VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Suy nghĩ nông nổi, tính khí thất thường

Cuộc sống đô thị con người đô thị ở nước Việt Nam khi mới bước sang thời hiện đại là phần nội dung chính được miêu tả trong truyện dài Thiếu quê hương (1940) của Nguyễn Tuân. Nhưng chương cuối sách lại có đoạn tác giả cho nhân vật chính về một làng quê là làng Xuân Phả, Thanh Hóa,bàn chuyện đưa một đoàn người làng này qua San Francisco bên Mỹ múa tuồng. Chúng ta bắt gặp ở đây hình ảnh người Việt trong cái làng quê cố hữu của họ, cả người lẫn cảnh không khỏi có phần lèm nhèm nhếch nhác, và khi bước vào sinh hoạt chốn công cộng thì cách cư xử của cá nhân thay đổi thất thường rất khó xác định.

Bảo rằng con người có ý thức về mình ư, đúng lắm ? Trước mặt nhân vật từ trên tỉnh về, một người làng có tài làm nghề và đang được gọi để cùng đi theo đoàn múa tuồng ra vẻ hùng hổ, muốn nhân chuyện người ta cần đến mình mà lên mặt với đời: “ Đi một chuyến cho biết đó biết đây, và chuyến này chúng ông đi Hoa Kỳ về mà đứa nào ở làng này còn giở lối hà hiếp tranh chỗ ngồi ngoài đình với chúng ông, ông đánh tan xương cho mà xem ”.
Anh ta vừa nói xong, mấy người chung quanh hoa chân múa tay dấm dẳn phụ họa.
Thế nhưng chỉ cần các cố lão lên tiếng đe “ Đừng có mượn chén mà nói láo “ là anh ta xun vòi ngay. Lại còn không biết xấu hổ, bưng mặt khóc hu hu,” lạy các cụ con khổ lắm !‘
Cái chất nông nổi thất thường này của người Việt từng được nhiều người nước ngoài nêu lên, như một đặc tính cản trở họ trong bước đầu đến gặp gỡ giao thiệp, cũng như quan hệ lâu dài.
Theo trích dẫn của Hữu Ngọc trong một bài viết in trong sách Về giá trị văn hóa tinh thần Việt Nam ( Hà Nội 1963 ), một sĩ quan Pháp từng nhận xét “ Họ hiền lành vô tư lự, nhút nhát thích khoe khoang dễ bốc mà xỉu cũng nhanh, thường có tâm lý ăn may của người chơi bạc, nhiều khi biến thành lập lờ hai mặt “.
Một nhà văn là Jean Hougron cho rằng người Việt “ nhu nhược không có cá tính, biển lận, thích tố giác “.
Một người khác là Palazzoli thì chỉ ra hàng loạt những đặc tính mâu thuẫn : một đằng là lịch thiệp tế nhị, lãng mạn và đa cảm ; mặt khác là nửa kín nửa hở, dè dặt, dò xét. Mở rộng hơn là “một thiên hướng đa nghi, mưu mẹo, một thói quen lúc nào cũng thích chống đối, rồi lại nhanh chóng buông trôi chấp nhận “.
Tạp chí Bách Khoa số 73 ra ở Sài gòn 1960, từng trích dẫn nhiều ý kiến sâu sắc của linh mục F Parrel về Thanh niên Việt Nam hiện nay.Theo ông,ở họ trực giác lấn suy tưởng trừu tượng, chủ quan lấn khách quan … Tâm hồn ít xúc động về vật và người. Chiến tranh làm cho người ta không biết tới người khác. Họ phải tự động tạo ra mọi phương tiện tự vệ. Tâm hồn họ khô rắn lại vì đời sống bất trắc.
Trong Văn minh Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên cũng đã ghi nhận đặc tính đó của người Việt, và ông lý giải thêm ở đây có vai trò của một đời sống quá gian khổ mà luôn luôn bấp bênh ; hơn thế nữa, ở đây có cả vai trò của yếu tố thời tiết (Xem một số trích dẫn ở mục Người xưa cảnh tỉnh TT&VH hàng tuần )
Gần đây hơn, trên báo Tiền phong số ra 1-1006, bạn Nguyễn Tất Thịnh nêu lên hàng loạt nhược điểm có tính cách nửa vời của người đương thời
- Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng – vừa đe hàng tổng đã sợ thằng mõ
- Chưa biêt nghề đã dạy thợ, vừa dạy thợ đã chán nghề
- Chưa làm đã mệt vừa mệt đã kêu
- Chưa vui đã cười vừa cười đã khóc
-- Chưa đói đã ăn, vừa ăn đã bỏ dở
-- Chưa tỉnh đã say, vừa say đã làm càn
-- Chưa có tài đã đánh mất tâm, vừa có chút tâm đã bài xích tài
v.v..
Theo bạn Nguyễn Tất Thịnh lối cư xử này có nguy cơ trở thành tập tính của cộng đồng.Tức là một nếp sống nếp nghĩ ổn định, khó thay đổi.
TT&VH 12-6-07

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn