VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chiếm lĩnh và làm giầu di sản


Nhu cầu và thành tựu
Bước sang giai đoạn lịch sử hiện đại, hầu như ở nước nào trên thế giới, việc tìm hiểu và khai thác lại di sản cũng được đặc cách lưu ý: Đây có lẽ là một trong những phương thức tốt nhất để một dân tộc tự khẳng định giữa những dân tộc khác. Riêng ở Việt Nam, thế kỷ XX lại có vai trò của một thời điểm thức tỉnh, bởi vậy, việc trở lại với gia tài văn học cha ông có những lý do riêng để càng được đẩy lên mạnh mẽ. Thời Pháp thuộc, khi bắt tay vào việc xây dựng nền quốc văn mới tức là làm văn chương theo một cách thức chưa từng quen biết) các nhà nho thức thời cũng như các trí thức tân học chân chính lúc ấy cần có một điểm tựa về tâm lý: "xưa kia, ta cũng không kém gì các người...". Và thế là các cụ bảo nhau người sưu tầm ca dao tục ngữ (Nguyễn Văn Ngọc), người mô tả phong tục xưa (Phan Kế Bính), người bắt tay phiên âm và chú giải các tác phẩm cổ điển như Truyện Kiều (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim), người làm hợp tuyển (Trần Trung Viên với Văn đàn bảo giám). Đến khi đất nước độc lập rồi bước vào cuộc chiến tranh giải phóng hơn 30 năm, di sản lại càng được xem trọng, bởi trên nguyên tắc ai cũng hiểu đó là một trong những tài sản vô giá, chúng ta phải mang xương máu ra mà bảo vệ. Các bộ lịch sử văn học được viết và in ra đều đều. Từng hiện tượng riêng trong văn học được chú ý, kể từ sáng tác của cả một vương triều như Thơ văn Lý Trần tới những tác giả cụ thể (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát...). Khỏi phải nói là cho tới ngày nay, khi đất nước bước vào giai đoạn xây dựng trên tất cả các phương diện, thì nhu cầu đặt ra với việc khai thác di sản lại cao hơn bao giờ hết. Trước khi định làm bất cứ việc gì, ta phải tự hiểu về ta cái đã. Và cái "ta" ấy nằm ngay trong kho tàng văn hoá nói chung, văn học nói riêng. Thế là mọi thứ đã sưu tầm đều gắng mang ra công bố và những bộ sách lớn mang tính cách toàn tập hoặc tổng tập nối tiếp xuất hiện. Tạm làm một sự đối chiếu thô thiển: Từ mười thế kỷ nay, ông cha ta đã có sáng tác trên văn bản và lưu truyền qua các thời đại, song chưa bao giờ thấy có một quyển lịch sử văn học nào chính thức được biên soạn, lịch sử văn chương lúc ấy còn bị đặt lẫn vào các bộ thông sử. Ngay như công việc tuyển chọn thơ văn và hệ thống hoá chúng lại trong các tuyển tập, chắc chắn người xưa đã có lưu ý, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đến nay cũng chỉ còn lại lác đác một vài bộ, cỡ như Việt Nam phong sử của Nguyễn Văn Mại hoặc Hoàng Việt thi văn tuyển của Bùi Huy Bích. Nhớ lại như vậy để thấy ngót một trăm năm qua, chúng ta đã làm được khá nhiều mặc dù công việc đáng ra phải làm còn lớn gấp bội.

Vận hội mới của một thể thơ cũ
Cái mới của thế kỷ XX trong việc tiếp cận di sản trước tiên là ở quan niệm. Khi đã có quan niệm đúng lại có cách làm phù hợp, người ta luôn luôn có được những phát hiện mới từ trong quá khứ, do đó, khiến cho di sản ngày một trở nên giàu có. Sau đây là một ví dụ:
Trong các công trình nghiên cứu hoặc các từ điển văn học, lục bát thường được xem như một thể thơ có nhịp điệu hài hòa kỳ lạ, rất hợp với cách thẩm âm và cách suy nghĩ của người Việt. Tóm lại, nói như bây giờ mọi người hay nói, đấy là một thể thơ "đậm đà bản sắc dân. tộc". Nhưng nhìn vào văn học suốt thời trung đại, có một thực tế không thể chối cãi là nó ít được sử dụng trong việc làm thơ. Ngay cả khi làm thơ nôm - chúng tôi nhấn mạnh đơn vị bài thơ, thì thể thơ được các nhà thơ cổ điển ưa chuộng vẫn là Đường luật (thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt), hoặc về sau là hát nói. Để văn học dân gian sang một bên thì thấy đây đó trong kho tàng văn thơ cổ có lạc vào vài bài lục bát, nhưng không phải là những bài thơ hay, chúng lại quá ít và thường tồn tại ở dạng truyền khẩu, không dám chắc là có thật (như bài Ngồi rồi muốn trách ông xanh - Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười... của Nguyễn Công Trứ). Chỉ có một khu vực mà thể thơ trên sáu dưới tám ấy được sử dụng một cách hào phóng đó là truyện nôm, ở đó nó đóng vai trò một thứ công cụ giúp cho câu chuyện vận hành nhịp nhàng và người nghe dễ nhớ. Kể ra mỗi truyện nôm thường cũng có những đoạn mang đậm chất thơ và nếu trích ra, chúng cũng có thể xứng đáng được gọi là một bài thơ hay (những đoạn Kiều dặn em, Kiều nhớ nhà... ). Nhưng trong ý định ban đầu của tác giả, chúng không tồn tại độc lập. Theo quan niệm chặt chẽ của người xưa về thơ, lục bát không dùng để làm thơ được vì nó quá tự do. Mãi tới Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, rồi tới Tú Xương nhất là tới Tản Đà, thì cái nhìn về lục bát mới thay đổi, có thể nói từ nay nó sẽ được xem ngang hàng với mọi thể thơ khác tức là có thể đáp ứng những nhu cầu khác nhau của các tác giả trong việc cấu tứ nên những bài thơ khúc chiết chặt chẽ, đúng nghĩa một tác phẩm độc lập. Từ sau Tản Đà gần như tất cả những nhà thơ quan trọng của thế kỷ XX (chỉ trừ một vài trường hợp đặc biệt như Hàn Mặc Tử) người ít người nhiều đều đã ghé qua để thử tài trong lục bát. Trong số này, có hai người để lại dấu ấn đáng kể nhất, một là Nguyễn Bính với thứ lục bát duyên dáng như ca dao, một nữa là Huy Cận với những bài lục bát hàm súc cô đọng như thơ Đường Có lẽ không có gì quá đáng, nếu nói rằng chỉ trong thế kỷ XX, cái thể thơ dân tộc ấy mới có dịp bộc lộ hết mọi tiềm năng diễn tả mà nó vốn có. Được giải phóng bởi những quan niệm mới mẻ, nó trở thành chính mình, nghĩa là một nhân tố hình thức mang đậm ý nghĩa nội dung mà ai cũng phải công nhận.

Tiềm năng vốn có và ảnh hưởng xa lạ
Những người có lưu tâm tới mỹ thuật đều biết sơn mài là một chất liệu độc đáo của hội họa Việt Nam, nó cho phép các họa sĩ tung hoành để phô bày cho hết quan niệm của người Việt về cái đẹp. Tưởng như sơn mài đã có từ bao đời nay, thì nó mới có được sự gắn bó với chúng ta như thế. Hoá ra ta nhầm. Cái sẵn có trong nghề làm đồ mỹ nghệ xưa chỉ là sơn ta. Còn việc đưa ngành nghệ thuật này từ chỗ trang trí đến vai trò một phương tiện biểu hiện độc đáo đa dạng, thì mới được khởi đầu từ những năm ba mươi (Tô Ngọc Vân đã viết kỹ về sự hình thành của sơn mài trong báo cáo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ở Việt Bắc, 1948).
Số phận của lục bát trong thơ so với sơn mài trong hội hoạ cũng có những nét tương tự. Cả hai đều là những khả năng trong quá khứ chưa được khai thác hợp lý, và nếu như lịch sử trì trệ, thời trung đại cứ kéo dài, thì cả hai - cũng như nhiều loại di sản khác - tiếp tức bị che lấp trong quên lãng.
Tức là tuy đóng vai trò làm chủ gia sản nhưng thuở xưa ông cha ta chưa biết hết là mình có những gì, đâu là những báu vật đáng kể cho con cháu kế thừa, phát huy. Và chỉ sang thế kỷ này, con người hiện đại mới dần dần có sự kiểm kê phân loại đầy đủ cũng như đánh giá đúng các giá trị đã hình thành trong quá khứ, và tìm cách để chúng trở thành những truyền thống sinh động. ở chỗ này, cần ghi nhận vai trò của các yếu tố xa lạ. Chính là trong khi tiếp xúc ngày càng rộng rãi và gần như không chịu sự chi phối của bất cứ mặc cảm nào như đã nói ở trong bài trước - các nhà văn nhà thơ thế kỷ XX mới càng cảm thấy nhu cầu trở về với dân tộc, và gắng làm rõ sự khác người của mình.
Khi các truyền thống bền chặt bên trong một dân tộc có dịp thức tỉnh thì đây cũng là lúc những sự ảnh hưởng tốt đẹp đến từ nước ngoài hoàn tất công việc đã được giao phó.



Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn