cả Thơ thơ lẫn Gửi hương cho gió. Kể ra, lúc đó phải coi là một hành động dũng cảm. Nhưng đây là một vài biểu hiện của thái độ phi lịch sử khá khéo léo ở Xuân Diệu: Nếu khi khai sinh, nhiều bài thơ của ông có lời đề tặng ở bên cạnh như Đi thuyền tặng Khái Hưng, Đây mùa thu tới tặng Nhất Linh, Vô biên tặng Hoàng Đạo thì trong công trình mà ông đích thân tham gia chuẩn bị là Tuyển tập Xuân Diệu ở trên vừa nói, những dây mơ rễ má đó, được ông xóa sạch.
…Sợ liên luỵ vì những người bạn cũ, trong các tài liệu chính thức, chẳng hạn, tiểu sử bản thân, đề ở đầu Tuyển tập Xuân Diệu (mà đọc kỹ thấy đúng giọng ông, tức do ông tự tay viết ra), nhà thơ giấu biệt chuyện mình từng là một thành viên của Tự Lực.
Và có lẽ chịu sự chi phối của ông - những lời năn nỉ thiết tha - nên các tài liệu nghiên cứu về ông, các giáo trình đại học viết về văn học trước 1945, hoặc trong Từ điển văn học in ra 1984, chuyện này cũng được lờ đi hoàn toàn.
…Đúng là Xuân Diệu chưa kịp viết hồi ký. Nhưng giá có viết nữa, thì chắc ông không định viết tiểu sử như ông có thực, mà sẽ chỉ viết tiểu sử của ông như nó nên có, như ông muốn bạn đọc biết.
Thậm chí đây đó còn có thể nói trong việc tìm cách đưa mình vào vĩnh cửu Xuân Diệu có lúc đã đi sát tới cái chỗ như là... đẽo gọt đời mình cho vừa với lịch sử nữa. Ông sẵn sàng giấu diếm một đôi điều, nếu điều ấy không có lợi cho tên tuổi ông, uy tín ông trong tương lai”.
*
Với “Người tài tử, lãng tử” Nguyễn Tuân, Vương Trí Nhàn đã có cái nhìn thấu đáo. Trước hết là Vương Trí Nhàn đã quan niệm đúng : người tài tử, lãng tử là những người có tư cách, không chịu cúi luồn, khinh bạc, ham chơi. Có điều, cách chơi của họ rất khác đời. Sự say sưa khi cầm trên tay quân bài lá bạc, hoặc chén rượu ngon, đối với họ, không phải là mục đích cuối cùng. Giữa một xã hội phong kiến cào bằng nhân cách, trói buộc người ta trong những quy ước tẻ nhạt, cách chơi của những bậc tài tử này là lối chơi của kẻ thạo đời, đã đọc đủ sách thánh hiền nhưng vẫn chán, đành lấy việc chơi đùa để khẳng định chỗ hơn người và cả khát vọng tự do của mình. Và con người tài tử, lãng tử ở Nguyễn Tuân đã được Vương Trí Nhàn cắt nghĩa rõ ràng:
“Sở dĩ Nguyễn Tuân có thể diễn tả thành thục người và cảnh Vang bóng một thời, bởi xét trên nhiều phương diện, ông vốn là một tài tử nhà nòi, đã sống thật chín, thật kỹ cái nếp sống phong kiến trái mùa kia, tức bản thân ông là một kiểu người vang bóng. Thận trọng và tinh tế, hay nghĩ về đời nhưng lại khinh bạc quay mặt đi vì biết không làm sao xoay chuyển được cuộc đời, ham tìm những cái đẹp tao nhã, sẵn sàng bạn bầu cùng một ánh trăng suông, một nhành hoa lạ..., những đặc tính ấy của Nguyễn Tuân thật ra là một sự thừa kế có phần tự nguyện nhưng cũng có phần bất đắc dĩ từ nhiều bậc tiến bối. Ông sống trong những cung cách sống xưa một cách tự nhiên, cứ để cho nó tha hồ “hành” mình và tự nó ngấm vào mình lúc nào không biết. Vào cái thời mà Nguyễn Tuân lớn lên, những năm ba mươi bốn mươi của thế kỷ này, loại người giữ được cái chất tài tử ấy đi dần đến chỗ tuyệt chủng, nhưng chính vì thế, còn rơi rớt lại ở người nào đó, nó càng bền chắc và nhiều khi phô ra cái vẻ khá sặc sỡ.
Nguyễn Tuân |
Nếu có một thứ nghề sống, nghề làm người như cách nói của nhà văn ý Pavese (2) thì Nguyễn Tuân trước đây quả thực đã là một tay nghề có hạng, với nghĩa tốt đẹp của chữ “có nghề” này.
Giữa một cuộc sống trần tục xô bồ, trước sau ông vẫn là một nhà văn xem trọng sự thiêng liêng nghề nghiệp và sống với nó thành kính thật sự.
Nhìn lại cả đời văn Nguyễn Tuân, chúng ta thấy gì? Chúng ta nghĩ đến sự công bằng. Ai đối xử với nghề nghiệp ra sao, sẽ được nghề nghiệp đối xử lại như vậy. Cố nhiên, rộng hơn câu chuyện tác phẩm còn có câu chuyện về chính con người đã tạo ra các tác phẩm này nữa. Trong sự độc đáo của mình, cuộc đời Nguyễn Tuân có hấp dẫn chúng ta, nhưng suy cho cùng, đó không phải là lối nêu gương để chung quanh bắt chước. Không, Nguyễn Tuân không thể làm thế. Với tất cả cái hay cái dở, cái tài cái tật vốn có, lời kêu gọi của ông giản dị hơn: Mỗi người hãy sống đúng với bản sắc của mình.
Thật vậy, sau khi nói rằng sự làm người là nghiêm chỉnh, rằng chúng ta phải sống đúng sống tốt, như cái phần lương tri trong chúng ta vẫn yêu cầu, cuộc đời Nguyễn Tuân như còn muốn nhắn nhủ thêm một điều này nữa: muốn hay không muốn mỗi chúng ta đều là một thực thể đơn nhất, riêng biệt, không giống một ai khác và không ai thay thế nổi. Khi điều đó không phụ thuộc vào ý muốn của riêng ai mà là một cái gì tất yếu “không thể sửa chữa” thì tại sao chúng ta không tạm bằng lòng với mình, yên tâm là mình, nó là điều để ta tự vệ tức tránh bớt được những dằn vặt vô ích, mà biết đâu đó chẳng phải là một cách giúp ta để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng đồng loại và do đó trở nên có ích hơn hết?”.
…Nhà văn như kẻ đi đường không bao giờ mệt mỏi. Nhưng chữ đi ở Nguyễn Tuân vốn không chỉ bó hẹp vào sự di chuyển trong không gian mà có nghĩa rất rộng: “Ngay cả lúc anh đăm đăm ngồi trước trang giấy trắng lạnh phau giữa phòng văn, anh cũng vẫn là một con người đang đi. Đi vào cái đêm làm việc của mình. Đi cho đến chỗ tận cùng của đêm mình”. Cái dạng đi này của Nguyễn Tuân còn ít được nói tới, nhưng thật ra, chính nó lại là khía cạnh quan trọng bậc nhất trong con người Nguyễn Tuân mà những người yêu mến văn ông cần biết.
Có lẽ cũng cần dẫn lại đây bức chân dung Nguyễn Tuân bằng thơ của Xuân Sách để bổ sung cho bài viết của Vương Trí Nhàn (Lấy trong bài Xuân Sách hay là một đặc sản văn chương):
Một mắt lư đồng một mắt cua
Chém treo ngành toàn chém a dua
Hà Nội đánh Mỹ giỏi, thua bác
Cả đời ăn phở chẳng cần mua...
*
Chân dung Tế Hanh được lấy từ tên một bài thơ trong tập thơ đầu “Nghẹn ngào”, cũng là bài thơ được Hoài Thanh chọn giới thiệu Tế Hanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam: Tế Hanh, Lời con đường quê. Phải nói ngay rằng, đây là một chân dung có vẻ đẹp toàn bích và cảm động nhất trong Cây bút, đời người. Xin trích lại ra đây những đoạn, những câu mà tôi cho là đạt nhất, nói được nhiều về Tế Hanh nhất:
…Hình như con người này không có thói quen phải đối diện với cả một đám đông cử tọa. Có mặt giữa mọi người mà ông vẫn mải mê chạy theo những ý nghĩ của mình, đầu óc để tận đâu đâu, chỉ thỉnh thoảng chợt nhớ ra một điều gì đó ông vỗ vai thầm thě vào tai người ngồi cạnh, rồi lại ngơ ngác suy nghĩ tiếp, hoặc xách túi lẳng lặng chia tay anh em trước. Chắc chắn đó không phải là người của những cuộc đối thoại say sưa! Mà trước tiên, đó càng không phải là người của những ý tưởng nồng nhiệt, nói ra có thể làm đảo lộn đầu óc, hoặc gây ấn tượng thật đậm với những người chung quanh! Thành thử ngay khi Tế Hanh ngồi giữa đám đông, người ta vẫn thấy ở ông nhu cầu trao đổi trò chuyện một hai câu với một người nào đó thật ra là một biến tướng của nhu cầu độc thoại, kết quả sự đắm chìm triền miên của ông vào bản thân mình ngay giữa cuộc sống hàng ngày.
Tế Hanh |
…“Chất Tế Hanh” là những nhẹ nhõm “nỗi vui nỗi khổ đều qua vội vàng”, những lơ mơ bất định “thân buông theo gió hồn theo mộng”, từ đó, là những lửng lơ, ngơ ngẩn, những hành động vu vơ, và những dừng lại bất chợt.
- Những ngày buồn nhớ lại thấy vui vui
Những ngày vui sao bỗng thấy ngùi ngùi
hoặc:
- Tôi đi để mặc cỏ may
Hai bên bờ biếc ghim dày quần tôi
- Dừng chân trước một quả đồi
Gỡ từng sợi cỏ, tôi ngồi nhìn thu
…Chế Lan Viên, trong lời bạt viết cho Tuyển tập Tế Hanh (1987) từng nói tới cái tạng riêng, cái gu riêng nó là nét độc đáo của Tế Hanh bên cạnh các nhà thơ khác:
“Dù anh viết khá hay về biển, biển trong bão dữ, nghĩ đến anh tôi vẫn nghĩ đến cái êm đềm của những con sông. Chim anh viết hay, không phải chim hải âu mà là chim én. Anh có thể tả mùa hè rực rỡ nhưng hình như anh xúc động nhất mùa thu. Anh không tả giỏi mặt trời bằng tả vầng trăng (...) Mặt trời của anh khi nào chói quá thì anh kìm nó lại bằng một dòng sông hay những bóng cây xanh. Và cây xanh thì có lẽ anh yêu nó hơn, khi ở trong vườn (...) hơn là ở những khu rừng (...) Nếu vào trong khu vườn, Xuân Diệu sẽ ngoạm vào cả các trái hồng lẫn các trái xanh, Huy Cận lắng nghe chất nhựa trên cành, người nào đó hì hục tìm thơ trong bộ rễ âm thầm, còn với Hanh thì màu xanh của lá cũng đủ cho anh hạnh phúc”.
…Cái phong cách ở Tế Hanh không gắt lên như một Nguyễn Tuân trong văn xuôi, một Hàn Mặc Tử trong thơ, song vẫn là một phong cách tự nó đã hoàn chỉnh và ổn định.
…Trước sau, ông vẫn giữ nguyên cái tính cách ngơ ngơ ngác ngác và cái xúc động hồn nhiên kiểu học trò của mình - ít ra là ở bề ngoài.
…Về mặt chức vụ mà xét, trong nhiều năm, Tế Hanh từng là ủy viên Ban chấp hành hoặc Thường vụ Hội Nhà văn (như Ban thư ký về sau), từng mười năm liền phụ trách đối ngoại của Hội, từng có chân trong Ban phụ trách nhà xuất bản Văn học những năm nó còn thuộc về Hội. Nhưng ông đã dễ dàng thoát ra khỏi các ràng buộc đó để trở về vị trí một người lao động có nghề, một nhà thơ lấy sáng tác làm lẽ tồn tại.
… Song tôi cứ thấy trên đại thể thì Tế Hanh, đó vẫn là một người dễ chịu. Người giữ được cái cốt cách thi nhân. Người biết điều. Và người có khôn, thì cũng là khôn kín đáo.
…Điều này lại cũng thấy rõ cả trong sáng tác. Qua cách sống cách viết của Tế Hanh, có cảm tưởng là ông rất hiểu cái tạng mà một nhà thơ mang tên Tế Hanh mang sẵn trong mình, và ông có thể là không cố ý, nhưng thật ra đã làm mọi cách, để cái tạng ấy được bền chắc và độc đáo. Khả năng sống hoà hợp với mình, hơn nữa khả năng giữ mình thật là mình, chỉ là mình, đã chi phối việc làm thơ của Tế Hanh trong mọi khâu từ chọn đề tài, chọn cách nói, cho đến sử dụng ngôn ngữ, thể loại. Nhưng trước tiên nó ở cái điệu tâm hồn của nhà thơ.
…Mặc dù cũng trải qua đủ mọi khó khăn vất vả như mọi người đương thời, nhưng ông thích nói về những gì êm ả, dịu dàng.
…Mặc dù nhận ra đủ mọi sắc thái gắt đậm, cùng là những cay chua mặn chát của đời sống, nhưng khi làm thơ, ông chỉ muốn viết về những sắc màu tươi tắn, những tấm lòng nhân hậu.
…Mọi việc ở ông đôi khi như là tự nhiên mà nói, tự nhiên mà làm, không cần chủ tâm chủ định, mà cũng không cần lên gân lên cốt cố gắng.
…Một người như thế sẽ có những thiệt thòi riêng, nhưng lại có những may mắn riêng, những niềm vui riêng mà cái niềm vui lớn nhất là có thể dồn tất cả nghị lực cho sáng tác, và dễ cảm thấy là chỉ ở đấy, mình mới được sống trọn vẹn.
…Tổng kết đời mình, ông bảo cũng có những thành công, nhýng nhiều thất bại. Ðứng trước những bài thơ hay, ông bảo ở mình có cảm giác nước đôi, lúc nghĩ như mình cũng viết được, lại có lúc nghĩ mình hoàn toàn bất lực. Và giả sử hiếm hoi có viết ra được vài câu có người khen hay thì ông cứ muốn thú nhận với mọi người là những dòng thơ ấy, ông đã ngẫu nhiên mà bắt được, chẳng qua là ông gặp may chứ không tài cán gì. Với một nụ cười ngượng nghịu ông sẵn sàng thú nhận với chúng ta rằng, làm thơ dễ sa đà lắm: “Có một hồi, tôi toàn viết lục bát. Lại có một hồi làm bài nào cũng ra thất ngôn. Nghĩ lại thì chẳng qua mình quen tay và nếu không cảnh giác với mình, khéo cứ theo mãi những lối mòn có sẵn”. Không rõ người khác có tin những lời tâm sự ấy của Tế Hanh, song về phần tôi, phải nói là tôi tin, cái chính là vì nó là một cái nhìn phải chăng về công việc của giới cầm bút. Nó không dẫn người ta tới sự thần bí hóa sáng tác, mà cũng không dẫn tới buông thả, lười biếng. Ngược lại nó yêu cầu người ta luôn luôn tỉnh táo đánh giá chính mình và các đồng nghiệp. Và tất cả là dựa trên một nhận thức cơ bản: nghề này rất khó.
…Cũng nên nói thêm là bề ngoài có vẻ lơ mơ vậy, nhưng Tế Hanh thường chịu đọc người khác, và có cách đánh giá độc lập về sáng tác của người khác. Thỉnh thoảng có điều gì, cần hỏi về ai, tôi vẫn tìm gặp Tế Hanh và thường được ông trả lời bằng những nhận xét ngắn gọn, trực tiếp. Những cuộc trò chuyện với Tế Hanh không bao giờ thật hào hứng nhưng thường khi vẫn có những khía cạnh hữu ích, lý do là ở chỗ ấy.
…Không chỉ trong việc làm thơ mà còn có một lĩnh vực nữa mà ở đó, cái lối sống lối làm việc bất chợt, tuỳ tiện, có lúc như là thiểu năng bạc nhược ở Tế Hanh có dịp bộc lộ đầy đủ, đồng thời đằng sau đó, ở một tầng sâu hơn, lại là một Tế Hanh có vốn học khá rộng, một con người có thói quen làm nghề nghiêm túc, đã tự nguyện làm và muốn làm bằng đuợc những việc một người cầm bút phải làm. Đó là câu chuyện của Tế Hanh khi đi dịch, và rộng hơn, việc tiếp xúc của ông với văn hóa nước ngoài.
.... Đã làm việc gì, là Xuân Diệu đào cùng tát cạn. N. Hikmet và P. Neruda, Dmitrova, N. Guillen..., Xuân Diệu đã chạm vào ai là dọn ra một mâm đầy đặn. Những sáng tác của người ấy, tức là mỗi tác giả lớn ấy, được ông tổ chức dịch và giới thiệu hoàn chỉnh thành một tập riêng, đứng tên ông, ít nhất cũng là góp thêm một dòng trong cái mục Cùng một tác giả đặt ở mấy trang đầu các cuốn sách của ông.
Lối làm việc của Tế Hanh thì hầu như ngược lại.
Trong khi cũng lang bạt phiêu lãng giữa cánh rừng thơ, hầu như chưa bao giờ ông thuộc về ai hoàn toàn. Thuý Toàn dịch Pushkin ư, ông sẽ gửi tới bài Một bờ bến khác. Bằng Việt dịch J. Ritsos ư ? Ông cũng có cả một chùm để góp cho tập Tôi muốn nói bằng ngôn ngữ tình yêu ấy, nhưng chỉ là một chùm nhỏ. Rồi Hugo, rồi L. Hughes, rồi S. Petofi, rồi B. Brecht, hầu như không có nhà thơ lớn nào mà ông không từng đọc, và giá ai kia có làm riêng tập thơ về nhà thơ lớn đó ông cũng có thể góp một hai bài. Nhưng chỉ có thế! Rất chật vật là những lần tự ông phải thầu dịch cả một nhà thơ nào đó. Thể nào ông cũng cần đến người chi viện. Và tập thơ ấy thường mỏng, lời giới thiệu thường ngắn gọn. Ông không yêu ai đến cùng, hay không đủ sức làm một công trình dịch thuật trọn vẹn - nói như thế nào cũng được. Thế nhưng không phải như vậy mà nói rằng sự đọc nước ngoài của Tế Hanh tuỳ tiện chểnh mảng. Ngược lại, trong cái vẻ ngẫu nhiên gặp đâu hay đấy của mình, ông lại có một sự quan tâm thường trực với văn học nước ngoài và có thể nói là luôn sống với nó một cách sâu sắc. ở đây ông không làm dáng làm bộ, không ra vẻ một tín đồ cuồng nhiệt, mà cũng không có lối vụ lợi, đọc đến đâu phải dịch, phải cho in, phải kiếm lời hoặc phải vận dụng vào các sáng tác trước mắt ngay lập tức - không, việc đọc và dịch với Tế Hanh đơn giản hơn nhiều. Làm nghề gì, thì cũng phải biết bên Tây bên Tàu người ta làm nghề ấy thế nào, nữa là nghề cầm bút - ấy, đại khái lý lẽ thúc đẩy ông là như vậy. Lâu dần, ông biến đọc và dịch thành một niềm vui, một việc hàng ngày như phải ăn phải uống, và trong khi cứ đủng đỉnh mà đi, không quá bị ràng buộc bởi những chủ đích có sẵn, đôi khi ông lại hái được những trái đẹp”.
Tế Hanh, người ngay từ bài thơ đầu tay Lời con đường quê đã cảm thấy mình là một con đường quê, “kéo nỗi buồn không dạo khắp làng”, đã thấm thía sự đời có cả mất và được, vui và buồn:
…Tôi đã từng đau với nắng hè
Da tôi rạn nứt bởi khô se
Đã từng điêu đứng khi mưa lụt
Đất lở thân tôi rã bốn bề
San sẻ cùng người nỗi ấm no
Khi mùa màng được, nỗi buồn lo
Khi mùa màng mất - tôi ngây cả
Với những tình quê buổi hẹn hò
Và thế đời tôi hết cái buồn
Trong lòng cực khổ đắm say luôn
Tôi thâu tê tái trong da thịt
Hương đất hương đồng chẳng ngớt tuôn.Và khi liên hệ đến những bài thơ ở tuổi 70, Tế Hanh nói :- Hoá ra cuối cùng mình lại trở về chính mình. Có thể nói, Vương Trí Nhàn đã rất tinh khi đưa chân dung Tế Hanh ở tuổi 70 lên con tàu “đi ngược thời gian” trở về nửa thế kỷ trước. Đó chính là ông đã làm cho Tế Hanh bất tử!
*
Nghiêm đa Văn |
“Không lo rèn luyện về mặt nghề nghiệp, không tự cảnh tỉnh và hướng suy nghĩ vào cuộc tìm tòi hoàn thiện của người trí thức, thế các nhà văn - tôi không nói tất cả, nhưng ngờ rằng không ít nhà văn ở ta - hướng năng lượng, hướng nhiệt tình đời sống của mình vào đâu? Xin thưa: hướng đi làm quan. Câu trả lời nghe có vẻ lạ tai nhưng lại là sự thật mỗi ngày mỗi hiển hiện rõ rệt.Xưa kia, dưới thời phong kiến, nhiều nhà nho có tâm huyết đã ra làm quan rồi, thậm chí đã hiển đạt lắm rồi, thượng thư, tổng đốc hẳn hoi, nhưng vẫn canh cánh bên lòng một nỗi buồn cảm thấy mình rơi vào vòng ô trọc, và dồn cả tấc lòng mình vào những câu thơ tâm sự mà lúc viết ngỡ rằng có thể không ai biết tới. Trong lòng các ông quan ấy vẫn còn những thi sĩ chân chính. Nay thì hình như mọi chuyện xảy ra theo chiều ngược lại, người ta thích làm quan ngay trong giới của mình, một sự lạ lùng, vậy mà, oái oăm thay, lại là điều có thật. Trong bộ máy hành chính của ta, Hội nhà văn chỉ là một cơ quan nhỏ, cỡ ngang một vụ, quyền lợi hình như không có gì béo bở lắm. Tiền tiêu cho Hội hàng năm, đã có người nửa đùa nửa thật mà dự đoán rằng không khéo chỉ xấp xỉ tiền tiêu cho một đội bóng đá. Nhưng như mấy câu thơ tức cảnh của Nguyễn Gia Thiều: Vẻ chi tèo teo cảnh / Thế mà cũng tang thương. Ở đây cũng vẫn có đủ những căn bệnh mà xã hội ta đang có. Cái ham muốn làm quan đó diễn ra dai dẳng hàng ngày lại càng nồng nã quay cuồng trong lòng người ta trước những sự kiện như một kỳ bổ nhiệm, một đợt đại hội “Lâu nay nhiều người chúng ta đến đại hội, điều đầu tiên là xì xào xem ai vào chấp hành”. Một nhận xét như thế không làm ai bận tâm vì nó là chuyện đương nhiên. Sở dĩ người nào cũng ngong ngóng nhìn vào chỗ ấy, vì quả thật, theo cách tổ chức như của chúng ta, một chức vụ trong Hội bảo đảm cho người ta nhiều thứ lắm. Một người phụ trách nếu biết tận dụng quyền lực sẽ có thể in sách ào ào vì Hội có nhà xuất bản riêng. Sách ra rồi sẽ có báo của Hội ca ngợi tâng bốc. Các hội đồng thì đề nghị tặng thưởng. Các cơ quan đối ngoại thì gợi ý Hội bạn nên dịch nên in…Hồi còn bao cấp, quyền lợi lớn đến vậy đó. Về sau có vẻ bớt đi, nhưng còn lớn lắm, vì ở lĩnh vực nào có xóa bỏ bao cấp không biết, chứ trong lĩnh vực tư tưởng, đâu có chuyện bỏ! Có thể so với “quan chức” ở các ngành khác, quyền lợi của các “quan chức” trong giới cầm bút chả mùi mẽ gì! Nhưng “quan chức” trong văn nghệ có cái thú là nhàn thân và có một lớp vỏ rất đẹp đẽ. Trong lúc làm “quan”, người ta có thể tự an ủi: hình như ta vẫn là người lao động cơ mà…Do ta viết hay nên sách được tái bản và nước ngoài cho dịch… Họ không viết hay bằng ta nên họ tị nạnh… Ôi, đã có cái lý để tự biện hộ khéo léo đến như thế, thì sự hấp dẫn của quyền lực chỉ càng thêm mạnh mẽ! Cũng do chỗ được một hình thức màu mè che đậy, nên chủ nghĩa quan liêu có nhiều biến dạng cụ thể, tạo nên một sức quyến rũ kỳ lạ. Người xưa nói tu tại gia, còn trong giới chúng ta có lối vụ tiếng tăm nhất thời, thực chất cũng là làm quan mà lại không có chức tước nào, chỉ có sự thiêng liêng của nghề văn bị đánh tráo và bị lợi dụng.
Ở ta danh nghĩa hội viên Hội nhà văn khá quan trọng, và đó là một quan niệm được hình thành trong suốt trường kỳ lịch sử, nên khá bền chắc trong lòng người .Trong khi kiếm sống bằng nhiều nghề khác, nhiều người vẫn tìm đủ cách để xin vào Hội, và hay oán thán rằng Hội không mở rộng cửa đón mình. Lại cốt vào để dành quyền lợi, một ít tiền trợ cấp, một suất vé đi tham quan, đi họp ở nước ngoài chứ gì? Một số người khinh bạc dè bỉu. Cái đó theo tôi có, nhưng không phải tất cả. Công bằng mà nói, phải thấy nhiều người có động cơ trong sáng, muốn vào Hội vì nghĩ rằng có xuất hội viên nghĩa là tài năng được khẳng định, là có được một vị trí nghề nghiệp vững chắc. Nhưng với tư cách là một hội viên tính đến 2007 là ba chục năm, tôi cũng xin được phép thú nhận một suy nghĩ khác: Cái đích của việc viết văn cao đẹp hơn nhiều, sự công nhận của những người đương thời, kể cả những người cùng giới, rất cần cho mình, nhưng suy cho cùng, vẫn không phải là bảo đảm chăc chắn cho những gì mình đã và sẽ viết ra. Xưa nay, trong lịch sử, đã có bao nhiêu trường hợp một nhà văn được người đương thời đưa lên tận mây xanh, sau không ai biết tới nữa. Vậy thì dù rất quý những lời động viên nhau, chúng ta cũng nên nhìn sự đời nhẹ đi một chút, và chính các nhà văn phải đi đầu trong việc này, thành thực, biết điều, thận trọng. Sở dĩ, một số anh em mới viết đôi khi cay cú với chuyện vào hội vì chính các hội viên cũ đầu têu gây ra một thứ danh hão . Trong thâm tâm những hội viên ấy không khỏi cảm thấy (và qua giọng nói tiếng cười cho người ta cảm thấy) mình là một cái gì đã thành rồi, đã liệt hạng rồi, có ngạch có bậc rồi. Đây chính là chủ nghĩa quan liêu thông thường, một thứ tâm lý quan liêu bắt rễ vào suy nghĩ trong số đông chúng ta. Từ chỗ cần khẳng định vị trí và thành tựu của văn học cách mạng, chúng ta đi dần tới chỗ khuếch đại đóng góp của từng người. Tự chúng ta làm, rồi lại tự chúng ta khen nhau, văn thơ chúng ta in trên báo chưa ráo mực nhiều khi đã vào thẳng sách giáo khoa. Trong các sách văn học sử, chúng ta dành chỗ cho thời hiện đại quá nhiều; dù cố ý hay vô tình thì cũng là cách vĩnh viễn hóa những tên tuổi hiện thời, xếp mình và bè bạn mình bên cạnh những đấng, những bậc kỳ cựu trong quá khứ đã chịu nổi thử thách của thời gian. Đấy là một thứ tự đầu độc rất có hại cho sáng tác (Tôi nhấn mạnh – Đ.N.T).
Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu là một người lao động rất cần cù, ngay khi tuổi đã cao, ông vẫn hàng ngày đánh vật với trang giấy trắng, luôn luôn dốc sức làm những công việc lâu dài mà khi có dịp xuất hiện trên báo chí cũng không bỏ qua bao giờ. Có điều, đối với nhiều anh em làm biên tập ở các báo, nhà xuất bản, tức cánh ở trong bếp núc nghề văn như chúng tôi, Xuân Diệu thường hiện ra với một chỗ yếu không thể khắc phục, đó là ông rất sợ người ta quên mình, lâu không mời ông viết là ông không bằng lòng, trong một “bảng vàng danh dự” nào đó (nhiều khi chỉ là một danh sách đưa ra ngẫu nhiên, trong một bài báo nhỏ) mà thiếu tên ông là ông cự ngay. Sự hiếu danh ở Xuân Diệu rất thành thực, khiến không ai nỡ giận ông. Chúng tôi cũng hiểu, trong đời tư, ông rất đơn độc, nên luôn luôn cần được bù đắp, muốn mình luôn luôn sống với văn học, sống với mọi người. Song nghĩ đến việc một nhà thơ thuộc loại dẫn đầu cả một nền thơ, mà luôn luôn sợ người ta quên, sợ người ta xếp lầm chỗ ḿnh như thế, chúng tôi cứ thấy có gì tội nghiệp, lại cứ thấy tiếc cho ông. Mặc dù đã có gan bỏ hết các chức tước để chỉ dồn sức vào các trang viết, Xuân Diệu vẫn bị mấy chữ tiếng thơm trói buộc, và điều đó đã kìm hãm ông, không cho phép ông tập trung làm việc, nhất là không cho phép ông phiêu lưu tìm kiếm, như nghề văn vốn đòi hỏi.
Nguyễn Khải |
Sài Gòn, tháng 10-2010
Đỗ Ngọc Thạch
----
Chú thích:
(*) Cây bút, đời người:NXB Trẻ, 2002; NXB Hội Nhà văn, 2007, bổ sung hai bài là Khi người viết văn không xem cầm bút là một nghề nghiệp và Mặc cảm - tha hóa - phân thân và những diễn biến tâm lý có thật.
(**) Mười hai chân dung đó là:
(**1) Xuân Quỳnh (1942-1988): là nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều bài thơ tình được nhiều người biết đến như Thuyền và Biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu... Tác phẩm đã in: Tơ tằm (thơ, in chung); Hoa dọc chiến hào (thơ, in chung); Gió Lào, cát trắng (thơ, 1974); Lời ru trên mặt đất (thơ, 1978); Sân ga chiều em đi (thơ, 1984); Tự hát (thơ, 1984); Hoa cỏ may (thơ, 1989); Thơ Xuân Quỳnh (1992 , 1994); Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ (1994);Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995).
(**2) Lưu Quang Vũ (1948 - 1988): Quê Đà Nẵng, sinh tại Phú Thọ, lớn lên tại Hà Nội. Tác phẩm: Thơ: Hương cây (1968 - in cùng Bằng Việt trong tập Hương cây - Bếp lửa); Mây trắng của đời tôi (1989); Bầy ong trong đêm sâu (1993); Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi (Tuyển Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2010). Kịch: Sống mãi tuổi 17; Nàng Sita; Hẹn ngày trở lại; Nếu anh không đốt lửa; Hồn Trương Ba da hàng thịt; Lời thề thứ 9; Khoảnh khắc và vô tận; Bệnh sĩ; Tôi và chúng ta.
(**3) Nghiêm Đa Văn (1944-1997): quê Hà Tây ; là nhà văn cùng lớp với Nguyễn khoa Điềm, Phạm Tiến Duật… Trong khi bè bạn mỗi người đã tự định hình văn học cho riêng mình, như làm thơ hoặc phê bình, nghiên cứu… thì Nghiêm Đa Văn xông xáo vào đủ thể loại: truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, thơ, kịch bản điện ảnh. Tuy không chuyên hẳn một thể loại nào, nhưng trong từng lĩnh vực, anh đều để lại dấu ấn. Tác phẩm chính: Đàn trâu Nghệ, - Thơ ; NXB Lao Động - 2001
(**4) Nguyễn Khải (1930 - 2008) : Năm 1982, Nguyễn Khải nhận Giải thưởng Hội Nhà văn VN với tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm. Năm 2000, được phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về Văn học nghệ thuật. Ông sáng tác nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự, kịch. Trong đó, Nguyễn Khải để dấu ấn qua nhiều tác phẩm như: Xung đột (1959-1962), Mùa lạc (tập truyện ngắn, 1960), Thời gian của người (1985)... Tiểu thuyết Thượng đế thì cười (2003), mang giọng văn hồi ký về cuộc đời viết lách của ông. Tác phẩm cuối cùng là tùy bút Đi tìm cái tôi đã mất (2006): ghi lại những trăn trở của Nguyễn Khải vào những năm cuối đời.
(**5) Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989): là một nhà văn có ảnh hưởng quan trọng đối với văn học Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và thời kỳ đầu của đổi mới.
Các tác phẩm chính: Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972); Miền cháy (tiểu thuyết, 1977); Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (truyện ngắn, 1983); Bến quê (truyện ngắn, 1985); Mảnh đất tình yêu (tiểu thuyết, 1987); Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (1987);Cỏ lau (truyện vừa, 1989); Nguyễn Minh Châu toàn tập (NXB Văn Học, 2001).Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000;Tác phẩm Cỏ lau đạt giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam vào năm 1990; Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1984 - 1989 cho toàn bộ sáng tác của Nguyễn Minh Châu viết về chiến tranh và người lính.
(**6) Nguyễn Thành Long (1925-1991): Các bút danh khác: Lưu Quỳnh, Phan Minh Thảo. Quê quán: Quy Nhơn, Bình Định. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1957).
Tác phẩm đã xuất bản: Bát cơm Cụ Hồ (1955); Chuyện nhà chuyện xưởng (1962); Những tiếng vỗ cánh (1967); Giữa trong xanh (1972); Nửa đêm về sáng (1978); Lý Sơn mùa tỏi (1980); Sáng mai nào, xế chiều nào (1984); Lặng lẽ Sapa; Hạnh Nhơn, Núi Đỗ Quyên.
(**7) Nhị Ca (1926 - ?) : tên thật là Chử Đức Kính, quê tại Hà Nội. Sau khi nhập ngũ, ông đã kinh qua đủ thứ công việc, cuối cùng gần 40 tuổi, mới đi hẳn vào nghề phê bình văn học. Năm 1972, khi đã 46 tuổi, tập sách phê bình văn học đầu tiên của Nhị Ca mới được in ra: Từ cuộc đời vào tác phẩm. Tiếp sau là Dọc đường văn học (1977) và một cuốn chuyên khảo Gương mặt còn lại - Nguyễn Thi (1983).
(**8) Thanh Tịnh (1911-1988): tên thật là Trần Văn Ninh (6 tuổi được đổi là Trần Thanh Tịnh). Các bút danh khác của: Thinh Không, Pathé (trước 1945), Thanh Thanh, Trinh Thuần (sau 1945). Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Tác phẩm đã xuất bản: Trước 1945: Hận chiến trường (thơ, 1936); Quê mẹ (truyện ngắn, 1941); Chị và em (truyện ngắn, 1942); Ngậm ngải tìm trầm (truyện ngắn, 1943); Xuân và Sinh (truyện ngắn, 1944). Sau 1945: Sức mồ hôi (thơ và ca dao, 1954); Những giọt nước biển (tập truyện ngắn, 1956); Đi từ giữa mùa sen (truyện thơ, 1973); Thơ ca (thơ, 1980);Thanh Tịnh đời và văn (1996).Giải thưởng Hội Văn nghệ VN (1951-1952) cho những bài độc tấu xuất sắc.Giải thưởng Nhà nước về VHNT 2007.
(**9) Tế Hanh (1921 - 2009): tên thật là Trần Tế Hanh, quê làng Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1957, khi thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, ông là Ủy viên thường vụ Hội khóa I, II, ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1963), tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khóa, giữ các chức vụ: Trưởng ban đối ngoại (1968), Chủ tịch Hội đồng dịch thuật (1983), Chủ tịch Hội đồng thơ (1986). Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.Tác phẩm chính:Nghẹn ngào (1939); Hoa niên (1944); Lòng miền Nam (1956); Hai nửa yêu thương (1967); Khúc ca mới (1967);Đi suốt bài ca (1970);Câu chuyện quê hương (1973); Tuyển tập Tế Hanh (tập I-1987); Tuyển tập Tế Hanh (tập II-1997).
(**10) Nguyễn Tuân (1910-1987): quê ở xã Nhân Mục (tên nôm là Mọc), thôn Thượng Đình, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho. Những tác phẩm chính: Ngọn đèn dầu lạc (1939); Vang bóng một thời (1940); Một chuyến đi (1941); Chiếc lư đồng mắt cua (1941); Tùy bút (1941); Thiếu quê hương (1943); Tùy bút II (1943); Nguyễn (1945); Chùa Đàn (1946); Tùy bút Sông Đà (1960);Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972); Ký (1976); Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập I: 1981, tập II: 1982); Truyện Kiều (tiểu luận văn học).
(**11) Tô Hoài, tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 ở quê ngoại tại làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong một gia đình thợ thủ công. Ông viết văn từ trước năm 1945, với các thể loại truyện phong phú, đa dạng. Tác phẩm chính: Dế Mèn phiêu lưu kí (1941) ; O chuột (1942) ; Truyện Tây Bắc (1953) ; Miền Tây (1967) ; Cát bụi chân ai (1992). ; Ba người khác (2006) (Tác phẩm này được viết xong năm 1992 nhưng đến 2006 mới được phép in, nội dung viết về thời kỳ Cải cách ruộng đất, đã gây tiếng vang lớn). Giải thưởng: Giải nhất Tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam 1956 (Truyện Tây bắc) ; Giải A Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội 1970 (tiểu thuyết Quê nhà); Giải thưởng của Hội Nhà văn á-Phi năm 1970 (tiểu thuyết Miền Tây); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996); Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, 2010.
(**12) Xuân Diệu (1916 - 1985): tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha; quê quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mĩ Tho (nay là Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938-1940).
Tác phẩm chính: Thơ: Thơ thơ (1938, 1939, 1968, 1970); Gửi hương cho gió (1945, 1967); Ngọn Quốc kỳ (1945, 1961); Hội nghị non sông (1946); Riêng chung (1960); Mũi Cà Mau - Cầm tay (1962); Tôi giàu đôi mắt (1970); Hồn tôi đôi cánh (1976); Thanh ca (1982)… Văn xuôi: Phấn thông vàng (1939, truyện ngắn); Trường ca (1945, bút ký); Miền Nam nước Việt (1945, 1946, 1947, bút ký); Ký sự thăm nước Hung (1956, bút ký); Tiểu luận phê bình: Những bước đường tư tưởng của tôi (1958, hồi ký); Ba thi hào dân tộc (1959); Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm (1961); Dao có mài mới sắc (1963); Thi hào dân tộc Nguyễn Du (1966); Thơ Trần Tế Xương (1970); Đọc thơ Nguyễn Khuyến (1971); Và cây đời mãi xanh tươi (1971); Mài sắt nên kim (1977); Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy (1978); Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (tập I, 1981; tập II, 1982). Dịch thơ: Thi hào Nadim Hitmet (1962); V.I. Lênin (1967); Vây giữa tình yêu (1968);Việt Nam hồn tôi (1974); Những nhà thơ Bungari (1978, 1985); Nhà thơ Nicôla Ghiđen (1982).
(1) Trong bài XUÂN SÁCH hay là MỘT ĐẶC SẢN VĂN CHƯƠNG | Vương Trí Nhàn.
(2) Cesare Pavese (1908-1950): tác giả tập Il Mestiere di vivere.
(Hết)
V-T-Đăng sưu tầm trên mạng Đỗ Ngọc Thạch