Cái gì cũng quan trọng
Đi bộ dọc khu vực 36 phố phường Hà Nội,
người ta có dịp gặp nhiều đền miếu nhỏ nổi bật lên mấy chữ Hán những là tối
linh từ (đền thiêng liêng bậc nhất ) với lại thượng đẳng từ (
đền miếu loại cao cấp ). “ Anh có thể không biết tôi là ai, nhưng đừng có quên
tôi là loại siêu lắm, ghê gớm lắm “ -- đại khái, sau những dòng trên, người ta
ngầm đọc ra một lời dặn dò thiết thực như vậy.
Thói quen quan trọng hoá ấy của người xưa vẫn được người nay tiếp tục một
cách hồn nhiên. Ngôn ngữ vốn là công cụ vừa rẻ vừa tiện lợi. Như trong giới viết
văn mà tôi có dịp quen biết. Một cây bút loại loàng xoàng, mới viết được vài chục
truyện ngắn và có bao nhiêu thì mang in hết. Song cái láu cá của anh bạn tôi là
ở chỗ khi chạy chọt để in như vậy, anh không quên đặt cho cuốn sách cái tên khá
kêu Nguyễn Văn A. Tác phẩm chọn lọc. Nhưng đâu có phải chỉ riêng anh, vô
khối người đời thích những chữ to hơn người như vậy. Quản lý một cơ quan vài chục
người mà cũng tự xưng là lãnh đạo. Hơi một tí thì quyết tâm, việc bắt buộc phải
làm thì kêu phấn đấu, đưa ra vài lời phán chung chung gọi là định hướng chỉ đạo,--
người ta hình như đều tưởng rằng phải quan trọng hóa như vậy, thiên hạ mới sợ;
và suốt ngày nói lảm nhảm đủ thứ mà người ta không hiểu.
Mọi chuỵên
đều là trò đùa
Có
một cách nói chỉ mới nảy sinh vài chục năm nay song được mọi người bình thường
đón nhận khá hào hứng, đó là khi nói về những cái hay cái tử tế, người nói thường
kèm thêm hai chữ hơi bị ở đằng trước, cái áo này hơi bị vừa, cái nhà kia
hơi bị nổi trong khung cảnh, em hơi bị đẹp anh hơi bị buồn ( thơ
Nguyễn Duy ). Thử phân tích kỹ một chút : chữ bị trong tiếng Việt vốn chỉ
cái điều thụ động, không thích làm không thích nhận, hoặc đơn giản là cái gì
kém hỏng lạc điệu. Nay nó lại được dùng cho những phẩm chất tích cực. Một quá
trình tâm lý nào đã xảy ra ở đây? Tôi muốn đẩy cho ý nghĩ lan man một chút, đi
tới cùng trên cái hướng mà nhiều người đã dừng. Phải chăng nay là lúc sự
đời nhuế nhóa, nhiều sự việc đến với chúng ta trong cái vẻ không thuần nhất, bảo
là vui cũng được, bảo là buồn cũng được? Cái tốt đẹp lại mang trong nó mầm tai
họa? Cái xấu xí hóa ra lại ở với mình lâu dài? Trong đùa cợt ở đây có cả sự ê
chề của kẻ bị lừa quá nhiều nên thiếu niềm tin lẫn nhận thức sâu xa về cuộc đời
hỗn lọan, suy đến cùng là một cái gì giống như cảm giác về thế giới lộn ngược,
và người ta phải đùa để xả hơi, phong cách đùa bỡn trở thành ngôn ngữ chủ yếu của
đời sống?
Hai
thái độ
Quan trọng hóa vấn đề là bệnh của những kẻ nghèo nàn sáo rỗng. Nghe họ nói, thấy
thương cho tiếng Việt, sao những “xác chết đông cứng “ trong ngôn ngữ đáng lẽ bị
loại thải cứ được lưu truyền dai dẳng? Đời sống rút lại là làm sao để vượt lên
sự nhàm chán!
Với đám người cái gì cũng coi là trò đùa thì khác. Phải nói thật là trước những
ca trọng bệnh, tôi thường phải cố ý lảng tránh, vì ghê sợ sức lôi cuốn của họ.
Sau khi nghe những đấng bậc miệng sắc như dao ấy trở về, đối diện với mình,
trong tôi thức dậy bao nhiêu buông thả liều lĩnh, ít nhất tôi cũng sinh ra dễ
dãi với mình, tự cho phép mình “ thế nào cũng được, đến đâu thì đến”. Không!
Tôi muốn giữ mãi trong tôi cảm giác thiêng liêng với ngôn ngữ, vì biết đó là khởi
đầu của cảm giác thiêng liêng với đời sống.