1/ Từ Paris, hoạ sĩ Trần Trọng Vũ có một nhận xét khái quát về tình trạng của hội hoạ VN : Những nhận xét ấy được hoạ sĩ Trịnh Cung hưởng ứng. Ông cắt nghĩa tại sao mình lai đồng tình với Trần Trọng Vũ qua bài trả lời phỏng vấn ngắn in trên TT&VH số ra 16-5-2003.
Theo Trần Trọng Vũ và Trịnh Cung, chưa bao giờ tranhVN có mặt trong hệ thống các gallery chuyên nghiệp ; và người mua tranh VN thường chỉ là khách du lịch.
Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, cái nhận xét trên chỉ có một nghĩa đơn giản : chúng ta đang có một nền hội hoạ thuộc loại chầu rìa. Đại khái cũng giống như trong bóng đá, chỉ khác là trong bóng đá người ta có hệ thống xếp loại rõ ràng còn trong nghệ thuật thì chưa.
Vậy văn học VN có thoát khỏi tình trạng đó không. Chúng ta ở vào chỗ nào của văn học thế giới ? Văn học VN ra nước ngoài được đón tiếp ra sao theo kiểu gì ? Những câu hỏi có tính chất liên hệ nẩy lên trong đầu óc.
Nhân đây xin cung cấp một nguồn tư liệu :
Trong những ngày từ 19 đến 21-12- 2002, cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ nhất những người dịch văn học VN đã được tổ chức tại Hà Nội và tháng 4- 2003 này một tập kỷ yếu của hội nghị đã được xuất bản. Trong tập kỷ yếu, bản báo cáo của ban tổ chức về tình hình văn học VN dịch ra các nước và lời phát biểu của một số đại biểu nước ngoài kể về tình hình giới thiệu văn học VN ở nước họ đã có dịp được in lại. Sẽ chẳng có gì mới nếu bảo rằng qua các báo cáo này có thể khảo sát nhiều điều thú vị. Và đây là một chi tiết tôi phải dừng lại kiểm tra : trong phần tác phảm văn học VN dịch ra tiếng Trung quốc, tôi thấy chỉ nói tới mấy cuốn văn học cổ điển cùng là những cuốn của những năm 60 70 như Người con gái Việt nam, Từ tuyến đầu Tổ quốc, Vỡ bờ ; tính riêng phần văn học VN từ sau 1975, chỉ thấy nói tới Ông cố vấn của Hữu Mai ( có chua rõ in ở một nhà xuất bản chuyên về quân sự chứ không phải các nhà làm sách văn học ). Chắc nhiều người như tôi đọc đến đây tự hỏi : Chẳng nhẽ bạn đọc bên Trung quốc, chỉ chú ý đến bấy nhiêu tác phẩm của ta ? Hay là các bản báo cáo để sót ? Lưu ý thêm là như báo chí gần đây đã nói trên thị trường sách dịch ở VN đang có một sự bùng nổ sách dịch từ tiếng Trung quốc. Nếu tạm ví dịch vào như nhập khẩu mà dịch ra như xuất khẩu, thì chẳng nhẽ lại có tình hình nhập siêu nghiêm trọng đến vậy ?
Còn như nếu các báo cáo đã nói đúng thì từ đây có thể nghĩ gì về cái cách xuất ngoại của văn học VN ? Liệu có nói được như bên hội hoạ mà Trần Trọng Vũ và Trịnh Cung đã nêu hay lại còn bi đát hơn một bực ?
2/ Cũng trong cái mạch so sánh để tìm ra cách cân đo đong đếm chính xác văn học Việt Nam hiện thời, còn có một bài báo nữa tôi muốn nhắc tới, đó là bài Văn học Trung quốc chinh phục thế giới, nguyên bản in trên Time, bản dịch do báo Lao động ở ta in trong số 9-2-2003. Bài báo cho thấy một sự thực đáng kinh ngạc : ở Trung quốc, ngành xuất bản nộp thuế cho nhà nước chỉ kém rượu và thuốc lá. Tôi nhận ra trong cái chi tiết tiền thuế này hai điều : người Trung quốc thật là ham đọc và giới làm sách đã đáp ứng được nhu cầu đó, ngành xuất bản ở họ đã trở thành một ngành công nghiệp thực sự. Tất nhiên ở ta thì tình hình ngược lại gần như 180 độ. Lại nữa không phải ngẫu nhiên trong bài viết trên có cái chữ đầy quyến rũ : chinh phục thế giới. Vấn đề không phải chỉ là có những tác giả Trung quốc in ra ở Anh ở Mỹ với số lượng 8 triệu bản, mà cái chính là “ý chí chinh phục thế giới của nền văn học ấy thì không ai có thể phủ nhận.”. Nói nôm na là các tác giả Trung quốc đủ tự tin để lao vào cuộc thách thức là buộc người ta phải nghe họ nói ( điều này thì thực tế sách dịch ở VN đã là một bằng chứng ). Còn ở ta theo chỗ tôi biết, nhiều nhà văn đang trong trạng thái khá mông lung. Nói cho đúng ra họ cũng mơ chuyện ấy lắm nhưng chỉ như cô gái rụt rè chờ đợi xem không biết bao giờ có người đến rước đi giúp, chứ không biết công phu chuẩn bị cho nó. Hai chữ chinh phục còn quá xa lạ. Mà đã chưa muốn thì bao giờ làm được !
Cũng trong cái mạch so sánh để tìm ra cách cân đo đong đếm chính xác văn học Việt Nam, tôi muốn trở lại với bài viết về văn học Trung quốc trên kia đã nhắc. Trong đầu đề bài báo ấy có cái chữ đầy quyến rũ : chinh phục thế giới và người viết đến câu cuối còn nhắc lại “ý chí chinh phục thế giới của nền văn học ấy thì không ai có thể phủ nhận.”. Nói nôm na là các tác giả Trung quốc đủ tự tin để lao vào cuộc thách thức là buộc người ta phải nghe họ nói ( điều này thì thực tế sách dịch ở VN đã là một bằng chứng ). Còn ở ta thì sao ? Ai muốn đối chiếu có thể tìm đọc bài viết Hoan hô các bác đi Tây in trên báo Tiền phong số ra 17-4-03. Theo cái cách mà bài báo miêu tả, nhiều người mình ( ở đây là các nhà văn ) ra nước ngoài thời nay cứ như nhà quê ra tỉnh. Nói nôm na là rúm tứ túc cả một lượt. Mang tiếng là hội nghị với hội thảo chứ ” biết gì mà nghị với chả thảo “ ! Chỉ chờ may ra có người thương tình nịnh vờ cho mấy câu thì ghi lòng tạc dạ để về doạ người trong nước !
Chẳng nhẽ đó lại là tư thế của những người đi chinh phục thế giới.
Thế thì bao giờ của đi thay người cho được ? !