VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Đi du lịch bụi Trung Quốc (4)

Tây An
26-9
Đi xe lửa từ chiều sang hôm sau mới tới Tây An. Trên đường đi tôi lấy cuốn sách viết về bộ luật Hồng Đức ra đọc. Bài viết về hoàn cảnh lịch sử thời Lê sơ của tác giả Nguyễn Hải Kế rất khá. Đọc Đại Việt sử ký toàn thư, đã thấy thời đầu nhà Lê đánh xong quân Minh giống y như VN hôm nay sau chiến tranh.
Thăm khu lăng mộ.
Nghĩ đến Tây An là nghĩ ngay đến Tần Thủy Hoàng và Binh mã dũng ( chữ dũng có chữ nhân đứng đằng trước, ở đây chỉ người, các loại quan lại và thợ )
Tượng vị hoàng đế có công thống nhất Trung Hoa, trông hơi dữ, nhưng đúng là tượng trưng cho nước Trung Hoa lúc còn đang ở núi, chứ chưa ra biển đang từ Tây chứ chưa sang Đông.
Chúng tôi ngợp giữa cung cách một cuộc triển lãm thế này. Đồ sộ quá.
Ảnh Đăng chụp không được nhiều vì ánh sáng trong nhà khó làm nổi hình. Chỉ có điều Đăng không quên nhận xét, anh trông kìa, trong tư thế xếp hàng nghiêm chỉnh thế kia, mấy anh lính đít móp, chắc là đã mỏi mệt lắm. Sự anh hùng nào cũng phải trả giá. Và chiến công có mặt trái của nó.
Chúng tôi đã có kinh nghiệm đến một thành phố nào của Trung quốc, nếu không biết làm gì, cứ hỏi đến Công viên thành phố, cũng có khối cái đáng xem.
Đến Tây An cũng vậy. Chiều nay chúng tôi lại bị mê tơi bởi cảnh đá.
À tí quên, ở bảo tàng Binh mã dũng, đã thấy có những cây thông, mà bóng trải rộng như một ngôi đình ở ta.
Đến công viên Hưng Khánh lại gặp mấy cây như vậy.
Tây An chỉ có thành quách nhà cửa, không giỏi về làm vườn, cỏ trồng nhếch nhác, nhiều đám hủi cùn hủi cụt, nghệ thuật trồng trọt ở đây không thể so với mạn Giang Nam được mà ngay so với Thành Đô cũng thua.
Một kỷ niệm của buổi chiều nay, tốp các chị em tập múa ngay ở khoảng đất rộng lối vào công viên. Họ thật tự nhiên và hào hứng với hoạt động nghệ thuật nghiệp dư của mình.

29-9
Tới bảo tàng lịch sử Tây An, nhớ nhất là bức phù điêu đặt ở gian giưã, một vẻ đẹp thô khỏe, tượng trưng cho nước Trung Hoa thời Tần Hán
Một trong những chủ đề trưng bày—mối quan hệ TQ với vùng Trung Á. Đây là thời nước Trung Hoa chưa là quen với biển.
Ở Bảo tàng đã thấy nói nhiều tới con đường tơ lụa. Lúc ra ngoài phố, thấy có những bức tượng lớn—tượng một đoàn người với lạc đà đang đi. Tôi bảo với Đăng — cả Thành Đô hay Tây An cho thấy một TQ trước khi tiếp xúc với Tây phương, họ đã là một cái gì hoàn chỉnh lắm. Nhưng họ cứ thấy chưa đủ. Người TQ luôn khao khát tiếp xúc với nước ngoài, và biết trân trọng những gì thiên hạ mang lại cho mình.
Còn ta thì sao? Đây là một chủ đề mà tôi theo đuổi từ lâu. Chẳng hiểu sao đầu óc tôi từ nhỏ có một sự ưu ái riêng với cái đề tài này. Nhưng đọc vào sử xưa, thấy người mình rất ít ghi chép về chuyện này, mà người ngày nay cũng không hề tìm đọc. Mây năm trước, lúc còn làm xuất bản tôi đã biên soạn cuốn Đi tầu đi tây…, nhưng rồi kế hoạch bỏ dở.
30-9
Bọn tôi định đi Lạc Dương nữa nhưng sắp quốc khánh TQ, mua vé khó, đành nhờ người mua vé máy bay giá rẻ từ Tây An về thẳng Quảng Châu. Buổi sáng hôm qua ra đi trong sự nuối tiếc, định đến thăm tháp Đại Nhạn mà không kịp, chỉ từ xe bus nhìn vào mà tự nhủ mình vô duyên quá, không biết bao giờ mới trở lại được nữa.
( Trên xe từ sân bay về thành phố, bọn tôi còn được cháu Phương giảng thêm một nơi nữa bỏ qua là khu vực Hoa Thanh, có cái đầm lớn là nơi Dương Quý Phi đã tắm. Ờ, hôm ở trên ấy cũng nghe mang máng là Hoa Thanh trì nổi tiếng lắm, nhưng không nghe ra chuỵện DQP. Vả chăng, đến thăm nhiều di tích quá lắm lúc thấy quá khả năng tiêu hóa của mình. Chính ra còn phải đi chơi phố Tây An nữa, lăng mộ Tần Thủy Hoàng có thể xem trong ảnh được, chứ không khí đường phố, không tự mình trải qua thì đọc ở đâu được)

Ở trọ một ngày ở khu Thiên Hà, Quảng Châu.. Có lúc Đăng bảo, đến đây lần thứ hai không thấy náo nức như lần đầu nữa. Nhưng có lúc lại bảo, có lẽ nếu đi TQ một mình thì chỉ có thể đi Quảng Châu, nó có cái gì rất gần mình và dễ hiểu với mình.
Tôi cũng tự trách mình, ít bỏ thời giờ đọc sách về cái xứ Lưỡng Quảng này. Văn minh núi Ngũ Lĩnh, thành Phiên Ngung xưa lẽ ra tôi phải biết , nếu muốn qua TQ hiểu VN như vẫn thường tự dặn mình.
Sau khi đi qua nhiều hiệu sách TQ, thấy hiệu sách Tân Hoa ở Quảng Châu mà tôi thường qua, chính ra là loại tốt nhất. Ở đó, tôi thấy một ngăn sách mới mà các lần trước không có hoặc tôi không biết—sách nghiên cứu về văn hóa.
Tôi mua thêm được một cuốn từ điển mới – Từ điển địa lý nhân văn do người Mỹ biên soạn, nhà Thương vụ cho dịch.
Ở bến xe Quảng Châu tối 30-9, người ngồi chờ xe tràn ra cả các vỉa hè nhiều phố. Toàn công nhân TQ về nghỉ Quốc khánh của họ. Chỉ tuyên Quảng Châu – Bằng Tường là không có khách loại này.
VTN



Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn