VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký 2011 ( tuần XXXVIII -- XLI)

Bộ đội Đồn Ea H’leo tuần tra bảo vệ biên giới
18-9
VIỆC GIỮ GÌN BIÊN GIỚI THỜI LÊ THÁNH TÔNG
Sau khi đánh đuổi được người Minh, việc bang giao với Trung quốc có một nội dung là bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Việc này kéo dài suốt từ khi Lê Lợi lên ngôi 1428 trải qua các đời Nhân Tông Thái Tông cho đến khi bắt đầu triều Lê Thánh Tông 1460 - 1497.

Có một cuốn sách mới của luật sư Lê Đức Tiết in ở NXB Tư pháp. Sách có cái tên quá ư hiện đại, tôi chẳng thấy thú vị chút nào, mà buộc phải chép lại ở đây. Đó là cuốn Lê Thánh Tông vị vua anh minh nhà cách tân hiện đại.
Theo sự chỉ dẫn của tác giả, tôi tìm thấy các công việc có liên quan đến đất đai biên cương được viết trong Đại Việt sử ký toàn thư.
Ngay trong năm đầu cầm quyền của mình (1460) Thánh Tông đã ra sắc chỉ cho các quan phủ trấn châu huyện rằng “ Ai ở cõi biên giới thì phải giữ quan ải cẩn thận, không được thông đồng với người nước ngoài “ (Toàn thư, bản in năm 1983, hai tập t, II, tr. 395)
Không có lửa sao có khói. Chắc là đời trước đã có người làm, nên Thánh Tông mới phải răn đe vậy.
Tới năm 1473, vua dụ một quan chức cao cấp là Thái bảo Lê Cảnh Huy rằng :” Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai quan sang sứ phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải chu di” ( sđd, tr. 463)
Cũng theo tác giả Lê Đức Tiết, trong Bộ luật Hồng Đức có những điều khỏan liên quan đến vấn đề quan lại bán đất đai cho ngoại quốc.

19-9
GỌI SỰ VẬT BẰNG TÊN CỦA NÓ
Từ mấy tháng trước, VTV 1 đưa tin: ở Thái Nguyên dân làm chè nhận được đơn đặt hàng của thương lái TQ là trộn cả tạp chất như cám bổi tro rác vào chè bán cho họ, với giá rất cao. Mua về làm gì? Họ sẽ bố trí một nơi sản xuất lấy chè Việt làm nguyên liệu, rồi đưa nhân viên nhà nước đến kiểm tra, lấy cớ đó rêu rao rằng chè này không ra gì, từ đó hạ uy thế của hàng VN nói chung.
Với nhiều mặt hàng khác cũng vậy. Có lần họ đã đặt mua rễ quế , giá cao tới mức dân mình cứ đào cho chết cây lấy rễ mà bán.
Trong cuộc thương chiến, các thương lái người Tầu xưa nay từng dùng đến những đòn đánh bỉ ổi nhất, đó là chuyện thường thấy.
Nên bình luận sao về cái lối tính tóan thiển cận của người mình?
Có một quy định không ghi thành văn bản, nhưng trong giao thiệp hiện ai cũng biết: tuyệt không gọi người khác là ngu. Với từng cá nhân, hiện không ai dám gọi thế, nữa là với cả đám đông, dân cư một vùng một khóm nào đó. Ai không biết húy, nói ra sẽ lập tức bị buộc tội là khinh rẻ dân chúng.
Trên báo chí thời nay, trước loại việc bán chè trộn tạp chất hoặc bán rễ quế nói trên, người đưa tin chỉ dám bảo đó là” do dân chưa được giáo dục”, hoặc “ trình độ dân trí có hạn “.
Nhưng đấy là chuyện thời nay. Người xưa không thế.
Trong cuốn Việt Nam quốc sử khảo, khi nhắc lại trình độ của dân mình khi có các hành động tương tự, Phan Bội Châu dùng đến những chữ rất nặng, chẳng hạn như ngu, ngu muội ( riêng trong chương đầu sách này lắp lại tới 7 lần ).
Trong nhiều đoạn kể thói xấu người dân, tác giả thường kết bằng một câu hỏi “ Sao mà ngu thế ?” “ thật là ngu quá không thể hiểu được”, “ quái gở thay“ hoặc “đạo làm người có nên như thế không ? “.

21-9
THỜI NÀO CON NGƯỜI KHỔ HƠN
Khoảng chục năm trước tôi đã được xem phim Sống của đạo diễn Trung quốc Trương Nghệ Mưu, nay mới được xem tiểu thuyết mà Trương dựa vào đó để chuyển thể. Cuốn Sống này của Dư Hoa khá mỏng chưa đày 200 trang khổ nhỏ. Đọc vào chỉ thấy người TQ bình thường khổ quá. Còn nhớ đoạn đứa con trai tên Hữu Khánh của nhân vật đi học. Cậu ta được bố sắm cho đôi giày. Lệnh của ông bố là chỉ được đi ít thôi, đường đến trường hơn chục cây cuốc bộ là chính, đến trường hãy xỏ chân vào giày. Ban đầu Hữu Khánh không nhớ. Ông bố mới đánh cho một trận, đau đến mức đến lớp bị phạt, vì cứ nhấp nhổm không sao đặt được mông xuống ghế. Nhưng Hữu Khánh vẫn nhận lỗi và hứa từ nay chỉ chạy bộ, miễn sao bố cho đi học. Cậu thuộc loại học giỏi.
Rồi đoạn sau, Hữu Khánh bị chết vì tiếp máu cho người khác.
Tôi hiểu tác giả muốn nói xã hội hồi trước làm khổ con người nhiều quá.
Ngồi ngẫm nghĩ thấy dẫu sao con người lúc ấy có nỗi sướng riêng. Như đối với con cái. Làm gì chúng tôi bây giờ có được con cái ngoan ngoãn và hiếu học như thế. Ở phương diện con cái thì không có thế hệ người xưa nào khổ như các thế hệ ngày nay.

28-9
DẤU HIÊU HOANG DÃ
Tin trên Lao động: Công viên Tuổi trẻ thủ đô sau hơn 10 năm vẫn“hoang dã”
Cái hoang dã ấy đối với tôi, không lạ; tôi thường bắt gặp nó ngay ở những mặt người trên đường. Nay là lúc nhiều người quanh ta trông mặt chịu không đóan ra là làm nghề nghiệp gì. Mặc dù ăn mặc hiện đại, nhưng lại có cái linh động hung hãn chứ không thuần hậu từ tốn, như các lớp người cũ.
Một liên tưởng. Nếu nhìn vào thảm thực vật một số địa phương, người ta nhận ra một hiện tượng của sự làm ăn “phú quý giật lùi”. Các giống cây được thuần hóa hỏng rất nhanh. Yếu tố hoang dại trong cây phát triển mạnh.
Hình như ở người cũng vậy.

Trên SGTT một số tháng 8-2011 Ea Sola Thủy trả lời SGTT về công việc một đạo diễn múa, nhân thể nói về con người hiện nay: Lạ một điều, thời bao cấp, đi đến đâu cũng gặp rất nhiều người tốt, lúc nào cũng vui vì gặp nhiều người tốt lắm. Còn bây giờ, gặp người tốt mà không biết có tốt thật hay không! Bây giờ con người không còn cần con người lắm. Bây giờ đi đâu cũng được hết, nhưng không thấy ai. Đông người lắm nhưng không biết ai tốt, ai không tốt... Vắng người lắm.

CÁI ĐẸP – HIỆN TƯỢNG THỜI ĐẠI
Đọc tiểu thuyết Trường hận ca của nhà văn Trung quốc Vương An Ức dịch ra tiếng Việt, tôi hiểu ra rằng không chỉ các loại tài năng mà những người đẹp cũng là những sản phẩm đặc trưng của một thời đại. Muốn nghĩ về thời nào, ta hãy nhìn vào những người được thời ấy coi là đẹp, và sự tồn tại của cái đẹp trong thời ấy nói chung.
Hôm nọ vừa đọc một tin trên mạng Thanh niên 23-9 Cạn kiệt người đẹp. Nội dung chính: Quá nhiều cuộc thi nhan sắc thế giới trong năm 2011 khiến Việt Nam “vét sạch” từ người đẹp đến cả… chưa đẹp.
Hôm nay báo lại nói tới một khía cạnh khác liên quan đến đám người đẹp ấy, mỹ nhân Việt thích 'đẹp giả tạo hơn xấu tự nhiên'
Ra thế, họ cũng là ta, các mỹ nhân cũng như các bậc trí giả, cả các quan chức nữa, mang thói xấu của người Việt nói chung.

--Không có gì có thể nói chắc về cuộc sống này, đó là là lý do làm cho người ta càng thêm hăng hái đuổi bắt nó.
-- Phải chăng tất cả đều đang đi đến ngày tận thế, nên tất cả mới đẹp đến vậy?
Hai câu danh ngôn trên có khía cạnh giống nhau, nhưng tôi vẫn muốn chép lại ở đây, vì nó nói tới hai đặc tính có liên quan tới vẻ đẹp của cuộc sống, một là vẻ sương khói mong manh của nó , và một là định mệnh của nó, sự tàn phai, cái chết.

30-9
NHỚ CHUYỆN THỜI CHIẾN HÔM QUA
Tài liệu tham khảo đặc biệt số ra 30-9 có dịch một bài về Bắc Triều tiên của tạp chí Nhà kinh tế Anh. Bài báo nói về các dạng tồn tại và kiếm sống của con người trong chế độ mà họ muốn từ chối, trong đó có đoạn kể :
Một số trẻ em sống hoang dã, chúng được gọi là Kotjebi hay “chim nhạn” và đi theo từng đàn. Nếu không ăn cắp được thứ gì ở chợ, chúng ăn thịt chó chết hoặc thức ăn đã phân hủy. Chúng ăn kem đánh răng vì tin rằng thứ này giúp chúng tránh ngộ độc”
Trong đầu tôi tự nhiên hiện lại câu chuyện mà nhà văn Triệu Bôn kể sau mấy năm đi B. Chiến trường B1 hồi ấy có nhiều người lính ở vào cái thế lưỡng nan. Không muốn đánh nhau. Không thể hàng địch. Nhưng trở về bắc ư? Sống sao nổi trong vai những kẻ đào ngũ! Thế là họ tập hợp nhau lại thành từng đám giữa Đồng Tháp Mười mênh mông, sống qua ngày. Họ được gọi là đám bù chao.

1-10
GHI VẶT
PLTP 21-9 90% xe mang biển “hộ đê” giả!
NV 27-9 - Cà phê Sài Gòn có thể không phải cà phê – “Những quán cóc ở vỉa hè, ở hẻm lao động giá uống một ly cà phê đá khoảng 6,000-7,000 đồng/ly, để pha chế, người bán lấy mối cà phê mỗi ký khoảng từ 60,000 đến 70,000 đồng. Với giá đó thì cái gọi là cà phê thật ra chỉ có đậu nành rang và tẩm hóa chất hương liệu. Nếu cơ sở sản xuất nào có lương tâm thì pha cho chút vỏ xác hột cà phê cho có vị tượng trưng”.
Rớt giá thê thảm, 50kg chanh được… 1kg gạo

Đầu đề một số bài báo khác:
6 loại trái cây làm nở ngực
Lạ đời tuyển sinh đại học dễ hơn “thi” vào… mẫu giáo
TQ tỉnh Thiểm Tây --Hình ảnh học trò nghèo dùng quan tài làm ghế rúng động cộng đồng



NÓI LẠI VỀ CHUYỆN TRỘM CHÓ
Trộm chó lộng hành Nạn trộm, cướp chó ngày càng dữ dội khiến những ngôi làng không còn bình yên nữa. Đến BBC cũng phải có bài của một phóng viên nước ngoài kể về chuyện này.
Hôm nọ tôi đã dẫn ra cái tin người trộm chó ở Yên Thành Nghệ An là một thầy giáo.
Nay trên mạng có người xác minh lại không phải, ông thầy ở đây chỉ bị hiểu lầm thôi.
Ý nghĩ trong đầu tôi tự nhiên đi theo một hướng khác. Xưa kia bảo thầy giáo đi trộm chó thì không ai tin. Nay nghe vậy người ta tin ngay. Mọi việc xẩy ra với giới lưu manh thế nào thì cũng có thể xẩy ra với những người gọi là trí thức.

2-10
CA DAO MỚI
"Giá ơi thương lấy lương cùng/ tuy rằng khác loại nhưng chung là tiền...” “Gió đưa cái giá lên trời, cho lương ở lại chịu đời đắng cay..."
Trước 1975, đã có nhiều ca dao loại này. Ông Vũ Đức Phúc ở Viện Văn học bảo đó là yếu tố phản động trong văn hóa dân gian, và tìm cách ngăn cản. Nay thì người ta đưa chúng vào thành nhạc hiệu trong điện thoại di động và những người như ông Phúc chắc cũng chán không muốn lên tiếng nữa.

3-10
TRÔNG NGƯỜI LẠI NGHĨ ĐẾN TA
Giải Hòa bình cho… vũ lực , bài trên TT&VH 1-10
Thị trưởng Thủ đô Vilnius của Lithuania, ông Arturas Zuokas, đã giành giải Ig Nobel Hoà bình vì chính sách mạnh tay chống những kẻ xem thường quy định đậu xe của thành phố. Ông đã lái một chiếc xe bọc thép và nghiền nát xe của kẻ vi phạm. "Tôi quyết định rằng đã tới lúc để dạy cho những kẻ côn đồ, vốn không tôn trọng quyền của những người khác, một bài học nhớ đời" - ông nói trong một bức thư điện tử.
Zuokas trở nên nổi tiếng khi một đoạn video xuất hiện trên mạng YouTube cho thấy ông cưỡi xe bọc thép nghiền nát một chiếc Mercedes-Benz đỗ sai tại khu Phố cổ ở Vilnius. Khi được hỏi đây có phải là một chiêu gây sốc để "dằn mặt" những kẻ vi phạm hay không, Zuokas không trả lời, nhưng cho biết nỗ lực của ông đã có tác dụng. Thành phố hiện đã trở lại các phương pháp thông thường để xử lý việc đỗ xe sai, nhưng Zuokas cảnh báo rằng ông vẫn đang giám sát những kẻ vi phạm và có thể dùng tới xe bọc thép vào bất kỳ lúc nào.

Người cưỡi xe bọc thép nghiền nát ô tô đỗ sai đường đã giành giải IgNobel Hòa bình
. Nó cho ta thấy hình ảnh loại quan chức mà chính xã hội VN đang cần. Họ dám đối mặt với thực tế. Họ chú ý cả những chuyện tưởng như nhỏ nhặt. Khi làm việc gì, họ muốn theo đuổi đến cùng.
Nhân vật thị trưởng này biết lái xe bọc thép và chắc còn máu me lắm khi ngồi vào xe bọc thép. Chuyện này thì nằm mơ cũng không thấy ở giới quan chức khệnh khạng xứ ta.

4-10
TRỞ VỀ CÁI CHỐN CÓ TÊN LÀ NGHỆ THUẬT
Vài trang ghi chép cũ
Về tranh chân dung của Picasso
Các chân dung mà Picasso vẽ không bao giờ là hình ảnh giống hệt của đối tượng mà là sự lồng ghép một cách
kỳ dị những ý, tình, chân thành của ông với người mẫu.
Dục vọng, tình yêu, sự trìu mến, quý trọng, nỗi lo âu, sự giận dữ, kỷ niệm cá nhân, các tin tức thời sự… những yếu tố đó can dự và xuyên suốt các tác phẩm, và in dấu cuộc đời riêng cực kỳ phức tạp của tác giả.
Trong khi đó Henry Matisse sống gần như đồng thời với Picasso, thuộc loại họa sĩ mà người ta nói rằng đã vẽ nên những bức tranh theo cách thượng đế đã tạo ra những bông hoa.
Với ông chúng ta trở lại với một cảm xúc hay bị mất: niềm vui

Ngày nay, một bức tranh được coi là đẹp thường gắn với một sự suy đồi về phong cách, hoặc tồi tệ hơn, một sự bức xúc về chính trị. ( ý nói không còn cái đẹp thuần khiết)

Richter (Nga- Liên xô) cũ kể về những lần đi biểu diễn: Có những nghệ sĩ lại chơi rất hay với những chiếc đàn tồi.
Ông bảo lúc đó tôi chờ đợi gì ở chiếc đàn piano ngoài chính bản thân mình?

Nghệ thuật da đen vô cùng khéo léo trong việc khách thể hoá các chủ thể.
Xem xét một con người không phải sự vĩ đại nói chung mà là ảnh hưởng của người đó đến hình ảnh những người chung quanh.

S.Dali là kẻ suốt đời bị nỗi sợ hãi cuộc đời ám ảnh. Dali sẽ gây mất lòng người khác. Vẻ ngoài ấy (lập dị) che giấu một sự nhút nhát.
F. Fellini: Người thực hiện một tác phẩm điện ảnh phải là người có trong mình một chút gì đó của nhà ảo thuật, một chút của kẻ mơ mộng, một chút của nhà tiên tri, một chút của tay hề, một chút của kể buôn cravat, và cả một chút của nhà truyền giáo.
Thế kỷ XX biến đổi một phần là nhờ sự tương tác mới giữa nghệ thuật và kỹ thuật
Phim hoạt hình: một thứ điện ảnh thuần tuý trong đó kỹ thuật cho phép tạo ra một thế giới khác hẳn không bị chi phối bởi những đòi hỏi nặng nhọc của thế giới thực.
Radio: Còn hơn cả phim ảnh, radio mang lại cho thính giả một cảm giác cộng đồng mãnh liệt, cái ý thức rằng mình là phần tử của một quốc gia cũng như sự gần gũi đặc biệt với những ngôi sao của nó.

5-10
HOÀI THANH VÀ VĂN HÓA THƠ CỦA NHÀ PHÊ BÌNH
Tin trên mạng Dân trí Kinh hoàng phát hiện thi thể cả một gia đình trên sông. Qua khám nghiệm, cơ quan chức năng xác định, 3 nạn nhân là một gia đình gồm 2 vợ chồng và con gái mới 5 tuổi.
Có lẽ là do một thứ méo mó nghề nghiệp, đọc tin này tôi lại nghĩ ngay tới Hoài Thanh.
Hồi kháng chiến chống Pháp trong bài viết Quyền sống của con người trong Truyện Kiều, chỉ nhân câu “ Sẵn thây vô chủ bên sông” tác giả Thi nhân Việt Nam liền chộp ngay lấy coi nó là dẫn chứng đích đáng cho thấy một xã hội ly loạn.
Không hiểu nếu ông còn sống đọc tin này, ông sẽ nghĩ sao.
Nhưng hôm nay tôi muốn nhớ Hoài Thanh ở một khía cạnh khác.
Mạng phongdiep vừa có bài Thi nhân Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa. Lý lẽ trong bài với tôi không mấy thuyết phục. Nhưng cách đặt vấn đề thì được. Để chứng minh chất văn hóa của ngòi bút phê bình bậc thầy này trong TNVN, khi nào có dịp viết, tôi muốn dừng lại ở ba điểm:
1/Bài mở đầu
2/Lối làm lịch sử vấn đề
3/ Lối chia thơ đương thời thành các dòng


NHỮNG SỰ LẦM LẪN KHÔNG CHẾT AI
Trong nguyên bản của nó, tác phẩm trên của Hoài Thanh mang tên đầy đủ là Thi nhân Việt Nam 1932-1941. Nhưng hầu như tất cả tài liệu nghiên cứu đều lờ đi cái năm tháng ghi ở đằng sau, chỉ lấy bốn chữ đầu.
Bản thân tôi có lần đã kêu lên báo động. Nhưng chẳng ai thèm để ý, thiên hạ nói tới Hoài Thanh vẫn chỉ bốn tiếng Thi nhân Việt Nam mà kêu.
Lâu dần rồi tôi cũng bắt chước mọi người, tự nhủ sức đâu mà đi dọn vườn mãi.

Một việc khác đánh dấu sự lầm lẫn của đám đông chúng ta có liên quan tới tác giả tác phẩm mà ta quá chừng yêu mến..
“Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nô nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng
…Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này, tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi có sự thay đổi lớn : hôm nay tôi đi học...”
Cũng như mọi người tôi yêu đoạn văn đó và gần như đã thuộc. Nó là đoạn văn mở đầu thiên truyện Tôi đi học của Thanh Tịnh. Chỉ lưu ý là ở VN ngày khai trường bao giờ cũng là đầu thu, học sinh nghỉ hè xong là tựu trường, làm sao cái ban mai đến trường ấy lại đầy sương thu và đầy giá lạnh như Thanh Tịnh đã viết.

11-10
CÂU CHUYỆN TÁI CƠ CẤU
Đọc một bài trên TTCT 9-10 Hy lạp nợ nần và tham nhũng . Bài viết dẫn lại lời của một giáo sư kinh tế cắt nghĩa tình hình: “Ở Hi Lạp, tuân theo luật pháp lại là hèn, thiên hạ gọi những ai chấp hành luật pháp là “đồ ngu”. Và ông chỉ rõ hướng thoát: “Trước khi có thể thay đổi bất cứ gì, phải thay đổi xã hội và “đầu óc” Hi Lạp trước đã”. Song lại chỉ ra ngay sự bất lực: Song đó lại là huyền thoại đội đá vá trời của Sisyphe.
Ở ta các nhà kinh tế cũng đang nói nhiều cơ cấu lại nền kinh tế. Học theo ông giáo sư Hy Lạp, tôi nghĩ bụng còn phải cơ cấu lại cả xã hội lẫn con người. Chứ còn vẫn cứ người này với xã hội này thì có tài thánh cũng không cơ cấu lại nổi bất cứ cái gì, từ kinh tế đến giáo dục.
Hồi trước 1954 ở Hà Nội, gia đình tôi sống trong một căn nhà nát. Ai ở địa vị bọn tôi cũng nghĩ phá ra làm lại. Nhưng tiền đâu để mua nguyên vật liệu mới?
Nhiều lần kêu một hồi, chỉ cần nghe bố mẹ bảo phá ra rồi có muốn làm lại như trước khi phá cũng không được, thế là mọi người trong nhà im re, không dám ho he gì nữa.
Chuyện gia đình cũng vậy mà quốc gia cũng vậy.
Tuy nhiên nói đi còn phải nói lại. Dẫu sao có nền kinh tế được cơ cấu lại vẫn cứ là hơn chứ. Không hy vọng thì sống sao nổi?

12-10
NHÌN SANG NƯỚC NGA SAU 1991
Đây là bài của Ju. Afanasiev Nước Nga đã đến hồi cáo chung. Được viết từ mấy năm trước, nay nhân kỷ niệm 20 năm Liên xô sụp đổ đọc lại thấy hay quá nên tôi chép lại vào đây.
Mở đầu là câu hỏi Chúng ta không phải là nô lệ sao? Tác giả cho biết nay là lúc những người cầm quyền chỉ coi Nhà nước Nga là phương tiện để trộm cắp. Những người cầm quyền ấy giống như những kẻ chiếm đóng, một lũ mọi rợ. Hư vô về luật pháp. Vô luân. Nomenkluctura --bộ máy quan liêu --thao túng tất cả.
Nhìn đất nước thấy trống rỗng. Hướng về chính phủ thấy trống rỗng. Hướng về nhân dân trống rỗng hơn. Cảm tưởng mình như kẻ mất trí.
Người ta vẫn nói Nhà nước và nhân dân là một. Nhưng dưới góc nhìn duy lý, nay nhà nước không phải nhà nước, nhân dân không phải nhân dân.
Nhân dân đang khổ đau, một thứ nỗi khổ mà nói như N.M.Karamzin “chỉ những kẻ đê mạt mới chịu đựng nổi”. Họ hiện nguyên hình là một đám đông vô ý thức, sẵn sàng bạo loạn. Một thứ điên rồ đáng sợ, đáng buồn, đáng tởm nữa. Thỉnh thoảng vùng lên rồi họ lại nhanh chóng trở về cuộc sống tối tăm.
Sức lực quần chúng bị bóp nặn bằng bạo lực. Vấn đề ngột ngạt với tất cả. Sự trì trệ là đặc thù tính cách Nga.
Nước Nga từ xưa vốn thay đổi như theo đường vòng. Xây dựng chủ nghĩa xã hội = xoá bỏ nhân tố con người. Nay vẫn tiếp tục làm biến dạng con người.
Trước thế kỷ XX, nhân dân có tự tổ chức thành một cộng đồng. Từ cách mạng, phá bỏ. Quá trình tự tổ chức xã hội chỉ còn là quá trình phớt lờ cấm đoán, tội phạm, tham nhũng.
Cách mạng 1917 làm sống dậy những điều tồi tệ nhất: bản năng thú vật, tính ích kỷ. Sau 10-91 chẳng có điều gì xảy ra. Chính quyền toà án giáo dục … tất cả vẫn như cũ. Mọi thành viên trong xã hội chỉ bị chi phối bởi quyền lợi vật chất và cố gắng tồn tại.
Sau 1991 người ta đi bầu cho Yeltsin. Họ không thể có những hành động có ý thức của những con người được tổ chức về mặt xã hội.
Họ vẫn là những đám đông nhu cầu như nhau, suy nghĩ giống nhau, gào lên những điều giống nhau tạo nên những tấm phông mà nhảy múa trên sân khấu là những con chuột của lịch sử.
Sự khốn nạn đang đi từ cực kỳ tệ hại sang tệ hại hơn.
Yeltsin – Putin không làm gì để thay đổi cải tạo “truyền thống”. Người ta buộc phải dùng đến cái từ hoang dã nếu muốn miêu tả sự quay trở lại của một quá khứ chuyên chế lạc hậu. Lịch sử nhiều thế kỷ của Nga, lịch sử thời xô viết cùng lúc hiện diện.
Nhà nước phường hội, nhà nước thân hữu hôm nay chẳng qua là một thứ quái thai hậu xô viết. Nó đang quay về quá khứ tức trở về nơi mà mọi thứ đều bị nhà nước đè bẹp, không có chỗ cho xã hội công dân, không có chỗ cho luật pháp.
Sự chấp nhận các định chế kinh tế thị trường một cách hời hợt có tạo ra vẻ ngoài hiện đại trùm lên bộ máy quản lý chính trị. Sau đó tất cả lại tự phát. Đây là xã hội lý tưởng của bọn mediocre ( bọn tầm thường ).
Trí thức vốn có nghĩa tổng số những nhân vật có sự tìm tòi mở đường trong lĩnh vực của mình. Sự tìm tòi đó thành mẫu cho kẻ khác noi theo mà sống.
Khái niệm giới elite – tức giới tinh hoa-- liên quan đến khái niệm hiện đại hoá phát triển. Ở nước Nga hiện nay trí thức chân chính thực sự đứng bên lề vì đất nước từ trên xuống không có cái nhu cầu hiện đại hoá đó. Tri thức (thực thụ) ngày nay sống khép kín.
Nga luôn luôn hướng về quá khứ. Nước Nga không có chỗ cho người thích sống tích cực và độc lập. Sự tự khám phá bản thân -- sự tự nhận thức -- là bất khả thi. Chế độ quyền uy thao túng tất cả. Đàn áp đã làm tê liệt mọi ý tưởng đổi mới.
Trong lịch sử những người có học ở Nga --kể cả người tự do -- nếu muốn tồn tại, cũng chỉ có việc là góp phần củng cố quyền lực nhà nước. Chính quyền họ tôn phò đó là chính quyền chuyên chế. Từ thế kỷ XV, nước Nga đã chỉ lo mở rộng đế chế hơn là tự do cho xã hội.
Thời xô viết tiếp tục mà nay cũng vậy. Thậm chí có nhiều khía cạnh nay còn tệ hại hơn các thế kỷ trước.

14-10
GIỐNG VẬT CŨNG KHỔ
Ở Tây Bắc Trung Quốc có nhiều nông trại nuôi gấu. Bị nhốt trong các lồng sắt chật hẹp, lũ gấu tội nghiệp không có chỗ để đi lại. Trên bụng mỗi con gấu đều bị chọc thủng một lỗ vĩnh viễn để lấy mật hằng ngày. Vì vết thương mãi mãi không khép miệng này, chúng có thể nhiễm nhiều thứ bệnh, kể cả u ác tính, ung thư và viêm màng bụng. Quá đau đớn, gấu thường tìm cách đập bụng mình xuống sàn gạch mong tự tử. Để ngăn chặn điều này, chúng bị đeo khung sắt vào cơ thể.
Tình cờ một người được chứng kiến cảnh sau đây.
Một con gấu mẹ đã lồng lên, phá sập cái lồng đang nhốt nó khi nghe thấy tiếng gấu con rít lên lo sợ trước lúc bị một công nhân chích thủng bụng để lấy mật. Gấu mẹ lao thẳng đến chuồng gấu con trong khi công nhân bỏ chạy tán loạn.
Gấu mẹ giật lắc cái chuồng điên cuồng hòng cứu con ra. Không thể phá sập chuồng, gấu mẹ bất ngờ ôm lấy con rồi cuối cùng siết chặt nó đến chết. Bỏ gấu con xuống, gấu mẹ lao đầu vào bức tường gần đó tự sát.

Từ 14/08 tôi đã đọc từ mạng NLĐO tin này. Chờ mãi không thấy ai đưa lại.
Dạo này tin trên mạng tạp nham bề bộn quá, nhiều khi đọc mà không tin.
Trong trường hợp này liệu câu chuyện trên có thực hay ai bịa ra?
Dù là không đúng về mặt chi tiết thì nó đúng về căn bản: nay là lúc mà sống với con người đến cả cây cỏ muông thú cũng khổ. Tức chúng cũng cảm thấy sống trong tai họa và chỉ có cách chết mới thóat thân.


GHI VẶT
Rác cũng đã trở thành đối tượng của ngành sử. Đọc mục lục tờ báo Nga chuyên đưa tin sách, thấy bên ấy họ mới cho dịch một cuốn mang tên Lịch sử rác của Catherrine de Silguy. Tác giả là một nhà nghiên cứu môi trường người Pháp.
Định mách ai đó dịch và xuất bản, không biết chừng có sách bán chạy. Nhưng nghĩ lại lúc này ai đọc, lại thôi.
Được biết trong việc liên kết với nước ngoài, người Trung quốc khai tác công nghệ chế tạo máy của Đức, còn với Pháp , họ hợp tác nhiều trên hai mặt hàng, một là sản xuất hàng xa xỉ và hai là công nghệ xử lý nước thải.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn