VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nguyễn Đình Nghi (3)

TIẾP TỤC CÂU CHUYỆN VĂN NGHỆ KHÁNG CHIẾN
Năm 1947, tình hình gay go lắm. Pháp nhảy dù Việt Bắc, quây một mẻ, tí nữa bắt được Trung ương của mình. Và cụ Nguyễn Văn Tố bị bắt. Thời ấy, Nguyễn Huy Tưởng hoang mang cực độ. Tôi còn nhớ những phát biểu của ông ấy cơ mà.
Thế rồi về sau ta lại gượng dậy được, lại đánh cho đến Điện Biên.
Vậy thì cái gì đã xảy ra?
Tôi đọc lại những gì bố tôi đã ghi trong kháng chiến, và nhận thấy cuộc kháng chiến chống Pháp là ghê gớm thật. Từ đó, từ những ai đã đi với kháng chiến rồi, sẽ ra một loại người khác, không bao giờ thay đổi nữa.
Kháng chiến là một sự nghiệp lớn lao, và hầu như mọi người văn nghệ sĩ đều chân thành đi theo kháng chiến.
Không ai khác, chính ông Tuân là một người rất ghét những anh sợ gian khổ bỏ kháng chiến.
Đỗ Đức Thu vốn là bạn thân với Nguyễn Tuân, ở trong thành, chỉ làm cái việc của ông Nguyễn Xiển là khí tượng thuỷ văn thôi, mà ông Nguyễn Tuân ông ấy cũng xỏ xiên:
- Đo gió cho nó, để máy bay lên Việt Bắc nó ném bom cho được thuận tiện.
Còn nhớ cái hôm ấy, tôi đang đọc tờ báo ở trong thành tường thuật chuyện Đoàn Phú Tứ dinh tê -- Đoàn Phú Tứ nói rằng một chế độ mà đã coi rẻ nền văn hoá dân tộc như thế, thì phải từ bỏ để trở về với chính nghĩa quốc gia thì Nguyễn Tuân cũng ngồi đấy, Nguyễn Tuân gật gù:
- Tức là lúc ấy đã hút thuốc phiện thật đẫy rồi, nên mới nói như thế này đây mà.
Ông Tô Hoài, ông Tưởng, ông Thi, hồi ấy là những cốt cán, ông Tô Hoài hóm hỉnh và ranh mãnh như thế, nhưng nói về chính sách không ai là không thấy hay. Ông Thi thì rất nồng nhiệt.
Ông Tưởng biết tất cả, nhưng với tư cách là người phụ trách, lại phải làm nhiều việc trái ý muốn. Tôi nhớ, lần ấy tổ chức Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua. Cả ba ông ấy đều được đi dự, mỗi ông trở về nói một ấn tượng.
Ông Tô Hoài chưa thôi khó chịu về những lời phát biểu của Nguyễn Mạnh Tường.
- Có cái tiếng hão là đại trí thức nên người ta mới mời phát biểu. Thế mà lão ấy mở đầu bằng một câu bông lơn nhảm nhí, không ai nghe nổi "Thưa các ngài, bao nhiêu điều hay ho tôi định nói, thì người phát biểu trước tôi đã phỗng tay trên mất rồi"
Ông Thi khoe:
-- Được nghe những lời tâm huyết của đại biểu, mình thấy cái dự trữ phấn khởi cách mạng của mình - ông dùng tiếng Pháp - được tích luỹ thêm rất nhiều.
Ông Tưởng thì mộc mạc hơn, ông Tưởng kể ví dụ như Nguyễn Quang Vinh, còn anh hùng cá nhân ra sao, lúc nào cũng vỗ ngực ta lập công, ta lập công ra sao. Có một câu Quang Vinh quang vinh đi đâu nói chuyện gì cũng nhắc đi nhắc lại.
Tôi thắc mắc với ông Tưởng, thế thì ngược hẳn với những điều anh viết về anh ta trong xê-ri chuyện các chiến sĩ. Thậm chí tôi còn nói cái truyện ông Tưởng mới viết xong là giả, không có chiến sĩ nào nghĩ thế.
Ông Tưởng bảo: Nhưng viết như cậu hình dung, thì không thể in được.
Đấy, các ông ấy tự buộc mình giả, giả một cách tự nhiên như thế đấy. Giả là bản chất thứ hai của con người.
Nhân đây tôi cũng hiểu thế nào là văn học cách mạng.
Một người như Hoài Thanh lúc ấy cực đoan lắm. Có lần, nhân nghe mọi người nói về vở Đề Thám, tôi mới nói lại gì đó (nói vui ở nhà thôi, chứ mặt tôi đâu được dự hội nghị) thế là ông Hoài Thanh nói ngay:
- Cái cách Nghi vừa nói, có cái chất khinh bạc và chế giễu, nó là thuộc về một giai cấp đang suy tàn chứ không phải của một người thanh niên mới lớn.
Và thế là, sau đó, các ông ấy chuyển tôi khỏi Ban văn của Hội văn nghệ - tôi làm thư ký ban ấy - để về một nơi khác. Vì các ông ấy cho là sở dĩ tôi cũ, tôi hỏng như thế, vì tôi ở gần ông Phan Khôi, ông Ngô Tất Tố.
Do chưa bao giờ ở gần nhau như thế, nên mấy ông văn nghệ sĩ này lại nhận ra cái chỗ vớ vẩn, chỗ buồn cười của nhau nhanh lắm.
Xuân Diệu có bài thơ Một sớm mai hồng… gì đó, ông Tứ mang ra giễu mãi. Đến lượt vở Trở về của ông Tứ, thì Xuân Diệu, dưới bút danh Trảo Nha, còn viết cả một bài trên báo Độc lập của Đảng Dân chủ, chê là đến cái chính trị tối thiểu như thế, mà Đoàn Phú Tứ cũng không hiểu, và Trở về là một vở nhạt.
Phan Khôi chê Ngô Tất Tố, Ngô Tất Tố chê Phan Khôi, cái đó dễ hiểu rồi. Nhưng cả hai cụ nhìn những người khác, thì lại cùng nhận ra những lố bịch của họ.
Chẳng hạn, có lần Ngô Tất Tố sang chỗ Anh Thơ chơi, trở về mới kể là mình vừa liếc mắt nhìn cái thời gian biểu của bà ấy. Trong số công việc một ngày của Anh Thơ, việc cuối cùng được nêu là tắm trăng.
Và thế là cả Ngô Tất Tố lẫn Phan Khôi cùng lăn ra cười.
Về việc Ngô Tất Tố vào Đảng. Một lần Ngô Tất Tố đang ở nhà thì có người gọi đi họp, buổi họp chuẩn bị để hôm sau kết nạp ông vào Đảng. Thì ra một con trai của ông là du kích ở quê nhà, có tin là vừa hy sinh.
Chính Ngô Tất Tố hay kể với mọi người như vậy.
Suốt nửa đầu thế kỷ, cả dân tộc này chỉ lo chuyện đánh tây, nên lúc ông Cộng sản ông ấy đánh được Tây thì cũng tức là uy quyền ghê lắm.
Bao nhiêu văn nghệ sĩ mình, cả loại cứng đầu như Nguyễn Tuân, cả loại rã rượu như Lưu Trọng Lư đều bị ông ấy thu phục cả.
Sau những cuộc chỉnh huấn hồi ở Việt Bắc, có lần tôi buột miệng:
- Tôi cảm thấy bao nhiêu sách vở đều vứt đi hết.
Có người nói ngay:
- Không vứt đi hết đâu, nếu anh biết dùng nó trên một lập trường giai cấp.
Thế mới sợ chứ.
Nghĩa là giống như đạo Thiên chúa: tìm tòi khoa học tha hồ, miễn là chứng minh rằng có Chúa.
Người nói với tôi câu trên là anh Trọng Hứa.
Hồi ở Việt Bắc, có một danh hiệu mà anh em hay chỉ Trọng Hứa: Bần. Nó bắt nguồn từ truyện Thằng Bần mà Trọng Hứa viết hồi ở Tiên Phong. Nhưng nó còn có cái ngụ ý, ông ấy già lắm, cũ lắm, loại bần mà lại.
Có cái truyện ngắn Gợi khổ được Tố Hữu khen, đi đâu cũng khoe.
Nhưng sự thật là một người nhạt nhẽo mà lại đồng bóng.


TẠI SAO NGHỆ SĨ ĐẾN VỚI CÁCH MẠNG?
Con người ta trước Cách mạng là một cái gì cũng lạ lắm. Nghĩa là cũng đầy mâu thuẫn. Bây giờ đã thân với nhau rồi, tôi có thể kể hết với anh thế này.
Ông bố tôi - mà tôi yêu kính - là người như thế nào? Ông ấy rất nghiêm khắc trong ăn mặc, trong cư xử, tóm lại là một người rất hiểu đạo thánh hiền chứ gì. Nhưng ông ấy nghiện hút, và trong khi mải làm kịch, ông ấy bỏ lửng bà mẹ tôi, để sống với bà Song Kim.
Anh không thể tưởng tượng là thời ấy, chúng tôi - một thiếu niên như tôi --khổ về những lề thói cũ đến mức nào. Tôi sống với bà nội, một bà già ngoan đạo, và tôi đã thấy bà tôi hành hạ mẹ tôi hành hạ về mặt tinh thần, nó kinh khủng, nó làm cho tôi không bao giờ thấy cuộc đời là tự nhiên, là bình thường nữa (ấy những lúc tôi phẫn uất quá, thì bố tôi lại tâm sự với tôi, giảng giải cho tôi là phải nhẫn nại, phải cam chịu)
Trong hoàn cảnh ấy, văn minh phương Tây hiện ra như một hứa hẹn giải phóng.
Nhưng, dù yêu văn minh Pháp đến vậy, người ta, tức là bọn tôi lúc ấy, vẫn không thể chịu được sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam. Ở trường, một học sinh láo, dám chửi mấy Tây, giám thị Tây là một học sinh được cả trường suy tôn như một anh hùng.
Ông bố tôi, là người cũng được ân sủng của văn hoá Pháp chứ gì? Văn hoá thì ông ấy nhận, chứ người Pháp ông ấy không chịu. Một lần nào đó, tôi buột miệng ông Tây bà đầm, ông ấy chữa ngay thằng Tây con đầm. Lại như cái lần tôi học được bài Le mac-xây-e hát cho ông ấy nghe, ông ấy nói ngay: - Nghe xong bài này rất muốn diệt hết Pháp.
Có thể nói rằng rất khó cắt nghĩa thái độ của những người như ông bố tôi với cách mạng.
Một mặt thì ông biết hết, biết rằng mình đang sống trong một hoàn cảnh như thế nào. Có lần ông bảo:
- Cái chủ nghĩa tập thể như hiện nay, làm cho con người ích kỷ hơn bao giờ hết. Tức là nó chỉ càng đẩy người ta tới chủ nghĩa cá nhân.
Lại một lần khác.
- Bố hiểu rằng bố đang “ được” cách mạng lợi dụng.
Nhưng ông cũng nói ngay:
- Có điều, trong hoàn cảnh này, bố chấp nhận sự lợi dụng đó.
Nhân có việc, tạp chí Hợp Lưu ở ngoài đăng lại bài Thế Lữ viết về Phan Khôi, lần đầu in ở báo Nhân Dân, 4-58, Nguyễn Đình Nghi bảo:
- Hồi ấy, mà không viết lôi thôi to ấy chứ.
Về mối quan hệ của Thế Lữ với Xuân Diệu.
