VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tại sao gần như là vô phương cứu chữa


Một điều đáng mừng là thời gian gần đây có vẻ xã hội đã chấp nhận rằng ngành giáo dục của chúng ta bệnh đã quá nặng cần mang ra cho mọi người bàn bạc góp ý kiến , và nếu có ai hiến kế để chữa chạy thì càng tốt .Trước khi bốc thuốc , điều cần thiết đầu tiên vẫn là thấy rõ căn bệnh . Trong cuộc hội chẩn này , có thể nêu một số giả thiết để làm việc – dưới đây tôi xin phép được nêu giả thiết của tôi :

1/ Cũng như nhiều ngành khác , ngành giáo dục của ta được xây dựng ngoài những chuẩn mực chặt chẽ mà đáng lẽ phải được tôn trọng . Ta hay có lối chưa đủ điều kiện , nhưng thấy cần vẫn cứ làm . Ví dụ một trường đại học chỉ được thành lập khi có đủ cơ sở vật chất , cả cán bộ giảng dạy lẫn cán bộ quản lý . Những yêu cầu này ở nước nào người ta cũng tuân theo , chỉ có riêng ta thì không . Trên danh nghĩa cũng có những người gọi là giáo sư hay tiến sĩ đấy , nhưng đó là ta phong với nhau để làm việc , chứ thực tế chắc chắn là thấp hơn chuẩn mực rất nhiều , bởi vậy có mấy người được nước ngoài công nhận ( không phải là họ làm cao hoặc cốt gây khó khăn cho ta , mà thực tế không chấp nhận nổi ) .
Cố nhiên cái sự chưa đạt chuẩn mực này không chỉ đặc trưng cho cách tồn tại , cách vận hành riêng của các trường đại học mà là chung của các cấp học , và nó bao trùm trong mọi lĩnh vực , từ trường sở , sách giáo khoa , cách cho điểm , cách tổ chức thi cử , cho tới chất lượng dạy và học . Luôn luôn xảy ra tình trạng không đáp ứng đúng chuẩn mực cũng cố mà làm , giáo viên chưa đủ trình độ cũng cho dạy , học sinh không đủ trình độ cũng cho lên lớp , sinh viên ra trường không ai nhận cũng cứ xin thêm chỉ tiêu đào tạo . Trước mắt chúng ta là một cơ thể tiên thiên bất túc , lúc nào cũng ốm yếu quặt quẹo .

2/ Tên bệnh đã vậy , thế còn mức độ thì sao ? Chứng minh ra thì hơi dài dòng , song có thể tin là những thiếu sót mà gần đây , nhiều người đã nêu khi nói về giáo dục ở ta ( từ giảng dạy xa rời thực tế , tới học sinh hư hỏng , quay cóp lu bù , rồi nạn thày giáo lao vào kiếm sống , dạy thêm học thêm tràn lan , mua bán văn bằng trắng trợn …) tất cả đều có liên hệ tới bệnh thiếu chuẩn mực , do đó có thể nói bệnh gốc đã ăn vào lục phủ ngũ tạng và rất khó chữa . Để cùng xác định mức độ nghiêm trọng , xin có một chút liên hệ : đọc báo gần đây , thấy các cơ quan quản lý giao thông đề nghị mọi người hiến kế để có cách làm sao tai nạn giao thông có thể mỗi ngày mỗi giảm . Nhưng vấn đề là ở chỗ người ta phải dự tính điều này từ khoảng mười lăm hai mươi năm trước , khi số lượng các phương tiện còn tạm chấp nhận được . Chứ với mức độ xe máy như hiện nay, thì có tài thánh cũng không hạn chế nổi tai nạn . Bệnh nào cũng có cái ngưỡng của nó , quá ngưỡng thì chịu . Đối với giáo dục cũng vậy . Thêm một ví dụ nhỏ , chứng tỏ mọi sự chữa vặt là vô nghĩa : Dăm bảy năm nay , nhận thấy các trường công lập bị bao ràng buộc , nhiều người đã tính bàn nhau mở thêm các trường dân lập . Gia đình tôi cũng thử xem sao , cho con đi học dân lập , sau mới ngớ ra , nếp làm giáo dục ở ta mấy chục năm nay nó đã thế rồi , thì lúc ra tồn tại với danh nghĩa khác , người ta cũng cứ đường cũ mà đi. Các trường dân lập cũng có đủ bệnh như trường công lập nói chung . Thế thì còn có cách nào mà cựa bây giờ ?

3/ Khi không có những điều kiện cần và đủ mà bắt buộc phải tồn tại , tự bản thân cơ chế giáo dục phải có cách thích ứng , lâu dần nó tự ổn định trong tình trạng hiện thời và tự nhiên là trở nên trơ lì , không thể phấn đấu thành cái đáng ra nó phải thế , cũng tức là không thể trở lại chính mình nữa . Quán tính tự bảo vệ không cho phép người trong ngành thấy hết bệnh tật đang có trong cái môi trường người ta tồn tại . Thật vậy , một điều không ai nói ra nhưng ai cũng biết , lâu nay giáo dục đã là nơi sinh sống làm ăn của bao nhiêu con người . Nay giả thử có sự thay đổi thì những người đó đi đâu làm gì bây giờ ?! Không ai tự chặt chân mình , tự làm phiền mình trong công việc cả . Thành thử cứ với nhận thức như hiện nay , thì dù nhiệt tình đến đâu cũng chỉ có thể có những cải cách hời hợt chứ không thể có những thay đổi cơ bản .

4/ Mặt khác , không chỉ là bệnh riêng của ngành giáo dục , mà tình trạng bê bết khó khăn còn đang ngự trị trong nhiều lĩnh vực khác , bởi vậy những tác động từ bên ngoài tới giáo dục cũng là rất hạn chế . Ở nhiều cơ quan hiện có tình trạng ông thủ trưởng này làm ăn kém điều đi, đưa ông khác về , lại còn không bằng ông cũ . Thật khó kiếm người biết làm giáo dục , như đang không có người biết làm kinh tế , người biết làm du lịch , người biết bảo quản các di sản do ông cha để lại ...

5/ Nói vậy có phải là quá bi quan không ? Tôi cũng đủ lương tri để sau khi nảy ra những ý nghĩ như trên , loay hoay tìm cách tự bác bỏ , mà chưa bác bỏ nổi , vậy xin cứ ghi ra đây . Dẫu sao tôi vẫn tin ngoài con đường trở lại với chuẩn mực , thì không có cách gì để cứu vãn nền giáo dục hiện thời cả .
Cũng phải nói thêm sở dĩ chúng ta biết không đạt chuẩn mực vẫn cứ làm , lý do là vì muốn ai cũng được hưởng phúc lợi giáo dục , ngay trong hoàn cảnh xã hội chưa trưởng thành về kinh tế cũng cố phổ cập rộng rãi để lấy tiếng và để mọi người ai cũng có thể vừa lòng. Nay có lẽ đã đến lúc chúng ta phải lựa chọn : hoặc chất lượng giáo dục hoặc số lượng .Tức một việc đau xót có thể xảy ra , là phải tạm thời từ bỏ nguyên tắc phổ cập đó ,lùi một bước tiến ba bước , có nguồn nhân lực tốt để đóng góp cho xã hội rồi sẽ phổ cập sau . Giống như trong kiếm sống , phải có người giàu trước người giàu sau , thời gian trước mắt , trong giáo dục chúng ta chỉ có thể bảo đảm cho một số nhỏ thanh thiếu niên được học hành cẩn thận , còn đa số sẽ chỉ được trang bị một ít kiến thức cơ bản rồi lo học nghề , để ra làm thợ ... , có lẽ như thế sẽ hợp lý hơn chăng ? Còn trong tình trạng hiện thời , cố để mà phổ cập giáo dục là một việc quá sức , và thực tế là sẽ không thể có giáo dục với nghĩa đúng đắn của nó .

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn