VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhân câu chuyện giữ hay bỏ tết, bàn về khả năng níu kéo của quá khứ


Nghe đài xem báo hàng năm thấy thông báo cơ quan quản lý bàn chuyện tổ chức lại giao thông, trong thâm tâm tôi thường không tin, đôi khi thấy buồn cười. Đô thị hậu chiến là cuộc “đổ bộ đại quy mô” của những người xa lạ với thành phố hiện đại, họ hoặc từ chiến trường về, hoặc từ nông thôn lên, sự hỗn loạn tự trong tâm lý con người kéo dài ra cách tổ chức xã hội, hỏi làm sao giao thông mạch lạc hợp lý cho được.
Chuyện giữ hay bỏ tết cũng vậy.
Từ sau 1975 tới nay, ra khỏi chiến tranh với tư cách những kẻ sống sót, chúng ta cứ lấy cái cách sống trong quá khứ làm mẫu, mấy ai có ý nghĩ rằng phải sống khác đi.
Bởi vậy, câu chuyện bỏ tết trung cổ đã được Xuân Diệu kêu gọi từ 1946, hầu như chả ai đả động tới.
Khoảng ba chục năm nay, trong cuộc hội nhập hết sức hời hợt -- ngoài vay nợ, chủ yếu là bán tài nguyên lấy tiền rồi lo nhập hàng nước ngoài vào để hưởng thụ -- cũng có đôi ba người đã có ý kiến nên bỏ tết truyền thống: theo chỗ tôi nhớ nổi nhất có mấy vị ông Võ Tòng Xuân, ông Lê Đăng Doanh bà Phạm Chi Lan... Nhưng rồi họ chỉ chuốc lấy những lời chế giễu từ đám đông những người đang háo hức làm lại cuộc đời và truy lĩnh niềm vui sống sau chiến tranh. Bộ phận quản lý xã hội hôm nay cũng cùng trình độ với đa số làm nên đám đông ấy, nên nếu có dửng dưng cũng không phải chuyện lạ.
Trong bài này, tôi không tính chuyện bàn nên giữ hay bỏ Tết mà chỉ muốn thử cắt nghĩa tại sao cái cảm quan về tết cổ truyền sâu nặng đến vậy do đó mọi lời kêu gọi bỏ tết thường rơi vào im lặng nhanh chóng đến vậy.
1. Xét trên nét lớn, xã hội VN cho tới ngày nay căn bản là một xã hội nông nghiệp cổ truyền, cuộc sống có được tổ chức lại theo nghĩa hiện đại, sau khi người Pháp có mặt. Nhưng từ sau 1945, bắt đầu chiến tranh thì cái hướng chủ đạo là quay về như cũ.
Tiếp sau chiến tranh, công cuộc hiện đại hóa lần thứ hai được khởi động một cách rề rà chậm chạp. Người ta sống trong sự tự tin có thừa “đã đánh Mỹ được thì làm gì cũng được” rồi cứ bảo nhau ang áng mà làm.
Quá khứ tiếp tục đóng vai níu kéo mà các tập tục cũ là nhân tố nằm sâu trong tâm lý cộng đồng nên khó cưỡng.
Trong thực tế chưa bao giờ cộng đồng Việt hôm nay định tìm tới một quan niệm hợp lý về xã hội hiện đại, kèm theo những cách định hướng tối thiểu nhằm trả lời câu hỏi "muốn trở thành xã hội hiện đại chúng ta phải tự thay đổi như thế nào".
Tết lấp đầy cái khoảng trống mà việc thiếu định hướng để lại. Không thể có cách ăn tết khác chừng nào cả xã hội vẫn chưa thấy cần đổi khác.
2. Đi vào một khía cạnh cụ thể của tết mà ta thường bỏ qua: bên cạnh những nét tốt đẹp mà ta đã nói với nhau thì Tết VN còn là tết xả láng, tết khoe của, tết phá hoại môi trường.
Chúng ta quá nghèo cuộc sống no đủ luôn luôn ngoài tầm tay với, nghèo đến mức chỉ mong tết đến, may ra mới được no đủ.
Nhưng trước đó do cuộc sống quá nghèo nên một nhịp điệu sống hợp lý không được hình thành.
Làm thế nào để vượt lên cuộc sống trì trệ chậm chạp thời xưa; phải thay đổi cách sống cách nghĩ ra sao để có thể tiếp nhận được những kinh nghiệm của một thế giới hiện đại;làm lại mình ra sao để vừa phát triển vừa bảo vệ được môi trường và do đó là bảo đảm cuộc sống cho các thế hệ tương lai
những câu hỏi ấy và nhiều câu hỏi thiết cốt khác đến nay gần như chưa được đặt ra một cách nghiêm túc thì hòng chi có được câu trả lời thích hợp.
Cũng vì hiếm khi no đủ và đã làm đủ mọi cách mình biết mà vẫn không no đủ, nên trong chúng ta sinh ra một chút hư vô “Hãy tùy nghi hưởng tết”
“Đói giỗ cha no ba ngày tết”. Câu tục ngữ ấy không chỉ nói về tình trạng đói kém mà còn mở ra một nguyên lý: khi lo tết người ta có quyền làm tất cả Những gì ngày thường không được phép thì tết được phép. Từ đó sinh ra một tình trạng hỗn hào trong dịp tết. Thơ Tú Xương có câu “Cũng liều bán váy chơi xuân” là với nghĩa ấy.
Có người sẽ vặn lại sao anh nói lạ thế, nay chúng ta có nghèo nữa đâu, tôi xin trả lời ngay rằng sự giàu hiện nay với đa số là giàu giả tạo là giàu không có nền tảng chắc chắn. Và bằng chứng của sự nông nổi ấy là cái tâm lý ăn tết theo kiểu kẻ nghèo hôm qua vẫn theo ta chưa biết bao giờ mới dứt.
Nếu được nói quá lên một chút, tôi muốn nói trong tâm lý đám đông những người dân thường hiện nay đang âm thầm tồn tại một cái nhìn không mấy sáng sủa về tương lai. Trong sản xuất, người mình đến cái đinh vít không làm nổi. Không chỉ chiếc xe ta đi, cái ipad ta sử dụng để ríu ra ríu rít gọi nhau làm ăn và thường xuyên chụp ảnh làm đẹp lòng mình, mà đến cả lúa gạo thịt cá mấy bông hoa mấy thứ mỹ phẩm... chúng ta cũng dùng hàng ngoại. Trên thị trường toàn quốc ngày càng thấy sự có mặt của các công ti nước ngoài, họ không muốn làm công nghiệp nữa mà nhẩy vào lĩnh vực thương nghiệp, chỉ thiếu điều họ bảo thẳng rằng đến việc phân phối các anh cũng không làm nổi bán hàng cho nhau cũng ăn bớt ăn xén của nhau vô tội vạ thì còn làm chủ nỗi gì. Giáo dục càng cải cách càng thấy không ai hiểu giáo dục thực chất ra sao, con người tương lai ra sao, lớp trẻ mà nhà trường đào tạo chỉ săn tìm những cái hư hỏng trong khi ngày càng xa lạ với những gì tốt đẹp của thế giới. Một tình trạng tuyệt vọng như sương khói lờ mờ bao trùm, không ai nói ra nhưng ai cũng cảm thấy. “Hưởng được cái gì thì hưởng đi”, “hãy sống gấp đi”, những lời kêu gọi ấy âm thầm len lỏi trong tâm trí mọi người và vang lên trong mọi lời ca tiếng hát, trở thành một trong những nội dung được mọi phương tiện truyền thông cổ vũ. Trong việc cổ vũ cho sự sống gấp, người ta luôn luôn vận dụng đến tập tục thói quen, và nhăm nhăm bảo nhau cứ xưa làm thế nào thì nay thế vậy. Nói như các cụ ngày xưa, thật là vẽ đường cho hươu chạy.
Đã nhiều lần trong tôi nẩy ra cái ý tưởng phải bàn nhau bỏ tết, thay đổi cách ăn tết. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy ngại. “Bỏ tết ư, sao anh cổ hủ thế, sao anh lẩm cẩm thế” -- chưa nói trong tôi đã thấy vang lên những lời phản bác như vậy, nên đành nói theo mọi người. Vâng, không thể bỏ tết! không thể bỏ tết! chỗ thân tình ta cứ nói thẳng với nhau một lần cho xong, chứ câu chuyện bỏ tết khó nghe quá, lọt tai sao nổi, có đến mùng thất dân mình mới chịu bỏ tết.
Mới hơn Cũ hơn