VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Xuân Quỳnh, phác thảo một tiểu sử(I)


Dưới đây là một số chương trong cuốn sách tôi đã viết dở từ 1995.
Do chỗ đã viết từ 20 năm trước nên cách viết của tôi có khác với cách viết hôm nay.
Đó cũng là lý do tôi chưa biết hoàn thành cuốn sách ra sao.
Giới thiệu ra đây người viết mong có thêm sự cổ vũ của các bạn.


I.Quê hương và gia đình
Nằm cách Hà Nội khoảng 14 km, La Khê là một thôn ngoại vi Hà Đông, không những cùng với dân mấy làng bên cạnh nổi tiếng về nghề dệt the, lụa vân, lụa gấm... mà cũng có không ít người lên làm ăn ở trên Hà Nội. Trong số này có ông giáo Nguyễn Quang Thường hay như dân vùng đấy vẫn gọi, là ông giáo Lục. Dáng cao lớn, tính tình lại hào hoa lịch thiệp, ông giáo Lục thuộc loại người có chữ được làng xóm biết tới, kể cả chữ ta (chữ Hán) lẫn chữ Tây. Bạn bè, những người hay đi lại với ông còn biết ông có cả một tủ sách nho nhỏ, và ngoài nghề dạy học - mà ông không mấy để ý - ông còn rất ham viết báo, tiểu thuyết, nghiên cứu và cả dịch sách nữa.
Nhưng, khổ một nỗi, nghề này là một nghề kén người, ai ham thích cũng được song không phải ai cũng toại nguyện. Sống với nó người ta luôn luôn phải cố, phải với, và tưởng cả đời hy sinh cho nó cũng không đủ! Ông Lục mải mê theo đuổi văn chương đến mức đôi khi xao nhãng cả việc gia đình. Thường ông bỏ đi biền biệt trên Hà Nội, để mặc cho người vợ xinh đẹp mà chính ông cũng đã lấy làm hãnh diện khi cưới, là bà Nguyễn Thị Trích - ông thường gọi trệch đi là bà Trinh - sống với bà mẹ chồng tốt bụng, song lại lắm điều, và hà tiện.
Kể ra, cũng có cái lý để ông Lục buồn chán mà bỏ đi: hai vợ chồng ông lấy nhau đâu đã chục năm, bà đã ba lần sinh nở, nhưng cả ba đều lần lượt qua đời, mỗi cậu sống không được quá sáu tháng. Bà Trinh đã khóc biết bao nhiêu nước mắt, mỗi lần tử thần cướp đi của bà đứa con mà bà đã đứt ruột đẻ ra.
Cho mãi tới lần ấy, mụn con đầu tiên, ông bà nuôi được là một người con gái.
Và khoảng tết âm lịch năm Thìn (1940), lại một người con gái nữa ra đời, và không khí gia đình mới đầm ấm lên được ít chút.
Người con gái trước, được đặt tên là Mai, ấy là do bà Trinh quá yêu nhân vật cô Mai hiếu hạnh trong Nửa chừng xuân nên xin phép chồng đặt tên con như vậy. Ông Lục bằng lòng, chỉ thêm vào đó chữ Đông.
Còn người con gái thứ hai, ra đời vào ngày bắt đầu của mùa xuân, nên ông Lục như ông nói giành “toàn quyền” đặt tên, và ông đã đặt là Xuân Quỳnh.
Bà Trinh nhìn thấy ở hai con lẽ sống, cũng như là nơi nương tựa của bà. Bà vui hẳn lên.
Ông Lục cũng cảm thấy không khí u ám bao phủ gia đình trước kia đã được xua tan, và ông ở nhà với vợ con nhiều hơn. Lúc cao hứng lên, ông rung đùi ngâm:
Nhà lan phong trướng rủ rèm
Thương con cậu mợ một niềm nâng niu
Công trình sá quản bao nhiêu
Đông Mai cậu quý, cậu yêu Xuân Quỳnh
Hai con cậu cũng xinh xinh
Đông Mai là chị, Xuân Quỳnh là em.
Nhưng một ngày nào đó, bắt đầu một sự kiện lớn trong gia đình ông Lục, nó sẽ trở thành một nhân tố tác động vào việc hình thành tính cách con cái trong tương lai - đó là một tai biến ập tới.
Sau khi sinh người con gái thứ hai, bà Trinh liên tiếp bị ốm đau bệnh tật dày vò. Sau hết bà bị phát hiện là mắc một trong tứ chứng nan y, lúc ấy đang là niềm khủng khiếp trong tâm lý mỗi người dân thường: bệnh lao.
Sợ bệnh tật lây ra con cái, bà Trinh vui lòng sống cách ly con, không cho cô con gái thứ hai bú nữa, mà nhờ một người trông hộ, và nuôi bộ.
Chẳng bao lâu sau, nghĩa là cuối năm ấy, bà Trinh qua đời. Đó là một ngày mưa dầm rả rích, dân làng lội bùn bì bõm đưa bà ra bãi tha ma ngoài cánh đồng làng. Mưa quá, đến mức cả hai cô con gái Đông Mai và Xuân Qỳnh đều không ai được theo ra tận bên mồ để giã từ mẹ.
Từ đây, sinh hoạt gia đình chuyển sang một bước ngoặt mới.
Mặc dù gần như chết nửa đời người, khi theo sau quan tài, đưa vợ ra đồng, nhưng ông Lục không có quyền buồn lâu. Riêng việc chưa có con trai nối dõi tông đường, đã có thể coi như lý do để buộc ông nhanh chóng tính chuyện đi bước nữa. Không ai khác, chính bà nội của hai trẻ lại đứng ra cuới cho con trai một người vợ khác ở cùng làng, ngay khi đám tang người con dâu cả của bà mới được sáu tháng.
Ít lâu sau, ông Lục đưa người vợ thứ này lên Hà Nội làm ăn, để hai chị em Mai Quỳnh ở lại sống với bà.
Đến đây, chúng ta bắt gặp hai yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách nhà thơ Xuân Quỳnh:
1. Những ngày nuôi bộ
2. Năm năm đầu, sống ở nơi thôn dã với người bà nội.
Chúng ta sẽ lần lượt dừng lại ở từng yếu tố một:
Những người có dịp làm quen với Xuân Quỳnh, đều sớm có một nhận xét là Xuân Quỳnh rất tự nhiên trong mối quan hệ với mọi người chung quanh. Đến với ai, Quỳnh cũng hồn nhiên khéo léo, lại chuyện trò ròn rã, khiến nhiều người khó tính cũng phải quý mến. Đặc biệt với những người mà Quỳnh có cảm tình riêng, thì thôi khỏi phải nói, một là lúc nào Quỳnh cũng muốn chuyện trò, đi họp đâu cũng muốn ngồi cạnh để còn nói chuyện, hai là sự chăm sóc của Quỳnh với người đó hết sức tỉ mỉ, muốn gì cũng chiều, chiều công khai, chiều ra mặt, cốt cho người ấy và mọi người chung quanh thấy được sự chiều chuộng của Quỳnh mới thôi.
Trong tình yêu, Xuân Quỳnh có những nét của người phụ nữ nồng nhiệt mà nhà văn Trung quốc hiện đại Trương Hiền Lương đã viết trong tiểu thuyết Đàn ông một nửa là đàn bà.
Cô là người đàn bà quyết biểu hiện cho bằng được tình yêu của mình để cho anh biết thật rõ ràng chính xác cô đã phải bỏ ra bao nhiêu, biết cho thật rõ ràng và chính xác sức nặng và mức độ tình yêu của cô
Nét tính cách ấy không phải chỉ có mặt tốt. Đây đó, có thể nó làm cho người ta khó chịu, cả bạn bè khó chịu. Nhưng phải thế mới là Xuân Quỳnh.
“Thuở nhỏ tôi cũng di-gan lắm, toàn đi bú chực” - người viết cuốn sách này nhớ lời kể của Xuân Quỳnh trong một lần trò chuyện, và đã thường lấy đó làm một nhân tố, để giải thích cách sống, cách cư xử của Xuân Quỳnh.
Đến khi được đọc cuốn hồi ký của Đông Mai Xuân Quỳnh nửa cuộc đời tôi, thì cái cảm tưởng hôm trước càng được khẳng định.
Ở nông thôn ta ngày trước, sữa bò đâu đã phổ biến như bây giờ. Bởi vậy, nhiều đứa trẻ được nuôi bộ, nghĩa là chuyên môn đi bú chực. Xem nhà nào cũng có con nhỏ mới đẻ, thì người trông trẻ mang đứa trẻ mà mình nhận nuôi bộ tới. Nói năng cầu khẩn để người mẹ trẻ kia cho đứa nhỏ này bú là việc của người lớn.
Nhưng về phần đứa trẻ, cũng phải nhận là nó lâm vào một hoàn cảnh khác thường. Nay sữa người này mai sữa người khác, mỗi người một hơi, mà không được lạ, không được dị ứng, ngược lại phải sống bằng cảm giác có sữa là bú, có người cho bú là mừng rồi!
Một cách bản năng, đứa trẻ còn phải tìm cách lấy lòng người mẹ có sữa để người ta vui vẻ cho bú (mà theo cách lý giải của khoa tâm sinh lý phụ nữ, người cho bú có vui vẻ thì sữa mới ra nhiều!).
Lại cũng có khi, giữa bọn trẻ với nhau cũng có sự ghen tị.
Bé A. dù mới 1-2 tuổi nhưng nhiều khi thấy mẹ cho bé B. bú, là không bằng lòng, là kêu khóc, nhiều khi còn xông vào cào cấu.
Nhưng bé B ở thế yếu, thân đi bú chực, còn có cách nào khác hơn là bám riết nguồn sữa.
Trừ khi bị từ chối thì thôi, chứ còn có người cho bú là còn bú.
Cái con người dễ chấp nhận kẻ khác, biết lấy lòng họ một cách tự nhiên... mà sau này, chúng tôi bắt gặp ở Xuân Quỳnh - cái đặc tính mà Xuân Quỳnh đã miêu tả trong hai chữ di-gan, nghĩa là vạ vật lang chạ, trong mức độ chưa bị coi là bừa bãi - có vẻ như bắt nguồn từ điều kiện sống đặc biệt của cái năm đầu tiên tồn tại trong đời như vậy.
(Trong số các nhà văn nhà thơ Việt Nam hiện đại, theo sự tìm hiểu còn hạn chế của tôi, cùng có một người mẹ mất sớm và thường phải đi “bú chực”, đó là Nguyễn Bính, còn sự liên hệ giữa tình cảm này với tính cách con người tác giả Lỡ bước sang ngang ra sao thì chúng tôi chưa được rõ)
Bây giờ tới chuyện cuộc sống của Xuân Quỳnh những năm sống bên người bà.
Trong cuốn hồi ký của mình, Đông Mai đã nhấn mạnh bà nội mình là một người tốt, nhưng quá hà tiện, nên trở thành cay nghiệt. Đại khái, có khi chỉ tiếc dăm xu tàu điện mà cụ dắt cháu đi bộ từ quê lên Hà Nội thăm bố (khoảng cách hơn chục cây số).
Những bữa cơm gia đình mà ba bà cháu hàng ngày thổi nấu cho nhau ăn, chỉ quanh quẩn toàn những rau mọc hoang ở vườn dậu, hoặc rau tự trồng, cộng với cà tương, thảng hoặc có tí đậu phụ, chỉ giỗ tết mới có thịt.
Chẳng thế mà bé Quỳnh béo khoẻ mập mạp, hồi còn bú chực, giờ ngày càng gầy yếu, “mắt như hai cái chén” (lời Xuân Quỳnh kể lại với người viết những dòng này).
Tuy vậy, Xuân Quỳnh không bao giờ nhầm lẫn con người đích thực của bà nội mình.
Với bản tính thương người và khả năng thích ứng sẵn có, Quỳnh hàng ngày quấn quýt bên bà, làm mọi việc để bà vui lòng. Nhất là Quỳnh để ý và chia sẻ từng vui buồn bé nhỏ của bà.
Cứ thế, dần dần hình thành ở Quỳnh cách cảm, cách nghĩa hồn hậu của một người sống cả đời ở nông thôn, và dù sau này cuộc đời bao thay đổi, thì cách cảm, cách nghĩ hồn hậu ấy vẫn còn nguyên ở Xuân Quỳnh.
Không phải ngẫu nhiên một biên tập viên của Nhà xuất bản Kim Đồng là Lê Phương Liên, khi nhắc lại những trang truyện thiếu nhi hấp dẫn của Xuân Quỳnh, nói rõ ngay rằng đó là do Xuân Quỳnh có một giọng kể gần dân gian. “Nếu ai đã gặp chị một lần, thật khó lòng mà quên được giọng nói và cách nói của chị. Thật vui vẻ, thật đáo để nhưng vẫn đằm thắm rung động tinh tế của truyền thống dân tộc”.
Với Lê Phương Liên, nghĩ tới nhà thơ là đầu óc trở lại cái câu nói đơn giản mà Xuân Quỳnh dùng để mở đầu cho một tham luận cho hội nghị văn hoá thiếu nhi 1980: “Thuở bé, tôi sống ở làng”.
Mới hơn Cũ hơn