Nhiều năm làm nghề phê bình văn học, song mấy năm nay, mỗi lần cầm trên tay một sáng tác, dù văn hay thơ, tôi đều rất ngại. Đọc vào cứ thấy tức tức. Hoặc đây không phải văn chương, hoặc cảm quan văn học mình bị hỏng. Để giải tỏa mối nghi ngờ bản thân, tôi quay lại đọc văn chương quá khứ, đại khái như Nửa chừng xuân, Gió đầu mùa, Chí Phèo, hoặc Tiếng thu, Lửa thiêng. Thì vẫn thấy mình bị hấp dẫn, nghĩa là mình không có lỗi... Đành buông hẳn sáng tác đương thời, mà đặt toàn bộ công sức vào việc quay trở lại với văn chương cũ.
Tưởng đó chỉ là chuyện riêng của mình, hóa ra có nhiều người trong nhiều lĩnh vực khác cũng đang nghĩ vậy.
Báo chí đưa tin loại sách cổ điển đang trở lại với người ta. Trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế, châu Âu đang đọc lại Mác. Cũng như ở Trung Quốc, người ta đọc lại các nhà triết học thời Bách gia chư tử.
Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Trên nét lớn có thể ngờ rằng nay là lúc nhiều người đang bối rối trước đời sống trước mắt, và không tìm ra cách cắt nghĩa các hiện tượng đang xảy ra, nên đành tìm cách khác, hoặc đi đường vòng hoặc lùi xa hơn, chứ không quá chăm chú vào các sự việc trước mắt. Ta đặt mình vào vị thế người xưa. Thấy xã hội xưa nay vẫn vậy, kiếp người xưa nay vẫn vậy, ta yên lòng mà sống... Lấy ví dụ như trường hợp cuốn Luận ngữ của Khổng Tử. Bên cạnh nguyên văn, sách được các nhà khoa học Trung Hoa lục địa chú giải và "dịch" ra ngôn ngữ hiện đại. Hàng chục triệu bản loại này đã được in ra trong mươi năm gần đây.
Lại còn loại sách mà ở Việt Nam mình hay gọi là "ăn theo", thật ra là sách giải thích các bộ kinh điển nói trên. Vu Đan với Luận ngữ tâm đắc là một kỳ tích của giới nghiên cứu và xuất bản truyền thông Trung Quốc. Bản in cuốn sách này mà tôi đang có trong tay ghi rõ là đến tháng 7-2008 đã in tới 31 lần, tổng cộng 4,75 triệu bản (có tin là sách in lậu cũng phải dăm triệu nữa, tổng cộng lên tới cả chục triệu bản).
Sự vồ vập này được cắt nghĩa từ nhiều góc độ. Có người nói Trung Quốc đang phương Tây hóa quá đậm, phải lo bảo nhau quay về cội nguồn. Đằng sau sự huy hoàng của phát triển là những băng hoại đến từ cuộc va chạm giữa hai nền văn minh. "Một quốc gia đã quen với việc coi các giá trị đạo đức đứng trên tất cả bỗng nhiên thấy mình lâm vào tình trạng phi chuẩn mực. Điều này tạo nên những lo âu không thể tháo gỡ" - "Sự sụp đổ các giá trị và làn sóng đổ xô vào làm giàu với tiền là thước đo thành công duy nhất đã khiến cho nhiều người cảm thấy hoang mang và mất mát... Có rất nhiều tâm hồn bị thương tổn. Người ta phải tìm kiếm điều gì đó để tin và bám lấy". "Luận ngữ dành để dạy chúng ta cách làm thế nào để đạt được hạnh phúc tinh thần, điều chỉnh những thói thường và tìm ra vị trí của mình trong xã hội hiện đại".
Trong phạm vi một bài báo nhỏ, tôi chỉ tạm giới hạn mấy lời giới thiệu như vậy, dưới đây mạn phép trình bày một khía cạnh thu hoạch riêng.
Khổng Tử thường được hậu thế xem như một người đưa ra những lề luật mà người ta phải theo trong phép xử thế. Khi những lề luật này được đẩy lên thành những ràng buộc nghiệt ngã thì ông trở nên một đối tượng khiến nhiều người căm ghét. Song, đọc Luận ngữ, tôi lại cảm thấy ông là một người rất biết điều, do đó rất dễ gần. Làm nền cho những đề nghị đôi khi quá phiền phức là một nhận thức sâu sắc về con người, nhất là những chỗ yếu, cái phần bản năng tự nhiên, cái phần bùn lầy ngầu đục tự phát hầu như ai cũng có. Thuyết tính thiện về sau mới được Mạnh Tử đưa lên thành nguyên lý. Con người ở Khổng Tử đa dạng hơn nhiều. Mọi cơ hội dường như đều được mở ra. Một khi tiềm năng hư hỏng đã chực sẵn, mọi rối loạn xã hội và những chấn thương trong lòng người là chuyện khó tránh nổi.
Ta biết rằng cùng với Luận ngữ có một cặp khái niệm đã hình thành, đó là quân tử và tiểu nhân. Đây là cặp phạm trù bị người đời đả phá kịch liệt, bởi cho là khi nhấn mạnh sự phân biệt đó, cụ Khổng đã mở đường cho giai cấp thống trị áp bức nhân dân. Nhưng có thể có cách hiểu khác - đây chỉ là những giả định để nhà nghiên cứu này hình dung về các đối tượng. Tiểu nhân là gì? Là cái dạng thức tự phát tự nhiên về con người mà ở trên vừa nói. Còn quân tử, đó là cái đích mà con người phải tới, phải phấn đấu để trở thành. Và như vậy trong khi hướng tới quân tử thì những con người tiểu nhân kia lại không xa lạ với chúng ta, muốn tự hiểu mình ta hãy chăm chú nhìn vào hình ảnh tiểu nhân mà cụ Khổng miêu tả. Đó là những kẻ liều lĩnh cuồng bạo lấy cớ nghèo đói để tự cho phép mình tha hồ làm bậy. Đó là những kẻ quá tự tin, không bao giờ nghĩ là mình có thể có lỗi, đứng trước việc lớn việc nhỏ, không bao giờ băn khoăn xem mình làm thế nào thì đúng, thế nào thì sai, mà chỉ nhắm mắt lao tới. Chẳng phải là những mẫu người phổ biến quanh ta đó sao? Trong tâm lý học hiện đại, Gustave le Bon (1841- 1931) nổi lên như một người biết gọi ra chân dung tinh thần của các đám đông: nặng về bản năng, dễ bị kích động và bị sai khiến. Về phần mình, Khổng Tử bảo: Quần cư chung nhật - ngôn bất cập nghĩa - hiếu hành tiểu tuệ - nan hĩ tai (tạm dịch: Túm tụm với nhau suốt ngày, không bàn về đạo lý, toàn tính toán theo lối khôn vặt, thực là khó dùng). Hoặc: Cuồng nhi bất trực - đồng nhi bất nguyện - không không nhi bất tín - ngô bất tri chi hĩ (tạm dịch: Kẻ cuồng vọng mà không ngay thẳng, dốt nát mà không trung hậu, có vẻ thực thà mà không thủ tín, ta chẳng biết hạng người đó ra sao). Những câu loại này nhiều lắm, cần hẳn một chuyên đề nghiên cứu.
Lâu nay tôi vẫn tự nhủ hãy hiểu con người hôm nay ra sao đã, sau đó mới bàn cái đích phải hướng tới. Không dè cách nghĩ này đã sẵn trong Khổng Tử. Muốn nghiền ngẫm lại Luận ngữ là vì vậy.
Thứ Sáu, 30/1/2009 saigon time olline