Khoảng 1982-83 gì đấy, khi Thế Lữ tuyển tập được in ra, nhân một cuộc họp ở Hội Nhà văn, ông Tuân mới bảo tôi:
- Này ông Nghi ạ, thì ra bây giờ ông Diệu ông ấy đã phải công nhận công lao của bố ông rồi đấy.
Chả là trong Thế Lữ tuyển tập có bài Xuân Diệu ghi hộ ít đoạn học ký của Thế Lữ, để đền đáp sự tận tình của Thế Lữ lúc Xuân Diệu mới bước vào văn đàn.
Nhưng mà hồi kháng chiến thì đâu có vậy.
Nét đặc biệt trong tính cách của Xuân Diệu là khi cần, rất tha thiết sau lại phủi tay ngay. Ngay từ trước 1945, ông ấy đã phủi tay với đám Tự Lực rồi cơ mà.
Thơ thơ lần đầu, do Đời Nay in 1938, còn đề rõ Xuân Diệu trong Tự lực văn đoàn.
Đến 1943, tái bản, đã bỏ rồi (bản NXB Huy Xuân)
Xuân Diệu hay nói với mọi người rằng hồi ấy, Tự lực thế to quá nên mình phải làm thế, để có thể đến với văn học (Nhàn: xem bài của Bùi Hiển trong tập sách Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học 1945-54)
Nhưng một lần tôi nghe ông bố tôi nói với một người bạn.
- Lúc vào nghề, Xuân Diệu quỵ luỵ với mình lắm.
Một lần họp ở Việt Bắc, Huy Cận phát biểu:
- Tự lực văn đoàn không hề có công trong việc đào tạo tài năng.
- Thế Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyên Hồng thì sao? - Bố tôi hỏi lại.
- À, trong câu hỏi của anh Thế Lữ đã có sẵn câu trả lời rồi -- Huy Cận ứng đối ngay.
Tôi mới viết một bài về sân khấu dân tộc, đại ý là:
- Sân khấu dân tộc phải cảm ơn cách mạng lắm. Vì nhờ có cách mạng, sân khấu dân tộc mới được hồi sinh.
- Nhưng lạ một cái, sân khấu dân tộc là con nuôi thì còn, mà sân khấu cách mạng là con đẻ thì mất. Anh có nhận thấy, mấy chục năm nay, các vở của ta, được hoan nghênh một thời, rồi chết luôn. Không ai nghĩ lại mang những Bắc Sơn, Chị Hoà, Đại đội trưởng của tôi dựng lại thành kịch mục thường xuyên ở các nhà hát.
Thế thì tại sao? Vì chúng ta coi sân khấu là công cụ. Mà công cụ dùng xong thì bỏ đi. Đấy là sân khấu cách mạng. Còn như sân khấu dân tộc ấy ư, lúc ta tiếp nhận nó, ta xem nó như gia tài của cha ông để lại. Có lần, đầu 1973, cũng được mang sân khấu dân tộc đi Paris đấy chứ. Nhưng mang gì? Lưu Bình Dương Lễ ư? Vậy là dám nói rằng ở ta phổ biến chuyện vở cả vợ hai. Quan âm thị Kính ư? Phụ nữ ta toàn lẳng lơ như cô Màu? Không được không mang đi đâu cả. Thế là sân khấu dân tộc thoát kiếp công cụ.
Anh bảo viết hồi ký, nhưng làm sao mà viết được. Bây giờ tôi ngồi tôi viết ra những đoạn tôi kể với anh thì ai người ta in? Còn nếu như viết lăng nhăng thì viết làm gì, tiền bạc được là bao?!
Nhưng nghĩ cho cùng, trở ngại chính là cái lý do tôi vừa nói, văn nghệ ở ta, mấy chục năm qua, chỉ là một thứ công cụ. Mà công cụ thì làm gì có sự tồn tại độc lập, làm gì có quá khứ, làm gì có trí nhớ, làm gì có lịch sử.
Một người như Cụ Hồ chẳng hạn, tất cả mỗi công việc cụ làm, đều là vì cái mục đích trước mắt hết.
Người ta đã nói đủ thứ chung quanh Nhật ký trong tù. Nhưng tôi nhớ một ý của Đặng Thai Mai
- Không bao giờ Cụ Hồ làm gì, mà không có mục đích cả.
Ông Cụ không định làm thơ để đời, để trở thành thi nhân. Nhật ký trong tù chỉ có một lý do khiến nó phải được viết ra: nó là bộc bạch của một người tù với những kẻ giam hãm người tù ấy, rằng ta chả có lỗi gì cả, phải cho ta ra để ta còn trở về với công việc của ta ở Việt Nam.

14-2-2001
Nguyễn Đình Nghi mất 8h15 ngày 9-2 (17 tháng giêng). Đám ma 14-2-2001.
Theo lời những người trong gia đình, ông Nghi rất tỉnh. Bàn với vợ, nếu mình chết, trong cáo phó bỏ hết những chức tước, đơn vị đi, bỏ hết các giải thưởng chỉ ghi Nghệ sĩ là đủ, mà không cũng được.
Vợ: Hay ghi Đạo diễn nhân dân Nguyễn Đình Nghi.
--Thế thì hay quá!
Ông chọn cả cái ảnh sẽ để vào quan tài, và dặn không mua thứ áo quan có mặt kính (không muốn cho ai nhìn lần cuối).
Câu cuối cùng ông kêu lên: Trời ơi, sao mình yếu thế nhỉ! Và đi.
Tôi nói với Nguyễn Văn Thành: Anh Nghi những ngày cuối cùng này, gợi cho tôi một cảm giác đã cỗi, như đã thiu ra, đã khô lại.
Chúng ta thường xem truyền hình, thấy bọn Iraq nó thiếu ăn thiếu thuốc men, kinh khủng ra sao. Mà Việt Nam suốt thời chiến tranh lại chẳng bị tách rời khỏi thế giới như nó hay sao? Hơn nữa ta tự giam hãm mình vào đấy, chứ không phải bị ai cấm đoán.
Ông Nghi thì ở trong căn phòng không có ánh sáng, như cái cây bị ốm, không tiếp nhận được cái gì mới nữa.
Thành kể tiếp về ông Nghi:
- Hai lần từ chối cục trưởng, Nghi không làm quan và muốn chứng tỏ con đường sống riêng của mình. Nhưng lương và nhà thì ông đấu tranh bằng được.
- Vẫn có cái nhỏ mọn và sợ sệt chứ. Mấy năm trước, Pháp nó định tặng cho ông cái danh dự bội tinh (hay là cái huân chương nào đấy), nhân danh một người trí thức tự do, nhưng ông không dám nhận, vì nó cho chung với Dương Thu Hương một đợt. Ông bảo cho riêng thì nhận.
- Cũng có cái ức, dẫn đoàn khi Việt Nam đi Mỹ đấy. Ông ấy là người thiết kế chương trình quan hệ sân khấu với Mỹ nhưng chỉ được đi khảo sát một lần, lần sau ở nhà, ông ức lắm.
- Trong cuộc đời riêng, lẽ ra vì bệnh tật Nguyễn Đình Nghi chết từ kháng chiến chống Pháp rồi --- vậy mà ông còn sống được. Ở ông có chất một người theo đạo nhẫn nại, người trí thức nghèo ham hố nhưng cũng tự hạn chế, luôn dằn vặt mình, liêm khiết, tự trọng, nhưng cũng đau đớn thiệt thòi vì sự tự trọng đó đem lại.
Tôi rất muốn viết như mọi người rằng Nguyễn Đình Nghi ra đi trong thanh thản. Nhưng sự thật là ông ra đi trong sự dở dang tiếc nuối, vừa muốn làm khác vừa biết rằng mình không thể khác.
Đã trích in trên tạp chí Sân khấu các số 8-9/2009
Chỉnh lý lần cuối 31-7-2010

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn