VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

NGƯỜI XƯA CẢNH TỈNH


                        TRÊN ĐƯỜNG TÌM HIỂU
                        THÓI HƯ TẬT XẤU NGƯỜI VIỆT
                                                                
   Theo tôi “tìm hiểu thói hư tật xấu người Việt”  đang là một nhu cầu  của xã hội.  Rút kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu đàn anh, và cũng là tự lượng sức mình, ngay khi xác định đề tài, tôi sớm đi vào sưu tầm tài liệu, tuyển chọn những khái quát, những nhận xét của lớp người đi trước,  là các trí thức Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Đây là thời gian đất nước vẫn do người Pháp cai quản ; nhưng ý thức dân tộc , nhất là phần tự ý thức về bản thân mình, có dịp nẩy nở hoàn chỉnh hơn bao giờ hết.                                                                                                          Tôi nói hoàn chỉnh với nghĩa tinh thần tự phê phán khá rõ.
   Các nhà lịch sử khi nhắc đến Nguyễn Trường Tộ, thường chỉ nhắc đến những điều trần của ông, tức là những kế sách của ông trong việc cứu nước. Nhưng theo tôi, ông là người Việt Nam đầu tiên nhìn dân tộc một cách khách quan, xem xét và đánh giá cộng đồng theo những tiêu chuẩn thế giới.
    Sau Nguyễn Trường Tộ, từ các nhà nho trong tới các trí thức tây học, tức là từ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế,  Phan Khôi, Ngô Tất Tố,  Tản Đà v. v..tới Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh , Nguyễn Văn Huyên , ….người nào cũng có đóng góp vào việc cảnh tỉnh, tức là việc vạch ra những thói hư tật xấu, để đưa cộng đồng bước vào giai đoạn lịch sử hiện đại                                                                         Những  phát biểu  bao quanh chủ đề thói hư tật xấu,  hoặc nói theo một  danh từ đang trở nên thời thượng, những cố gắng dựng lại chân dung người Việt xấu  xí mà tôi thu thập được trải rộng ra trên đủ mọi phương diện.  Sau khi giới thiệu các đoạn này trên báo chí và các mạng , tôi tạm tổng hợp lại và chia thành một số cụm ý kiến như sau .                                                
I/ Ăn ở luộm thuộm, ăn xổi ở thì, vụng nói chuyện, nếp sống buông tuồng tùy tiện,  a dua làm bậy, thị hiếu tầm thường, ham cờ bạc. Dễ tin nhảm, lòng tin sơ sài, biến thành mê muội. Quan niệm nông nổi về cuộc sống. 
II / Bảo thủ ngại thay đổi, cam chịu, đầu hàng hoàn cảnh, khiếp nhược trước những giáo điều ngoại nhập, suy đồi thoái hóa, hư vô trống rỗng. Bịp nhau chọe nhau,hay diễn trò, đạo đức giả,  nhìn hàng xóm như kẻ thù, với người nước ngoài không thật lòng và đầy nghi kỵ .
III/ Sống rời rạc đèn nhà ai nhà nấy rạng,  kém ý thức pháp luật, đặt quyền lợi  riêng lên trên cái chung. Tinh tướng khôn vặt “ ăn cỗ đi trước lội nước đi sau ‘, thực dụng vụ lợi vặt vãnh. Không trọng chữ tín. Không có khả năng đặt mình vào địa vị người khác.  Quan hệ với thiên nhiên cẩu thả, thiếu tinh thần hướng thượng và óc lãng mạn chân chính .   
 IV/ Đời sống tinh thần nghèo nàn,dễ thỏa mãn, không chuyên chú học hỏi nghiên cứu ; học không biết cách, chỉ giỏi học lỏm . Nội dung văn chương học thuật phù phiếm. Bằng lòng với tình trạng tự phát, không đặt trí óc vào công việc.
 V/  Tầm nhìn hẹp, không có nhu cầu hoàn thiện, không cái gì đi tới cùng. Tình trạng phi chuẩn kéo dài, không có khả năng tự sàng lọc, không hình thành nổi bộ phận tinh hoa,  dìm dập níu kéo nhau trong tình trạng bảo thủ trì trệ .
     Sau nữa là sĩ diện, che giấu,  dễ dãi với bản thân , không lo tự hoàn thiện  mà chỉ sợ người ta biết thói xấu của mình.
     Thoạt đầu tôi cũng chỉ nghĩ  thử đi đi tìm một số thói hư tật xấu  thông thường, chuyện trong nhà chúng ta  bảo nhau  ngay được. Đọc kỹ vào những  dòng chữ  mà các bậc tiền bối đã viết bằng cả tình yêu và tâm huyết, thấy có lẽ phải đặt vấn đề một cách nghiêm chỉnh hơn. Nhiều nhược điểm nêu lên quá nghiêm trọng. Phải chăng đây là những nhận xét tổng quát có liên quan tới trình độ sống trình độ làm người của dân ta, chính nó là nguyên nhân hạn chế chúng ta trên đường phát triển?!  Có một số nhược điểm cản trở nước ta gia nhập vào thế giới hiện đại .
  Tuy nhiên chúng ta sẽ bình tâm hơn nếu biết rằng hầu như tất cả các dân tộc trên thế giới  đều qua giai đoạn tự nhận thức như thế này. Và họ thường nói về họ hết sức nghiêm khắc . Như với một nước gần với chúng ta là Trung quốc. Lâu nay chỉ nghe nói đến cuốn  Người Trung quốc xấu xí của Bá Dương. Nhưng nên biết là trước đó, dân tộc tính của người Trung quốc đã được các nhà chính trị các nhà văn hóa các trí thức hàng đầu đất nước này đề cập tới. Lương Khải Siêu bảo dân Tàu quen óc nô lệ chỉ biết vì mình, các thói xấu như ngu muội nhút nhát lừa đảo,võ đoán giả dối … không gì là không có. Với Tôn Trung Sơn, người Trung quốc trình độ kiến thức thấp, xã hội giống như một chậu cát rời. Lâm Ngữ Đường còn nói thẳng là đồng bào của ông xảo quyệt. Hiện nay tài liệu Trung văn  có liên quan tới người Trung quốc xấu xí tất nhiều , cả các cuốn sách các bài báo của các tác giả phương Tây cũng được giới thiệu đầy đủ,  để người trong nước cùng nghĩ  .
   Nghĩa là không nên hoảng sợ khi thử tìm cách gọi ra một số phẩm chất tiêu cực . Tất cả đều nên coi là những giả thiết để làm việc , nếu sau khi thảo luận chúng ta thấy rằng một số nhận xét nêu ra là không đúng , ta sẽ phải tìm một công thức khác để diễn đạt , cốt sao nắm bắt chính xác đặc tính dân tộc.
   Cái chính là đằng sau mỗi “nhãn hiệu” , người ta phải tìm ra nội dung cụ thể của nó . Ví dụ gần đây  qua cuốn sách Việt Nam và Nhật Bản – giao lưu văn hóa của Vĩnh Sính , tôi được biết là nhiều người Nhật cho là người Việt có mắc căn bệnh  dạ lang tự đại. Đây là một ẩn dụ, bắt đầu từ câu chuyện có thật về một nước nhỏ thời Hán, trong giao thiệp với thiên hạ mắc bệnh hoang tưởng, từng tranh luận với các sứ giả quanh chủ đề “ nước Dạ Lang so với Trung Quốc bên nào lớn bên nào nhỏ ”. Và đấy là dấu hiệu của một tình trạng tư duy ấu trĩ .Thế nhưng trong 17 điểm mà chính Tôn Trung Sơn đã từng khái quát về người Trung quốc  thì điểm thứ 9 cũng là dạ lang tự đại ( Dẫn theo  Bản đồ tính cách người phương Đông , bản Trung văn của Sơn Đông họa báo xuất bản xã , 2005 , tr  151) . Vậy thì vấn đề đặt ra với người nghiên cứu là  nội dung cụ thể của bệnh tự cao tự đại ở từng nước .Cũng bệnh ấy, nhưng ở ta nó sâu sắc , nặng nề và … buồn cười đến đâu , triển vọng sắp tới có chữa được không.
   Với các đặc tính  khác cũng phải khảo sát tương tự .

,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,

LÃNG PHÍ,MẤT GỐC,HỌC ĐÒI

Chơi bời lãng phí(Trần Chánh Chiếu, Lục tỉnh tân văn, năm 1907)
Theo tục ông bà để lại, hễ mãn một năm thì ăn Tết một lần ấy cũng là phải. Sao tôi thấy hễ tới ngày ấy, ai ai cũng đốt pháo, dựng nêu, treo bùa tứ tung ngũ hoành, đánh đáo đánh quần tới bảy bữa, rồi nào me, nào lú(1), bài cào, xóc đĩa, tổ tôm đủ thứ. Thậm chí có ông ăn Tết rồi thì bán nhà bán cửa, nợ réo trước nợ réo sau. Đã bần nhược lại đãi đọa(2) vậy thi biết chừng nào mà giàu có như người ta đặng.
(1) Theo Huỳnh Tịnh Của, đánh me là "gây ăn thua trong cuộc chơi tiền”, còn lú là "cuộc con nít dùng tiền mà đánh đố”.
(2) Biếng nhác


Dấu xưa tan biến(Thạch Lam, Hà Nội 36 phố phường, năm 1941)
Những chốn ăn chơi của Nội là nhất Bắc kỳ, cái đó rành rành không ai chối cãi. Nhưng chúng ta phải buồn phiến mà nhận ra rằng những hiệu cao lâu(1) có danh và bền vững đều là của người Tàu. Về cách tổ chức một chốn ăn, về danh vọng của một ngôi hàng cơm thật quả chúng ta không có nền nếp tục lệ và quy củ. Hồi Nội còn là kinh đô của vua Lê chúa Trịnh chắc cũng cón nhiều quán rượu tươm tất do người mình chủ trương. Nhưng bây giờ vết tích còn đâu? Cái quán rượu mà cụ Nguyễn Du lúc còn trẻ tuổi đã dắt ba bốn người bạn vào uống và bàn chuyện về lũ kiêu binh, cái quán ấy chẳng hạn mà còn đến bây giờ, còn cả bộ trường kỷ Nguyễn Du đã ngồi, thì hẳn là một chốn đáng cho chúng ta trọng vọng nhường nào.
(1) cửa hàng ăn loại tương đối lớn.


Ở đâu cũng thấy học đòi làm dáng(Hoa Bằng, Hiếu thượng, Tri tân, năm 1943)
Cái hiểu thượng(1) của số đông người mình đã lộ rõ ở từ ngôn ngữ đến cử chỉ, từ hành vi trong gia đình đến động tác ngoài xã hội. Người ta chơi câu đối? Phần đông không phải vì thích chữ tốt yêu văn hay nhưng vì muốn sĩ diện ở mấy cái lạc khoản(2) có chức tước. Người ta in danh thiếp? Không phải vì cốt thông tính danh tỏ địa chỉ, song hình như chỉ cốt trưng những chức sắc tước trật và phẩm hàm. Người ta đăng cáo phó? Có lẽ ít vì cốt để báo tang, nhưng phần nhiều cốt để lợi dụng cái chết của ông bà cha mẹ mà quảng cáo cái danh phận của con cháu.
Cái bệnh hiếu thượng ấy truyền nhiễm đến cả nữ giới làm cho lắm người cũng mắc lây. Một dạo ở xã hội ta nổi lên cái phong trào phi cao đẳng bất thành phu phụ. Vì thế trong cuộc hôn nhân đã xảy ra lắm chuyện buồn cười. Hoặc mượn văn bằng của người khác để đưa nhà gái sát hạch lúc cầu hôn, hoặc giả làm nhà tòng sự(3) suốt mấy tháng để nhà gái nếu có dò la vẫn thấy sớm vác ô đi tối vác về...
(1) thích hướng lặn trên, tức hiếu danh...
(2) tự đề tên họ chức tước ở một góc câu đối.
(3) làm công chức.



DÂN KHÍ BẠC NHƯỢC,RA VẺ ÁI QUỐC...

Dân khí bạc nhược (Phan Chu Trinh – Thư gửi Chính phủ Pháp, 1906)
Nước Nam độ bốn mươi năm nay, vận nước ngày một suy, suốt từ trên đến dưới chỉ biết chuyện lười biếng vui chơi. Pháp chế luật không còn có cái gì ra trò, nhân tài cũng tiêu diệt đi mất cả. Người trên thì lâu lâu được thăng trật(1), chẳng qua như sống lâu lên lão làng; người dưới thì đem của mua quan , thật là tiền bạc phá lề luật. (...). Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma như quỷ, lừa gạt bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn như bò, giẫm cổ đè đầu, cũng không dám ho he một tiếng.
(1) trật: cấp bậc phẩm hàm.

Pháp luật đơn sơ (Quốc dân độc bản, tài liệu của Đông Kinh nghĩa thục, 1907)
Dân trí càng mở mang thì pháp luật càng phải tinh tế. Luật lệ nước ta sơ sài hết sức. Những điều rõ ràng thì hoặc là phiền toái vô dụng, hoặc là khe khắt quá khó lòng giữ đúng (...) Những điều ta nói ta làm hàng ngày mà theo luật quy tội, thì sáng bị tội đồ, tội lưu, chiều bị tội phạt trượng. Đến những điều đáng phải theo cũng không thể theo được. Trên cũng như dưới đều mơ mơ màng màng, cơ hồ thành một nước không có pháp luật. Dân không giữ chữ tín, trong dân gian người ta làm khế ước với nhau, thường mực chưa khô đã bội ước. Quy tắc của trường học, kế hoạch của công sở phần lớn nằm trên giấy, treo lên cho vui mắt, đọc lên cho vui tai mà thôi. Trên dưới không tin nhau, mà mong giữ đúng pháp luật thì thật là khó thay! Đã không giữ được thì thay đổi đi là hơn.

Làm ra vẻ yêu nước để mưu lợi riêng (Phan Bội Châu - Cao đẳng quốc dân, 1928)
Chứng bệnh hay giả dối là chứng bệnh chung của người nước ta mà ở trong lại có một chứng đặc biệt là chứng ái quốc giả... Nào đám truy điệu, nào tiệc hoan nghênh, nào là kỷ niệm anh hùng, nào là sùng bái chí sĩ, chuông dồn trống giục, Nam hát Bắc hò, xem ở trong một đám lúc nhúc lao nhao, cũng đã có mấy phần người biết quyền nước đã mất thì tính mạng không còn, hồn nước có về thì giang sơn mới sống. Nếu những tấm lòng ái quốc đó mà thật thà chắc chắn thì giống Tiên Rồng chẳng hạnh phúc lắm sao? Nhưng tội tình thay, khốn khổ thay, người ưu thời mẫn thế chẳng bao nhiêu mà người rao danh thì đầy đường đầy ngõ.
Giọt nước mắt khóc nước vẫn ngày đêm chan chứa mà xem cho kỹ thì rặt nước mắt gừng; tiếng chuông trống kêu hồn vẫn trong ngoài gióng giả mà nghe cho tới nơi thì rặt là chuông trò trống hội; ngoài miệng thì ái quốc mà trong bụng vẫn là kim khánh mề đay; trước mặt người thì ái quốc mà đến lúc đếm khuya thanh vắng thì tính toán những chuyện chó săn chim mồi. Cha ôi! Trời ơi! ái quốc gì, ái quốc thế ư? Đeo mặt nạ ái quốc để phỉnh chúng lừa đời, một mặt thời mua chuốc lấy tiếng chí sĩ chân nhân, một mặt thì ôm chặt lấy lốt ông tham bà đốc.


CO MÌNH TRONG HỦ LẬU, VĂN NẶNG VỀ  ĐÙA GIỠN, LƯỜI VÀ HAY NÓI HÃO
Co mình trong hủ lậu (Văn minh tân học sách, 1904)
Kìa những kẻ ham mê đàn sáo, đầu hồ(1), bài lá, cờ tướng, đố thơ, đánh chữ, số tướng, địa lý, phù thủy ngày ngày dốc cả trí khôn vào những thứ vô dụng, sống say chết mộng, chả kể làm gì. Những hạng cao hơn, đỗ đạt lên một tý được cái tiếng quèn đã vội khủng khỉnh ta đây kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thế đạo(2), ngày ngày khoe câu văn hay, khư khư ngồi giữ những thuyết hủ lậu, khinh bỉ hết thảy học mới văn minh. Hạng kém hơn nữa thi chỉ nghe có vấn đề thăng quan lên mấy bực cất nhắc mấy người, chứ không hề biết đến vấn đề nào khác. Có một ông nào đã nói với các bạn hậu tiến(3): "Các thầy muốn ra làm quan, thì phải cẩn thận, đừng đọc sách mới, xem báo mới”, nếu không biết đến sách báo mới thì thôi, chớ đã biết đến mà lại bưng bít che lấp đi khiến cho không nghe không thấy chuyện gì, để tự mình lại củng cố một căn tính nô lệ, nhân cách như thể thiệt nên lấy làm đau đớn!
(1) đầu hồ: một trò chơi của người xưa, ném một cái thẻ xuống một miệng trống rồi tính điểm, được "Đại Nam quốc âm tự vị” miêu tả là "một cuộc chơi lịch sự”.
(2) thế đạo: đạo lý ở đời.
(3) hậu tiến: đây chỉ có nghĩa lớp người thuộc thế hệ sau, chữ không phải người kém cỏi.


Văn chương nặng về chơi bời đùa giỡn (Phan Khôi, Khái luận về văn học chữ Hán ở nước ta, 1939)
Ở nước ta, kẻ học khi chưa đỗ thì chăm về văn khoa cử, khi đỗ rồi thì chăm về văn thù ứng(1). Có những người nổi tiếng mà nhan nhản những bài hết tự tặng người này lại dâng người khác, té ra trời phú cho ông ấy cái văn tài lỗi lạc là để đi thù phụng thiên hạ. Vậy nếu tôi nói một ngàn năm nay người An Nam làm văn chữ Hán chỉ chuyên có hai lối khoa cử và thù ứng và trong văn học chỉ sở trường một cách “jeu de mots"(2) mà thôi, thì cũng chẳng quá nào!
(1) thứ văn thơ làm khi giao tiếp khoản đãi nhau.
(2) chơi chữ.


Lười biếng và hay nói hão (Xuân Diệu, Sinh viên với quốc văn, 1945)
Tật đầu sổ là tật lười, tật làm biếng. Lười suy nghĩ thích nhàn nhã, thích ngồi không. Nếu máu chúng ta chạy mạnh thì tất chúng ta phải xung xăng làm cái nọ cái kia chớ vô vi thì chịu sao nổi. Vậy thì trong văn học thôi ta đừng dùng cái khẩu khí hát cô đầu nữa mà phải thế này: cúc cung tận tuỵ.
Thứ hai là tật "một tấc đến giời". Ngồi mà thanh tịnh vô vi thì dễ hiểu vũ trụ lắm: Ta cho vũ trụ là thế nào thì vũ trụ sẽ thế ấy chớ chi. Nhưng sự thật là ta phải đi nghiên cứu tìm tòi mới hiểu vũ trụ được. Một tật nữa là não(1) huyền hoặc, não chuộng thần quyền. Gần đây trong thơ văn có cái mốt nói chuyện Liêu Trai. Có những thi sĩ nhất định lấy hồ ly làm vợ và nếu buông cụ Bồ Tùng Linh ra thì họ không biết nói gì.
(1) não ở đây là một lối suy nghĩ, nay hay thay bằng "óc”


,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,

  KHÔNG CÓ CAN ĐẢM, CHƯA THOÁT KHỎI TƯ CÁCH HỌC TRÒ

Không có can đảm là mình
(Nguyễn Duy Thanh, Muốn cho tiếng An Nam giàu, báo Phụ nữ tân văn, 1929)
Ông Dorgelès trong quyển Con đường cái quan có nói đến thói hay bắt chước của người mình. Đại khái ông nói rằng: "Ngày xưa người Tàu sang cai trị An Nam, người An Nam đều nhất nhất theo Tàu cả. Nay người Pháp sang bảo hộ mới được gần một trăm năm, mà nhà cửa đã theo Tây thời rất dễ dàng, nói đến tiếng An Nam thời khô khan, hình như phải dịch tiếng mình ra tiếng nước ngoài… Khoa học có nói rằng giống thằn lằn hễ bám vào cây nào thì lâu dần sẽ giống da cây ấy. Ở bên An Nam này thời không thế, thằn lằn không đổi màu da mà chính cây đổi màu da để lấy màu da thằn lằn".
Câu nói đau đớn thay mà xét người ta nói cũng phải.
...Người viết văn phải có can đảm mà dịch những chữ nước ngoài ra. Mở đầu có hơi ngang tai, sau dần rồi cũng nghe được. Cụ Nguyễn Du không can đảm sao dịch nổi chữ tang thương ra chữ bể dâu, chữ thiết diện ra chữ mặt sắt(1)… Mà cũng lạ thay cho người mình không suy xét kỹ: Người Tàu nói chữ vân cẩu tang thương có khác gì chữ mây chó chữ bể dâu không. Ấy thế mà giá mình nói "Bức tranh mây chó vẽ người bể dâu”(2) tất phần nhiều người cho là mách qué!
Người Tàu trước kia làm gì có những tiếng cộng hòa, cách mạng, cá nhân, vật lý học, kỷ hà học(3)… Vì lòng sốt sắng làm cho tiếng nước nhà giàu thêm lên, nên họ không ngại khó, rồi mới đặt ra được cái tiếng ấy. Người mình thì không thế. Muốn dịch một chữ Pháp hay chữ Anh ra tiếng nước nhà mà không dịch nổi, thì cứ việc mở ngay tự vị(4) Tàu ra, trong ấy đã sẵn sàng cả rồi. Dù người Tàu có dịch sai chăng nữa cũng mặc cứ cắm đầu cắm cổ mà chép, ai biết đến đó mà lo.
(1) hai câu nguyên văn trong Truyện Kiều: "Trải qua một cuộc bể dâu” và "Lạ cho mặt sắt cũng ngây vi tình”.
(2) một câu trong "Cung oán ngâm khúc”. "Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”
(3) tức hình học.
(4) tức từ điển.

Chăm học nhưng chưa thoát khỏi tư cách học trò
(Phạm Quỳnh, Bàn về quốc học, Nam phong, 1931)
Nước ta vẫn có tiếng là ham học, nhưng cả nước ví như một cái trường học lớn, cả năm thầy trò chỉ ôn lại mấy quyển sách giáo khoa cũ, hết năm này đến năm khác, già đời vẫn không khỏi cái tư cách làm học trò! Ấy cái tình trạng nước ta, sự học từ xưa đến nay và hiện ngay bây giờ cũng vẫn thế… Xưa khi học sách Tàu thì làm học trò Tàu, ngày nay học sách Tây chỉ làm học trò Tây mà thôi... chưa mấy ai là rõ rệt có cái tư cách - đừng nói đến tư cách nữa, hãy nói có cái hy vọng mà thôi - muốn độc lập trong cõi tư tưởng cả. Như vậy thì ra giống ta chung kiếp(1) chỉ làm nô lệ về đường tinh thần hay sao? Hay là tại thần trí của ta nó bạc nhược quá không đủ cho ta cái óc tự lập.
(1) suốt đời.



,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,

 TRỐNG RỖNG, DỄ DÃI,, CHÊ BAI BỪA, THÔ LỖ
Đời sống tinh thần suy đồi trống rỗng(Vũ Văn Hiền, Thanh nghị số đặc biệt,vài vấn đề Đông Dương, năm 1945)
Ở các làng quê đâu đâu cũng thấy một sự mê muội bướng bỉnh gian dối, đâu đâu cũng thấy những thói rượu chè cờ bạc khao vọng ma chay kiện cáo. Sự nghèo nàn về tinh thần và từ khi nền học cũ đã tàn, sự thiếu thốn về luân lý đổ thêm vào sự đói rét và ốm đau để làm cho người dân quê Việt Nam cực kỳ khổ sở.
Sở dĩ mọi cải cách thất bại vì dựa trên nguyên tắc không hợp thời "các làng xã cần được hoàn toàn tự trị". Khi giao việc cai trị trong làng cho những người sống trong làng (tức mỗi làng là một đơn vị tự túc về cai trị) các làng càng trở nên cô lập, không chung sống với lân bang, mỗi làng thường không đủ năng lực làm việc gì cho to tát.
Các chức vụ chỉ để thỏa mãn lòng khát khao danh vọng của dân quê. Thật ít khi người ta thấy nhiều người lãng phí thời giờ và nghị lực vào những công việc hão huyền như trong một làng Việt Nam. Và thật khó lòng tìm ở một nơi nào khác nhiều bộ phận vô ích như làng xứ ta.

Dễ dãi trong quan hệ(Phan Khôi, cái quyền sở hữu trung lập, Sài Gòn, năm 1930)
Người An Nam mình có tính hay xều xào(1) ra chỗ đồng tiền phân bạc thế nào xong thì thôi không có nè nóc(2) gì cho lắm. Cái tính ấy ở đời nay là tính xấu. Vì khi xều xào của mình chẳng nói làm chi, cón khi mà xều xào đến của người ta thì họ không có nể đâu, nói ngay trước mặt mình rằng chú là đồ ăn cắp.
(1) Làm ra vui vẻ, không quản thiệt hơn.
(2) Chưa rõ nghĩa. Có thể hiểu là suy bì hơn thiệt (?)

Chê bai bừa bãi, sinh nghi kỵ nhau(Phan Khôi, cái ảnh hưởng của Khổng giáoở nước ta, Thần chung, Sài Gòn, năm 1930)
Phủ huyện nào cũng đều có hội Văn chỉ, các hội ấy làm giêng mối chủ trương dư luận cả xã hội, người ta quen gọi là cái nền danh giáo hay ca quan thanh nghị(1). Chẳng những người trong hội cho đến người thường ở ngoài, nếu có làm việc gì nhắm tới luân lý trái với đạo đức thì không thể nào tránh khỏi sự công kích của hội.
Người An Nam mình kém học ít nghe cạn nghĩ lại thêm không biết phán đoán, mà cái lòng ghét điều ác quá nồng nàn, bao biếm(2) nhiều khi thất thiệt, bị người ta lợi dụng mà gieo điều nghi kỵ, thành ra ngờ vực nhau chia rẽ nhau.
(1) Bàn bạc, xét đoán, đánh giá người đời.
(2) Khen chê.

Lớp trẻ hỗn xược, thô lỗ(Nguyễn Văn Huyên, Vấn đềnông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ, năm 1939)
Song song với vấn đề nghèo khổ, còn phải giải quyết vấn đề giáo dục. Khi ta tò mò đi vào các làng xóm ngày nay, ta bị sửng sốt vì vẻ hỗn xược vì thô lỗ của trẻ con nông thôn. Xưa kia hầu như nơi nào cũng có một ông thầy đồ. Xung quanh chiếc sập của ông, lũ trẻ dù không học được bao nhiêu chữ cũng đều nom thấy chiếc roi mây dài treo trên vách và nghe đi nghe lại câu răn dạy của đạo nho "Tiên học lê hậu học văn".
Ngày xưa, thầy và bạn học bao quanh lũ trẻ và ngăn chúng làm điều xấu. Ngày nay chẳng ai chú ý đến chúng. Trong vòng mười năm nữa, sẽ rất khó dắt dẫn các dân tộc lúc đó đã mất hết đạo lý. Một trào lưu cá nhân chủ nghĩa đã phát huy hết hiệu quả của nó trong một số môi trường.








,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,,