Ngày 22/12/2016 trang mạng báo Tuổi
trẻ có bài viết của LMQ
Ba tiểu thuyết Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang và tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ vừa ra mắt bạn đọc ấn bản mới.
Ba tiểu thuyết Khung rêu, Nhang tàn thắp khuya, Thú hoang và tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ vừa ra mắt bạn đọc ấn bản mới.
Nhân dịp này tôi muốn
giới thiệu một bài viết ngắn của nhà văn Võ Phiến ký Thu Thủy, in trên Chính luận 11-11-1974.
Tháng năm 1975, vừa vào Sài Gòn tôi đến tìm gặp anh Lê Ngộ Châu
ở tòa soạn Bách Khoa và nhờ anh giới
thiệu với Nguyễn Mộng Giác. Tại sao lại là anh Giác, lý do đơn giản là qua báo
chí hồi ấy, tôi biết anh còn trẻ mà viết lách cũng hiền hiền. Một lý do nữa, tôi
biết anh Giác khá thân với Võ Phiến. Tôi lại chơi nhà anh luôn.
Tới một năm sau, khi tôi vào lại Sài Gòn và
đến thăm anh Giác, thì xảy ra việc anh bị gọi đi học tập. Chị Giác sợ quá, nhà
có bao nhiêu tài liệu ngờ là sẽ làm phiền anh, đều muốn tẩu tán cho nhanh. Trong số chị đưa tôi hôm ấy, có một bức ảnh Võ Phiến
Lê Ngộ Châu Vũ Hạnh Lê Phương Chi chụp ở tòa soạn Bách Khoa, một số Tin
sách có bài Nguyễn Hiến Lê viết có nhắc
tới Võ Phiến, ông Lê đã ký ngoài bìa khi
tặng Võ Phiến. Và quan trọng nhất là là tập bài Võ Phiến viết trên Chính Luận. Trong khi phần lớn bài trên Bách Khoa, ký tên Tràng Thiên thì tập bài này – bàn chuyện văn
chương có chính trị xã hội có -- ký tên Thu Thủy.
Cả hai bút hiệu này của
Võ Phiến đều là băt nguồn từ hai câu thơ Đường
Lạc hà dữ cô lộ tề phi
Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc
Về chuyện Võ Phiễn viết
tạp bút tạp luận thì ai cũng biết. Nhưng chùm vài chục bài Võ Phiến viết trên Chính luận này thì không hẳn. Trong một
lần nói chuyện với Dương Nghiễm Mậu trước khi ông qua đời, khi tôi báo là có
tập bài này trong tay, trong đó có bài về Nguyễn Thị Thụy Vũ dưới đây, thì anh Mậu không
tin. Bởi vậy tôi đang tính chuyện cho đánh máy lại để đưa lên mạng.
Tôi đã có lỗi là không báo cho anh Giác biết về tập bài này khi một lần anh chị ghé
thăm Hà Nội, cũng như không báo cho nhà văn Võ Phiến được biết, trước khi cả
hai cây bút mà tôi quý trọng này qua đời. Nhưng tôi tin rằng ý nguyện của người
đã khuất là đưa nó đến với độc giả. Tôi xin bắt đầu bằng bài Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Khi tôi viết những dòng
này tôi đang ở Hà Nội trong khi phần
sách có tập bài tôi nói đã đưa vào Sài
Gòn, vậy nên tôi không chụp lại để đưa vào đây được. Nhưng tôi sẽ làm khi có điều kiện.
Viết văn như một nghề
Trên tạp chí Bách Khoa số vừa rồi, nữ sĩ Nguyễn Thị Thụy Vũ có đăng thiên truyện ngắn: Nghề mới.
Cái nghề mới mà nữ sĩ nói đây là nghề ... bói bài cào. Cho đến nay nhân vật
“tôi” trong truyện chưa thực sự làm nghề mới. Tuy nhiên, bạn bè khuyến khích,
người nhà (cậu em) khuyến khích và dường như chính nhân vật “tôi” cũng nhận
thấy nghề mới - xét về một khía cạnh - không phải không có sức cám dỗ.
Tác phẩm của nữ sĩ tuy gọi là “truyện ngắn”, thực ra có giọng bút ký, tự
truyện (Cũng như nhiều tác phẩm khác của nữ sĩ đã đăng ở các tạp chí Bách Khoa,
Văn hồi gần đây ). Nghề chính, “nghề cũ” của nhân vật “tôi” là thực: nghề viết
văn. Các thành phần trong gia đình được nói đến đều có thực. Các bạn bè được kể
ra đều có thực. Bởi vậy, người đọc có quyền nghĩ rằng nội dung của truyện cũng
là chuyện thực. Và đó là điều bi đát.
Nhân vật “tôi” nói về cảnh sống của mình: “Chạy chọt miếng ăn cho cả nhà là
cả một việc mệt cầm canh, mệt tóe phở”. “Cánh
mưu sinh làm tôi thao thức từ canh nầy sang canh khác”.
Những “chạy chọt”, những
“thao thức” thâu canh ấy vẫn không cứu nhân vật “tôi” thoát khỏi cảnh túng bấn:
“Đã quá lâu, cả nhà quen nhịn ăn sáng”. Lâu lắm, gia đình mới “xài sang” một
bữa: ăn sáng. Hãy xem bữa sáng ấy ra sao: “Mâm cháo trắng dọn ra. Cả nhà hoan
hỉ ngồi vào bàn và chỉ loáng một cái là nồi cháo sạch nhẵn. Bình trà bưng lên.
Nếu cuộc đời được êm xuôi, súng túc như vậy hoài thì đâu có gì đáng để tôi nhăn
nhó, càu nhàu hát bài ca ai oán.”
Thiết tưởng những đoạn văn
ấy đáng... đi vào lịch sử. Mai sau, các nhà biên khảo viết về giai đoạn văn học
này có thể tìm ở đó một tài liệu quí báu về đời sống của giới cầm bút một thời
ở đó có những mô tả xác thực, cụ thể về sinh hoạt vật chất, có những thể thiện
chân thành mối ưu tư. Nhân vật “tôi”, một nhà văn thời phi thuyền Apollo, nhân
vật ấy có tham vọng gì quá đáng về nhu cầu vật chất đâu ? Mỗi buổi sáng một bữa
cháo trắng cho mình, cho con dại cha già, thế là “sung túc” rồi. Nhưng đó là
chuyện hão huyền, ở ngoài tầm với một nhà văn.
*
Mà một nhà văn như nữ sĩ
Nguyễn Thị Thụy Vũ, ở xứ này không có nhiều. Bà đã có hàng chục tác phẩm in
thành sách, nhiều chục khác đã đăng báo, bà đã đoạt giải thưởng Văn học Nghệ
thuật toàn quốc từ nhiều năm trước; và hiện này (theo thiên “truyện ngắn” vừa
nói trên) bà đang công tác với hai tờ nhật báo, ba tờ tuần báo.
Một tài năng như vậy và một
sức làm việc như vậy trong văn giới việt Nam ngày nay vẫn cứ cơ cực như thường.
Còn những kẻ khác ? - Ngày “ký giả đi ăn mày” tổ chức trong tháng này đã nói
lên một phần nào tình trạng của những kẻ khác. Một ước tính cho rằng có 82% ký
giả thất nghiệp.
Hạng không thất nghiệp, đời
sống cũng chẳng có gì rực rõ, Trên Chính Luận, số ra ngày 24-4-1974, ông Trần
Triệu Việt có tính sơ qua lợi tức của một ký giả kiêm văn sĩ được người ta thuê
viết một cuốn sách nghiên cứu về dầu hỏa, ăn 100.000đ. Tác giả lãnh tiền về
công, phải trả sở thuế 25.000đ, còn lại 75.000đ. Chi phí về tài liệu nghiên cứu
hết năm sáu chục nghìn gì đó. (Một số Express cả nghìn đồng, mỗi số Paris-Match
hai nghìn đồng, mỗi cuốn sách hai ba nghìn đồng), rồi lại còn chi phí di
chuyển, linh tinh. Rốt cuộc tác giả còn lại được 10.000đ, để... mua thuốc hút.
Như thế, ăn sáng như nữ sĩ
Nguyễn Thị Thụy Vũ không có, mà ăn trưa ăn tối cũng không !
Những sự việc trên đây đặt
lại vẫn đề sinh sống của người cầm bút ở xã hội ta.
*
Cách đây hai mươi năm, ông
Nguyễn Hiến Lê có suy nghĩ về vấn đề ấy trong cuốn Nghề viết văn.
Theo ông Nguyễn, văn nhân -
xét theo khía cạnh nghề nghiệp mưu sinh - có thể phân chia làm năm hạng: nhà
thơ, nhà soạn kịch, nhà viết tiểu thuyết, nhà viết sách khảo cứu và các ký giả.
Trước hết, phải loại ra tức
khắc hai hạng làm thơ và soạn kịch: tác phẩm của họ chỉ có giá trị nghệ thuật
mà tôi, chứ không có chút giá trị thương mại nào ở xứ này.
Về hạng viết sách khảo cứu,
ông Nguyễn “chưa thấy nhà văn nào ở nước mình mà sống về loại ấy”. Vậy cũng xin
bỏ qua luôn.
Rốt cuộc có thể kiếm sống
được bằng chữ nghĩa chỉ có tiểu thuyết gia và ký giả. Đối với hạng ký giả,
chúng ta đã trình bày hơi nhiều dẫn chứng về đời sống của họ hiện nay.
Đối với hạng tiểu thuyết
gia, ông Nguyễn tính ra rằng nếu viết mỗi năm được hai tác phẩm dày mỗi cuốn
hai trăm trang (chuyện ít có người làm được) và nếu cả hai tác phẩm đều được
nhà xuất bản mua (chuyện càng hiếm có hơn) thì nhà văn nọ kiếm được 20.000đ. Âý
là theo tình hình năm 1955.
Hiện thời mỗi cuốn sách 200
trang bán ra độ 600đ. Nếu sách in hai nghìn bản và tác quyền là 10% thì nhà văn
được trả (600đ nhân với 2000 nhân với 10 chia cho 100) 120.000đ. Về hai cuốn
truyện, mỗi năm nhà văn được trả (120.000đ nhân 2) thành 240.000đ. Như vậy,
tính ra mỗi tháng có 20.000đ để sinh sống và nuôi gia đình. Nuôi cách nào ?
*
Trên Chính Luận số
ra ngày 4-2-1974, ở mục “Chuyện Phiếm” có vị đã thử tính tổn phí hàng tháng của
một gia đình 7 miệng ăn như sau:
Gạo
|
16.000đ
|
Dầu hôi
|
4.200đ
|
Điện nước
|
3.000đ
|
Tiền học cho con
|
5.200đ
|
Tiền chợ
|
12.000đ
|
Tiền báo hàng ngày
|
1.200đ
|
Ăn sáng
|
4.200đ
|
Linh tinh
|
1.000đ
|
Cộng
|
46.800đ
|
Chín tháng sau, chúng ta
cần một vài điều chỉnh: Gạo phải tính 23.000đ, tiền học cho 5 con là 10.000đ,
tiền chợ 25.000đ, tiền mua báo 2.000đ, ăn sáng 10.000đ v.v.. Vị chi ngót
80.000đ mỗi tháng. ấy là chưa hề nói đến tiền xăng nhớt cho xe gắn máy, tiền xe
buýt, tiền thuốc men, quần áo v.v.. và nhất khoản tiền nhà nếu thuộc giới ABC
không có nhà đi ở thuê.
Như vậy tiểu thuyết gia tài
giỏi nhất nước (mỗi năm hai tác phẩm được xuất bản hai, đều, trọn đời !), con
người phi thường ấy vắt óc ra vẫn chỉ đài thọ được một phần tư nhu cầu vật chất
tối thiểu cho gia đình !
Trong tình cảnh ấy, mấy ai
có gan từ chối được một “nghề mới” như nữ sĩ Thụy Vũ ? Trái lại, chỉ e rằng
nghề mới mỗi ngày mỗi uy hiếp nghề cũ, rồi tiêu diệt nghề cũ luôn.
*
Có thể bảo rằng như thế chỉ
có đời sống của người văn nghệ bị đe dọa, chứ nền văn nghệ không bị liên lụy
được chăng ? Rằng nhà văn cứ tha hồ nghèo đói; nền văn nghệ vẫn có thể phát
triển rực rỡ được chăng ? Thiếu gì kẻ sĩ nghèo vẫn viết văn hay ?
Chuyện sáng tác tài tử, tùy
hứng, là chuyện xưa rồi. Ở thời đại này, viết lách đã thành nghề nghiệp. Nếu
chỉ viết bằng tay trái, viết mà không có phương tiện tra khảo, nghiên cứu,
không có thì giờ chăm sóc đến tác phẩm, thì mong gì có được tác phẩm đáng giá ?
Cho nên chắc chắn sự nghèo túng rốt cuộc rồi cũng có thể làm xanh xao vàng vọt,
suy nhược đến cả nền văn nghệ. Viễn tượng ấy khó lòng tránh khỏi.