VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ghi chép hàng ngày ( 13)

11-10
NHỮNG SẮC THÁI KHÁC NHAU CỦA CÁI ĐẸP
Một trong những câu nói về Hà Nội hay nhất độc đáo nhất trong dịp Ngàn năm Thăng Long thuộc về nhà văn Nguyên Ngọc. Ông bảo: Hà Nội của ta đẹp thật, đẹp khủng khiếp, đẹp đến mức người ta đã phá nó ghê gớm, phá nó riết ráo thế mà nó vẫn còn đẹp như vậy.

Sở dĩ nhiều người thích vì theo tôi câu nói thỏa mãn cả tình yêu của chúng ta với Hà Nội lẫn cảm giác đau đớn rằng nó bị phá hoại, tự chúng ta đã phá nó một cách tàn bạo.
Nhưng nói Hà Nội đẹp có lẽ còn chung chung quá. Đẹp như thế nào, chúng ta còn phải tìm cách nói rõ.

12-10
QUẢNG CÁO TRÊN TV
Mấy năm trước, tôi nhớ vào trước bản tin thời tiết, thường có cảnh quảng cáo sữa, một em bé đi đâu về chạy sầm sầm vào nhà, mở tung tủ lạnh lấy ra que kem, rồi thè lưỡi ra trước mặt ống kính.
Tôi hay nói với người trong gia đình ngày xưa trẻ mà như thế thì chết đòn với các cụ. Có thèm ăn thèm uống đến mấy cũng không thô bỉ như thế được. Mà lại nhơn nhơn ra nữa chứ. Đưa lên TV để trẻ em nhà nào cũng xem trong bữa cơm chiều liệu có nên không?

Còn đây là quảng cáo điện thoại di động: một nhóm công chức trẻ mặt mũi cực kỳ sáng sủa nhưng trong giờ làm việc chỉ chơi bời nhẩy nhót, đến lúc sếp gọi mới cuống cuồng chạy đi lấy dữ liệu.
Xin nhắc lại người thanh niên ở đây mặt mũi rất thông minh, cái nhìn thẳng đầy tự tin rõ ra người có học hành. Nhưng cảm tình của tôi với anh ta bay biến hẳn khi anh ta vênh mặt sung sướng gặp ai cũng khoe vì có được chiếc điện thoại di động hiện đại.

Thời HN còn xe điện, tôi nhớ có những người bán kem trên tàu và những người quảng cáo lơ tẩy hồng hoặc kim băng, đá lửa…Họ có lối nói thế nào đó mà làm cho người ta dù biết là mình bị lừa, vẫn cứ cuống cuồng đi tìm hàng lạ.
Cách nói của những người quảng cáo trên TV hôm nay thường cũng vậy. Cả nước lúc nào cũng như đang ngồi trên toa xe điện ngày cũ.

16-10
NGƯỜI TẦU TRONG
CÁC CÔNG VIỆC TRIỀU CHÍNH Ở NƯỚC VN PHONG KIẾN
Trong các bộ Đại việt sử ký toàn thư, Đại việt sử ký tiền biên đều có ghi, thừa tướng của Lê Đại Hành một thời chính là Hồng Hiến, một người phương Bắc tức người Trung Quốc. Ông này, theo Toàn thư ( I, tr. 223) thông hiểu kinh sử, thường theo vua đi đánh giặc, làm quân sư, khuyên vua lên ngôi, mưu bàn việc nước, có công lớn vua tin dùng như người tâm phúc.
Thời Trần Dụ Tông (1341 1369) có dùng một viên thầy thuốc là Trâu Canh. Cha Canh là Tôn từng theo quân Nguyên vào VN, đến khi quân Nguyên đi thì ở lại, theo Tiền biên, thâm nhập vào hàng ngũ cầm quyền ” nhân đó dùng thuốc chữa cho các vương hầu trong nước đa số là hiệu nghiệm”.
Canh có lần đã mách vua một phép lạ chữa bệnh, được ưu ái ngày đêm ở luôn trong cung cấm. Các sách đều ghi lúc trò chuyện với vua, Canh thường dùng những câu kỳ quặc nghĩ những kế xảo quyệt để mê hoặc.
Theo Tiền biên, từng được phong là Phục hầu Tuyên Huy viện đại sứ kiêm Đại y sứ.

Đến thời Nguyễn , thì khá nhiều quan lại vốn người Minh sang VN một vài đời, nhập quốc tịch VN. Phan Thanh Giản là một ví dụ .

19-10
CHIÊM THÀNH DỊCH NGỮ
Đến bây giờ tôi mới có dịp đọc các báo cáo trong Hội thảo Việt Nam học lần thứ III tổ chức tại TPHCM cuối 2008. Một báo cáo loại đó là của Lưu Chí Cường , Đại học Bắc Kinh.
Ông này cho biết giới nghiên cứu TQ vừa phát hiện thấy một cuốn từ điển Chăm—Hán đơn sơ mang tên Chiêm Thành dịch ngữ, làm từ đời Minh (1368-1644).
Người Hoa thời ấy đi tới đâu ở Đông Nam Á thường cũng lo tìm hiểu ngôn ngữ người bản xứ. Việc đào tạo thông sự (interpreter) và chuyển dịch giữa chữ Hán và ngôn ngữ địa phương được xem như một việc không thể thiếu khi xâm nhập vào các vùng đất mới.
Với Việt Nam, họ đã có làm một cuốn An Nam dịch ngữ. Cuốn này có thể là bằng chứng tốt cho những ai muốn tìm hiểu quan hệ Trung Việt thời ấy, cũng như tìm hiểu một trạng thái lịch sử của tiếng Việt .

Trong một bài báo viết về việc Ấn độ trong việc chống lại xu thế bành trướng của Trung quốc, người ta tỏ ý lo, TQ có nhiều chuyên gia rất giỏi về Ấn độ, trong khi việc triển khai nghiên cứu TQ của Ấn độ khá chậm và lực lượng thì quá mỏng.

Lang thang trong kho báo bày sẵn thư viện thấy có một tạp chí của Bộ ngoại giao mang tên Nghiên cứu quốc tế. Số ra 6-2010 của tạp chí này đưa tin hiện Bộ có cả một nhóm chuyên nghiên cứu về đề tài Sống chung với nước láng giềng lớn hơn, thực tiễn và chính sách . Có một bài của Nguyễn Vũ Tùng , có thể đọc lại ở địa chỉ sau:
http://www.dav.edu.vn/nr040730095659/nr040730100743/nr100819150732/dt100819150734

Trong một số khác của tạp chí, ở chuyên mục này, tôi đọc thấy một bài nghiên cứu về cách tồn tại của Phần Lan bên cạnh nước Nga của Lenin, Stalin.

20-10
VINH QUANG CỦA NGHỀ DỊCH
Đang có chủ trương xét tặng giải thưởng HCM và giải nhà nước. Tôi chỉ chú ý, không có giải cho những người dịch.
Còn nhớ, ở Liên xô trước đây có những nhân vật như Nikolai M. Liubimov ( sinh 1912). Ông này từng dịch nhiều tác phẩm cổ điển của phương Tây sang tiếng Nga, và nhờ thế được giải thưởng nhà nước Liên xô 1972. Ông cũng có tên trong Bộ Đại bách khoa toàn thư Liên xô 30 tập, đứng ngang hàng với các nhà hoạt động văn hóa tầm cỡ khác.
Một tác phẩm lớn của Pháp được Liubimov dịch là bộ Gargantua Pantagrue của F. Rabelais.
Nhớ khoảng 1972-1973, Nguyễn Khải đọc ở đâu đó về kể là dân Pháp cho rằng có hai người Nga được coi là rất hiểu Rabelais. Một là M.M. Bakhtin, ông đã “dạy” cho con người hiện đại đọc nhà văn này như thế nào ( ý nói tới cuốn Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian trung thế kỷ và phục hưng ). Hai là Liubimov. Có người nói đùa, giá kể bản tiếng Nga Gargantua Pantagrue của Liubimov được dịch ngược lại ra tiếng Pháp , chắc sẽ giúp người Pháp hiểu và yêu Rabelais hơn.

21-10
Đọc tin trên Đại đoàn kết
Công ty khoá Minh Khai (Hà Nội) “làm giả thương hiệu của chính mình”, nhập hàng Trung Quốc về rồi lén lút gắn thương hiệu mình vào.
95% hàng may mặc tại thị trường Trà Vinh là hàng Trung Quốc, trong đó 50% là hàng Trung Quốc dán nhãn mác Việt Nam.
“Ty tỷ” các loại mặt hàng khác nhau hiện có trên thị trường Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền biển, đều mang “quốc tịch” hàng hoá made in China .
Cả những món đồ thực phẩm khô như ô mai, mứt hoa quả, khô lóc, khô nai... đã có thương hiệu truyền thống và hình thành từ những làng nghề vài trăm năm tuổi trở lên, bây giờ đều gần như bị “Trung Quốc hoá” ( bị TQ cướp mất nghề thì đúng hơn—VTN )
Tại sao người ta vẫn dùng? Tham rẻ thì đã đành, bài báo cắt nghĩa tiếp, nhưng điều này còn chứng tỏ người tiêu dùng Việt Nam mất lòng tin vào ngay sản phẩm của đất nước mình.
Với tôi, cái chính cần nhìn vào đám người tổ chức nhập hàng Tầu về rồi dán nhãn VN kia. Họ cho thấy nhiều người mình hiện đã đánh mất một cái gì rất lớn, đánh mất lòng tự trọng và một suy nghĩ nghiêm chỉnh về đời sống. Đánh mất cả thói quen làm việc bình thường lẫn khả năng kiếm sống một cách lương thiện.
Người ta sẵn sàng làm mọi việc dù đã biết đó là việc xấu, chỉ cần to mồm lấp liếm nói ngược lại là yên tâm cứ thế tiếp tục.

MỨC ĐỘ CỦA TAI HỌA
Một đại diện của Hồng thập tự quốc tế nhận xét về tình hình lũ lụt miền Trung: “Tôi cho rằng thách thức đối với miền Trung Việt Nam đó vừa là mức độ ảnh hưởng trở nên ngày một nghiêm trọng hơn và đồng thời vừa là tình trạng không biết trước điều gì sẽ xảy ra cũng gia tăng.”

22-10
VỀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT
ĐƯỢC DÁN NHÃN QUỐC TẾ
Một ám ảnh của người làm nghệ thuật thời nay là muốn đưa mình gia nhập các sinh hoạt quốc tế. Chỉ có điều ham muốn không đi liền với khả năng thực hiện, chúng ta đã xa rời thế giới lâu ngày và hiện đang ở vào trình độ thấp quá, tới mức những ao ước quay trở lại chỉ là câu chuyện hài hước và nhiều khi là kệch cỡm.
Một khách mời có cỡ tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ nhất khuyên ta phải có cái gì của mình thì mới mời được người khác tới, không một liên hoan phim quốc tế nào chỉ sống bằng phim của các vị khách.
Sự hào phóng thương hại không bao giờ kéo dài. Chủ thế nào, khách như thế.

23-10
CÂU THƠ NÀO ĐÚNG CHỮ NÀO ĐÚNG
Dưới đây là bài thơ của Chế Lan Viên làm khi tạm biệt người vợ đầu, chưa đăng ở báo nào, những năm chiến tranh tôi biết là do Lưu Quang Vũ đọc

Đến chỗ đông người anh biệt em
Thôi đừng ngoái lại để anh nhìn
Mày ai trăng mới in ngần thật
Dao khía lòng anh trăng của em

Tôi đã ghi lại trong một bài báo có in vào tập Chuyện cũ văn chương ( 2001)

Giờ đây lại thấy trên báo chép thành :
Đến chỗ đông người anh biệt em
Quay đi thôi chớ để anh nhìn
Mày em trăng mới in ngần thật
Cắt đứt lòng anh trăng của em

24-10
Kỳ này thật đã đầy là các tài liệu viết về Linda Lê. Tôi sẽ phải đọc các bài viết của nhà văn này một cách từ từ vì ở nhiều bài, gần như phải dừng lại ở từng câu một. Hàm súc và cô đọng quá.
Nhưng có những chi tiết trong tiểu sử chỉ cần nhớ tới là thấy thú vị : Từ 26 tuổi, 1989, trước khi viết văn, cô đã từng làm ở nhà xuất bản Hachette ở đó đã viết rất nhiều những lời dẫn của nhà xuất bản cho hàng loạt tác phẩm nổi tiếng . Tới năm 1999 thì những bài viết này được tập hợp trong một cuốn sách mang tên Tu écriras sur le bonheur (Mi sẽ viết về hạnh phúc) sau đó còn được tái bản.
Có nghĩa là trước khi viết văn, -- nói theo ngôn ngữ của văn học VN hiện nay—nhà văn này đã viết phê bình và từ sách vở mà cô tìm thấy gợi ý về sáng tác.
Có người viết rằng tác giả này có thể đi từ Havre, nơi trú ẩn đầu tiên của cô ở Pháp có hình bóng J. Sartre, làm bài văn luận đầu tay về chủ đề bánh Madeleine của M. Proust, rồi đến đường de l'Odéon để thăm E.M.Cioran và không hề quên lời khuyên của F. Kafka...

Nên chú ý thêm là không chỉ sống với văn học đương đại, tác giả này cũng đã đi tới cùng trên con đường tìm hiểu văn học cổ điển
Tôi đắm mình trong những tác phẩm cổ điển của đất nước hình lục lăng, trong nghiên cứu những người viết Từ điển bách khoa toàn thư thế kỷ Ánh sáng. Tôi ngập trong thơ của Victor Hugo, của Verlaine, Rimbaud. Tôi thấy gần gũi với những vở kịch của Racine. Tôi đam mê "Xưng tội" của Rousseau, những cuộc lao dốc xuống địa ngục của Nerval, cách mạng văn học được những nhà siêu thực khởi xướng, những giáo hoàng của tiểu thuyết mới.

Không biết bao giờ, loại nhà văn đơn độc như Linda Lê mới xuất hiện ở xứ ta. Hôm nay đây ai định đi theo con đường đó thì liền bị lôi về cuộc sống “đội ngũ’ thực chất là một cuộc sống bày đàn. Làm gì có ai đủ bình tâm mà ngồi đọc như nhà văn ấy? Và nếu có định đọc chăng nữa thì lấy đâu ra vốn văn hóa vốn ngôn ngữ vốn tâm lý để chung sống với cả thế giới hôm qua lẫn thế giới hôm nay như thế?

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn