VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

"Tôi muốn là liều thuốc kháng sinh!"

- Vài năm nay, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn tiến hành công việc khá đặc biệt là sưu tầm, tuyển chọn và thể hiện những bài viết về "Thói hư tật xấu của người Việt". Đây là ý định đã có người theo đuổi nhưng sớm phải từ bỏ, đứt gánh giữa đường hoặc có người khác đang "ẩn mình" thực hiện.
Những gì nhà phê bình Vương Trí Nhàn đang làm và công bố rộng rãi gây nên nhiều ý kiến trái chiều: người đồng tình ủng hộ, kẻ phản đối gay gắt. Cuộc trao đổi thẳng thắn của với ông Vương Trí Nhàn sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về công việc này, từ đó đưa ra nhận định của riêng mình.

"Mục đích của tôi là tìm ra quá trình tự nhận thức..."

- Chuỗi bài về "Thói hư tật xấu của người Việt" đứng tên nhà phê bình Vương Trí Nhàn, đăng tải hàng tuần trên báo Thể thao & Văn hóa xuất hiện bắt đầu bằng việc dẫn lời, trích lục các đoạn viết của các danh nhân xưa. Đến nay, ông đổi mục này sang "phiên bản" mới với việc tạo thành bài phân tích, bình luận, tổng hợp trực tiếp của mình. Việc làm này rõ ràng là khó khăn hơn, phải chăng là do đến lúc này ông mới sẵn sàng đối mặt với "thách thức"?

- Tôi sẽ kể ra đây con đường đưa tôi đến việc này. Đây là quá trình nghiên cứu cụ thể chứ không phải ý định bộc phát. Năm nay tôi đã 64 tuổi, và tôi sẽ còn theo đuổi đề tài này đến cuối đời.
Tôi vốn là người nghiên cứu về văn học. Trong giới, tôi bị đồng nghiệp chê nhiều lắm. Trần Đăng Khoa gắt tôi: Cái ông này chỉ giỏi nhìn tật xấu của mọi người thôi! Nói nôm na, là tôi "không chơi được". Nói vui, nếu tôi chưa có vợ thì có lẽ chẳng thể lấy vợ được. Ai lại thích người chỉ giỏi khơi thói xấu của người khác!

Tôi thấy cuộc sống bây giờ nhiều người nuông chiều nhau quá, dễ dãi với nhau quá. Khi gặp một người, ta chỉ muốn nói cho người đó vui, người đó sướng còn thực chất ta không đối xử tử tế với nhau như thế. Chúng ta gặp nhau chỉ để tán phét, tạo cho người ta vui vẻ, thậm chí nịnh, rồi sau lại cười người ta. Tôi thấy điều đó hoàn toàn không tốt.

Thời gian đầu, tôi viết về thói xấu của văn nghệ sĩ với quan niệm mình không giống mọi người, không phải thước đo người này mét mốt, người kia là mét ba. Chỉ đơn giản là mình nói về họ với điều mình nghĩ, mình thấy được. Từ viết về thói xấu của văn nghệ sĩ, tôi mở rộng chung ra thói xấu của người Việt Nam.
Tôi cho rằng bất kỳ dân tộc nào cũng có những tầng lớp tiêu biểu. Ví dụ, qua giới quý tộc là vua chúa, qua tri thức là những học giả và qua những người bình thường là nông dân... Còn có một mảng là qua những người viết văn, nghệ sĩ. Từ viết phê bình các nhà văn, tôi chuyển sang phê bình tật xấu của mọi người.
Thế nhưng đi vào con đường này vô cùng khó khăn. Những bậc đàn anh của tôi họ cũng có ý đồ cả đấy chứ, như giáo sư Trần Quốc Vượng, giáo sư Cao Xuân Hạo và bao người khác... Vài năm trước, Tiến sĩ Đức Uy từng ra quyển “Bí ẩn tâm lý người Việt” nhưng sách không đến được với người đọc.
Người đi trước đã vậy, đến tôi phải dùng hình thức khác. Ban đầu tôi mượn người xưa để nói người nay, "mượn mồm" chính những nhân vật mà không ai “chê” được như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... để nói về thói xấu người Việt. Còn những nhân vật khác như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh... tôi sẽ để lại phía sau.
Có cái này buồn cười: khi nghiên cứu để dạy cho học trò thì chẳng thầy nào dạy cái này. Dạy về Phan Bội Châu cũng chỉ nói Phan Bội Châu yêu nước ra sao, chứ không nói đến chuyện Phan Bội Châu sang Nhật, đối chiếu người Nhật và người Việt mình như thế nào, người Việt không bằng người Nhật điều gì...

- Ông có bao giờ nghĩ người ta không dạy những điều đó trong trường học vì nó chưa thực sự hữu ích, cần thiết?


- Theo tôi tất cả đều tự phát hết. Cái tự phát của mình xuất phát từ chỗ khi chúng ta chống Pháp và chống Mỹ, để khích lệ tinh thần, phải động viên nhau lên. Mà động viên thì không thể nói được hết cái xấu, chỉ toàn nói cái tốt. Như thế là phiến diện và không đầy đủ.
Tôi cho rằng hiện nay báo chí tuyên truyền, các nhà nghiên cứu cần phải nói thực chất người Việt ra làm sao. Vấn đề không phải nói cái tốt hay cái xấu, mà vấn đề là nói thực chất. Đã có các diễn đàn như “Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ” trên báo Thanh Niên hoặc những vấn đề sôi nổi hiện nay như “nước Việt đang ra biển lớn”…Khi làm vậy, hãy tự hỏi mình trước tiên: Ta là người thế nào, ta tự nhận thức ra sao?. Từ thời Socrate đã nói, con đường quan trọng nhất là tự nhận thức. Nếu không nhận thức thì không làm được gì cả. Chúng ta hiện nay đang giống như bóng đá: động viên thật nhiều, cho tiền thật nhiều...

- Công việc mà ông đang làm có thể gọi là quá trình “tự nhận thức”, và trước hết là của chính ông?

- Đúng vậy. Mục đích của tôi là tìm hiểu về quá trình tự nhận thức của người Việt. Tôi cho rằng nó là bước đi tất yếu của mỗi dân tộc trên con đường trở thành chính mình và cũng là con đường đi ra thế giới. Trên phạm vi toàn dân tộc cũng quan trọng mà trong phạm vi từng người cũng rất quan trọng.

- Nhưng quá trình tự nhận thức đó hoàn toàn không đơn giản khi ông phải vạch ra cách đi…
- Tôi nghĩ thế này, trước tôi người ta đã làm gì, làm được đến đâu?, từ đó tôi lựa đường mà đi. Hôm nọ có một bạn đọc phản hồi, hỏi sao tôi trích dẫn nhiều thế mà lại không nói ý của riêng mình. Tôi cho rằng tìm được những nguồn trích dẫn đâu dễ. Hơn nữa tôi dùng những trích dẫn mà nhiều người công nhận là đắc địa, có giá trị.

- Thế nhưng, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc ông đang làm là “tầm chương trích cú”

- Ngay câu này đã rất nhầm. “Tầm chương trích cú” là người đem từng câu đào đi, bới lại. Tôi chưa gọi là “tầm chương trích cú” được. Thậm chí sách vở còn thực tế hơn cả thực tế nữa. Sách vở cực kỳ quan trọng. Tôi hỏi các bạn viết văn, viết báo trẻ hiện nay xem các bạn đọc được bao nhiêu, tôi sẽ biết các bạn là người như thế nào. Chứ các bạn đừng nghĩ nghe vài lời khen đã thấy vui vẻ lắm, tự mãn lắm. Những thứ tủn mủn như giống khoai lệ ra sao, khoai Nghệ An thế nào đâu có quan trọng với việc viết văn. Điều quan trọng là tinh thần của con người Việt Nam. Bệnh tật trong sinh hoạt và những suy nghĩ của người Việt quan trọng hơn nhiều chứ!


"Đập" tôi vẫn làm!


- Ở Trung Quốc, có Ba Dương đã viết “người Trung Quốc xấu xí” nhưng người Trung Quốc vẫn chưa cảnh tỉnh. Công việc ông đang làm hiện tại rất công phu nhưng liệu ông có nghĩ nó sẽ giống như “dã tràng xe cát”?

- Tôi xin nói thế này: thứ nhất, vấn đề “Thói hư tật xấu” không phải là chuyện nhất thời. Tôi đã bị nhiều người hỏi là anh nghiên cứu thói hư tật xấu của người Việt Nam bây giờ có thấy nó khác gì người cổ. Tôi nói rằng: nó giống y như cũ, chỉ có điều bây giờ nó đậm hơn, nó kỹ hơn và nhiều mặt nạ dối trá hơn. Thế cho nên gần đây có nhà phê bình Nguyễn Hoà phát biểu, đọc những điều đó giống như là đang phê bình mình vậy. Rõ ràng, nó không bị vượt qua. Cái mà tôi muốn bao quát là cái cốt, cái bã, không phải chuyện nhất thời.

Thứ hai, tôi không đặt vấn đề “thói hư tật xấu” là chuyên lặt vặt. Chữ “thói hư tật xấu” là chữ tôi buộc phải dùng để gây sự chú ý. Thực ra tôi muốn nghiên cứu sâu sắc hơn là trình độ sống, trình độ “làm người” của người Việt.

- Những gì ông làm sẽ gây rất nhiều “động chạm”…

- Tôi biết điều đó chứ. Ngay từ ban đầu, các bạn nhà văn còn chửi tôi khiến tôi đau đến cả đời. Tôi nghĩ, dẫu sao đây vẫn là nhu cầu của xã hội mà trước sau cũng phải có. Người ta thèm khen lắm, nhưng bây giờ ai khen vớ khen vẩn thì mọi người cũng biết và chán. Khen phải khen đúng. Những người viết văn “xổi” không nói, nhưng những người viết văn thực sự rất đơn độc. Họ tâm sự với tôi, rất thèm một người nói họ chính xác họ là ai. Nhu cầu nhận thức vẫn là nhu cầu của tất cả mọi người.
Đời viết văn của tôi ban đầu toàn bị chửi, rồi sau chính họ lại quay ra chấp nhận tôi. Năm 1995 tôi đã viết về vấn đề này, là “Hội nhập để chống tiêu cực”. Ngay lập tức tôi bị chỉ trích. Các báo khác coi tôi là “thằng vọng ngoại”, thích bơ sữa của nước ngoài, nhà văn gì mà chỉ viết cho người nước ngoài.

- Sao ông vẫn tiếp tục công việc khi đã bị “đập” như vậy?

- Thực ra, tôi tính kỹ: nếu mình có động cơ đúng và bị thu hút vào nó, thì mình cứ làm. Không năm nay thì năm sau đăng.

- Ông bị mất nhiều mối quan hệ từ những việc làm đó chứ?

- Không. Thực ra lúc bắt đầu viết thì tôi đã “chai lì” lắm rồi. Tôi hoàn toàn không đi họp Hội nghị, Hội thảo này nọ. Ai cho đòn tôi cũng không cãi lại. Tôi có viết bài về Xuân Diệu, và anh Cù Huy Hà Vũ đã viết lại một bài phê bình tôi. Nhưng sau đó chính anh lại là người giúp tôi đem đến NXB in thành sách. Cuốn sách tôi in ra cuối cùng cũng được giải thưởng Hội Nhà văn và rất nhiều người đọc.
Thế thì, tôi vẫn phải như thế. Có khi mình nói lúc đầu người ta không thích nhưng về nhà sẽ thích. Nếu năm nay không thích thì năm sau thích. Tôi thầm nói với tôi: mình đã đi đúng điều mà xã hội cần chưa, không như nhiều nhà văn bây giờ, viết chỉ để lấy danh...

- Người ta nói nhiều về thành công hơn là nói về thất bại. Có những nhà văn đã là tượng đài của nhiều người, nhưng công việc của ông lại là “vạch áo” họ. Việc này sẽ tạo nên điều gì?

- Tôi đã nói rồi, và giờ nhắc lại. Vấn đề không phải là thói hư tật xấu. Vấn đề là cách sống, cách nghĩ của từng người đó. Tôi viết không phải để rỉa róc, bôi nhọ người ta và làm mình cao hơn người ta. Tôi nói thói hư tật xấu của những người tôi rất yêu. Bạn đọc sẽ không bao giờ nhầm lẫn. Nói ra thì “hơi ngượng”, nhưng tôi cảm thấy tôi yêu nước, yêu cộng đồng sống quanh tôi.

- Nếu có ai nói, ông đang hạ bệ những “tượng đài văn học”?

- Không! Tôi thấy những bức tượng đó chưa thành hình. Bức tượng đó còn lờ mờ hoặc chẳng có bức tượng nào cả. Chính bạn hay tôi vẽ bức tượng đó ra. Nếu có tượng, sẽ có tất cả cái sáng, cái tối với sự sâu sắc của nó. Nó giống như cái cây, sẽ có chỗ rẽ ngang rẽ dọc.


Nhận diện "thói hư tật xấu" của bản thân mình



- Tới đây ông chuẩn bị cho ra cuốn “Thói hư tật xấu”, in ở NXB Phụ Nữ. Người đọc sẽ "nhặt sạn" những lỗi của cuốn sách, ông sẽ tính sao?

- Đó là điều hoàn toàn bình thường. Mỗi quyển sách không phải là “poly vitamin” ai cũng đọc được. Đó cũng là một cá thể riêng. Con người ta ai cũng thế chứ không phải nhà văn mới thế. Mỗi người phải là cây mít, cây xoài hay cây ổi trong một vườn cây chung. Tôi muốn là “một liều kháng sinh”! Ai dùng quá liều sẽ nguy kịch, nhưng với một số người khác thì rất cần thiết!

- Còn những "cái hư, cái xấu" trong chính cuốn sách của ông?

- Tôi nghĩ rằng tôi chẳng có cái xấu gì cả. Tôi có một tấm lòng trong sáng. Ban đầu tôi làm trong lặng lẽ, nhưng gần đây tôi nhận được rất nhiều sự đồng cảm. Bên báo Thể thao & Văn hóa nói rằng có nhiều bạn đọc trẻ thích mục của tôi, nhiều hơn cả những bạn đọc già.
Đó mới chỉ là tập một trong quá trình của tôi. Sẽ còn có tập hai, tập ba nữa. Phần một là trích dẫn từ miệng người khác - công việc hiện nay; phần hai là phần tôi nói từ miệng tôi và phần ba thì tôi vẫn chưa tính cụ thể.
Còn một mảng nữa là người nước ngoài nói về chúng ta như thế nào. Chúng ta có một cái tệ là chỉ thích người khác khen, còn ngay cả khi họ chê ta hợp lý ta cũng khó tiếp thu. Đầu năm 2006, tôi nhớ một ông người Mỹ nói, muốn làm bạn với Việt Nam thì phải phê phán Việt Nam. Ông ấy phải dạo đầu nhanh như thế, vì biết rằng người Việt Nam như câu của Tản Đà nói "nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con".
Người Trung Quốc có câu: thành công là do tâm linh nhưng cũng có thể dịch là thành công là đặt tâm trí vào trong đó. Tôi không biết tiếng Anh, nhưng từ “mind” ở đó có nghĩa là như vậy. Tôi thích vế thứ hai hơn.

- Ông đánh giá thế nào về quá trình tự nhận thức của bản thân mỗi người?

- Đây cũng là chuyện mà tôi được rất nhiều bạn đọc có yêu cầu viết. Hiện nay tôi thấy người Việt ta sống không có quan niệm, lý tưởng sống. Người ta phải có quan niệm sống thì mới có thể có trách nhiệm được với việc tự học, tự làm việc. Khi bước vào đời, tôi là người học khá cả toán lẫn văn nhưng năm 1961 tôi thi vào đại học tổng hợp thì bị trượt. Đấy chính là bước đầu tiên tôi tự nhận thức, khẳng định mình, răng mình có quyền sống. Sống để vươn lên cho dù đã bị trượt chân.
Tôi đến với nghề báo khi còn trong quân ngũ, và đi từ đơn vị đi lên. Họ nhận tôi vào Tạp chí Văn nghệ Quân đội là vì thấy tôi viết được. Lúc làm ở đây thì tôi lại có nhu cầu khẳng định mình. Khi đó anh Nguyễn Khải là người nói chuyện rất hay, anh có nói tôi: "Mày là cái gì, cứ ngồi nghe tao nói đi”. Tôi có trả lời: “Anh đừng tưởng anh nói hay thì tôi nghe là sướng đâu. Tôi cũng có nhu cầu nói với người khác".
Trong việc giáo dục ở nhà tôi cũng vẫn nói: Các bạn trẻ khi nói chuyện với người lớn tuổi không phải là chỉ để người lớn tuổi giáo dục mình mà bản thân mình cũng sẽ mang lại cho họ một cái gì đấy thì người ta mới cần ở mình.

- Điểm mạnh nhất trong khả năng tự nhận thức của ông là gì?

- Đó là khả năng tự học, tôi luôn nhận thức được vấn đề là chỉ có tự học mới có thể thành công được. Và tự nhủ mình là: Không được bằng lòng với điều hôm nay mà mình phải làm khác đi với những gì đã làm. Tôi nhìn mình bằng tiêu chuẩn thế giới và không bao giờ bị lóa mắt bởi những nịnh bợ.

- Vậy những thói hư tật xấu của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn là gì?

- Trong quá trình làm thì nghề thì tôi cũng có rất nhiều thói hư tật xấu, lúc mới vào nghề thì tôi cũng thích viết cho hay cho lạ, câu cong cắn điệu bộ. Tôi vào nghề từ năm 1967 mà cho đến năm 1993 tôi mới in quyển sách đầu tiên. Trong khoảng thời gian ấy tôi viết nhiều lắm chứ, nhưng tôi không dám in vì biết mình viết kém.
Tôi cũng như mọi người, cũng đố kỵ, tỵ nạnh khi ai đó chẳng ra gì mà lại có quyền hơn mình. Tôi chưa bao giờ phải xin ai cái gì, mà chỉ có người ta cần tôi thôi. Ngay cả viết báo cũng là do mấy anh ấy cần thì bảo tôi viết.

- Phải chăng như ông kể ở trên thì ông là người ít thói hư tật xấu?

- Tôi nhiều chứ không ít tật xấu nhưng tôi không thể kể hết ra cho bạn đọc. Nhưng tôi là người khao khát vươn ra. Tôi có khả năng tự nâng mình lên được nên cũng hạn chế đi được những thói hư tật xấu này phần nào. Điều lớn nhất mà tôi học được từ anh Nguyễn Khải và cũng là điều quan trọng cho cuộc sống của tôi vào lúc thanh niên là: Đừng tham bát mà bỏ mân. Sống thì không nên tham những cái vặt. Anh có thể thất bại hàng nghìn lần chỉ cần sau đó anh thành công một lần thật rực rỡ còn hơn anh cứ thành công cả nghìn lần nhưng là những thứ vẩn vơ.

- Khi đã nhìn ra thói hư tật xấu của mình rồi thì cách tốt nhất để vượt qua là gì?

- Mình phải tự biết thân biết phận. Một mặt tôi nghĩ đời sống bất công nhưng xét lại thấy cuối cùng thì nó vẫn công bằng theo số lớn. Có thể ở một thời điểm nào đó mình chịu bất công nhưng xét suốt cả cuộc đời con người thì thấy xã hội đánh giá rất công bằng với mỗi con người.

- Đến giờ ông thấy xã hội đã công bằng với mình chưa?

- Tôi nghĩ là mình đã nhận được công bằng vì tôi thấy những gì tôi viết cũng cần cho nhiều người. Trước đây khi tôi phê bình một tập thơ thì chỉ có tác giả của tập thơ đó đoc, vậy nên nó chỉ cần cho một mình ông ta. Tôi nghĩ mình cần phải thay đổi và đã thay đổi được. Khi mình viết sách giới thiệu về Trung Quốc thì cũng phải để người Việt mình tìm thấy gì trong đó chứ?
(Còn tiếp...)

/www.netlife.com

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn