VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Khiếp nhược

  Cả về tài năng lẫn đức độ, tiến sĩ  P. vốn được cả giới kính phục. Ông thường có ý kiến độc lập về các vấn  đề khoa học,và không bị tiền tài danh vị  khuất phục. Ấy vậy mà sau một vài chuyến đi nước ngoài, trở về ông khác hẳn. Cũng xông ra ăn theo nói leo như mọi người. Cũng dông dài kiếm tiền. Lúc này cái uy tín cũ giúp nhiều cho ông. Ông liên tục xuất hiện trên các diễn đàn. Những người không thạo chuyên môn rất phục ông. Nhưng trong thực tế,về mặt khoa học, ông đã là một con người khác hẳn. Lần hỏi ngọn nguồn, tôi được biết: Trong mấy chuyến đi nước ngoài ấy, ngài hiểu rằng ta quá lạc hậu, cứ đi kiểu này thì có đến trăm năm nữa cũng không bằng người. Mà trình độ bản thân mình cũng không thể so được với thế giới. Âu là quay trở về, xứ mù thằng chột làm vua, bán lẻ cái uy danh cũ, gì thì gì cũng có ngay sự sung sướng. Tóm lại là ngài khiếp nhược. Mà khi các nhà trí thức đã khiếp nhược quay ra cơ hội kiếm ăn thì cũng không thiếu việc gì là họ không làm. 
***
    Vào những ngày các thành phố lớn đang trong mùa thi, báo chí thường nói nhiều tới phao, điện thoại di động, gian lận, quay cóp, thậm chí cả kẻ này đội tên thi hộ người khác. Riêng tôi chú ý vài tin vặt liên quan đến một số thí sinh hơi lạ. Đã ghi tên rồi ngày thi trốn gia đình không tới thi. Đáng lẽ ngồi làm bài thì hí hoáy làm thơ tâm sự, hoặc trực tiếp giải trình với các giám khảo rằng tại sao mình không làm được bài. Kỳ nhất là giở trò ăn vạ, lúc tới giờ nộp bài thì xông vào xé bài của người bên cạnh ( chả là trước đó người bên cạnh ấy dám láo không cho mình chép bài ), rồi lại khóc rưng rức đau đớn hối hận.
***
      Sợ chỉ là nỗi kinh hãi hoặc e ngại thông thường. Chỉ khi sợ hãi đến mức mất tinh thần, sinh ra hèn nhát, yếu đuối, người ta mới gọi là khiếp nhược. Các từ điển tiếng Việt đều thống nhất định nghĩa vậy.
       Giữa ông tiến sĩ P. với đám thí sinh sợ thi của tôi có bao nhiêu chỗ khác nhau. Trong những hành động tầm thường của mình, một bên chủ động, một bên bị động. Song trước đó giữa họ vẫn có một chỗ giống nhau căn bản. Tận trong thâm tâm họ hiểu mình rơi vào hoàn cảnh quá bi đát. Nên đành đầu hàng, bò lê bò càng ra mà chào thua việc khó. Trước khi có lỗi, thì họ chỉ là những kẻ đáng thương.
***
    Về cái sự khiếp nhược của tuổi già tôi mong có dịp trở lại trong một dịp khác; ở  đây, tôi thử nghĩ thêm về nỗi khiếp nhược ở một số bạn trẻ. Tại sao ư, đơn giản lắm, họ lớn lên trong một thời quá phức tạp . Không được dạy dỗ cẩn thận. Không được trang bị năng lực tự nhận thức. Không đánh giá nổi vị trí của mình trong thế giới này. Từ các lớp dưới việc học hành của họ đã không ra sao, song người ta cứ đẩy họ lên lớp cho đạt chỉ tiêu. Vừa đi tới họ vừa run rẩy. Chưa thi họ đã biết mình không đỗ. Luôn luôn họ sống trong vòng vây của bóng tối dầy đặc. Sau cái thời của sự vô vọng sẽ đến thời của sự không biết sợ hãi. Ở một cuốn sách của nước ngoài tôi đã đọc được câu nói dó rồi. Ở ta, thì tình hình còn bi đát hơn một bước nữa. Trong khi phá phách càn rỡ, người ta vẫn mơ màng tưởng là mình cao sang lắm, óach lắm , thế mới thực là hoàn toàn tha hóa. Một sự già cả đã đến với người ta ngay khi còn trẻ, già ở đây không phải là từng trải già dặn mà là cổ lỗ cũ kỹ.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn