VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nếp sống tai hại

Về thăm Bát Tràng, cảm giác đọng lại trong tôi cũng như ở nhiều người khác, là một cái gì chua xót cho kiếp người. ở đây chỗ nào cũng thấy khói than bụi bặm. Cả làng là một xưởng sản xuất lớn. Đồ gốm khắp nơi, thứ đang ở dạng sơ chế, thứ xếp trong lò, thứ nằm ngổn ngang chờ xuất đi bán lẻ, và có cả những thứ bóng lọng trong tủ kính. Hàng hoá nhiều quá, hàng hoá lấn át cả những sinh linh đã làm ra nó. Ngập lụt giữa hàng hoá do mình làm ra, con người dường như không còn đứng cao hơn sản phẩm, không còn là chủ nhân công của mảnh đất này nữa. Mà con người chỉ còn là một chi tiết nhỏ nhoi trong cả guồng máy sản xuất to lớn. Mới đây đọc báo Nông thôn Ngày nay lại thấy nói tới một vùng sinh thái báo động: đó là chuyện ở Văn Thai, Cẩm Vân, Cẩm Giàng, Hải Dương. Dân nơi đây chỉ sống bằng nghề mổ thuê trâu bò. Góc sân bất cứ nhà nào cũng có thể biến thành lò sát sinh. Những thứ thải loại từ các cuộc mổ xẻ thủ công đó hàng ngày tự do tuôn ra đường xá, cống rãnh. Nhiều cái ao biến thành bể ngâm, xương vừa xẻ ra, vứt luôn xuống đấy chờ dòi bọ rỉa nốt những nhánh thịt dính bện mới vớt lên mang bán. Giá kể ngày xưa, thì chuyện ở Bát Tràng, Văn Thai đã trở thành những ví dụ tố, minh hoạ cho bài học về tình yêu lao động và tinh thần chịu đựng gian khổ của dân ta. Nhưng giờ đây người ta buộc phải nghĩ thêm: thói quen là một cái gì đáng sợ. Và khi một thói quen lại gắn bó với công cuộc kiếm sống vốn rất thiêng iêng , thì nó lại càng đáng sợ hơn! Dù biết rằng có hại cho cuộc sống, người ta cũng không dễ thay đổi. Ai mà biết được còn biết bao nhiêu nếp sống quen thuộc mà tai hại như vậy đang tồn đọng ở các làng quê?!

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn