VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Hồn thơ siêu thoát

Hàn Mặc Tử trong sự so sánh với
các thi sĩ đương thời Xuân Diệu,
Huy Cận, Chế Lan Viên và Nguyễn Bính

Những năm gần đây, báo chí đã đăng tải nhiều bài phê bình – nghiên cứu có giá trị về thơ Hàn Mặc Tử. Ở đây chúng tôi chỉ nói thêm về cái độc đáo của nhà thơ này.
Cần nói ngay là theo chúng tôi, phần tiêu biểu trong Hàn Mặc Tử không phải là những Tình quê, Mùa xuân chín, Đây thôn Vĩ Dạ; cái đó cũng là Hàn Mặc Tử, lại là thơ rất hay nữa, nhưng không phải tinh chất của tác giả, như những Bẽn lẽn, Trăng tự tử, Trăng vàng trăng ngọc, Hồn là ai, Đêm xuân cầu nguyện… nói chung là các bài trong Đau thương, Xuân như ý, Thượng thanh khí. Phần thơ tôi nói ở đây ít được tuyển chọn, không được mang cho học sinh học, không được ngâm véo von trên ti vi, trên đài, nhưng lại là những gì chỉ Hàn Mặc Tử mới viết nổi, nên cũng là phần gợi ra suy nghĩ và cần mang ra so sánh.
1. Hàn Mặc Tử và Xuân Diệu
Theo Hoài Thanh, đương thời Xuân Diệu là thi sĩ có bộ y phục tối tân hơn cả. Tác giả Thơ thơ được coi là mới nhất trong các nhà Thơ mới và chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu.
Đấy là những nhận xét chính xác với nghĩa: nếu như có một khuôn khổ thì Xuân Diệu đã đi đến hết khuôn khổ đó. Còn nếu so sánh với Hàn Mặc Tử thì có thể nghĩ khác. Hàn Mặc Tử vượt ra ngoài cái khuôn khổ thông thường, khiến người ta ngán luôn, không muốn nói tới nữa. Hàn Mặc Tử tự nhận: “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá. Tôi bị cám dỗ? Tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật”. Ở Xuân Diệu, không có cái bí mật ấy để mà phản bội. Cùng lắm Xuân Diệu mới đắm say, chứ chưa mê man đến mất trí như nhà thơ bị trọng bệnh. Cảm giác về trăng trong Xuân Diệu kể cả khi đó là cái thứ “ linh lung bóng sáng bỗng rung mình” hoặc “trăng ngà lặng lẽ như buông tuyết” vẫn là loại cảm giác thông thường. Còn trăng trong Hàn Mặc Tử thì ma quái, thoắt thế này, thoắt thế khác. Hình như cả trong thơ phương đông lẫn phương tây, chưa ở đâu trăng lại được mô tả lẫn với máu huyết và lai láng, nhày nhụa như trong các bài thơ Hàn Mặc Tử làm khi đau ốm. Lại nữa, trăng ở đây ít nhiều thường có quan hệ với nhục cảm. Trăng khêu gợi thèm muốn. Giữa trăng và đối tượng để người ta chung chạ ân ái như là có sự hóa thân, đắp đổi. Trăng đồng lõa, xúi bẩy, trăng lại hứa hẹn là sẽ che chở thậm chí sẽ ban tặng thêm khoái cảm nếu cơn chung chạ đó xảy ra.
Có một thời, mỗi khi muốn bảo Xuân Diệu là quá tây, người ta lại dẫn ra bài Vội vàng với câu kết:
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!
Giả thử được xếp lẫn vào thơ Hàn Mặc Tử, câu thơ đó không gợi ra phản ứng gì đặc biệt. Nó còn tế nhị và lành mạnh quá, trong khi thơ Hàn Mặc Tử còn sống sượng và bệnh tật hơn nhiều.
Xuân Diệu mới cảm thấy cái lạnh buốt ở chung quanh. Hàn Mặc Tử nhập vào, trở thành chính cái lạnh đó.
Hồn thơ Xuân Diệu như một con diều bay lên thanh thoát, còn cái dây nối con diều đó với đời sống thơ mỏng manh nhưng bền chắc. Hãy nhớ lại Buồn trăng. Ở trên vừa mới Huy hoàng trăng rộng nguy nga gió, ở dưới đã Hoa bưởi thơm rồi, đêm đã khuya. Với câu kết ấy, ta cảm thấy sau khi ngang dọc khắp vòm trời, con diều – ở đây là tâm tưởng nhà thơ - lại hạ cánh an toàn xuống mặt đất, điều đó chứng tỏ Xuân Diệu rất tài, và cái việc ông làm thật đáng kính trọng. Còn tâm linh của Hàn Mặc Tử thì luôn luôn như một con diều đứt dây khi quay cuồng, lồng lộn, lúc ủ rũ tìm nơi giải thoát. Xuân Diệu chưa thật bao giờ rõ là mình như khi nhân danh người kĩ nữ mà nức nở: “Em sợ lắm giá băng tràn mọi nẻo”. Xin đừng có ai chờ đợi một tiếng kêu như thế ở Hàn Mặc Tử, bởi qua thơ người thi sĩ này, thấy toát lên cái ý: miễn là còn được sống, được tồn tại, giá lạnh không có gì đáng sợ. Vả lại trong bất cứ nỗi sợ nào, trong bất cứ mất mát nào cũng có niềm sung sướng kỳ lạ, không ai có thể chia sẻ. Đứng về lịch sử thơ ca mà xét thì Hàn Mặc Tử, trong những tìm tòi của mình, đã đi khá xa so với Xuân Diệu. Trong tác giả Thơ thơ, người ta cảm thấy ảnh hưởng của Baudelaire, dấu vết của de Noailles, và cả Rimbaud lẫn Verlaine (họ đều là những tác giả lớn của văn học Pháp cuối thế kỷ XIX). Chính Xuân Diệu cũng thú nhận là có ý thức đón nhận những ảnh hưởng đó. Còn Hàn Mặc Tử – không biết có phải là ngẫu nhiên chăng – phần nào đã đến gần với A.Breton, P.Eluard, L.Aragon. R.Desnos v.v… những người cùng đứng trong một phong trào thơ ở Pháp, có tên là siêu thực và xuất hiện khoảng trước sau đại chiến thế giới thứ nhất. Tuy nhiên, đấy là một phỏng đoán mà chưa phải một kết luận khoa học. Vấn đề quá lớn. Chúng tôi không có tham vọng giải quyết ở đây. Để  chứng minh Hàn Mặc Tử là độc đáo xin làm một vài sự so sánh tiếp.
2. Hàn Mặc Tử và Huy Cận
Qua Lửa thiêng và qua các tập thơ in sau 1945, Huy Cận thường được coi là có hồn thơ rộng mở ra đến vũ trụ. Giới thiệu thơ Việt Nam ra nước ngoài, Chế Lan Viên bảo Huy Cận vốn “thích các thế kỷ, thích các vòm trời”, còn Xuân Diệu thì từ 1940 đã cho là ở người bạn mình có cái “nghiêng tai kỳ diệu”.
Nhưng xem ra, thơ Huy Cận vẫn quá lành, con người trong thơ Huy Cận vẫn ở ngoài mà chưa đạt tới sự hòa nhập với vũ trụ, chưa bao giờ cả gan lang thang đi tìm bí mật của cái vũ trụ hoang tưởng đó như trong thơ Hàn Mặc Tử.
Huy Cận thường xuyên bắt gặp ở thiên nhiên một sự thông cảm. Mặc dù là một cái gì bát ngát xa lạ, song vũ trụ trong thơ Huy Cận khô ráo, trong sáng, thanh sạch, và thật dễ dàng chấp nhận con người. Đây là mấy câu thơ tiêu biểu:
Trời xanh ran lá biếc.
Biển chóa ngập buồm vàng
Gió thổi miền bất diệt
Mây tạnh đất hồng hoang.
Về phần mình, Hàn Mặc Tử không có điều kiện mà cũng không tính chuyện lấy thơ mình ra đối diện với cả không gian thời gian cao rộng. Hàn Mặc Tử chỉ lạ hóa ngay cái thiên nhiên sát kề bên mình. Nhưng đó là cái thiên nhiên ma quái, bí mật, thiên nhiên ướt át nhày nhụa lại nhiều bóng tối và những khoảng trống kỳ lạ, khiến người sống trong đó không bao giờ cảm thấy yên ổn. Cảm giác về sự hài hòa rất quen thuộc trong thơ Huy Cận. Bao trùm ở Lửa thiêng là cái tự bằng lòng , cái thanh thản thoải mái khi tiếp xúc với vũ trụ. Cảm giác ấy hết sức xa lạ với Hàn Mặc Tử. Luôn luôn ở Hàn Mặc Tử chỉ là xao xuyến bồn chồn, tưởng là mất mà lại thấy, tưởng là cầm nắm được mà lại trôi đi bay biến.
Thỉnh thoảng, có nói tới Thượng đế thì Huy Cận đã biết ngay rằng Thượng đế sẽ an ủi, vỗ về tâm hồn mình.
Hàn Mặc Tử không tính chuyện kéo Thượng đế về với cuộc sống phàm trần mà chơi vơi đuổi theo Thượng đế và trong cuộc truy đuổi đó, sẵn sàng thánh hóa.
3. Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên
Giữa hai nhà thơ này đã có bao nhiêu duyên nợ. Hơn thế nữa, người ta bảo họ là cùng trường phái với nhau (đây là nói trong phạm vi thơ Chế Lan Viên trước Cách mạng). Điều ấy có lý do của nó: Trong Điêu tàn, Chế Lan Viên cũng muốn tạo ra một thế giới phi hiện thực, như Hàn Mặc Tử đã sống nó trong Đau thương, Xuân như ý. Họ chỉ khác nhau ở con đường đi tới thế giới ấy. Trong khi Hàn Mặc Tử tìm thấy nó trong mê man mê sảng, thì Chế Lan Viên có được nó bằng cách đẩy lý trí của mình đến cùng. Nói một cách hình ảnh: một bên Hàn Mặc Tử đi vào cõi hư vô như một con chiên ngoan đạo, áo quần tơi tả mà đi, chân đất mà đi, vấp ngã lại đứng dậy bước thấp bước cao đi tiếp; còn bên kia là Chế Lan Viên khôn ngoan tỉnh táo, tránh từng vũng nước nhỏ, từng quãng dốc trơn, đi theo lớp lang rành mạch, bước bước nào chắc bước ấy, thậm chí có ngã cũng là biết trước sẽ ngã. Nếu Hàn Mặc Tử đã đi là không trở lại thì Chế Lan Viên đi có điều kiện, đi tới rồi lại trở về. Bóng đêm, cuộc sống ban đêm, là một mô típ từng thấy ở nhiều bài thơ của hai thi sĩ, nhưng với Hàn Mặc Tử, đêm trăng này tiếp đêm trăng khác cả cuộc đời là những đêm trăng tiếp nối, còn với Chế Lan Viên, sau ban đêm còn có lúc vừng ô tới, ban ngày hiện ra. Sự kinh dị ở Chế Lan Viên, do đó, chỉ là kinh dị một nửa.
Một câu hỏi rất tiêu biểu cho Chế Lan Viên trong Điêu tàn:
- Ai bảo giùm ta có ta không?
không bao giờ có thể có ở Hàn Mặc Tử. Lý do đơn giản là Chế Lan Viên coi việc vòng vèo trong mê lộ của tiềm thức là để vươn tới trí tuệ. Còn Hàn Mặc Tử thì dừng lại vĩnh viễn ở tiềm thức. Ở Hàn Mặc Tử chỉ có những triết lý ở dạng lơ lửng ngẫu nhiên và thường vẫn giữ được cái vẻ thơ riêng của nó.

4. Sau hết, xin có một chút liên hệ giữa thơ Nguyễn Bính và thơ Hàn Mặc Tử
Sở dĩ chúng tôi không so sánh vì hai nhà thơ này khác nhau quá.
Nhưng nói thơ họ đều là thơ hay (cả hai, đến hôm nay, đều được bạn đọc săn tìm), điều đó có lôgích không?
Câu trả lời: không có gì là không bình thường ở đây cả. Thơ có hai cực, cực phổ cập và cực siêu thoát. Ví dụ trong thơ Pháp hiện đại, Jacques Prévert như ca dao đồng dao, rất phổ cập, còn Saint John Perse rất siêu thoát, nghĩa là chỉ dành cho một số độc giả chọn lọc và cả hai đều là nhà thơ lớn. S.J.Perse còn được Nobel văn chương nữa. Trường hợp Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử cũng vậy. Lúc nào chúng ta cũng có thể ngâm ngợi vài câu thơ Nguyễn Bính lên và thấy rất gần gũi. Thơ Hàn Mặc Tử tồn tại kiểu khác: chỉ thỉnh thoảng ta mới tìm đến ông. Đó là những lúc lòng ta, trí ta, cách nghĩ về thế giới ta vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường, ta thấy chung quanh quá nhàm chán và cảm thấy muốn được giải thoát. Những lúc ấy, có thể – tôi nói có thể chứ không phải tất yếu trong tất cả  mọi trường hợp – thơ Hàn Mặc Tử lại là những giải đáp đích đáng nhất, ông đền bù cho ta, có cảm tưởng ông chỉ ông với ta là đủ rồi. Cái sung sướng của người đọc thơ lúc này là sung sướng đến rợn người.
Nói  một cách tổng quát: Nguyễn Bính là nhà thơ rất người, rất hàng ngày. Còn Hàn Mặc Tử là nhà thơ của những lúc ta xuất thần, lúc ta thánh hóa. Những lúc ấy hiếm khi xảy ra nhưng vẫn là có.
Nếu không thể lấy thơ Nguyễn Bính để phủ nhận thơ Hàn Mặc Tử thì cũng tức là không thể nhân danh sự dễ hiểu để phủ nhận những cái ta còn chưa hiểu và chỉ một lúc nào đó mới hiểu, mới thích. Bài học rút ra ở đây; với người làm thơ bên cạnh hướng về sự phổ cập (như Nguyễn Bính) thì hướng về sự siêu thoát (như Hàn Mặc Tử) cũng là cả một hướng đi tốt đẹp. Nó không hứa hẹn sự thành công tức thời nhưng không phải vì thế mà nói là nó thiếu khả năng giúp các nhà thơ gia nhập vào thế giới của các giá trị vĩnh viễn.

Vài nét tiểu sử
Hàn Mặc Tử  (1912-1940), người đi qua thơ Việt Nam như một niềm kinh dị. Tác phẩm chính: Gái quê (1936), Thơ Hàn Mặc Tử (1942), trong đó có một phần lấy từ các tập thơ chưa in khi tác giả còn sống: Xuân như ý, Thơ điên v.v…

Đã in trong
 Cánh bướm và đóa hướng dương, 1999

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn