VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Sự đỏng đảnh của mùa xuân


Ở cơ quan tạp chí Văn nghệ quân đội trước 1975, Nguyễn Minh Châu nổi tiếng là … hay sổ ra những câu ngược đời. Chẳng hạn trong khi ai cũng nói là mùa xuân đẹp mùa xuân mơn mởn sức sống, thì có lần ông cho mọi người thất vọng bằng một câu xanh rờn:
-- Chính ra ở mình, mùa xuân lại là mùa bẩn nhất. Đấy các ông thử nhìn xem đường xá lầy lội có kinh không? Làng nào còn ít bụi tre, thì xuân này lá tre rụng đầy đường, mà chính các thân tre lại xơ xác trông gớm chết đi được !
Lúc nghe, vì quá sốc nên chúng tôi gần như lặng đi không nói gì. Chỉ khổ một nỗi về sau nghĩ kỹ lại, thấy đúng. Không ai dám nói tuột ra như Nguyễn Minh Châu, nhưng đúng có lúc ngại xuân thật ! Mưa phùn gió bấc, hơi một tí thì lạnh, hơi một tí lại nóng. Vừa trở gió, cửa nhà đã nhoe nhoét vì nồm. Muỗi ở đâu ra mà dầy như trấu. Nỗi sợ viêm họng với sợ sưng phổi làm người ta quên cả ngắm cảnh đẹp. May lắm thì chúng tôi chỉ còn tự an ủi, phải nói thực ra mùa xuân quá nhiều vẻ. Nó mang trong mình quá nhiều tiềm năng. Cũng giống như việc đời, nó đỏng đảnh, nó bất trắc. Tức là luôn luôn có thể thế này và có thể thế khác, đẹp đấy mà cũng nhếch nhác ngay đấy.
Mấy hôm mùng một mùng hai bận bịu vì nghi thức và ăn uống, chính ra vẻ không khí Tết hơn cả lại là rằm tháng giêng. Lễ tết quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng. Từ nhỏ tôi đã được nghe nói như vậy, và càng lớn càng thấy nó đã ăn sâu vào tâm lý mọi người đến như thế nào. Người đi lễ nườm nượp từ sáng đến tối. Tết Đinh Tỵ (1977) lúc đã muộn, khoảng mười giờ đêm, tôi mới đi bộ ra đền Quan Thánh ( vì Văn nghệ quân đội gần đấy ), trở về chỉ nhớ hai chi tiết. Một là nhiều người đến chậm, không chen được vào cắm hương, quay ra cắm cả vào các ngách tường gốc cây ngoài sân; hai là sau khi khách đến lễ ra về, các vị hành nghề ở đền ( chữ gọi là thủ từ ) để đỡ mệt mỏi, quay ra xả hơi bằng cách … mở băng Sơn ca 7 của Trịnh Công Sơn. Hôm sau kể với Nguyễn Khải, ông cười sặc sụa, bảo là bịa, nhất định không tin. Tôi thì tôi nghĩ, chẳng qua nó chỉ cho thấy một tình trạng hỗn độn mà lớp người cũ như chúng tôi không quen. Hỗn độn, nham nhở, pha tạp, không thuần khiết, những cái chả ăn nhập gì với nhau lại đặt cạnh nhau …, đó là tình trạng có thể gặp ở bất cứ đâu trong mùa xuân.
Nhân chuyện lễ bái ngày tết, còn nhớ một câu tục ngữ nữa Ăn trộm ăn cướp thành Phật thành tiên -- Đi chùa đi chiền bán thân bất toại. Hình như có một thời xã hội có sự phân chia rành mạch. Đã ăn cắp thì không dám tính chuyện đi đền đi chùa. Ngược lại lễ bái là cả một việc thiêng liêng mà chỉ những người tin chắc ở sự lương thiện của mình mới thành tâm theo đuổi. Hai loại người hai cách sống, rành mạch đâu ra đấy. Còn ngày nay, càng những người “ có chuyện “, bao gồm từ đám buôn bán bất chính giả dối lừa lọc cho tới các loại hối lộ, tham ô ăn cắp ( nói nôm na thì tham nhũng cũng chỉ là một loại ăn cắp ) lại càng kỹ càng trong việc cúng bái. Thành ra cuộc đời cứ nháo nhào cả lên. Về mặt ý nghĩa, câu nói cảnh báo một sự thật: mọi chuyện không phải bao giờ cũng công bằng, sự thành tâm không phải bao giờ cũng tương ứng với hậu quả, không riêng gì con người mà thiên nhiên và thần thánh cũng đỏng đảnh, và đấy chính là sự hấp dẫn của những thế lực siêu phàm ấy.
Mỗi mùa đông lại cho người ta thấy một sự bất ngờ mới của thiên nhiên. Như mùa đông năm ấy, 2006. Ba bốn tháng liền, gần như không mưa. Trời đẹp, nhiều hôm nghe mục thời tiết trên truyền hình “ Chúc các bạn có những ngày nghỉ cuối tuần tuyệt vời “ cứ thấy nao nao. Vẫn biết nắng vàng trời hanh thì thú vị thật, nhưng tận trong đáy lòng, vẫn nhớ những ngày mưa, hình như mình quen với mưa hơn.
Cầu được ước thấy, cả tuần trước tết Nguyên tiêu, không có lấy một ngày nắng trọn vẹn. Lúc nào bầu trời trên đầu cũng lảng vảng những đám mây. Lúc nào trời cũng ủ mưa. Cái nẳng thoang thoáng. Có thể sắp nắng bừng lên nữa. Mà cũng không chừng lại sắp mưa.
Những ngày khô hạn đã dạy cho tôi biết thế nào là sự quyết liệt của đời sống. Mấy năm nay, cả trái đất nóng lên. Nhiều thành phố nằm sát mép nước biển bên Italia có khả năng bị nước tấn công. Năm ngoái năm kia bên Paris khối cụ già chết vì nắng cơ mà.( Bây giờ cái gì cũng thái quá. Chuyện mưa thuận gió hòa chắc chỉ còn trong sách vở.)
Những ngày dở dang mưa nắng lại càng dạy tôi tập quen với mọi diễn biến sắp tới. Điều gì cũng có thể xảy ra, kể cả những điều xấu nhất lẫn những điều tốt nhất. Đấy là quy luật của đời sống hiện đại.
Một nỗi buồn dù to lớn đến đâu, khi ta nhận thức được thì tự nó cũng mang lại một niềm vui chân chính. Câu nói đã thành công thức ấy, hôm nay với tôi vẫn là một phát hiện

trong (Những chấn thương tâm lý hiện đại)

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn