VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Khuôn mặt hôm nay tai họa hôm qua?

Dưới sức ép của cạnh tranh, truyền thông quốc tế khi cần tổng kết tình hình ở một nước một khu vực có những sáng kiến khá thú vị. Chẳng hạn thay cho việc nêu lên các sự kiện cần nhớ sau một năm thì họ lại nêu … những sự kiện bị bỏ quên. Chơi trội ư? Có thể. Nhưng đó là cách chơi trội có lợi cho mọi người. Cái chính là người ta muốn lưu ý người đọc rằng đời sống hiện đại có muôn vàn chi tiết muôn vàn bộ mặt, và đóng góp của một cơ chế thông tin chính là nói với người ta những thứ mà người ta cần, nhưng lại không biết mình cần. Học theo cách làm đó, vào những ngày này, khi đài báo ở ta đang tổng kết tình hình trong năm 2007, tôi tự hỏi mình còn có điều gì ta nên lưu ý và muốn cùng mọi người ngẫm nghĩ sâu hơn một chút. Và tôi nhớ tới lũ lụt. Trước tiên ký ức của tôi trở về với sự kiện gần nhất. Lũ chồng lên lũ là cách nói phổ biến đối với đợt lũ lụt miền Trung trong tháng 11-07. Nơi bị tai họa nhiều nhất là vùng từ Trị Thiên Huế cho tới Quảng Nam Quảng Ngãi Bình Định. Chỉ cần theo dõi hình ảnh các vùng này qua tivi và nghe những các nhà báo đang có mặt ở hiện trường truyền về những tin tức mới nhất, người ta cũng đủ biết các địa phương đang oằn mình hứng chịu thiên tai. Rằng nước có lúc vào tới thềm Đại Nội; rằng ở Hội An, nhiều nhà cổ cũng bị nước đe dọa. Lùi về trước nữa, lại còn đợt lũ đầu tháng 10 ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình. Theo một con số thống kê, nếu đợt lũ này thiệt chung tới 2100 tỉ thì riêng vùng ven sông Bưởi mấy huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Gia Viễn, Nho Quan đã lên tới 1500 tỉ. Một bài báo nhỏ trên một mạng điện tử còn ghi hồi đó cả huyện Quế Phong( Nghệ An) có lúc bị cắt đứt mọi giao thông liên lạc. Sau đợt lũ, khói hương rải rác dọc sông Hiếu. Nhớ tới những ngày ấy, là nhớ tới hoạt động của các phóng viên năng động. Các anh các chị đã can đảm có mặt, đi nhanh viết nhanh, truyền về những tin tức nóng hổi. Vào những ngày tất niên này, với mọi cây bút, hẳn còn bao nhiêu nhiệm vụ mới đang chờ . Song tôi vẫn muốn làm phiền các nhà báo tài năng đó bằng mấy đề xuất sau đây. Theo cách hiểu thông thường, những điểm nóng thường chỉ có nghĩa của một thời khắc dăm bảy ngày. Nhưng hãy thành thực mà nói với nhau đi, những vùng chịu tai họa một hai tháng trước vẫn có quyền là những điểm nóng. Đó là sự kiện đáng nhớ của cả năm, hoặc một vài năm. Vậy thì tại sao chúng ta không tiếp tục “ trở lại chiến trường xưa “? Tôi muốn những ngòi bút tâm huyết hôm qua quay trở lại và làm việc kỹ lưỡng hơn ở những nơi chịu thiệt thòi ấy. Tai họa hôm qua đang có khuôn mặt ra sao ? Người dân ở các vùng lũ lụt tháng trước nay đang sống ra sao? Các gia đình làm sao lo cấy lại ruộng, nuôi lại con lợn con gà? Các em nhỏ lấy đâu ra sách để học? Mà trường học sau lũ lụt đã dựng lại như cũ chưa, sau trận lụt cả vùng có bao nhiêu học sinh phải bỏ học vì nhà neo đơn,và không chừng không còn cái gì ăn để tiếp tục theo học?! Trong sự năng động của đất nước, nhiều sự kiện diễn biến khá nhanh và thường sau khi đi qua thì nằm luôn ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Như nhiều vụ án xử mãi không xong. Như vụ sập cầu Cần Thơ đến nay vẫn chưa thấy có kết luận đầy đủ. Thành thử cũng dễ hiểu là những vùng thiên tai trong năm không còn là điểm nóng của tin tức. Nhưng tôi ngờ là độ nghiêm trọng của tình hình thì vẫn giữ nguyên, và chỉ bởi chúng ta ở xa nên chúng ta không cảm thấy hết cái lạnh lẽo của nó. Vậy thì các nhà báo nhà văn nhà nghiên cứu nên thay mặt xã hội trở lại với họ. Rộng hơn câu chuyện phản ánh tin tức của một cây bút thời sự, có lẽ cần nói thêm cả những đòi hỏi ở góc độ điều tra nghiên cứu. Những bạn đọc chúng tôi cần biết sau những vụ vỡ đập, ngành thủy lợi có rút kinh nghiệm gì về công việc của mình ? Liệu có cán bộ tham nhũng nào thấy hối hận vì nỗi mình đã rút ruột công trình khiến cho bao người tan cửa nát nhà ? Các nhà quy hoạch tính toán sao với những quy hoạch sắp tới ? Những ai từng đọc báo chí và văn chương hồi mới chuyển sang viết theo kiểu hiện đại hẳn nhớ Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn. Truyện kể về một viên quan đi đốc thúc dân quê hộ đê đã vô trách nhiệm thế nào. Chủ đề này sau còn được Nguyễn Công Hoan Ngô Tất Tố nhắc lại. Vũ Trọng Phụng có tiểu thuyết Vỡ đê. Qua các tác phẩm này, bọn tôi hình dung là với quan chức thời xưa, chuyện đê điều có ý nghĩa quyết định đến con đường hoạn lộ. Nếu ông để vỡ đê trong cái hạt mà ông trị nhậm thì xin nghĩ tới truyện nộp triện cho cấp trên ngay tắp lự, chứ không chờ cứu xét gì cả. Ngày nay dù cách làm của ta có khác, nhưng chẳng nhẽ các cơ quan công quyền không có lúc quay trở lại bàn về nguyên nhân xét và trách nhiệm từng người sau vỡ đê. Sẽ có ai giúp cho chúng tôi hiểu thêm về phản ứng loại này của bộ máy các địa phương, nếu không phải là các nhà báo ? 31/12/2007người đại biểu nhân dân
Mới hơn Cũ hơn