VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Sự thô bạo đang chi phối nhiều mặt đời sống

Các nhân vật của Thạch Lam (1910-1942) có nét chung là có cách ứng xử rất tinh tế. Truyện ngắn Tối ba mươi kể về đêm tất niên của mấy cô điếm. Sống trong cái nghề mà thiên hạ cho là rạc dài ấy, hai cô gái trẻ vẫn giữ cho mình lòng tự trọng và một cốt cách riêng. Đón giao thừa nơi nhà săm, Huệ và Liên không quên lo tổ chức một bàn cúng gia tiên đơn giản. Gần tới giao thừa thì người bồi săm lên từ biệt. Tác giả chỉ viết là sau câu chúc tết, “người bồi ấp úng không nói gì thêm. Liên vội đỡ lời, cám ơn rồi đóng cửa buồng lại”. Cái chữ đáng lưu ý ở đây là chữ vội. Tưởng là thô lỗ, cục cằn, song ngược lại. Trong cái sự vội ấy, nhân vật Liên bộc lộ một cách ứng xử nhạy cảm và lịch lãm. Nàng không muốn làm phiền người khác, càng không muốn người đối thoại với mình trở nên lúng túng bẽ bàng. Từ Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Nhà mẹ Lê, Cô hàng xén… tóm lại là từ tất cả những gì Thạch Lam đã viết ra, tôi muốn đi tới một khái quát: ông là nhà văn của những giá trị tốt đẹp một thời. Ông kịp ghi lại vẻ đẹp đó ở cái dạng chín tới của nó. Bởi ông cảm thấy nó đang phôi phai đi theo thời gian. Ông tiên cảm rồi sẽ có một sự tàn phai và bằng tác phẩm của mình, ghi lại cho chúng ta biết những gì ta sẽ đánh mất. Nói vậy bởi dù đã cố nghĩ khác, tôi vẫn bị ám ảnh bởi cái ý tưởng rằng con người hôm nay sao mà xa lạ với những gì cố hữu trong tâm lý người xưa. Tức là chúng ta đang sống rất lạ. So với các thế hệ trước có nhiều thứ mới. Giàu hơn. Sang hơn. Lắm tiện nghi hiện đại hơn. Có hiểu biết hơn, và xét ở bằng cấp thì hình như có trình độ hơn… Ấy thế nhưng không phải vì thế mà con người trở nên cao quý hơn. Ngược lại một sự tầm thường đang chi phối. Tầm thường với nghĩa “quý hồ đa bất quý hồ tinh”, tạp nham, hỗn độn, trong đó thấy rõ nhất là thô thiển, dung tục, thiếu tinh tế. Dư luận vào những ngày cuối 2007 này đang bàn nhiều về một vài ứng xử thô bạo trong đời sống. Tuy nhiên, theo tôi hiểu, đây mới chỉ là phần nổi cộm của tình hình, hoặc như người ta hay nói, phần nổi lên của tảng băng trôi. Chứ trong thực tế nó- cái sự thô bạo ấy - còn muôn vàn biểu hiện khác. Cái thô bạo đang bành trướng sinh sôi nảy nở lan tràn và trở thành một bộ phận của cuộc sống. Hãy kể một việc như trong đi lại. Tôi nhớ một người nước ngoài đến Việt Nam đã nhận xét cách đi xe máy của dân mình, nhất là dân Hà Nội, mang nhiều tính cách bạo lực, nghĩa là luôn luôn trong tư thế muốn chèn ép nhau, đối đầu với nhau, ai liều lĩnh chịu chơi hơn thì thắng. Nhớ có lần đi trên đường phố Quế Lâm hoặc Hàng Châu. Xe máy của họ đã ít, song phần lớn đã chuyển từ chạy xăng sang chạy điện, xe đến gần mà tiếng vẫn êm như ru. Chợt nhớ cách gầm rú của xe nước mình, thấy cả một cách biệt về tâm lý. Hoặc như trong việc sử dụng ngôn ngữ. Nay là lúc chúng ta thường nói với nhau rất to. Sự ồn ào to tiếng không chỉ có ở ngoài đường mà lan vào trong những căn nhà đầy tiện nghi. Loa nhà nào cũng mở oang oang át đi những câu chuyện của khách với chủ. Con cái nói với bố mẹ như cãi nhau... Xét từ tâm lý sâu xa, sự tinh tế hay thô bạo liên quan đến triết lý sống, sự nghiêm chỉnh, bình tĩnh làm người và một lòng tự tin cần thiết. Từ tốn tinh tế nghĩa là làm chủ bản thân, biết mình biết người và đã tự rèn cho mình thói quen tôn trọng người khác. Một cái gì mà người xưa vốn gọi là cận nhân tình và đằng sau đó là một lý tưởng sống cao quý. Những cái đó nay ở người già thì mất đi và lớp trẻ thì ít bạn có ý niệm đầy đủ. Lấy cớ là phải thích ứng với nhịp điệu sôi nổi mải miết của đời sống hiện đại, nhiều người biến thành thô bạo cục cằn lúc nào không biết. Ta thường sống ồn, sống liều, sống gấp hơn là thực chất vốn cần như thế. Thô bạo đã tạo nên một thứ khí hậu trong mối quan hệ bình thường. Sống với nó lâu ngày quen đi, ta tưởng ta vô can với một vài biểu hiện nổi cộm được nêu trên báo chí. Trong khi ấy lẽ ra đây chính là những dịp ta soi lại mình và cảm thấy thói xấu kia cũng tiềm ẩn trong mình. Và ta cảm thấy có lỗi, lỗi với bản thân, lỗi với chung quanh, lỗi với thế hệ trẻ. 17/12/2007 .nguoidaibieu

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn