VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký 2011 ( tuần XXV --XXVI)

TINH HOA KHÔNG CÓ ĐẤT SỐNG
Tháng trước đọc được một tin nói nghề phân tích chứng khoán hết thời làm ăn. Lý do, nay là lúc giao dịch như đi đêm, mò mò mẫm mẫm; việc sử dụng các loại lý tính để phân tích và đánh giá là vô nghĩa và người ta chỉ còn sống theo cảm tính.
Nay lại thấy bài Phận hoa thời đắt đỏ cho biết ở Đà Lạt, từ sau tết đến nay, các loại hoa đồng loạt mất giá thê lương, giá bán đều dưới giá thành. Có bà chủ đã dỡ bỏ đốt phá cả góc vườn hoa của mình.

Là cái ta đang thiếu hơn cả, nhưng những gì thuộc về trí tuệ tinh hoa (élite) vốn phiền phức và mỏng mảnh. Ở ta chỉ có thói quen bênh vực những gì kém cỏi thấp hèn, có biết đâu những cái thấp hèn lại đầy sức sống. Còn chính những élite mới khó tồn tại mỗi khi tình hình đi xuống. Thuở trời đất nổi cơn gió bụi này, có ai nhớ mà lo liệu cho nó.

HIỆN ĐẠI HÓA NHAM NHỞ
Tuy giá cả mọi thứ đều tăng, nhưng sự xây dựng trong dân vẫn khá hối hả. Chỉ phiền một nỗi những ngôi nhà kiểu Pháp kiểu Mỹ làm bằng những vật liệu tối tân được mọc lên ngay trên những mảnh đất được hình thành một cách manh mún, dọc theo những cái ngõ xiên xiên xẹo xẹo. Và như vậy một đặc điểm của kiến trúc là người ta – nói theo chữ nghĩa thời nay—chỉ kiên cố hóa cái lụn vụn vơ vẩn thời cũ. Càng đi lên hiện đại theo kiểu này, chúng ta càng xa với cái hiện đại chân chính.

21-6
LÊ LỢI &NGƯỜI CÓ CÔNG TRONG THỜI CHIẾN
Sách Quốc triều hình luật --Lịch sử hình thành – nội dung và giá trị, như tôi đã có lần nhắc tới ở nhật ký ghi ngày 23-5, có một bài viết khá thú vị của nhà sử học Nguyễn Hải Kế về tình hình đất nước sau khi đánh đuổi giặc Minh.
Lần trước tôi đã chép ra những ghi nhận về năng lực thấp kém của quan lại.
Lần này xin nói về việc dùng người sau chiến tranh, viết ở các trang 12 -13 sách đã dẫn.
Từ các tài liệu lấy ở Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, Nguyễn Hải Kế khái quát : “Khó có triều đình nào lại có đội ngũ công thần khai quốc mang đầy chiến công chiến tích và đông đảo như thời Lê Sơ.”
Nhưng theo tác giả, đây lại là một chỗ khó cho những người đứng đầu quốc gia. Tại sao?
Bởi lúc này, chính quyền được hình thành và xây dựng bằng đội ngũ bề bộn từ thời chiến hôm qua chuyển sang. Giữa thời bình và thời chiến, giữa chiến đấu và xây dựng, giữa tồn tại và phát triển, là hai tình hình hoàn toàn ngược nhau.
Từ đó đòi hỏi ở mọi cốt cán của quốc gia những phẩm chất khác nhau.
Sẽ có người rất thích ứng cuộc chiến đấu hôm qua mà lại không đắc dụng trong sự nghiệp xây dựng hôm nay.
Vậy phải đối xử với họ ra sao?
Lê Lợi đã tỏ ra đặc biệt sáng suốt khi giải quyết trường hợp Lê Lễ.
Ông này đến Lam Sơn từ sớm, và suốt đời dốc lòng trung trinh. Lê Lợi từng khen ông và nói “ Nếu dồn mọi công lao thì ngôi tể tướng chẳng ngươi còn ai?
Tức là vua đã coi ông là một vị công thần loại một và chắc là đã có nhiều ân thưởng xứng đáng.
Nhưng đến lúc phân bổ công việc trong triều thì vua chỉ cho ông làm một chức quan nhỏ. Lê Lợi giải thích “ Trẫm có tiếc gì với ngươi. Chỉ vì tại ngươi không xứng thôi”.
Dường như Lê Lợi muốn nhắn nhủ với chúng ta tình nghĩa thời chiến là phải ghi nhận, nhưng quyền lợi của quốc gia trong thời bình còn quan trọng hơn nhiều.
Nếu không đưa đất nước thích ứng với hoàn cảnh mới tức là chúng ta có tội với những người đi trước.
Còn nếu sử dụng những người có công hôm qua vào những việc không thích hợp khiến họ mắc lỗi tức là làm hại các bậc công thần đó.

23-6
TIẾP TỤC CÂU CHUYỆN “ MUỐI KHÔNG CÒN MẶN”
Hóa ra ý tưởng của tôi được nhiều người vô tình tán thành. Chẳng hạn trên mạng VnExpress có bài Lương công chức bao nhiêu cũng là nhiều.
Người viết tự nhận:
“Ở cơ quan, nếu tính bình quân giờ thì một ngày tôi chưa chắc đã làm được năm tiếng đồng hồ. Mỗi tháng tôi nhận được gần 2 triệu đồng và nếu đem so sánh với thời gian tôi đã làm thì như vậy quá nhiều.
“Tôi đã nghĩ rất nhiều. Cơ quan tôi tại sao lại vận hành cả một bộ máy to đùng, một cái trụ sở lớn trong khi đó lại không phát huy hết nhiệm vụ chức năng được giao. Bởi vì con người ai ai cũng nghĩ vào nhà nước là để ổn định cái thân và đến hẹn lại lên. Đến năm lại tăng lương, làm ít hay không làm đều như nhau. Vậy đâu còn cái cạnh tranh phát triển.
Cái ý lương thế này là quá cao nghe có vẻ lạ lùng nhưng đúng thế. Trong nghề viết văn viết báo, người ta chỉ hay kêu nhuận bút quá rẻ. Tôi lại nghĩ khác. Nhuận bút hiện thời là thấp so với những trang viết hay, nhưng lại là quá cao với trang viết dở. Và bởi lẽ bảo nhiều cây bút viết cho nhiều hơn thì họ sẵn sàng, chứ bảo họ viết cho hay hơn thì họ chịu, cho nên họ cứ vừa kêu vừa viết ào ào, sản phẩm chỉ có lượng chứ không có chất.

GIA ĐÌNH CHỦ NGHĨA
Còn băn khoăn về giá điện…
Nằn nì’ xin…hoãn cắt giảm đầu tư công…
Té giường một bé trai trật khớp háng.
Khi nữ trí thức bị lừa tình …
Chờ con thi, phụ huynh ngồi "đỏ đen"
Tự nó đầu đề nhiều bài báo đã mang lại cho người ta cảm tưởng nay là lúc báo chí đang bí, chẳng nêu được vấn đề mà toàn đi vào chuỵện vụn vặt vớ vẩn và không khí trong xã hội mang đậm tính chất tạm gọi là gia đình chủ nghĩa. Người ta thì thì thào thào thậm chí to tiếng với nhau chỉ vì những chuyện lặt vặt. Còn với những chuỵện lớn lao thì ấp a ấp úng, vừa nói vừa sợ mất lòng nhau và nói ra đấy mà chẳng ai tin hiệu quả lời nói của mình cả.

24-6
CHÚA ĐÃ CHẾT?
Cùng báoTuổi trẻ, hôm trước 23-6 có bài Mua hàng qua truyền hình: Sự thật khác xa quảng cáo, hôm sau 24/06 lại có bài Thất vọng với hàng bán trên truyền hình và nói rõ chảo hai mặt bán trên thị trường chỉ 400.000 đồng - 500.000 đồng/cái nhưng quảng cáo trên truyền hình đến 1,5 triệu đồng/cái.
Tôi định nói nay là lúc cả nước lừa nhau, nhưng nhớ lời chê trách của một số bạn—rằng như thế là bi quan quá-- không dám khái quát kiểu ấy nữa.
Nhưng không thể không nói cái điều mà một độc giả phát hiện Nhà đài không thể vô can.
Người ta ngờ rằng ở đây không chừng còn có sự đồng lõa. Nhà đài thừa biết là người đến quảng cáo bịp bợm. Nhưng họ dùng luôn chỗ yếu đó của đối tượng để quát giá cao hơn kiếm lợi cho mình.
Nhớ một câu ca dao của dân Hà Nội hồi trước 1965: Chính sách em học đã thông /Chỉ vì túng thiếu xin ông ít nhiều.
Xưa quá nghèo nên phải nhặt nhạnh thêm kiếm sống; nay đã giàu sang, nhưng vì thấy mọi sự tử tế đều vô nghĩa, nên cho phép mình tha hồ muốn làm gì thì làm. Hai thời con người đều hư hỏng nhưng mỗi thời hư hỏng một kiểu.
Khái quát dưới góc độ triết học, các nhà lý luận bảo trong trường hợp này con người rơi vào chủ nghĩa hư vô. Coi như Chúa đã chết, không có đấng siêu nhiên nào soi xét nữa, người ta điên cuồng trong việc sử dụng thứ tự do hoang dại để tự thực hiện cái bản ngã đen tối.


MẤY ĐOẠN GHI VỀ TINH THẦN HIỆN ĐẠI
Các bạn trẻ thời nay thường thích nói tới chủ nghĩa hậu hiện đại. Với lớp người lớn lên trong chiến tranh như bọn tôi, thì cái gần gũi hơn là con người hiện đại tư tưởng hiện đại. Tức là chúng tôi lùi về xa hơn so với các bạn, lùi về đầu thế kỷ XX.
Một trong những cuốn sách giúp tôi tạm hiểu vấn đề này là cuốn Cuộc phiêu lưu tư tưởng trong văn học Âu châu thế kỷ XX 1900-1960 của R.M.Alberes, sách vốn do nhà Gallimard của Pháp cho in 1970, bản tôi đọc được là bản dịch của Vũ Đình Lưu, nay đã quên không nhớ trước 1975 in ra ở nhà xuất bản nào. Dưới đây là một vài đoạn trích:

Mất cuộc sống cũng không đáng kể. Tôi sẽ can đảm khi cần thiết. Nhưng nhìn ý nghĩa cuộc đời tan mờ, nhìn lý do tồn tại biến mất, đó mới là điều không chịu nổi. (A. Camus)
Thời hiện đại có rất nhiều ý kiến, nhưng mệnh trời cố ý làm cho mỗi ý kiến phải có một ý trái ngược (R. Musil)
Các ông đã làm được một việc có một không hai, các ông đã làm cho những người có trí óc tầm thường cũng mất cả yên ổn (G. Bernanos )

Con người phải bực mình vì thiên hạ bắt họ phải hoàn toàn nhất quán. Họ biết rõ rằng ý nghĩ của họ không hẳn là vô cớ mà cũng không hẳn thành thực
Thế giới hiện nay = một thế giới không có gì phổ quát.
Sự dối trá đóng vai trò trọng đại trong đời sống, con người xã hội ngày nay chìm đắm trong sự dối trá. Cả những người chân thực cũng luôn luôn nói dối.
Con người sống trong sự sợ hãi! Nói dối là vũ khí tự vệ của họ! ( mấy câu này là của chính R.Alberes )

Trong một tiểu thuyết của P.Claudel, một nhân vật nói với cha sứ:
Chân lý (lúc này) không đến với người ta bằng con đường sáng sủa minh bạch mà bằng con đường tối tăm. Chân lý sẽ đến với anh bằng cái gì hằng hà sa số, cái gì khúc mắc khó khăn mà phải vất vả anh mới hiểu được. Nếu cần tội ác thì phải là tội ác nào có thể dung hoà với điều thiện.

27-6
KHI DÂN ĐÃ HƯ, DÂN CHỦ CHỈ LÀ CHUYỆN VÔ NGHĨA
Mỹ tuyên bố rút 10.000 quân ở Afganistan. Ai đó sẽ bảo đây là thất bại của chủ nghĩa đế quốc và thói quen cho phép mình can thiệp vào nước ngoài. Tôi lại nhìn đây – xin phép được nói cho có vẻ to tát một chút-- như một sự bất lực chung của nhân loại.
Bởi tò mò tìm đọc lại một số tin tức, tôi nhận ra một điều, cái chính là bằng hàng ngàn tỉ của mình, Mỹ không thay đổi được hoàn cảnh.
Mỹ hiểu Taliban sở dĩ tồn tại vì họ có cơ sở trong dân chúng. Vậy phải đặt vấn đề nâng cao dân trí và nói chung là xây dựng một xã hội dân chủ.
Nhưng dân chủ có nghĩa gì khi mà vừa phát phiếu bầu cho người dân thì họ sẵn sàng mang bán ngoài chợ lấy 10 USD.
Đó là chưa kể tìm đâu cũng không ra những người biết tổ chức lại cái xã hội cho hỗn loạn này hợp lý, và trước tiên là quản lý xã hội một cách hữu hiệu.
Nói đâu xa, ngay ở Hà Nội, tại một cơ quan khoa học mà tôi biết, có chuyện như sau.
Cấp trên cho phép tổ chức hội nghị cán bộ công nhân viện bầu viện trưởng. Như thế là dân chủ chứ gì?
Nhưng sau khi bàn đi tính lại, rồi tiến hành bỏ phiếu kín, người được bầu vẫn không phải là người có năng lực chuyên môn tốt nhất, càng không phải người có trình độ quản lý khoa học trong tình hình hiện tại. Mà chỉ là anh T., một người giỏi chạy dự án, nghĩa là biết xoay xỏa để cấp trên rót thật nhiều tiền về cho cơ quan, dưới danh nghĩa đơn đặt hàng. Anh em sẽ liệu mà chia nhau cho công bằng.
Dưới sự lãnh đạo của giáo sư tiến sĩ T, rồi Viện cũng sẽ có công trình nọ công trình kia được hoàn thành, nhưng ai cũng biết đó là thứ đồng nát được sơn son thếp vàng.
Ở đây cũng như ở kia, với những con người bị làm hỏng từ nhiều năm trước, dân chủ -- cái danh từ mỹ miều ấy -- đều là vô nghĩa. Mặc dù trên lý thuyết thì không ai dám nghi ngờ hết!

28-6
LẠI NHỚ TỚI ÔNG ĐỐT
Rộ lên câu chuyện ngành giáo dục một số tỉnh bắt tay nhau để tháo khoán trong cuộc chấm thi tốt nghiệp phổ thông và chỗ riêng tư thì người ta bảo nhau hẳn là Bộ không thể không biết, Bộ phải ngầm cho phép, chứ nếu không bố bảo cũng không nơi nào dám làm.
Ai đã đọc Anh em Karamazov hẳn nhớ ở đó có chuyện anh em nhà nọ giết cha. Trực tiếp giết là thằng em điên khùng ngơ ngẩn, nhưng kẻ đầu tiên nẩy ra ý định lại là người anh mang dáng vẻ trí thức. Và đó thật ra mới là thủ phạm chính, còn đứa em chỉ là kẻ thực hiện.
Người mình với nhau hẳn dễ đoán ra trong trường hợp cuộc chấm thi gian dối hôm nay, cũng có thể đã xảy ra tình trạng tương tự.
Dẫu sao Bộ cũng đã lên tiếng phủ nhận và muốn mọi chuyện sớm trôi vào quên lãng. Ta hay nói tới sự minh bạch. Thế trong trường hợp này minh bạch ở đâu ? Bóng tối công khai nói rõ rằng nó đang ngự trị và đó là sự minh bạch duy nhất.

THIẾU NGƯỜI HIỂU BIẾT CÔNG VIỆC
Mạng Tổ quốc có bài Những nghịch lý trong bảo tồn di sản. Theo bài báo cho biết, trong việc bảo tồn này, khó nhất là người làm di sản không hiểu về di sản
Có oan cho những người trong cuộc không? Lục lại một ít tài liệu cũ, thấy ngay từ 1990, trong cuốn Bản sắc dân tộc của văn hóa do Viện văn hóa xuất bản, các tác giả Đỗ Huy và Trường Lưu từng viết: “ Những người xây dựng nền văn hóa mới tuyệt đại bộ phận xuất thân từ nông dân nghèo, nói chung là văn hóa của họ không thể đại diện cho tiến bộ văn hóa của chủ nghĩa xã hội. Khi hệ thống chính trị đưa họ vào vai trò tổ chức nền văn hóa mới, họ tỏ ra không những không đủ trình độ đưa đất nước tiến lên mà nhiệt tình của họ lại càng tạo nên động lực cho các nhân tố phản văn hóa xuất hiện. “

1-7
KHẨU HIỆU TRÊN ĐƯỜNG
Mấy năm nay, các khẩu hiệu dăng ra trên đường phố Hà Nội đã trở nên thiết thực hơn. Nhân ngày gia đình VN, người ta đưa ra công thức Ông bà mẫu mực con cháu thuận hòa gia đình hạnh phúc. Một khẩu hiệu về giao thông văn hóa giao thông là biết nhường đường và hạn chế sử dụng còi.
Về câu thứ nhất Là người đã đến tuổi làm ông làm bà, tôi hơi khó nghĩ khi có ai bảo mình làm mẫu cho các thế hệ sau. Tự mình đâu có hoàn chỉnh và cũng không biết thế nào là hoàn chỉnh. Vả chăng từ mình đến con cháu trong gia đình, thấy có nhiều cách xa. Chúng có những vấn đề riêng của chúng. Chúng đâu có theo mình. Giá kể có định theo chăng nữa thì mình cũng phải xua tay ngăn cản.
Về câu thứ hai Kinh nghiệm của dân HN chúng tôi hiện nay là nhường đường thì có khi... suốt ngày không đi nổi lấy vài cây số.
Ai cho tao lương thiện bây giờ !-- câu nói của Chí Phèo đã thành lời tự nhủ của nhiều người tự lúc nào! Để là người có văn hóa, khó lắm!


TÂM LÝ ĐIÊN DẠI
Trở lại câu chuyện các nhà phân tích chứng khoán vào tuần trước. Lại thấy một bài báo có cái tên Chứng khoán vỡ, đại gia thi nhau vào … viện tâm thần.
Có thế chứ ! – tôi nghĩ đến cái tên phim một thời: Người giàu cũng khóc, lại nghĩ đến câu ngạn ngữ không nỗi đau nào là của riêng ai!
Giá có ai để công tìm hiểu thêm tình trạng điên dại của nhân loại thời nay và trước tiên những lời bàn về chuyện điên? Chắc là nhiều ý tưởng hay ho lắm! Một câu ngạn ngữ Hy Lạp vừa được một bạn nào đó dẫn ra trên mạng “Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ làm cho kẻ đó hóa điên”.
Phần tôi, tôi đang có trong tay cuốn sách tiếng Nga Slovar bezumija --Từ điển về sự điên rồ trong đó có cả việc duyệt lại xem đề tài điên rồ kỳ cục đã được đề cập tới trong văn học cổ kim ra sao.
Mẩu chuyện sau đây tôi nghe được hơn chục năm trước: Sau khi Liên xô sụp đổ, có một tiến sĩ ( ở ta gọi là tiến sĩ khoa học) chuyên ngành triết học nhẩy lầu tự tử. Trước đó ông ta vừa bảo vệ thành công một luận văn xuất sắc về chủ nghĩa vô thần trong thế kỷ XX.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn