VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Năng lực tự kiềm chế

Các giá trị đạo đức trong sự phát triển kinh tế là tên bài viết của một nhà nghiên cứu nước ngoài - ông Harry D. Gideonse. Trong đó, ông đưa ra năm đức tính cần thiết cho một nước muốn đi vào công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Chú ý, đây không phải lời khuyên nhủ hay mách mối làm ăn, mà là nói chuyện đạo đức.
Đại khái, bài viết cũng gồm mấy điểm nhiều người đã biết, như phải quý trọng tài sản vật chất và tinh thần; phải có tính sáng tạo chủ động, đưa ra cái mới; phải có tinh thần trách nhiệm và tin tưởng vào tương lai.

Lạ nhất với tôi là cái điểm đầu tiên mà tác giả này nhấn mạnh : Cả xã hội cũng như mỗi cá nhân phải “biết kiềm chế sự ham muốn của mình, hay nói cách khác, phải có một ý chí mạnh mẽ để sản xuất nhiều hơn là tiêu thụ“ (Dẫn theo sách Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ in năm 2000, trang 79).

Những lời khuyên này là của chính những người đã giàu, nay rút kinh nghiệm về việc làm giàu của mình nên không thể xem thường.

Ở một nước như Trung Quốc, báo chí  phương Tây gần đây phát hiện, sở dĩ nền kinh tế phát triển như một kỳ tích, hệ thống ngân hàng không ngại tới chuyện đổ vỡ, một phần là vì tiết kiệm ở họ rất cao. Tính ra, có tới 40% thu nhập của các gia đình Trung Quốc được dành để chuyển vào ngân hàng, từ đó đầu tư vào việc làm ăn chung.

Quay về nhìn lại nước mình thì sao? Chắt bóp, kiềm chế, ăn tằn hà tiện, chín xu đổi lấy một hào vốn được coi là nền nếp đã có từ nhiều đời, không chỉ ở những người nghèo, mà cả những người có máu mặt. Trong một bài điều trần về Cải cách phong tục viết năm1871, Nguyễn Trường Tộ nhận xét : ”Nhiều quan viên ăn uống sơ sài không bằng nhà trung sản trong dân gian”. Ông kể, năm trước, tức là năm 1870, sứ bộ ta sang Tây, người Tây thấy sự ăn uống của sứ bộ quá đơn giản, họ bảo : “Ăn uống như thế mà có sức để bổ vào phần trí dũng, thật không sao hiểu được“. Hoặc về sự mặc, vẫn theo Nguyễn Trường Tộ, nhiều người thời ấy cố ý làm cho thô vụng xấu xa, và có tục ngăn cấm sự ham đồ tốt đẹp, từ quan đến dân đua nhau càng bớt chi tiêu càng tốt, làm cho những nghề tinh xảo ngày một tiêu mòn.

Trên đây là chuyện hơn một trăm năm trước. Đến thời tôi mới lớn lên, tức là năm chục năm trước đây, vẫn còn như vậy. Luôn luôn, tôi được nghe người trong gia đình kể là nhà nọ nhà kia hà tiện lắm, có tiền mà không chịu tiêu. Nhân vật Lão Hạc của Nam Cao chắc chắn không phải là trường hợp cá biệt : “Thà nhịn ăn nhịn tiêu, thậm chí thà chết chứ không ăn vào phần của người khác!“ - cái tâm lý ấy  khá phổ biến trong xã hội cũ.

Nay thì cách sống, cách tiêu pha của không ít người dân nhiều phần ngược lại. Làm bao nhiêu lo tiêu hết chứ không tiết kiệm làm gì, người ta hồn nhiên tự xác định như vậy. Thậm chí người ta đi vay để mua nhà, đi vay để sắm xe mới, đi vay để cho con đi học. Nhắm mắt mà vay, không cần biết sẽ trả ra sao cũng cứ vay.

Nhiều người sống gấp sống vội sống buông thả, hoặc như cách miêu tả của các cụ ngày xưa “Vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy”. Họ cho rằng thời nay nói chuyện tiết kiệm cũng như chuyện chính chuyên, nghe đều cổ lỗ lắm rồi. Vậy thì mo-phú hết, tận hưởng cái đã. Triết lý sống này âm thầm chi phối khiến cho hàng ngũ những người trưng diện, khoác lác, khoe của một cách trắng trợn ngày một đông đảo.

Sự ham muốn không bị kiềm chế. Sự ham muốn đang được thả phanh để muốn đi tới đâu thì đi. Trong khi động cơ sống ở mỗi người được tăng cường thì cái phanh đã rỉ!
Kể ra điều này cũng có lý. Tinh thần hiện đại đã ảnh hưởng đến tâm lý số đông. Người ta có lý luận hẳn hoi : “Phải tiêu nhiều hơn làm rồi ra mới biết cách làm, chính vì cần tiêu mà làm”. “Chết có mang đi được đâu”. Người ta lấy ví dụ về sự ăn tiêu ngất trời ở bên Tây bên Tàu. Có biết đâu, chính những Việt kiều ở nước ngoài về cũng phải bảo là sự lãng phí ở trong nước tiến nhanh quá.

Thử đi tìm nguyên nhân dẫn tới cách sống buông thả của con người hiện thời : vì sau một thời gian quá khổ, nay mới được hưởng chút ít, người ta tranh thủ hưởng? Vì chưa có tiền bao giờ nên không biết tiêu tiền? Vì cảm thấy cuộc sống đầy những may rủi ngẫu nhiên, không biết tin điều gì? Vì bi quan về tương lai? Vì một triết lý hư vô đang ngự trị? Tất cả những lý do ấy hợp lại chi phối cách sống chúng ta.

Dư luận mới chỉ chú ý tới các tệ nạn xã hội. Những vụ đột nhập vũ trường, quán rượu cho thấy trình độ hưởng thụ ngày càng cao. Những vụ buôn lậu thuốc phiện và các chất ma túy có quy mô mỗi ngày một lớn hơn. Nhưng tôi cho rằng, cái triết lý hưởng thụ thấm sâu trong những người dân thường mới đáng ngại. Nó là một trong những yếu tố níu kéo chúng ta trên đường phát triển, mà lại chưa được chỉ mặt gọi tên một cách đúng mức.

trong Những chấn thương tâm lý hiện đại

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn