VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Một nét mới trong tư duy của lớp trẻ

Một người bạn tôi đặt câu hỏi: “ Với một người hay nghiên cứu về thói hư tật xấu của người Việt như anh thì tình hình hiện nay ra sao ? Dưới mắt anh đâu là những yếu tố mới trong người Việt hiện nay ? Nhìn vào lớp trẻ, có những phẩm chất nào anh cho là mới mẻ và có triển vọng ? “.
Tôi đã đáp lại bằng hai mẩu chuyện dưới đây, liên quan tới hai bạn trẻ, một là do quen biết riêng và một nữa là đọc được trên báo.
Từ mấy năm trước việc Nguyễn Mai Hiền, sau khi học ngoại giao ở MGIMO ( Học viện quan hệ quốc tế ) từ Moskva về nước, -- và đã học thêm cả thạc sĩ nữa, không sao xin được vào sở ngoại vụ thành phố, không có gì là lạ. Song trong quá trình xác định nghề nghiệp của Hiền, có mấy chuyện nho nhỏ lại khiến tôi có phần sửng sốt.
Cái lạ thứ nhất, Hiền bảo sở dĩ bỏ việc ở một cơ quan, chẳng qua là vì khi làm thử, Hiền thấy ở đó mấy chị làm trước chỉ đóng vai đấm lưng sắc thuốc cho các sếp, ngoài ra mới đến điếu đóm, sai vặt trong chuyên môn. Người ta có cho lớp trẻ làm việc đâu ?
Cái lạ thứ hai, câu trả lời của Hiền khi đến xin việc ở một hãng nước ngoài. Trước lời phàn nàn của người chủ rằng tại sao người giúp việc lại giới thiệu với mình toàn đám trẻ con thế này, Hiền trả lời ngay rằng ông không có quyền nói thế, không có trẻ con thì không bao giờ có người lớn như ông ; còn tôi thế nào, rồi ông sẽ biết.
Và trong mấy tháng làm ở đó, Hiền làm giỏi đến mức hết hạn, họ đề nghị nâng lương và ký hợp đồng tiếp. Nhưng Hiền dứt khoát không làm nữa.
Cái lạ thứ ba là định hướng công việc của công ty quảng cáo mà Hiền và các bạn mới lập. Họ hướng hẳn vào các hãng nước ngoài ( bởi sớm tìm được sự tin cậy của họ,chất lượng sản phẩm ngang ngửa với các công ty ngoại, nên không bao giờ thiếu việc ). Khi tôi hỏi tại sao không muốn làm việc với các hãng Việt Nam, Hiền nói rõ một thực tế là người mình khi mời nhau làm thường không thấy có nhu cầu bàn bạc về chất lượng ; mà quá dễ dãi, gần như thế nào cũng được, chưa vào việc đã nhấm nháy chuyện ăn chia vụng trộm.
Trường hợp về Ngô Thị Giáng Uyên sau đây, tôi không quen nhưng có mấy chi tiết trong một bài báo viết về cô tôi cứ nhớ mãi.
Cô học giỏi và tự tin trong giao thiệp. Học xong đã xin được việc ở bên Anh vẫn quyết định về nước mở công ty. Khi thấy thời điểm chưa chín muồi cho việc này, cô đi làm cho một công ty ngoại quốc. Nhưng sắp tới sẽ nghỉ, vì muốn dừng để nhìn lại mình. Một dự án mới vừa hình thành, cô dự định sẽ trở lại Anh để học hỏi và rút kinh nghiệm.
Một vài chi tiết khác trong tiểu sử Giáng Uyên: Số quốc gia mà Uyên đã đi qua bằng với số tuổi của cô ; số cuộc hội nghị trên thế giới mà cô tham dự thì bằng một nửa.
Một vài nét thuộc về tính cách riêng: Khi được hỏi về những phim ưa thích, Uyên nói tới Forrest Gump. Khi nói về món ăn, Uyên bảo tất cả những món ăn do mẹ nấu. Khi hỏi về những gì ghét nhất, Uyên bảo là phim Hàn quốc và xe buýt Sài Gòn.
Cô tự thấy mình khác với một số bạn trẻ Việt Nam: các bạn ấy sớm hài lòng với bản thân còn Uyên thì không. Cô không thích gọi mình là thế hệ 8X hoặc @. Cô nhìn những người đi trước với ý nghĩ rằng nhiều người trong họ cũng rất giỏi, chẳng qua không có điều kiện nên không nổi như lớp trẻ hiện nay. (Theo báo TT&VH, 31-10-2006 )
Thú thực là nhiều nét cá tính của hai bạn trẻ nêu trên tôi thấy khá hấp dẫn nên mới chép ra dài dòng như vậy. Tuy nhiên cái chính mà tôi tìm thấy ở họ là một lối nghĩ mới một cách sống mới.
Họ tự tin năng động, tìm việc khó mà làm, không chạy theo đồng tiền với bất cứ giá nào. Họ khao khát hiểu biết về thế giới và quan niệm mình phải hòa nhập vào đó. Với họ, hòa nhập với thế giới là con đường tốt nhất để phục vụ Tổ quốc. Trong việc hòa nhập này nếu có những suy nghĩ hành động đi ngược với thành kiến chung quanh, họ cũng chấp nhận. Họ tin rằng tương lai, rồi cộng đồng sẽ hiểu.
Do hoàn cảnh những năm chiến tranh, thế hệ chúng tôi (4X, 5X) vào lúc còn trẻ không có điều kiện nhìn xa, chỉ biết luẩn quẩn với những gì quanh mình. Lâu dần rồi đâm ra ngần ngại, đem cái tình trạng khép kín đó làm chuẩn mực của cuộc sống. Nếu như sự hiểu biết thỉnh thoảng có mang lại cho bọn tôi ý niệm về một cuộc sống khác, thì cũng chỉ dừng lại ở ý nghĩ chứ không bao giờ dám sống theo .
Nay thì những Nguyễn Mai Hiền Ngô Thị Giáng Uyên và bao nhiêu bạn khác đã bắt được cái nhịp của thời đại. Với họ ở trong nước hay đi nước ngoài chỉ là do nhu cầu. Toát ra từ suy nghĩ và hành động của họ là một tinh thần tự do, thứ tự do chân chính mà bọn tôi không dựng tạo nổi cho mình. Song chúng tôi ước ao ngày càng có thêm những người như họ. Hàng ngày trong câu chuyện với những người thân trong gia đình, và đám bạn bè gần gũi, tôi thường nêu công thức: đồng thời với ý thức của một người Việt, nay là lúc mỗi người phải nghĩ chúng ta là một thành viên của nhân loại thế kỷ XX và lo sống sao cho xứng với cái sân chơi rộng lớn đó.
Có thể có nhiều bạn trẻ hiện nay gia đình nghèo, không được học hành đến nơi đến chốn, đâu dám nghĩ như như Hiền và Uyên nói trên. Trong trường hợp này, cái công thức cổ điển ” nếu có ý chí, rồi việc gì cũng làm được “ vẫn còn nguyên giá trị . Ở tuổi thanh niên, Nguyễn Tất Thành chấp nhận làm một chân bồi tàu viễn dương để ra nước ngoài học hỏi, từ đó vươn lên trình độ của một trí thức. Xin đặc biệt nhắc lại câu chuyện ai cũng biết này với một số bạn trẻ đang nhận đi lao động ở nước ngoài.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn