(TBKTSG) - Hồi lễ hội còn đang mùa sôi nổi, thỉnh thoảng lại thấy trên báo có bài tố cáo cán bộ nhiều cơ quan Hà Nội dùng xe công đi hội, và người ta đặt vấn đề không thể dùng phương tiện công của Nhà nước vào việc riêng như thế được.
Phần tôi, thắc mắc của tôi là ở chỗ khác. Bằng vào kinh nghiệm trong mấy chục năm làm công chức, tôi biết phần lớn các xe đi lễ đó là đi vào giờ làm việc. Và như vậy, điều gợn lên trong đầu óc ở đây là xã hội đang có một bộ máy uể oải tùy tiện, con người lúc nào cũng rối tít rối mù, nhưng toàn việc đâu đâu chứ không phải công việc chính.
Để rồi cuối năm bao giờ cũng hoàn thành kế hoạch.
Làm ăn kém cỏi ở ta có nghĩa để làm ra một đơn vị hàng hóa số chi phí bỏ ra lớn hơn rất nhiều so với các nước khác. Trong số các lý do chính, chắc chắn phải kể ra hai lý do sau: Một là kỹ thuật sản xuất của chúng ta quá lạc hậu. Hai là kỹ luật lao động lỏng lẻo, như trên vừa nói. Cái khía cạnh thứ hai này hình như tất cả đều biết, và cùng lảng tránh.
Cách mạng là ngày hội của quần chúng. Có những câu khẩu hiệu như thế nghe quen không ai thắc mắc, nhưng nghĩ kỹ, đã là ngày hội thì có ai làm việc bình thường. Vậy mà hình như những ngày hội đó đã kéo quá dài.
Tôi rất phục Nguyễn Văn Vĩnh khi có lần ông nhận xét, người thợ Việt Nam thời xưa rất khéo tay, nhưng hình như họ chỉ chăm chỉ trong cảnh quẫn bách.
Tình trạng này bắt nguồn từ cách quản lý lao động của nhà nước phong kiến, khi trừ phi làm quan hoặc buôn gian bán lận, không ai nhờ làm ăn đứng đắn mà giàu sang cả. Cho đến bây giờ vẫn vậy, chúng ta có một cách tổ chức xã hội như thế nào đó mà người lao động không muốn làm việc.
“Làm gì có động lực để mà ra đĩa”. Trả lời phỏng vấn về công việc của mình (TTVH hàng tuần, số từ ngày 4 đến 10-3-2011) ca sĩ Mỹ Linh đã nói vậy. Rồi nói tiếp, không thể ra album vì vừa ra là có người ăn cắp. Sự đánh giá không thích đáng khiến cho người ta không ai muốn làm việc hết lòng. Làm cho đúng trách nhiệm đã không, còn đâu tâm huyết chí khí để nâng cao tay nghề phục vụ cho sự tiến bộ chung của xã hội.
Tôi đang cầm một bản dịch trên tay. Bản dịch rất cẩu thả. Nhưng là người có liên quan ít nhiều đến nghề này tôi không dám trách người dịch. Họ đâu có được hưởng công lao đầy đủ mà còn phải lại mặt cho cấp trên, hoặc nộp phần trăm cho người giao việc. Vả chăng họ có lao tâm khổ tứ dịch cho hay thì người biên tập cũng chả biết cho điều đó, đôi khi người ta còn nói thẳng rằng chẳng ai cần chất lượng làm gì.
Tình trạng lao động của con người trong xã hội là thế đó. Tạm gọi nó là tình trạng con người bị tha hóa. Giống như muối không còn mặn, họ không còn là chính họ nữa.
Khi sự kiếm sống đã vô hình trung hướng về phía không lương thiện thì mọi sự không lương thiện nữa kéo theo, con người sa đọa đến đâu ai mà biết được. Tình trạng này đang diễn ra rộng khắp. Thỉnh thoảng tôi cũng có dịp về một số vùng quê Bắc bộ. Mấy nơi tôi qua, sao mà nhiều chỗ đất bỏ hoang. Những cánh đồng cằn cỗi, những trại chăn nuôi hoang vắng. Hỏi tại sao người ta bỏ đi thì được biết năng suất thấp quá, thu nhập không lại với tiêu pha, thà bỏ lên huyện lên tỉnh may ra được công cao hơn.
Không phải chỉ các xí nghiệp lớn tính chuyện tuyển mộ mà hàng ngày, trên đường đi, tôi thấy nhiều cửa hàng nhỏ, hiệu may, hàng phở cũng dán thông báo tuyển người. Người chen chân nhau chạy loạn lên kiếm ăn ngoài đường. Người lấp kín các quán ăn, quán nhậu. Chỉ có người làm việc bình thường thì thiếu.
Tháng 5 vừa qua, một cháu nhỏ học lớp 12 kể với tôi, dạo này cháu lo thi nên chỉ tập trung vào các môn thi, các môn còn lại chỉ học qua loa. Lúc kiểm tra cuối năm các môn này, thầy cho mở sách mà chép. Thế mà lớp vẫn có khối bạn chỉ được điểm 7. Tại sao? Đến chép từ sách sang, chúng cũng không làm nổi. Hoặc lười, hoặc lâu nay không học nên không tìm ra chỗ mà chép. Điểm 6, 7 đó thực ra chỉ đáng 1, 2.
Sự lười biếng của con người thời nay thật đã ngoài sức tưởng tượng. Nhưng nó đã thành cái lẽ sống mà người lớn truyền cho lớp trẻ. Đôi khi người ta nói công khai. Nhiều trường hợp khác người ta vẫn khuyên trẻ phải chăm chỉ, phải lương thiện. Nhưng với lớp trẻ cực kỳ tinh ranh bây giờ, cách ta sống thế nào, có gì mà chúng không biết, và bao giờ chúng cũng tiến bộ nhanh hơn ta tưởng.