Phóng viên VĂN NGHỆ TRẺ (PV): Thưa anh Vương Trí Nhàn, từ góc nhìn của một người làm phê bình văn học, xin anh cho biết một nhận xét chung về tiếng cười trong tác phẩm văn chương ở ta hiện nay?
VƯƠNG TRÍ NHÀN (VTN) So với cái thời tôi mới vào nghề, tức là thời chống Mỹ, trong đời sống chúng ta đã cười nhiều hơn, và điều đó đã chuyển một phần vào trong văn chương. Nhưng cho phép tôi nói một cảm tưởng: hình như chúng ta đang có nhiều tiếng cười dễ dãi hời hợt mà thiếu hẳn cái tiếng cười ở tầm suy nghĩ sâu sắc.
PV: Trước tiên hãy dừng lại ở cái ý đầu tiên của anh. Phải anh muốn nói rằng có sự thay đổi của tiếng cười trong thời gian?
VTN: Đúng vậy. Thời bao cấp, xã hội hình như “chỉ biết nghiêm chỉnh”. Mọi người ít cười trong văn chương. Vì sao ư, vì lúc nào cũng sợ cười sai. Một phần truyền thống văn học phương Đông là thế, nó đạo mạo, nó trịnh trọng, nó thích cái sự thiêng liêng, dù chỉ là thiêng liêng giả vờ.
Nay cuộc sống đã khác. Bề ngoài, nó có cái vẻ nhốn nháo của một thời tan băng. Hồi trước, trong một thời gian dài, yếu tố phê phán bị “xếp xó”. Người ta sợ nó như sợ một con dao sắc. Nay, cả trong đời sống, lẫn trong văn chương, tinh thần phê phán được hiểu khác đi. Nó không bị xem là một cái tội. Mà xuất phát từ một quan niệm gốc: Không phải cái gì chúng ta đang có cũng đều là“lý tưởng” cả. Tất cả có thể làm khác, cả tôi với anh lẽ ra cũng phải khác, so với cái đang tồn tại. Phê phán là đặt yêu cầu cao với đời sống. Tiếng cười là một trong những phương tiện hữu hiệu để làm công việc phê phán cần thiết đó. Tiếng cười làm cho đời sống trở thành chính nó chứ không phải đời sống giả tạo do người ta tưởng tượng ra và ép nhau phải theo.
PV: Thế thì tại sao ở phần trên anh còn có vẻ như là chưa hài lòng về tiếng cười hiện nay?
VTN: Thú thực, bây giờ giá có ai hỏi tôi trong văn chương ta đương thời có cây bút nào nổi lên với một bút pháp hài hước sâu sắc cỡ như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao trước 1945, hoặc lùi xa hơn như Hồ Xuân Hương, Tú Xương, tôi vẫn không biết gọi ai. Nhiều cây bút đương thời đã muốn cười, nhưng những tiếng cười lẫn vào nhau, và trong nhiều trường hợp là giả tạo tầm thường. Đại khái cũng giống như tiếng cười mà nhiều diễn viên hài đang “phát huy” trên sân khấu và màn ảnh nhỏ. Nó dung tục và dễ dãi, thường mỗi khi bắt gặp là tôi tắt tivi ngay.
Tình trạng này có nguyên do sâu xa của nó. Một thời gian dài chúng ta quên cười nên khi quay lại tiếng cười có phần lúng túng. Và dễ chuyển sang cười nhạt nhèo, cười giả, cười lấy được. Trên kia tôi đã nói tới tình trạng tan băng. Dù ở ta không có băng nhưng tôi vẫn thích cái hình ảnh ấy. Nó thích hợp để nói về một giai đoạn đời sống như hiện nay. Nên nhớ khi đóng băng thì những thứ thiu thối không bốc lên mùi gì. Còn lúc tan băng thì đời sống hiện ra với cả cái trong trẻo lẫn cái ngầu đục, cả cái sức sống tràn đầy, lẫn những cái đã chết hoặc đang chết, nhưng chưa thiêu hủy hoàn toàn.
Một khía cạnh khác: chúng ta mải suy nghĩ những chuyện đâu đâu mà chưa có sự suy nghĩ nghiêm chỉnh về tiếng cười hàng ngày của mình. Tức đã đến lúc phải nhận quan niệm về tiếng cười của chúng ta có vấn đề.
PV: Người ta hay nghĩ cười đơn giản tức là vui, là tếu. Sao lại có chuyện tiếng cười cũng nghiêm chỉnh và cũng phải được xây dựng trên những quan niệm vững chắc, thưa anh?
VTN: Có chứ. Tiếng cười có nhiều sắc thái, và viết tới cái mức thiên hạ đọc “cười ra nước mắt” bao giờ cũng là mơ ước của những nhà văn lớn.
Nói chung cười là một biểu hiện của trình độ chiếm lĩnh cuộc sống, trình độ làm người của mỗi cộng đồng cũng như mỗi cá nhân.
Đoạn trên tôi vừa nói rằng có một thời cả trong văn chương lẫn trong đời sống thưa vắng tiếng cười. Nhưng thưa vắng chứ không phải không có. Những cái chưa thể viết hết ra được, hàng ngày người ta đem ra nói cho nhau nghe trong những lúc gọi là trà dư tửu hậu. Những cuộc trò chuyện văn chương “bên lề” mà tôi được tham dự khi mới vào nghề bao giờ cũng có tiếng cười. Tôi tự tổng kết cho mình: những nhà văn viết hay là những người sắc sảo, câu chuyện của họ luôn mang đến tiếng cười. Khả năng hài hước thường là tỉ lệ thuận với tài năng văn học.
Sự nghiêm chỉnh của tiếng cười bắt đầu từ khả năng của nó trong việc giúp người ta nhận thức sâu về đời sống. Đấy là điều tôi học được trong các công trình nghiên cứu về tiếng cười trên phương diện triết học cũng như mỹ học.
Người ta thường chỉ nói rằng tiếng cười giúp vào việc từ bỏ thói hư tật xấu, và đó là chức năng chính của nó. Nhưng trong một tài liệu mà tôi từng đọc, một nhà mỹ học người Nga ngay từ thời xô viết đã bảo rằng: Chức năng chính của tiếng cười là giúp vào việc nhận thức. Chừng nào nhân loại còn muốn và cần phát hiện lại đời sống, họ còn được cười.
PV: Liệu có thể đọc ra một quan niệm nào đó sau những tiếng cười tầm thường dễ dãi mà anh hay nhấn mạnh ?
VTN: Con người suy nghĩ còn Thượng đế thì cười là một câu tục ngữ Do thái cổ mà nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera dẫn ra trong một tiểu luận văn chương. Một số người ở ta vồ ngay lấy nó, giải thích một cách nông nổi. Họ thích dẫn lại để nói rằng cuộc đời này chẳng có gì nghiêm chỉnh và người ta chỉ còn một cách phản ứng duy nhất trước cái đời sống nhảm nhí ấy là cười. Đằng sau tiếng cười ở đây rõ ràng là sự mệt mỏi, sự đầu hàng trước hoàn cảnh, sự cao ngạo vô lối mà thực chất là sự lảng tránh trách nhiệm. Tôi từ chối một quan niệm như thế, nên thường không thể chịu được tiếng cười của họ.
PV: Nhiều người chỉ nghĩ cười là một phương tiện để đưa nội dung mà họ muốn nói một cách dễ dàng tự nhiên. Cười càng nhẹ nhõm càng dễ lây lan. Anh không đồng tình ?
VTN: Đang tồn tại một lớp công chúng ngại nghĩ ngại đọc những gì nghiêm chỉnh, và với một số nhà văn mà anh vừa nói – thì tiếng cười là một thứ nước đường ngày xưa người ta dùng để dỗ trẻ con, hoặc như trong đông y, là một thứ “thang” để người đọc dễ nuốt trôi những thứ thuốc đắng. Tôi chấp nhận có một loại nhà văn như vậy với quan niệm tiếng cười như vậy, nhưng xin cho phép tôi đề nghị một quan niệm khác. Đấy là cái quan niệm trên kia tôi vừa nói: Tiếng cười có chức năng phát hiện đời sống. Tiếng cười là một công cụ để con người hoàn thiện mình.Tiếng cười ấy cũng thiêng liêng cao cả như nỗi đau, như tiếng khóc. Xin nhắc lại đó là quan niệm mà các nhà mỹ học cổ điển cũng như hiện đại đều khẳng định. Hồi chống Mỹ, các nhà văn như Chế Lan Viên, Xuân Diệu cũng thường nói vậy. Anh Chế Lan Viên chia ra dòng lớn và dòng nhỏ trong thơ trào phúng là cốt để nhấn mạnh ý này.
PV: Có phải anh muốn đề nghị một tiếng cười có chất lượng cao...
VTN: Vâng, đó sẽ là một tiếng cười văn hóa.
Đã in trên báo Văn Nghệ trẻ số ra 9-6-07