VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Giữ cây từ ngọn?

(TT&VH Cuối tuần) - Tôi không phải chuyên gia nghiên cứu về văn hóa, nhưng với loạt bài mà chuyên mục Báo động từ vốn di sản đang làm, tôi muốn nói rằng đây là việc làm cần thiết, rất cần thiết để cứu vãn một chút ít những gì cha ông chúng ta để lại đang trên bờ vực của sự mất đi vĩnh viễn. Song chúng ta làm việc này, có thể nói, quá muộn, không những thế, còn làm một cách rời rạc, nhỏ lẻ. Tôi những muốn kêu lên điều đó thật to để cả xã hội, các cơ quan có nhiệm vụ quản lý văn hóa phải “sôi” lên về vấn đề này. Phải làm sao để cổ động được cả hệ thống truyền thông báo chí của chúng ta nói về vấn đề bảo tồn di sản này mới thỏa đáng. Loạt bài về các nghệ nhân cao tuổi mà TT&VH đang thực hiện là một khâu trong cả quá trình lớn là sự nghiệp nghiên cứu - bảo tồn di sản, đặt sự chú tâm vào cái sắp mất đi - là các nghệ nhân cao tuổi, mang trong mình những “tuyệt kỹ” rất khó để “truyền thừa”. Điều này tôi thấy giống như trong y tế hiện nay vậy, chúng ta chữa cái bệnh trước mắt, cái hiện tượng cuối cùng bên ngoài. Trong khi đáng lẽ phải coi đó là một căn bệnh phức tạp, phải có hội chẩn của nhiều chuyên gia. Nếu không thì không thể nào “chữa” tận gốc bệnh được. Việc bảo tồn theo cách các bạn làm hiện nay là cái ngọn của cái gốc không vững lắm. Chống lại sự tàn phá tàn bạo của thời gian và con người thì đúng là như trứng chọi đá. Nếu có ai chịu khó “đo tốc độ” tàn phá ở một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ chỉ trong vòng 10 - 15 năm thôi thì sẽ rất kinh sợ bởi tốc độ tàn phá nhanh đến mức “khủng hoảng” như thế nào. Nói vắt sang chuyện kinh tế chẳng hạn, gần đây chúng ta bắt đầu nói đến chữ khủng hoảng mà trước đây ta chưa hề nếm qua. Những khủng hoảng đó bây giờ mới nhận thấy là do chúng ta gây ra cho chính mình. Đó là việc giáo dục con người chưa đâu vào đâu. Chúng ta thiếu người trong mọi lĩnh vực kinh tế và xã hội. Chúng ta nhận ra cách dạy dỗ thế hệ sau lâu nay là một sự “bóc ngắn, cắn dài”. Sự phát triển của xã hội hiện nay không những thiếu hẳn nghiên cứu về giáo dục mà còn thiếu sự hỗ trợ về văn hóa (từ quan niệm con người lệch lạc, cho đến sự hiểu biết về sản xuất; trình độ văn hóa sản xuất; quan niệm buôn bán thiển cận). Tôi đọc mấy quyển từ điển tiếng Việt, mới kinh hoàng nhận thấy chữ “thương nghiệp” của chúng ta từ trong truyền thống luôn bị hiểu đại khái là mua - bán để lấy lãi. Trong khi chữ đó phải hiểu là: Phát hiện ra một nhu cầu/ Tổ chức sản xuất hàng hóa và lưu thông để thỏa mãn nhu cầu đó. Ví dụ như sau khi bán hàng, cửa hàng nước ngoài rất chăm lo đến dịch vụ hậu mãi (đổi, sửa, bảo trì hàng hóa đang sử dụng). Còn ở cửa hàng nước ta thì nhan nhản những câu: “hàng mua xong, miễn đổi trả”. Đúng là lừa được người ta một lần xong rồi thôi. Ngay như ngành du lịch chẳng hạn, chỉ lo kéo khách du lịch mới đến Việt Nam lần đầu, mà không lo đến việc làm sao cho người ta muốn quay trở lại. Tôi thấy không ít các ông quan chức ngành du lịch phát biểu trên tivi đều “lơ ngơ” chuyện đó. Trong khi việc gieo “tiếng lành đồn xa” mới là cốt tử của nghề du lịch. Tất cả đều là do việc thiếu một tầm nhìn lâu dài... Theo tôi, gốc bệnh là tư tưởng “làm văn hóa một cách thực dụng” đang phổ thông trong ý nghĩ của nhiều người hiện nay. Kèm theo đó là sự hiểu biết về di sản một cách rất quan liêu. Ví dụ như nếu hỏi dân chúng ở những nơi có đình đền thì họ sẽ nói “chẳng biết thờ ai, nhưng thiêng lắm”. Tôi nhìn thấy đó là một cách sống chỉ muốn kiếm chác từ di sản, xin xỏ thần thánh của một số con người hiện tại. Mồm thì nói yêu kính tổ tiên đấy, nhưng lòng chỉ nhăm nhăm “bán” tổ tiên đi để lấy cái “gắp” - Lúc sống thì chẳng cho ăn, đến khi chết mới làm văn tế ruồi. Hiện nay, bởi một số vấn đề thời sự nóng (như chủ quyền lãnh thổ chẳng hạn) đang được quan tâm, nên hai chữ “yêu nước” hay được nhắc đến. Nhắc lại thì ai cũng ra rả nhắc được, nhưng yêu nước chứ có phải yêu một con người hay một đồ vật đâu mà chỉ thích, không cần hiểu. Đã yêu nước là yêu một thực thể lớn sinh ra chúng ta. Điều ấy bắt buộc phải tìm hiểu thì lại không hiểu và không chịu hiểu. Tôi ví dụ như môn Lịch sử văn hóa Việt Nam cũng chỉ mới có vài năm nay ở rất ít trường đại học. Trong khi đáng nhẽ phải có ở tất cả các trường, đặc biệt là những trường ngoại ngữ. Tôi còn nhớ, năm 1946, ngay sau khi giành độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Năm 1948, Đại hội văn hóa này lại được tổ chức lần II ở Đào Giã - Phú Thọ. Tôi còn giữ được bản kỷ yếu của đại hội đó. Nhưng không hiểu sao sau đấy là tan, đến khi hòa bình cũng không có đại hội lại. Văn hóa vỡ ra về các ngành nghệ thuật riêng như sân khấu - điện ảnh, văn học, mỹ thuật... Ví dụ sau đó tìm hiểu về lịch sử văn học thì tác phẩm tác giả trùng trùng điệp điệp. Nhưng muốn hiểu lịch sử văn hóa thì không tìm thấy đâu. Trước đây và bây giờ, tôi thấy xu hướng xã hội nhìn nhận về di sản luôn luôn có một sự lệch lạc. Trước thì quá đề cao nghệ thuật dân gian, tỏ ra coi thường nghệ thuật cung đình - bác học, đó là lấy cái nhìn ít nhiều mang tính chất “giai cấp” để nhìn văn hóa. Nay thì tuy có đề cao nghệ thuật cung đình - bác học lên, nhưng bản chất của việc đề cao này lại có vẻ như méo mó kiếm chác và biến những giá trị của nghệ thuật cung đình bác học ngày xưa thành một thứ bình dân xô bồ. Đó lại là sự lấy quan niệm của “kinh tế thị trường” để “đánh quả” văn hóa. Ngoài ra, có thể ví dụ nhan nhản là sự quan liêu, hời hợt, và dối trá, sẵn sàng làm sai lệch trong quá trình dò tìm về với tổ tiên. Việc khảo cổ thì rất qua loa cẩu thả và... lãng mạn, thích dã sử huyền tích nhiều hơn là căn cứ thực. Mà cái sự qua loa cẩu thả này hình như có từ trong “gen” người Việt thì phải. Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Phan Cẩm Thượng có nói với tôi trong một lần lên chùa Bút Tháp, ông ấy bảo cái tượng cổ Việt Nam nào sau lưng cũng rất xấu, có lẽ người làm nó nghĩ rằng người ta chỉ cần mặt trước tượng để thờ cúng vái lạy, thế là đủ thì phải. Văn hóa cổ thì chẳng cần đi thật sâu thật kỹ cũng thấy ngay thực là luộm thuộm, và đơn sơ, ở trình độ thấp. Những giá trị văn hóa vật thể không bao giờ được đẩy đến sự hoàn thiện. Có một lý do để người thợ thủ công ngày xưa làm vậy là không ai làm giỏi vì sợ vua quan bắt đi phu đi hầu. Còn một lý do nữa là sự vay mượn cẩu thả cái của người làm của mình nhưng lại không đến nơi đến chốn. Điều này thì người ta cũng đã nói mãi rồi. Nói thế để thấy là nay ta đối xử qua loa với những “thành tựu qua loa” ấy thì lại càng ẩu tả. Báo chí đưa tin có nơi còn bịa đặt ra cả di sản cha ông để làm hồ sơ xin công nhận di tích, rồi để lập dự án trùng tu kiếm chác. Giở ra phục chế thì làm cái gì cũng táy máy phá hỏng để làm lại. Thời phong kiến cũng đã có nơi người ta làm hồ sơ giả, thần tích bịa để xin sắc phong triều đình. Những chuyện đó bây giờ thấy vẫn y nguyên. Tôi cho rằng vấn đề chính là cái “không gian văn hóa” đã mất đi, thì sự thiêng liêng trong không gian tâm thức của con người ta cũng không còn. Đi nước ngoài, tôi thấy người ta vẫn còn giữ được cái không gian văn hóa thiêng liêng này. Ở mình thì đã mất sạch, chỉ còn không khí được nhiều nhà nghiên cứu gọi thẳng thừng là không khí “mê tín dị đoan mang tính chất bầy đàn”. Quá trình nghiên cứu - bảo tồn di sản, như tôi đã nói ban đầu, là một sự nghiệp lâu dài, phải có kiểm kê, vào sổ. Nghiên cứu về di sản không thể duy cảm, duy ý chí được. Nó phải được dẫn lối bằng một hệ thống lý luận đúng đắn và các phương tiện nghiên cứu hiện đại. Công việc đó đòi hỏi sự không tiếc tiền của, ý thức nghiêm túc, và tầm hiểu biết về lịch sử dân tộc của những người làm công việc ấy. Hiện nay do chúng ta mắc chiến tranh quá lâu, nên hầu hết nhân dân đã sao nhãng và mất nếp bảo tồn và tôn trọng văn hóa. Chưa kể, chúng ta không biết những nước xung quanh họ đối xử với văn hóa như thế nào. Luis Aragon có câu thơ rất hay tặng Enxa “Tất cả những gì về anh. Nhờ em anh mới hiểu”. Chúng ta quên rằng văn hóa Việt Nam là văn hóa ngã ba thế giới, nhiều yếu tố ngoại lai xâm nhập và tiếp biến từ trong lịch sử đến bây giờ. Quá trình tương tác với nước ngoài trong lịch sử xảy ra quá nhiều chuyện. Tôi thấy người nghiên cứu về sử Việt Nam ở nước ngoài, nếu là nghiên cứu cổ sử thì họ đều biết tiếng Hán. Còn nếu nghiên cứu về sử hiện đại thì họ đều biết tiếng Anh hoặc Pháp. Chứ không phải như ở ta, có hẳn một thế hệ “giáo sư, nhà nghiên cứu” mà nhiều người trong số đó chẳng biết ngoại ngữ tẹo nào. Cá nhân tôi nghĩ rằng hoạt động bảo tồn phải được nhà nước bảo trợ mạnh mẽ. Đáng nhẽ chúng ta phải xấu hổ vì nhiều công trình văn hóa của mình lại do người nước ngoài bảo tồn hộ. Nếu ta không giữ nhà của ta cho khỏi đổ, thì chẳng ai đủ tốt để đến giữ hộ ta đâu. Tôi nghĩ đây là công việc thiêng liêng, không được và không nên tính toán tiền nong. Bởi nếu tính toán thế thì tội cho tổ tiên quá. Mang bán rao bán dạo tổ tiên như thế thì là rất dở. Nếu làm văn hóa mà vụ lợi thì nó sinh ra nhiều thứ khác bệ rạc theo... Như tôi vừa nói, muốn quay trở lại với những vốn cổ thì phải dùng kiến thức và phương tiện khoa học hiện đại. Bởi vì tất cả nghề thủ công dùng để phục chế bảo tồn hay trong sản xuất hiện nay cái gì cũng kém đi. Cộng với tâm lý vội vàng nôn nóng là không ổn. Các cụ ngày xưa rất kỹ tính, cơm không chín kỹ, dưa không ngấu là không ăn. Con người bây giờ cứ vội vội vàng vàng làm sao. Chúng ta hiện nay thiếu cái nhẫn nại để làm người, thiếu khát vọng làm cho con người chúng ta trở nên hoàn hảo. Nhiều người chỉ thích sống để hưởng thụ, điều ấy làm mất đi giá trị riêng của từng cá nhân. Chủ nghĩa thực dụng nôn nóng này ảnh hưởng đến văn hóa, đến cả cách dạy con cái của chúng ta... Trong khi nhà Phật dạy chúng ta cuộc sống là một sự chịu đựng, và chúng ta phải bình tĩnh chịu đựng. Thì chúng ta đi đến đình chùa đền hiện nay để “hối lộ thần thánh”. Hối lộ để ta tạm quên đi sự hẫng hụt trong trí tuệ và tâm thức. Thế mà nói rằng đó là “nét đẹp văn hóa” thì rất là buồn cười. Đình chùa nhiều nơi bây giờ cũng chỉ là nơi không gian dung tục. Mà ở không gian xấu, bẩn, người ta như được khuyến khích làm chuyện bậy, nghĩ bậy. Thế nên cá nhân tôi nghĩ là cái “ca” này khó gỡ lắm, chưa có cách giải. Có chăng là chỉ tìm cách đặt lại vấn đề nhận thức về văn hóa và di sản cho rõ và đúng hơn cái đã. Các nhà văn hóa nên đặt lại cách làm văn hóa, cách đối xử với người xưa, với lịch sử. Chứ không nên làm một cách báng bổ với người xưa như bây giờ. Phải gióng một hồi chuông với bộ não số đông rằng mình đang rất cẩu thả với tổ tiên trong khi cứ nói với người nước ngoài rằng chúng tôi yêu kính tổ tiên và truyền thống lắm. Thực ra điều đó là không đúng, chưa nói đến chuyện bịp bợm. Mặt khác, đi tới cùng nền văn hóa, đi tới cùng con người Việt, thì thấy người xưa các cụ cũng “dị mọ” lắm. Tôi chỉ ví dụ như chuyện ở làng Đông Hồ, làng làm tranh dân gian nổi tiếng quê tôi, nơi tôi chứng kiến từ bé những nghệ nhân giỏi, nhưng chỉ mải rượu chè và bốc phét. Đến khi làm thì vì túng thiếu, vì để thời gian đi uống rượu nên sẵn sàng đánh mất nghề, đánh mất “thương hiệu”. Nhưng hiểu và biết vậy không phải để chúng ta chê bai và khinh thường cha ông. Thái độ phải đạo là hiểu và biết cha ông như vậy là để từ đó dậy lên lòng thông cảm mới đúng. Chúng ta đang làm xói mòn lòng yêu di sản của công chúng, đó là cái tội của người làm nghề văn hóa chúng ta đây, bằng nhiều những công trình ẩu. Ngay cả từ điển tiếng Việt chẳng hạn, tôi cũng thấy người ta xào xáo mới bậy chứ. Chúng ta phải đối xử với di sản văn hóa như là học trò với thầy giáo. Vừa thiêng liêng tôn kính, vừa thông cảm. Đó là hai cánh cửa, hai tiền đề đúng để dẫn lối cho chúng ta tìm lại được chính những giá trị gì đã sinh ra chúng ta và bảo toàn được sức sống dân tộc cho đến bây giờ. (*) Quen biết với độc giả báo TT&VH từ lâu với chuyên mục Người xưa cảnh tỉnh, dùng lời người xưa để phân tích tâm tính của người Việt và văn hóa Việt, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đồng thời là một độc giả thường xuyên của chuyên mục Báo động từ vốn di sản. Nhân Hội thảo với chủ đề Để di sản “sống” trong đời sống đương đại do báo TT&VH tổ chức (xuất phát từ dự án truyền thông Báo động từ vốn di sản trên TT&VH Cuối tuần và Vietnam News Sunday), vừa diễn ra sáng ngày 22/9 vừa qua tại Cà phê Tri thức (Hà Nội), ông đã gửi tới bài viết tâm huyết. Xin được lược đăng (tít bài do TT&VH đặt). TT&VH Thứ Tư, 30/09/2009

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn