VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Trở lại với khu vực đầu nguồn của văn học Việt nam hiện đại


Pháp du hành trình nhật ký (Nhật ký đi Pháp) của Phạm Quỳnh vừa được in lại sau mấy chục năm ngủ yên trong tạp chí Nam Phong suốt từ 1922 tới nay. Nhân dịp này, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn- người thực hiện việc biên soạn và chú giải – có dịp trao đổi với TT&VH về giá trị của tập sách cũng như về việc khai thác bộ phận văn học viết bằng quốc ngữ đầu thế kỷ 20.

* Vì sao ông lại đề xuất việc in lại và bắt tay và chú giải một cuốn nhật ký đã ra đời từ hơn tám mươi năm trước?

- Trên con đường tìm hiểu về giao lưu văn hóa giữa người Việt và người nước ngoài, mấy năm nay, tự nhiên bọn tôi bảo nhau phải chú ý tới “đầu ra”, tức là hiện tượng người Việt qua khỏi biên giới nước mình để đối mặt với thế giới rộng lớn. Thể tài cần tập trung chú ý trước tiên là thể ký, bao gồm du ký, bút ký, nhật ký. Năm 2002, cuốn Đi Tàu đi Tây đã được biên soạn. Pháp du hành trình nhật ký tiếp tục cái mạch đó.

* So với những cuốn đã in, nhật ký của Phạm Quỳnh có gì mới?

- Xuất hiện sớm hơn, thứ nhất; dày dặn hơn, thứ hai; và thứ ba; bên trong nó là một nội dung văn hóa: tác phẩm cho thấy một phần đời sống tinh thần của người Việt đương thời.

* Liệu có vì yêu mến tác phẩm mà ông nói quá lên so với mức độ nó vốn có?

- Năm 1932, Phan Khôi từng có một bài viết in trên Phụ nữ tân văn, nói về thể nhật ký trong văn học, sự phát triển rất sớm của nhật ký ở Trung Hoa, Nhật Bản cũng như các nước phương Tây và sự hiếm hoi của nhật ký ở nước ta. Kết luận bài viết, Phan Khôi cho rằng nhật ký là cái thước để đo trình độ văn minh của một dân tộc. Tôi cho rằng nói “một trong những cái thước” có lẽ phải hơn. Qua nhật ký, người ta có thể thấy mức độ trưởng thành của các nhân cách trong một giai đoạn của lịch sử xã hội.

* Ông có thể cho đông đảo độc giả hiểu rõ hơn về nội dung cuốn sách của Phạm Quỳnh?


- Năm 1922, tác giả có dịp đi Pháp. Trải qua hàng tháng lênh đênh trên biển, ông đến Marseille tham gia triển lãm, tiếp đó có ba tháng ở Paris, và ngoài những chuyến tham quan, còn có nhiều buổi tiếp xúc với một số trí thức, cũng như những buổi thuyết trình về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam…Qua Pháp du hành trình nhật ký, người ta nhận ra hình ảnh một người Việt Nam trước khi đi xa đã có những hiểu biết chắc chắn về xứ sở mình sẽ tới, nên có thể đi vào đó một cách đàng hoàng, nhất là con người ấy có lòng tự trọng, muốn giúp những người nước ngoài kia hiểu thêm về đất nước mình và nếu như đối tác có gì chưa hiểu thì kiên nhẫn thuyết phục…

* Cuốn sách có vai trò thế nào đối với sự nghiệp tác giả?


- Phạm Quỳnh thường chỉ được biết tới như một ngòi bút biên khảo. Luận giải văn học và triết học, cái tên của cuốn sách tập hợp các bài viết của ông được in ra gần đây, đã nói lên điều đó. Nhưng ông còn là một nhà văn. Theo Thanh Lãng, tác giả Bảng lược đồ của văn học Việt Nam hiện đại, “người ta có thể từ chối giá trị nghệ thuật của các bài biên khảo của Phạm Quỳnh chứ ai mà có thể từ chối giá trị nghệ thuật của các bài tùy bút của ông (…) có đọc các tập hồi ký mới thấy Phạm Quỳnh không phải là xa chúng ta lắm, xa dân tộc, xa quê hương đất nước như người ta tưởng” (trích theo tạp chí Văn Học, in ở Sài Gòn, tháng 4/1963). Pháp du hành trình nhật ký là một minh chứng cho điều Thanh Lãng viết

* Ông đã bắt tay vào việc chú giải cuốn sách như thế nào?

- Lâu nay, sách tái bản thường chỉ cố in ra như nguyên văn đã có, trong khi đó, theo tôi, sau những biến thiên của hoàn cảnh, người đọc có nhiều điểm khó tiếp thụ, nhất là phần ngôn ngữ, nên nhất thiết các nhà chuyên môn phải phân công nhau vào cuộc. Công việc quá khó, tôi tự thấy chưa làm được bao nhiêu, chẳng qua đọc đến chữ nào thấy không hiểu thì giở từ điển tra lại và ghi ra để đỡ công cho bạn đọc. Tuy nhiên, cũng nhờ vào việc chú giải này mà tôi có dịp học hỏi thêm về tiếng Việt.

* Ông kỳ vọng gì ở cuốn sách?

- Chung quanh ý niệm di sản văn học, nhiều người chỉ đơn thuần nghĩ tới phần văn chương Hán Nôm từ thế kỷ 10 tới thế kỷ 19, trong khi đó theo tôi, phần văn chương quốc ngữ đầu thế kỷ 20 cũng là một bộ phận có ý nghĩa tích cực, bởi nó có nhiều liên hệ trực tiếp tới sự phát triển của văn chương hôm nay. Trước khi có được Thơ mới hay Tiểu thuyết tiền chiến – vốn là những giá trị chín đẹp bậc nhất trong lịch sử văn học dân tộc – văn học đã trải qua một giai đoạn mò mẫm tìm đường, nhưng chính bởi vậy, nó lại có sức hấp dẫn riêng . Chúng tôi muốn, một lần nữa, đánh động dư luận theo hướng đó.

* Liệu các ông còn cho làm những cuốn tương tự?

- Chúng ta đều biết nay là lúc giới xuất bản đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Bên cạnh việc làm sách dịch theo đúng những chuẩn mực cần có, nên tính chuyện quay trở lại “thâm canh” vào văn học trong nước, kể cả khu vực đầu nguồn của văn học Việt Nam hiện đại mà bấy lâu bị “bỏ hoang”. Có thể mới làm sẽ gặp nhiều khó khăn, không chỉ bạn đọc nhìn loại sách này đã ngại mà ngay cả giới biên khảo và nghiên cứu văn học cũng đánh bài lảng bởi việc quá xương xẩu, nói chung cầu dễ đã là một nếp quen trong cách sống của nhiều người chúng ta. Song nếu tận mắt nhìn thấy nhiều cuốn sách in ra từ tám mươi năm, chín mươi năm trước- những chứng tích của lịch sử dân tộc trên con đường hiện đại hóa, nay do không được bảo quản một cách khoa học, đã gần đến lúc tàn lụi, chúng ta mới thấy xót xa, và chỉ có thể nhủ thầm là phải bảo nhau mỗi người một tay, cứu lấy kho di sản đó càng nhanh càng tốt.

Ngô Phan (thực hiên)

báo Thể thao và Văn hóa ra ngày 18/1/2005

Phần viết thêm cho bản in trên Talawas

Khi cuốn sách này đã được in ra ở Hà Nội thì người chú giải có tìm thêm được một tài liệu do Thanh Lãng viết trên Tạp chí Văn Học ra ở Sài Gòn số tháng 4/1963, có liên quan đến Pháp du hành trình nhật ký. Mặc dù đã chủ bụng không đi vào tìm hiểu và đánh giá tác phẩm, mà chỉ chú giải, song được một đoạn văn quý, chúng tôi xin được phá lệ mà chép ra sau đây để bạn đọc cùng biết:

“ Người ta có thể từ chối giá trị nghệ thuật của các bài biên khảo của ông chứ ai mà có thể từ chối giá trị nghệ thuật của các bài tùy bút trong đó Phạm Quỳnh đã để chan chứa những tình cảm say sưa. Phương chi các thiên hồi ký của ông như Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ, Ba tháng ở Paris (tức bản tóm tắt của Pháp du hành trình nhật ký – VTN chú), thì ta phải nhận là những tập hồi ký giá trị, giá tị vì những nhận xét tỉ mỉ, những nét tả linh động, nhất là ở tình cảm say sưa của một nghệ sĩ chảy tràn lan trên giấy. Phạm Quỳnh, là một nhà thơ viết văn xuôi. Có đọc các tập hồi ký ấy ta mới thấy Phạm Quỳnh không phải là xa chúng ta lắm, xa dân tộc, xa quê hương đất nước như chúng ta tưởng…”

tham khảo:PHAM QUỲNH
đọc thêm:Pham Ton’s Blog







Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn