VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Món nợ tiền chiến

Những người theo dõi báo chí Sài Gòn trước 1975 hẳn còn nhớ mấy chục năm trước nhóm Sáng Tạo (với Mai Thảo, Duy Thanh, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền...) đã từng có một cuộc thảo luận mang tên Nhìn lại Văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam. Đại khái ý định của họ là muốn phủ nhận, muốn chê bai, muốn biến những Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Trần Huyền Trân trở thành những số không... to tướng.

- Nghệ thuật tiền chiến là một thứ nghệ thuật của những rung cảm hời hợt giả tạo.

- Cái không khí thời đại mà người ta sống bấy giờ thực sự là ngớ ngẩn.

- Có những người coi nghệ thuật tiền chiến là một thứ mẫu mực hiện đại mà trớ trêu thay, đó là thứ nghệ thuật chỉ cần một biến động lịch sử cách đây vài chục năm đã như lùi xa hàng bao thế kỷ.

Ảnh hưởng nghệ thuật tiền chiến trên thực tế, đã phai tàn. Không khí của đời sống hiện tại, của ý thức nghệ thuật hôm nay đã đốt cháy tất cả những gì thuộc về nghệ thuật ấy.

Muốn quên ai đi, tức là đang nhớ tới người đó”. Nghịch lý tình cảm đó, không chỉ đúng trong lĩnh vực yêu đương mà đúng cả trong văn hoá. Đằng sau những câu nói “nói lấy được” của mấy cây bút trong nhóm Sáng Tạo, người ta dễ đoán nhận ra một sự thực khác: họ hiểu tiền chiến là một giá trị, và họ thấy cần phải vượt qua cái giá trị đó.

Muốn vỗ nợ, chính là một cách công nhận rằng có nợ, mà nợ khá lớn, nợ không trả nổi nữa.

Có một cách khác để ghi nhận món nợ, là nói về nó thật rõ ràng, thật sòng phẳng. Ngay ở Sài Gòn trước 1975, cũng đã nhiều người có thái độ như vậy, với văn học tiền chiến. Chẳng hạn như thái độ của Vũ Hạnh.

Trong một bài viết đăng trên Bách khoa số 180, ra ngày 1-7-1964 vừa được in lại trong cuốn Tự lực Văn đoàn, con người và văn chương (Hà Nội - 1990), Vũ Hạnh đã nói về những biến chuyển của tình cảm nơi ông đối với Nhất Linh. Khi sùng bái, khi nghi ngờ, nhưng rút cục, cả trong hành động có vẻ như vô thức, ông vẫn cảm thấy ảnh hưởng của một nhân vật như Dũng nói riêng, ảnh hưởng của Nhất Linh nói chung đối với mình là to lớn. “Tôi chịu ơn anh”, đấy là lời thú nhận của Vũ Hạnh đối với Nhất Linh, nó cũng là bằng chứng về món nợ tiền chiến, mà người ta đoán rằng Vũ Hạnh không bao giờ phủ nhận.

Cuốn sách Tự lực Văn đoàn, con người và văn chương chỉ bao gồm một ít tài liệu liên quan đến mấy anh em nhà Nguyễn Tường và Khái Hưng. Còn lâu mới có thể nói là nó bao quát hết các tài liệu về Tự lực Văn đoàn nói chung. Vậy mà bấy nhiêu trang viết của Hồ Hữu Tường, Thế Uyên, Đinh Hùng, Dương Nghiễm Mậu v.v... in ở đây đã lên tới gần 200 trang. Nếu tính tổng số chữ nghĩa mà những báo, tạp chí như Văn, Văn nghệ, Bách khoa, Vấn đề, Khởi hành... ở Sài Gòn trước 1975 đã dành để bàn tới văn học tiền chiến, nếu tính tổng số bản in, tổng số trang sách của các nhà văn, nhà thơ tiền chiến do các nhà xuất bản ở Sài Gòn (trong đó phải kể đến một nhà như Hoa tiên, chuyên về sách trước 1945) đã in ra, phải nhận món nợ tiền chiến từng được xem là lớn đến như thế nào và đã bao người đã gắng gỏi một cách tuyệt vọng để thanh toán món nợ đó như thế nào! Trong cuốn sách Văn thi sĩ tiền chiến, sau khi bảo rằng giai đoạn từ 1925 đến 1940 là “thời đại hoàng kim của văn học sử Việt Nam”, nhà thơ Nguyễn Vỹ không ngại nói rõ thêm: “Nó - cái thời vàng son ấy - chói lọi trong huyền mơ của một dĩ vãng luôn luôn còn hiện tại. Không có người chết. Chỉ có người vắng mặt”.

Từ 1986 trở về trước, việc in ấn lại văn học 1930-1945 ở Hà Nội chỉ bó tròn trong một vài tuyển tập, trước hết là Ngô Tất Tố, Nam Cao, sau có mở rộng ra đến Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng v.v... rồi các tiểu thuyết Sống nhờ của Mạnh Phú Tư, Ngoại ô của Nguyễn Đình Lạp, và một vài tập truyện ngắn khác. Với các nhà nghiên cứu lúc ấy, món nợ tiền chiến hình như chả có là bao.

Từ 1987 trở về đây, đột nhiên việc in lại tác phẩm tiền chiến bừng lên như một đợt sóng mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Thơ Hàn Mặc Tử, thơ Bích Khê lần đầu tiên được xuất bản lại thành những tập thơ riêng. Thơ Nguyễn Bính khỏi phải nói “mà treo giải nhất chi nhường cho ai”, trở thành phổ biến chẳng khác gì những Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên... vẫn được bày bán khắp chợ cùng quê từ xưa đến nay. Đôi khi, người ta thấy một cuốn tiểu thuyết của Khái Hưng, của Nhất Linh hoặc một tập truyện ngắn của Hồ Dzếnh được mấy nhà xuất bản cho ra mắt bạn đọc cùng một lúc. Trong rừng nho của Ngô Tất Tố, hoặc Trên đường sự nghiệp, Cái thủ lợn của Nguyễn Công Hoan, Nhà nho của Chu Thiên... nhưng cuốn sách vì lý do này hay lý do khác tuởng sẽ không ai ngó ngàng tới, nay cũng đã được tái bản. Sau hết, những công trình nghiên cứu như Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Trông dòng sông Vị của Trần Thanh Mại cũng tìm thấy “giấy thông hành” đến với các tủ sách để góp phần làm cho văn học tiền chiến phong phú hơn về thể loại và hoàn chỉnh hơn trong sự phát triển.

Với việc “trở lại với đời” của hàng loạt tác phẩm, văn học tiền chiến đang trình ra trước mắt bạn đọc toàn cảnh chưa bao giờ đầy đặn đến vậy.

Trên phuơng diện xuất bản, món nợ coi như là đã được xác nhận đàng hoàng. Người ta chỉ còn chờ đợi những đánh giá có tính chất tổng kết của các nhà văn học sử, cũng như những thú nhận của những người làm nghề cầm bút như trên đây vừa trích dẫn. Có thể là những công nhận như Nguyễn Vỹ, Vũ Hạnh. Có thể là những phủ nhận như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền. Nhưng có hề gì? Có muôn ngàn cách khác nhau để nói về một món nợ, nữa đây lại không phải nợ thường mà là nợ nần về mặt tinh thần tình cảm, nợ nần trong lĩnh vực văn hoá.
(Chuyên cũ văn chương 2001)



Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn