Thuở nhỏ, thằng cháu tôi tên H vốn thích theo các bác các chú về quê, và nay đã ngoài 20, nó vẫn thường được bố mẹ uỷ quyền khi có mặt ở đám giỗ này, khi mừng đám cưới nọ. Thì sẵn xe máy, chỉ vèo một cái, độ tiếng đồng hồ là tới. Lần nào ở quê ra, nó cũng kể cho tôi nghe một vài nhận xét về cái quê gốc của tôi, một làng nghề nổi tiếng ở xứ Kinh bắc. Nhưng chưa bao giờ, tôi thấy nó nêu ra một nhận xét kỳ cục, như cái lần mới đây:
- Cậu ạ, hoá ra nhà quê bây giờ nóng hơn cả Hà Nội.
- Mày nói gì lạ?
- Không có gì lạ, thưa cậu! Trưa nóng quá, người mệt rũ, mà không nhắm mắt ngủ được, ra ngồi vỉa hè, cháu mới để ý: Hoá ra bây giờ làng xóm cây cối thưa thớt quá. Có ít cây cũ thì chặt trụi đi, chưa kịp trồng lại. Cứ bảo làng xóm là ở sau luỹ tre xanh, chứ bây giờ nhiều làng có luỹ tre đâu! Trên đê nhìn xuống, chỉ thấy san sát mái ngói với lại mái bằng. Có mấy cái ao, cũng lấp hết cả, lấy đất xây nhà. Có chút gió đồng thổi vào, thì phải lách qua cả đống bê tông, cậu bảo không nóng sao được?
Có thể cái cách đánh giá của thằng cháu tôi “quê nóng hơn cả Hà Nội” có phần không được khách quan. Chẳng qua là ở Hà Nội, nóng quen đi rồi, còn khi về quê, hy vọng có chút gió mát lại không có, nên nó nói quá lên thế. Nhưng đằng sau cái quá đáng ấy, khôg phải không có một chút sự thực. Là trong giai đoạn bung ra làm ăn xây dựng hiện nay, một số làng xóm nông thôn đang mất đi sự hài hoà vốn có. Đặc biệt là cây cối, loại cây lưu niên, không được chú trọng vun trồng. Cấu trúc bền vững của làng xóm xưa bị phá tung ra, cảnh quan mới hình thành luôn luôn ở tình trạng dang dở, chắp vá. Nếu đúng như thế, thì đó chẳng phải chỉ là nỗi đau của người ở làng, mà còn là nỗi buồn của chúng tôi, những kể xa quê song bao giờ cũng nghĩ về quê như một miền đất thanh bình yên ả. Cái nóng ở quê bao giờ cũng khó chịu đựng