VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Cơn sốt cuốn nhật ký 'có lửa'

Ảnh bác sỹ Đặng Thùy Trâm chụp trong chiến trường và gửi về cho gia đình
Bác sỹ Đặng Thùy Trâm có ít nhất ba cuốn nhật ký trong đó một cuốn bác sỹ viết đã bị mất trong lúc 'chạy địch'
Trong những ngày kỷ niệm 60 năm quốc khánh 02.09, tại Việt Nam đang diễn ra cơn sốt về một cuốn nhật ký mà nhiều nhà bình luận văn học nói rằng họ chưa từng thấy trong hàng chục năm qua.

Đó là sự chào đón nồng nhiệt cuốn 'Nhật ký Đặng Thùy Trâm', cuốn nhật ký của một bác sỹ thuộc quân đội cộng sản miền Bắc đã hy sinh năm 1970 ở tuổi 28 trong chiến trường phía Nam.

Tình cờ cuốn nhật ký này đã được một người lính Hoa Kỳ giữ lại, mang về Mỹ và cuối cùng trả lại cho bà mẹ của tác giả.

Bác sỹ Đặng Thùy Trâm bị giết trong cuộc chiến vào một ngày tháng Sáu năm 1970. Cuốn nhật ký này đã được hai anh em người lính Mỹ Frederic Whitehurst và Robert Whitehurst giữ trong suốt 35 năm.

Nay, được in ở Việt Nam, nó đã ngay lập tức trở thành một trong những cuốn sách ăn khách nhất ở Việt Nam tính từ vài chục năm trở lại đây.

Ông Vương Trí Nhàn, người đứng ra biên tập cuốn sách này cũng chính là người trước đây đã học cùng bác sỹ Đặng Thùy Trâm trong ba năm cấp ba.

Ông nói với đài BBC ông tin rằng cuốn 'Nhật ký Đặng Thùy Trâm' sẽ vẫn đọng lại với thời gian chứ không hẳn chỉ là một thứ mốt.

Ông Vương Trí Nhàn
Trong đời làm xuất bản, văn nghệ của tôi khoảng 40 năm nay chưa có một hiện tượng nào như thế này.

Ông cũng nói đây thực sự là một hiện tượng trong lĩnh vực xuất bản.

''Trong đời làm xuất bản, văn nghệ của tôi khoảng 40 năm nay chưa có một hiện tượng nào như thế này.''

Ông Nhàn nói cuốn sách làm ông nhớ lại sự 'bùng nổ' của các tác phẩm như 'Sống Như Anh', 'Đứng Trước Biển' hoặc 'Cù Lao Chàm'.

Một điều nữa chứng tỏ giá trị của tác phẩm, ông Nhàn nói, đó là sự chú ý của nước ngoài với các bản dịch nhật ký sang các tiếng khác đang được thực hiện.

Cũng theo ông Vương Trí Nhàn, sự chân thật của Đặng Thùy Trâm vì chỉ viết cho riêng mình đã khiến cho cuốn nhật ký thêm hấp dẫn.

Bên cạnh đó, ông Nhàn nói chuyện tác giả liên tục viết nhật ký trong một thời gian dài cũng là điều đáng nói.

Và sự chân thật của bác sỹ Trâm được thể hiện trong suốt cuốn nhật ký và ở nhiều khía cạnh.

Bác sỹ đã có những lúc tỏ ra bực tức vì chính những đồng nghiệp của bác sỹ đã có những thái độ không chia sẻ và hiểu biết trong chiến tranh.

Bác sỹ Trâm cũng ghi lại những suy nghĩ khi xin gia nhập đảng Cộng sản Việt Nam, với thái độ của những người xung quanh khiến cô bực tức nhiều hơn là vui.

Cuốn nhật ký 'có lửa'

Và sự chân thật và cách viết văn độc đáo của bác sỹ Trâm đã khiến cho cuốn nhật ký không chịu chung số phận của rất nhiều những cuốn nhật ký hoặc thư từ cá nhân khác.

Những người giữ lại cuốn nhật ký, đặc biệt là hai anh em nhà Whitehurst đã được chào đón nồng nhiệt trong một trường quay ở Việt Nam.

Lên truyền hình Việt Nam họ đã kể lại câu chuyện cách đây 35 năm và cũng nói về ấn tượng về cuốn sách.

Ông Frederic Whitehurst kể lại chuyện ông đang đốt các tư liệu được coi là 'không có giá trị' cho ngành tình báo thì một người phiên dịch đến bên ông và khuyên ông giữ lại một cuốn nhật ký.

Ông Whitehurst kể lại người phiên dịch nói rằng bên trong cuốn nhật ký ''đã có lửa rồi''.

Cũng theo ông Whitehurst, một số hôm sau, người phiên dịch Nguyễn Trung Hiếu lại mang về cho ông một cuốn nhật ký thứ hai cũng của bác sỹ Trâm.

Khi rời Việt Nam hồi những năm 70, ông Whitehurst đã mang theo hai cuốn nhật ký và giới thiệu hai cuốn này với gia đình và bạn bè cho tới khi ông tìm cách liên hệ và qua bạn bè đã tìm ra được gia đình bác sỹ Trâm ở Hà Nội.

Còn ông Vương Trí Nhàn, người biên tập cuốn sách nói rằng ông đã không gặp khó khăn gì trong việc cho ra mắt 'Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm' nhưng cũng nói việc viết sách ở Việt Nam không phải dễ dàng, nhất là khi người ta nghĩ tới chuyện phải viết tới đâu và liệu tác phẩm có được ra mắt công chúng hay không.

Cũng nhân dịp xuất bản cuốn nhật ký này, cây bút Bùi Minh Quốc đã kêu gọi giới trẻ có ý thức và chí khí đấu tranh hơn cho tự do mà thế hệ cha anh đã đổ xương máu để mong có được.

Vợ của ông Quốc, nhà thơ Dương Xuân Quý cũng đã qua đời khi còn trẻ trong một hoàn cảnh có lẽ không khác lắm so với bác sỹ Đặng Thùy Trâm.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn