VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tình yêu một thuở

Giả sử vào những ngày này nghe đồn là có một người con trai nào đó yêu một người con gái nào đó, song lại cứ nằng nặc đòi cô kia phải đan cho mình một chiếc áo len, như một thứ của làm tin, xem áo như dấu hiệu của một tình yêu, của sự chung thuỷ - hẳn nhiên nhiều bạn trẻ sẽ ... chết sặc vì cười. Sang thời buổi của xe Dream, của các quán Karaoke, cách tỏ tình của thanh niên hiện nay hiện đại hơn, do đó chắc chắn giản tiện hơn, khong rườm rà thủ tục như ngày nào. Nhưng có điều là dù thay đổi đến mấy thì bây giờ người ta vẫn phải yêu và có lúc không cách nào khác, vẫn mượn những trang thơ để bày tỏ nỗi lòng. Bởi vậy mới có hiện tượng cùng với thơ tình Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, những bài thơ của Nguyễn Bính viết từ nửa thế kỷ trước - trong đó, ở nhiều bài thấy lặp đi lặp lại lời than thở rằng người yêu bỏ mình rồi, mùa rét tới không ai đan cho mình một chiếc áo len nữa, vẫn đang được ưa chuộng trên thị trường sách báo và các độc giả trẻ tuổi rất thông minh hiện thời vẫn biết đọc qua những vần thơ đó cái phần con người ngày nay mới có. Đọc tiểu sử Nguyễn Bính, người ta vẫn biết rằng trước khi lên thành phố vương vấn với các “cô gái ở lầu hoa” ở những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ này, thì ông đã sống những năm đẹp nhất của tuổi trẻ ở một làng quê Nam Định. Bởi vậy, trước khi nói chuyện “đan áo len” thơ ông còn hay nhắc tới chuyện các cô gái trồng dâu, dệt lụa, may áo tặng các chàng, và một vẻ quê quê thường xuyên hiện lên như một sắc thái riêng, làm nên cái duyên dáng riêng của thơ tình Nguyễn Bính. Hãy thử nhớ lại xem khi nào thì con người ở đây yêu nhau: cùng học ở một trường huyện, hoặc sống ở hai thôn nhưng thực ra là một làng; có khi gần hơn, hai nhà chỉ cách nhau một giậu mùng tơi nho nhỏ, và thuở bé hai trẻ vẫn đùa chơi với nhau. Thật là những nguyên cớ rất hồn hậu! Rồi cái đích mà tình yêu đi tới cũng hồn hậu không kém. Lặp đi lặp lại trong nhiều bài thơ là cái công thức về một gia đình lý tưởng: vợ chăn tằm dệt vải, chồng miệt mài đèn sách để chờ ngày thi cử. Về mặt này mà xét, thơ tình Nguyễn Bính ngoài công cuộc Âu hoá đương thời, và không cần so sánh với Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử mà ngay với Lưu Trọng Lư thì những bài thơ in trong Lỡ bước sang ngang, Mây Tần, Mười hai bến nước... vẫn có gì đó dân dã hơn, nguyên chất nông thôn và xa lạ với văn minh thị thành hơn. Vả chăng, bấy nhiêu chuyện có lẻ vẫn chỉ là phong cách biểu hiện bên ngoài. Đằng sau cái vẻ vừa quê mùa, vừa cổ kính, thơ tình Nguyễn Bính nhiều khi đạt tới các mức gần như trùng khít với tâm tình con người đương đại. Ví dụ, dù là ở nông thôn hay thành thị, dù là người của các thế kỷ trước, hay của thời đại văn minh này, thì khi đã yêu, cũng không ai tỉnh như sáo mãi được. Ngược lại, luôn luôn trong con người ta có những phút vẩn vơ không đâu vào đâu. Những lúc ấy, tôi nghĩ, trong tâm trí người thanh niên hiện nay dễ dàng vang hưởng những câu thơ trong bài Tương Tư. Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông - Một người chín nhớ mười mong một người - Nắng mưa là bệnh của trời - Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng, hoặc bài Nhớ: Ví chăng, nhớ có như tơ nhỉ - Em thử quay xem được mấy vòng - Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ - Em thử nào xem được mấy thưng. Lại ví như khi yêu bao giờ người ta cũng thiên vị tức cũng có xu hướng dành cho người yêu của mình những lời lẽ tốt đẹp nhất. Thành thử, những câu thơ sau đây, mà Nguyễn Bính dùng để tả người con gái, tưởng cũ bao nhiêu, mà vẫn cứ luôn luôn là mới: Một đi làm nhớ hoa sen Một cười làm rụng hàng nghìn hoa mai Hương thơm như thể hoa nhài Những môi tô đậm làm phai hoa đào Nõn nà như thể hoa cau Thân hình yểu điệu ra màu hoa lan. Hoá ra, trong văn chương thơ phú, những chi tiết đã quan trọng, song cái chính vẫn là hồn cốt của tình cảm con người; khi đã có sự thông cảm rồi, thì mọi xa cách không còn gì đáng quan ngại nữa. Trên một số tạp chí Pháp, các nhà nghiên cứu vừa đưa ra một vài con số thống kê về tình yêu. Điều thú vị khi tìm hiểu những con số thống kê này, người ta nhận ra rằng ngay ở phương Tây hiện đại, tình yêu vẫn không mất đi hẳn những sắc thái cổ điển của nó. Vẫn còn ít ra là 1% không bao giờ biết đến tình yêu, và nếu chỉ giới hạn ở lứa tuổi 15-19 thôi thì vẫn còn 5% thú nhận rằng mình hoàn toàn trinh trắng (tài liệu của báo Phụ nữ TP. HCM). Nhắc lại những chuyện này ở đây để thấy số phận kỳ lạ của tình yêu nói chung và thơ tình nói riêng. Để cho công bằng, phải nhận là tình yêu được miêu tả trong thơ Nguyễn Bính có chút gì đó hơi cổ. Nó thiêng liêng quá. Nó cao sang. Nó thuần hậu. Nó luôn luôn giả định một sự chân thành làm tiền đề; chẳng những thế, nó luôn luôn nhằm tới cái đích là sự chung sống trong một gia đình. So với thực tế tình yêu của con người ở những năm cuối của thế kỷ XX, rõ ràng có những khía cạnh nó đã bị vượt qua. Thế thì tại sao thứ thơ ấy vẫn được phổ biến rộng rãi, một sự phổ biến, theo chúng tôi quan sát là chỉ đứng sau Truyện Kiều và các truyện nôm như Nhị Độ Mai, Hoa Tiên ngày xưa? Tôi nghĩ rằng ở đây không gì khác, chỉ chứng tỏ loại đã có mặt. Luôn gắn bó với thời gian, nhưng tình yêu cũng là cái gì muôn đời muôn thuở vẫn vậy. Và nhiều khi càng từng trải, càng chai sạn, người ta càng muốn sống lại sự thành thực sự thiêng liêng hồi nào. Văn chương không phải chỉ có việc gợi lại những gì con người đang có, mà còn là viễn tưởng, là hình bóng của cái gì con người ước ao nhưng lại không có, hoặc từng có nhưng đã đánh mất.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn