VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Một trăm thứ rượu một ngàn kiểu say


Ai đó đã nói: ngôn ngữ là một thứ đài kỷ niệm ghi lại những kinh nghiệm phong phú của mỗi dân tộc. Thứ đài vinh quang này trung lập, không bị độc chiếm, không phân cấp chia ô theo bất kỳ tiêu chuẩn nào (ví dụ, không có từ nào được coi như có ý nghĩa hơn, rồi nói tới nhiều hơn, từ nào dung tục tầm thường bị lép vế v.v..).
Ngược lại, đấy là khu vực hoàn toàn bình đẳng; tình cảnh đôi khi giống như một bãi đất bao la, từ nào có sức lan ra đến đâu cứ việc bành trướng tới đó. Thành thử, chung quanh hai từ rượu và say, trong tiếng Việt người ta thấy có hàng loạt biến dạng, nẩy nở, sinh sôi. Nhân dịp ngày xuân, chúng tôi đã lục tìm mấy cuốn từ điển Việt, thử tra lại ý nghĩa của các từ ấy. Những tài liệu chính đã được sử dụng:

1. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, bản in ở Sài Gòn 1895 -1896, dưới đây gọi là bản A.

2. Việt Nam tự điển, do Hội Khai trí Tiến đức khởi thảo từ những năm 20, bản nói sau đây là bản in lại ở Paris năm 1954 gọi là bản B.

3. Từ điển Annam-Hán-Pháp của Gustave Hué in 1937 ở Phú Nghĩa, gọi là bản C.

4. Từ điển tiếng Việt, không đề tác giả, do L’ Asiathèque in ở Paris 1977, gọi là bản D.

I. Chung quanh từ rượu

Bản A định nghĩa : Rượu là “Thứ nước làm bằng trái cây hoặc chưng đạt bằng nếp gạo, có mùi cay nồng”.

Đây là một thứ định nghĩa kinh điển, các sách khác đều nói tương tự. Nhưng cái hay của một cuốn từ điển là chung quanh một từ cố định đó, ghi được thêm bao nhiêu từ ghép. Về mặt này, các bản chúng tôi có trong tay tài liệu khá phong phú. Ngoài rượu nếp, rượu sen, rượu chổi, rượu cúc, rượu nho v.v..., đọc bản A, người ta biết thêm còn có một thứ nữa là rượu đậu, tức thứ rượu nấu bằng đậu xanh; dọc bản D, thấy nói có rượu tần, rượu cất bằng cây tần cây đào. Về chất lượng rượu, người ta phân biệt rượu hàng là rượu bán rộng rãi, rượu hàng nàm (tiếng địa phương chăng? - phổ biến hơn rượu ngọn) là rượu lứa đầu.

Ca dao có câu: Thách thêm một thúng xôi vò - Một con lợn béo một vò rượu tăm, lại có câu: Đố ai chừa được rượu tăm - Chừa ăn thuốc chín chừa nằm chung hơi. Vậy rượu tăm hẳn là rượu rất ngon rồi. Nhưng tại sao lại gọi là tăm? Các bản B, D đều nói đại ý đó là thứ rượu dùng tăm chấm vào rồi mút cũng say. Trong số những từ ghép có một thành tố là rượu, bản C nhắc tới bóng rượu, bầu rượu..., bản A kể ra mạnh rượu, bợm rượu, già rượu. Đặc biệt, còn thấy nói tới con rượu và cắt nghĩa vật ở trong mình kẻ say rượu. Chắc giữa con rượu và con bạc có sự tương đồng trong cách cấu tạo? Nhưng con rượu ngày nay hầu như không thấy ai dùng.

II. Chung quanh từ say

Phần lớn các sách ghi say: “Bị rượu làm cho mê man” và chua thêm một loạt từ ghép có chữ say. ở đây nổi bật hai loại:

a) Loại từ chỉ trạng thái say vừa vừa, nửa tỉnh nửa say: đó là say ngà ngà, say chuếnh choáng. Bản A ghi thêm mấy từ địa phương cùng nghĩa: say xoàng xoàng, say ba chè, say xoàng ba...

b) Loại thứ hai, nhiều hơn hàng chục lần, là những từ chỉ trạng thái rất say. Xin tạm kể như sau:

- Bản A: say chúi, say bò, say bết, say lết, say mèm, say mê mết, say sặc sụa, say vật vờ, say cúp, say cúp bình thiếc (hai từ cuối rõ là từ địa phương).

- Bản C : say đứ, say chèm, say nhèm, say gật gờ, say gật gưỡng, say khướt, say li bì, say tít, say lử, say lướt cò bợ, say tít cù lèo, say tít cung thang, say nhè, say nhẹt, say nhừ tử.

- Bản D: say ngất ngư, say tuý luý. Cũng có những khi người làm từ điển sau khi ghi một từ tìm cách giải thích tại sao từ đó lại được hình thành như vậy. Ví cụ Từ điển Việt Nam phổ thông in ở Sài Gòn 1952 sau chữ say mềm thích nghĩa “say (đến mức) người mềm ra”, sau say nhừ: “say như nhừ ra”. Những cách giải thích này không phải bao giờ cũng thuyết phục. Điều đáng nói là số lượng từ chỉ trạng thái rất say lại nhiều vô kể, nó chứng tỏ người say trên thế gian này không phải là ít!

c) Ghi chú về tửu và tuý

*

* *

Chẳng cứ trong giới thượng lưu, ngay với người bình dân, chữ tửu vẫn được dùng rộng rãi để chỉ rượu. Mã số từ ghép đi với tửu cũng rất nhiều. Chỉ cần tìm tới một cuốn như Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, người ta sẽ bắt gặp tửu bảo, tửu chiến, tửu đảng, tửu lệnh v.v... Đáng lưu ý là để chỉ người say rượu (hoặc con rượu như trên đã kể), tiếng Hán Việt có nhiều từ khác nhau, mỗi từ một sắc thái: tửu hữu, tửu khách, tửu đồ, tửu quỷ, tửu ma, tửu thánh, tửu thần, tửu tiên...

Xét về mức độ phổ biến, thì tuý không bằng tửu. Song khối lượng từ ghép cũng khá đông đảo, nhất là những từ chỉ việc làm trong lúc say, vừa làm vừa say như tuý ngoạ, tuý nguyệt, hoặc những từ chỉ hành động sáng tạo trong cơn say như tuý bút, tuý mặc (đều có nghĩa chữa viết trong lúc say), tuý ca, tuý ngâm.
(chuyện cũ văn chương)

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn