VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Cái tết của những nhà đại văn hào

(Hình ảnh một lớp người cầm bút tiền chiến qua truyện ngắn Cái tết của những nhà đại văn hào của Nguyễn Công Hoan) Đầu năm Canh Thìn (tức đầu 1940), Nguyễn Công Hoan đã viết truyện ngắn Cái tết của những nhà đại văn hào này cho một số báo Tết. Cũng như những Một tin buồn, Báo hiếu trả nghĩa mẹ, Thế là mợ nó đi Tây - cái tên đặt cho thiên truyện có ý nghĩa mỉa mai. Thực chất, nó kể lại một cái tết nhếch nhác thảm hại của mấy người làm nghề cầm bút trước 1945 Mở đầu thiên truyện là nỗi hí hửng của thi sĩ Vũ. Đang lo không biết sống sao cho qua mấy ngày tết, anh chợt nghĩ ra một lối thoát: đến ăn chực ở nhà cây bút tiểu thuyết Lê. Nhưng Lê cũng đang trong cảnh túng quẫn. Cả hai bèn nghĩ ra mẹo là rủ nhau nhảy dù đến nhà kịch sĩ Trần. Anh này cũng đang đói nốt, nên nhập ngay với Lê, Vũ, thành một bọn giong tàu điện về ám nhà Nguyễn. Song nhà Nguyễn cũng không khá gì hơn, vợ Nguyễn đi xoay món nợ khẩn chưa về. Đã tới bước đường cùng cả bọn không còn biết đi đâu thành ở đấy báo vạ. Cho đến sáng mùng một, “cả nước Nam, mà có lẽ cả nước Tàu nữa, nghĩa là một góc địa cầu, đang vui vẻ ăn Tết” thì bốn anh em vẫn “ nằm khàn, đắp chăn xù xù, chưa thèm dậy”. Họ chỉ có cách “ăn tết bằng những giấc ngủ ngon lành và nói những chuyện văn chương” cho hết thì giờ. Từ thiên truyện, cái ý nghĩa đập vào mắt mọi người đã quá rõ. Khi người trí thức kiếm chưa đủ sống, thì không ai có quyền đòi hỏi ở họ lòng tự trọng, chí tiến thủ, nỗi lo đời - cùng là đủ thứ phẩm hạnh cao quý khác. Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà nghèo - cái nghèo đã thành gia truyền trong các gia đình trí thức, từ thời Nguyễn Công Trứ (Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no” ) đến thế hệ Tản Đà, Nguyễn Công Hoan vẫn còn nguyên vai trò của nó. Nó là nguồn gốc của bao nhiêu chán chường oán giận thất vọng cay đắng từng đến trong lòng mỗi người. Hơn thế nữa, khôn ngoan đến cửa quan mới biết - giàu có đến ba mươi tết mới hay, cảnh tết “ngủ trừ bữa” của những Vũ, Lê, Trần... ở đây còn làm bộc lộ mấy căn bệnh độc ác đang hoành hành trong giới cầm bút bấy giờ. Một là tâm lý A.Q, tự mình lừa mình. Trong cảnh khốn quẫn, họ tự an ủi “nghề của mình là nghề cao thượng nhất vì nó thật thà nhất... Mình không như những đứa làm bất cứ nghề gì khác ở xã hội này. Ở xã hội này, họ không cần giỏi nghề bằng giỏi khen rắm quan thơm và giỏi nói dối với nói phét”. Nghiêm khắc mà xét, phải nói đó là những ý tưởng hàm hồ: chính trong nghề văn không thiếu những kẻ dối trá, nịnh nọt, làm đủ việc độc ác để tiến thân, khiến người ngoài nghề không thể tưởng tượng nổi là có lúc họ đã viết nên bài thơ này cuốn tiểu thuyết nọ. Nhưng thôi, cứ tạm cho qua. Lúc nghe thi sĩ Vũ bảo: “cái nghèo của nhà văn là cái nghèo thanh cao, cái nghèo đáng trọng, cái nghèo phải ghi vào lịch sử văn học của thế giới”, người ta mới thấy họ đã đi tới cùng của lối tự mê hoặc, tự tạo ra những ảo tưởng hão huyền. Giá Vũ, Lê,Trần là những nhân vật có thực và đến nay còn sống, chắc họ sẽ thấy chả có thứ lịch sử văn học thế giới nào rỗi hơi nhắc tới những cuốn sách nhảm nhí cùng là ghi lại cảnh nghèo túng quẫn bách của họ cả. Hai là, do đã bị cuộc sống hành cho khốn đốn quá lâu, ở những Vũ, Lê, Trần, Nguyễn này dần dần nảy sinh ra tâm lý cố thây trắng trợn mà họ không tự biết. Đây chính là lời Vũ bàn trên đường “hành quân” đến nhà Nguyễn: - Được đến đâu hay đến đó. Chúng mình đi đâu mà chết đói được. Nó không có nhà đã có anh em nó tiếp chúng ta. Và nếu không gặp ai, chúng mình cứ vào bừa một nhà nào đó, chẳng lẽ người ta nỡ hất hủi ba nhà đại văn hào à? Còn đây là lời Nguyễn nói với các bạn. - Tao tưởng chúng bay đến chơi với tao thì tao mới tiếp. Chứ chúng bay đến chơi với cái bánh chưng nhà tao, thì tao tống cổ bây giờ. Cái giọng rất phũ ấy, một nhà văn - nếu thật sự là một trí thức - không có quyền nói, dù là nói đùa; ở đây, nhân vật không hoàn toàn đùa, đây là nửa đùa nửa thật! Lại nữa, một câu tuyên ngôn của cả bọn: “Chúng ta là những đại văn hào chúng ta không cần gì hết”. Câu nói thoạt nghe vô thưởng vô phạt, nhưng ngẫm cho kỹ, thấy không được. Tư tưởng của các nhân vật lúc này đã đi gần tới sự hư vô, với họ chúa đã chết không còn gì là linh thiêng phải giữ gìn nữa. Từ thằng ăn cắp, anh lính gác đến các viên công chức quèn rồi các điền chủ phất lên thành hàn nọ, nghị kia, các quan phủ, quan huyện... nhân vật của Nguyễn Công Hoan thường có một số nét chung: trắng trợn, bất cần, đạp lên đạo lý mà sống ... tóm lại những cách nghĩ của bọn lưu manh. Lúc đầu, nhân danh cái nghèo, họ cho phép mình làm đủ thứ xấu xa, miễn sao sống sót. Về sau đã có danh có lợi rồi, thói quen suy nghĩ của bọn du thủ du thực trộm cắp lừa đảo vẫn còn nguyên trong họ. Với Cái tết của những nhà đại văn hào, người đọc lại bắt gặp chất lưu manh ấy trong lớp người làm nghề thoạt nghe rất sang trọng là nghề cầm bút. Thật rõ - nhân vật nào nhà văn ấy. Trong khi mang dấu ấn riêng của Nguyễn Công Hoan, thiên truyện đồng thời phác ra một cách chân thực hình ảnh một lớp trí thức quặt quẹo được hình thành trong xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ này với những căn bệnh vô phương cứu chữa của họ. Trích từ Chuyện cũ văn chương NXB Văn học,H.2001

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn