VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

M. Bakhtin – Một số vấn đề cần lưu ý khi nghiên cứu văn học quá khứ

 Lời dẫn 
Bài viết sau đây của M. M. Bakhtin  (1895-1975) vốn in trên tạp chí Novyi mir (Thế giới mới) của Hội nhà văn Liên xô số ra 11-1970. So với các công trình đồ sộ khác của Bakhtin thì nó có vẻ không mấy quan trọng, chẳng qua … chỉ là một bài báo nhỏ.
Tôi đồ rằng thế này.
Năm đó tên tuổi của Bakhtin bắt đầu được khôi phục, và làm choáng ngợp cả giới nghiên cứu lẫn sáng tác.Novyi Mir muốn chứng tỏ mình là một tạp chí đổi mới nên gợi ý tác giả viết riêng cho mình một bài, và Bakhtin đã đáp ứng lại thịnh tình đó bằng bài viết ngắn này. (Cũng như ở ta, tới năm 1980, nhà nghiên cứu Hoàng Trinh phụ trách Tạp chí văn học, nghe nói tôi có biết ít nhiều về Bakhtin đã nhờ tôi chọn dịch một cái gì đó của tác giả và tôi đã gửi tới bản dịch.)

Nhưng nói như Xuân Diệu, rễ của cây cúc vẫn có mùi thơm của cúc, -- dù là viết theo đơn đặt hàng, nhưng bài viết sau đây vẫn có ý nghĩa rất lớn với các nhà nghiên cứu văn học ở Liên xô những năm đó ở hai khía cạnh:
1/  Bakhtin yêu cầu nhà nghiên cứu phải đăt văn học trên bối cảnh văn hóa chứ không chỉ dừng lại ở các nhân tố xã hội kinh tế. Ta biết rằng ở Liên xô trước 1991, khoa nghiên cứu văn hóa cũng vừa kém cỏi vừa sai lệch; văn học bị đặt trong mối quan hệ nhục nhã với hệ tư tưởng, và một cách hình thức, với các vấn đề kinh tế xã hội, chứ không phải lịch sử văn hóa (đây cũng là căn bệnh mà các nhà nghiên cứu ở VN thường mắc). Gợi ý của Bakhtin sẽ làm phiền rất nhiều những người lười biếng, chỉ biết áp dụng duy vật lịch sử một cách giáo điều.
2/ Ông lại yêu cầu nhà nghiên cứu khi đi vào các hiện tượng văn học không dừng lại ở thời đại ra đời của tác phẩm, mà phải nối tiếp nó với các thời đại khác, nhất là không được hiểu thời đại theo nghĩa hẹp, mà phải xem xét nó trong cả thời đại lớn. Đây cũng mở ra cả một bước ngoặt.
Tôi xin lấy một ví dụ về việc áp dụng quan niệm trên ở VN.
 Theo tư tưởng chính thống đang chi phối tất cả các giáo trình đại học và các sách lịch sử văn học kiểu mậu dịch quốc doanh, thì trước và sau 1945 là hai thời đại khác hẳn nhau, và nhà nghiên cứu sẽ phạm quy, nếu tìm cách giải thích tác phẩm của các nhà văn tiền chiến bằng các vấn đề của đời sống hiện nay (đúng hơn phải gọi đầy đủ là “thực tiễn cuộc sống cách mạng” hiện nay), cũng như ngược lại, lấy đời sống hôm nay để chứng minh cho giá trị nhân bản của văn học tiền chiến.
 Nhưng theo thiển ý của tôi, cả hai giai đoan trước sau 1945, đều thuộc chung về một thời đại.
Cái thời đại lớn nói ở đây, tức là thời đại xã hội trung cổ, chuyển mình theo hướng hiện đại hóa.
Nửa đầu thế kỷ XX là giai đoạn hiện đại hóa I.
Nửa sau, bên cạnh xu thế quay về một xã hội tiền hiện đại trong những năm chiến tranh, thì dù lảng tránh và trầy trật đến mấy, vẫn phải theo hướng của thế giới, gọi đích danh là quá trình hiện đại hóa giai đoạn II, giai đoạn chúng ta đang sống.
Chính là khi nghiên cứu lại các nhà văn tiền chiến, tôi đã dùng kinh nghiệm sống của con người hôm nay để giải thích đánh giá và tôi thấy nó có hiệu quả. Ban đầu tôi chỉ tự phát làm việc đó, nay nhờ đọc Bakhtin, thấy tự tin hơn.
Tuy viết muộn, nhưng Tô Hoài trước 1945 là một nhà văn có cái nhìn riêng về đời sống. Điều thú vị là đọc nhiều sáng tác của ông, nhất là thời kỳ sau 1986, cứ thấy phảng phất không khí của các truyện ngắn trước 1945, con người cũng thế mà sự việc cũng thế. 
Hỏi ông thì ông chỉ bảo mình chẳng nghĩ gì cả làm gì có sự phân cách giữa thời nọ với thời kia. Vậy có thể dùng lại chữ của Bakhtin ở đây, tất cả là thuộc về một thời đại lớn.
Trong hoàn cảnh mà giới nghiên cứu văn học ở ta đang mải mê chạy theo những quan niệm lý luận mới, nhắc lại hai luận điểm của Bakhtin như trên nghe có vẻ cổ lỗ thế nào. Nhưng theo tôi, gợi ý của Bakhtin mới là con đường lớn và có triển vọng với những  ai muốn qua nghiên cứu  để  hiểu văn học và hiểu đời sống.
 Trong một dịp khác tối sẽ trở lại với Bakhtin, Bakhtin và Những vấn đề thi phápDostoievski
 Lúc này đây, những gợi ý của Bakhtin trong bài báo nhỏ này vẫn rất mới mẻ.
Khi xem lại bản dịch này tôi không có bản tiếng Nga trong tay, nên không nhớ tên thật của bài viết là gì, hình như nó là hãy dũng cảm sử dụng những khả năng lớn …Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ cái tên của bản tiếng Việt là đúng với dụng ý của tác giả.
Mấy câu in đậm trong bài là của người dịch.
Tôi cũng xin lỗi là do không có đủ tài liệu trong tay nên không có một số chú giải cần thiết khác.


Nếu được nói ý kiến của tôi về những nhiệm vụ đang đặt ra hàng đầu đối với khoa nghiên cứu văn học, thì tôi muốn dừng lại ở hai vấn đề liên quan tới lịch sử của văn học trong các thời đại trước, và cũng là ở hình thức chung nhất của nó. Tôi sẽ không đề cập tới vấn đề nghiên cứu văn học hiện đại và phê bình văn học, mặc dù, hơn đâu hết ở đây có những vấn đề dưới đây sẽ nói, và theo tôi, chúng đã chín muồi, và đã được nghiên cứu có hiệu quả, cần phải tiếp tục.
Trước hết, khoa nghiên cứu văn học cần phải gắn bó chặt chẽ với lịch sử văn hóa. Văn học là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa. Không thể hiểu nó ngoài cái mạch (kontekst) nguyên vẹn của toàn bộ văn hóa một thời đại trong đó nó tồn tại. Không được tách nó khỏi các bộ phận khác của văn hóa, cũng như không được, như người ta vẫn làm, là trực tiếp gắn nó với các nhân tố xã hội kinh tế, vượt qua đầu văn hóa. Những nhân tố xã hội kinh tế tác động tới toàn bộ văn hóa nói chung và chỉ thông qua văn hóa, mới tác động được tới văn học.
Trong một thời gian dài, chúng ta đã đặc biệt chú ý tới các vấn đề riêng của văn học. Bấy giờ làm như thế có thể cần thiết và có lợi. Nhưng nên nói rằng cái lối chỉ biết tới những vấn đề riêng như thế xa lạ với những truyền thống quý báu nhất của khoa học ở ta. Thử nhớ lại chân trời văn hóa hết sức lớn rộng trong các công trình nghiên cứu của Pôtépnhi và đặc biệt Veselovski. Trong khi mải mê chú ý tới những vấn đề của những khu vực riêng, người ta đâm ra coi thường mối quan hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các khu vực khác nhau của văn hóa, quên rằng ranh giới giữa các khu vực này không phải là tuyệt đối, trong các thời đại khác nhau, ranh giới này lại khác đi. Người ta cũng không biết rằng sinh hoạt văn hóa sôi nổi nhất và có hiệu quả nhất diễn ra ở ranh giới giữa các khu vực, chứ không phải từng khu vực riêng của văn hóa, nhất là khi những khu vực đó lại tự khép kín trong “mảnh đất” của mình. Cần đặc biệt nhấn mạnh là trong giới hạn của thời đại, các khu vực riêng của văn hóa không chỉ có tác động lẫn nhau mà còn có đấu tranh. Sự thống nhất của nền văn hóa trong một thời đại là hiện tượng hết sức phức tạp và không phải là sự hòa điệu đơn giản. Đúng hơn, nó giống như cuộc tranh luận chưa chấm dứt trong phạm vi thời đại đó.
Trong các công trình nghiên cứu lịch sử văn học ở ta, nhiều người đã chú ý nêu rõ đặc điểm của thời đại có liên quan đến hiện tượng văn học đang đươc nghiên cứu. Nhưng trong phần lớn trường hợp, người ta làm giống y như  trong môn lịch sử đại cương, thiếu đi sự phân tích có tính tới những sai biệt cụ thể về từng khu vực của văn hóa, cuộc đấu tranh và những tác động của các khu vực đó với văn học. Và cả phương pháp luận của một lối phân tích như thế cũng chưa được nghiên cứu. Trong một số công trình, cái gọi là “quá trình văn học” của thời đại, vốn bị nghiên cứu tách rời khỏi sự nghiên cứu văn hóa một cách sâu sắc, rút cục lại bị quy lại thành những cuộc đấu tranh trên bề nổi giữa các khuynh hướng văn học, và trong thời kỳ cận đại (đặc biệt ở thế kỷ XIX), đôi khi bị quy vào những chuyện ồn ào trên báo chí, tóm lại là những thứ chả có ảnh hưởng quan trọng gì đối với nền văn học lớn, nền văn học thực thụ của một thời đại. Trong khi đó, văn hóa như một dòng chảy mạnh mẽ ở mãi bề sâu (đặc biệt là bộ phận văn hóa dân gian, có tính cách nền tảng), thật sự có tác động tới các nhà văn, lại chưa được phát hiện, đôi khi chính nhà nghiên cứu chưa hề hay biết. Lối tiếp cận như vậy không thể giúp ta đi sâu vào những tác phẩm lớn, bản thân văn học hiện ra bé nhỏ và không có gì đáng để ý.
Nhiệm vụ mà tôi  đang nói và gắn vào đó là những vấn đề của nó (vấn đề ranh giới giữa các thời đại khi hiểu mỗi thời đại là một sự thống nhất về văn hóa, vấn đề loại hình văn hóa và nhiều vấn đề khác) đang hiện ra hết sức rõ rệt trong những cuộc thảo luận về nền văn học barocco ở các nước Slavơ và đặc biệt những cuộc thảo luận về thời kì Phục hưng và chủ nghĩa nhân đạo ở các nước phương Đông hiện đang còn được tiếp tục. Chính trong những cuộc thảo luận này, giới nghiên cứu thấy rõ cần phải đi sâu hơn nữa vào mối quan hệ không thể tách rời giữa văn học và văn hóa của một thời đại.
Những công trình nghiên cứu văn học xuất hiện mấy năm gần đây mà tôi vừa nêu – của Kondrat, Likhachev, Lotman và trường phái của ông – tuy khác nhau về phương pháp luận, nhưng đều giống nhau ở chỗ là không tách văn học khỏi văn hóa, mà muốn hiểu các hiện tượng văn học trong sự thống nhất của toàn bộ văn hóa một thời đại (trong sự thống nhất đó, vẫn có những sai biệt, phân hóa, cố nhiên). Ở đây cần nhấn mạnh văn học là một hiện tượng rất phức tạp, và nhiều chiều cạnh, mà khoa nghiên cứu văn học lại còn quá trẻ, chưa thể nói có một phương pháp nào gọi là “lối thoát duy nhất” trong nghiên cứu văn học được. Đó là lý do và cũng là điều kiện cần thiết để xác định phải có những lối tiếp cận khác nhau, chỉ cần đó là những cách tiếp cận nghiêm chỉnh và có thể phát hiện ra những điểm mới trong các hiện tượng văn học.
Nếu như không thể nghiên cứu văn học tách rời nền văn hóa của thời đại, thì cũng không nên thu hẹp hiện tượng văn học trong cái thời đại đã sản sinh ra nó, trong tính đương thời của nó, như người ta vẫn nói. Chúng ta thường có ý cắt nghĩa nhà văn và tác phẩm bằng hoàn cảnh nhà văn đó đã sống và quá khứ gần đó (trong giới hạn của thời đại, như chúng ta vẫn hiểu). Nhưng chúng ta rất sợ phải đi xa thời đại của cái tác phẩm chúng ta nghiên cứu.
Lối nghiên cứu xuất phát từ điều kiện và nhiệm vụ của xã hội trong đó tác phẩm ra đời cố nhiên phải có, nhưng nó không thể bao quát hiện tượng được nghiên cứu, và trước tiên là những yếu tố của hiện tượng có liên quan tới cái gọi là “tính nội dung của hình thức”. Mọi tác phẩm đều bắt rễ rất sâu vào quá khứ xa xôi. Một tác phẩm văn học vĩ đại được chuẩn bị qua nhiều thế kỷ, lúc nó hình thành tức là lúc người ta thu hoạch cả cái thành quả của một sự tìm kiếm lâu dài và phức tạp đến lúc chín muồi. Chỉ căn cứ vào điều kiện của thời đại, cái thời gian tác phẩm ra đời, để hiểu và cắt nghĩa tác phẩm, chúng ta không bao giờ có thể thâm nhập vào được cái bề sâu ý nghĩa của nó. Bó hẹp trong một thời đại, chúng ta cũng không thể hiểu cái cuộc sống của tác phẩm trong những thế kỷ tiếp,  khi tương lai của tác phẩm hiện lên như là ngược đời, kỳ quặc. Phá vỡ những giới hạn của cái thời gian mà nó ra đời, tác phẩm vươn tới cuộc sống của các thế kỷ, tức là sống trong một thời đại lớn và thường là (với các tác phẩm vĩ đại thì luôn luôn là) một cuộc sống sôi nổi và đầy đặn hơn so với cuộc sống đương thời. Nói một cách đơn giản và thô thiển hơn, nếu ý nghĩa của một tác phẩm nào đó chỉ được người ta quy vào chỗ là nó có vai trò nhất định trong cuộc đấu tranh với quyền chiếm hữu nông nô (trong các trường phổ thông, người ta làm vậy) thì tác phẩm đó hoàn toàn mất ý nghĩa, khi chế độ nông nô và những tàn tích của nó không còn trong đời sống, ngược lại, nếu ý nghĩa của nó vẫn được tăng cường tức là nó đã đi vào thời đại lớn. Nhưng tác phẩm vẫn không thể sống trong những thế kỷ tiếp, nếu nó không biết bằng cách nào đó thu hút vào mình những gì của các thế kỷ đã qua. Nếu nó chỉ nảy sinh bằng tất cả những yếu tố của ngày hôm nay (tức của xã hội đương thời với nó) mà không tiếp tục quá khứ và không gắn bó với quá khức một cách đáng kể, nó không tiếp tục sống trong tương lai…
Như tôi đã nói, cuộc sống của những tác phẩm vĩ đại trong những thời đại tiếp sau, cách xa thời gian ra đời của nó, đôi khi rất là ngược đời. Trong tiến trình của cái đời sống những năm tiếp theo đó, các tác phẩm này có thêm những ý nghĩa mới, những khía cạnh tư tưởng mới. Các tác phẩm này hình như lớn vượt lên, so với chính nó trong thời gian nó được xây dựng. Hãy nhớ lại trường hợp Shakespeare. Có thể nói rằng cả Shakespeare  lẫn những người cùng thời với ông, không hề hay biết có một Shakespeare  vĩ đại, như bây giờ chúng ta đều biết.
Đương thời, Bielinski từng nói rằng mỗi thời đại lại phát hiện ra những tác phẩm vĩ đại của quá khứ những khía cạnh mới. Hay là chúng ta thêm thắt vào tác phẩm của Shakespeare  những thứ mà trong đó không có, chúng ta hiện đại hóa và xuyên tạc những tác phẩm ấy? Hiện đại hóa và xuyên tạc là chuyện đã xảy ra và còn xảy ra. Nhưng Shakespeare  trở nên vĩ đại không phải là dựa vào chỗ đó. Ông trở nên vĩ đại là do những yếu tố đã có trong tác phẩm của ông, nhưng cả ông và những người đương thời không thể quan niệm và đánh giá được trong cái mạch văn hóa của thời đại mình. Ý nghĩa tư tưởng chỉ tồn tại ở dạng hàm chứa, tiềm năng, và ý nghĩa đó chỉ được phát hiện trong cái mạch văn hóa của những thời đại kế tiếp, một cái mạch thuận tiện cho sự phát hiện đó. Kho tàng tư tưởng do Shakespeare  mang vào trong các tác phẩm của ông thật ra đã được lựa chọn và xây dựng trong nhiều thế kỷ, thậm chí trong hàng ngàn năm: chúng hòa tan vào ngôn ngữ, và đó không phải chỉ là những lớp ngôn ngữ văn học, mà còn cả những tầng ngôn ngữ dân gian mà trước Shakespeare  chưa được đưa vào văn học, chúng hòa tan trong các thể loại và hình thức rất đa dạng của sự giao tiếp về ngôn ngữ, trong các hình thức của nền văn hoá dân gian hùng hậu (chủ yếu là hình thức hội giả trang hình thành đã hàng ngàn năm, trong các thể loại sân khấu diễn xướng: kịch diệu pháp, kịch hề và nhiều thể khác), trong các cốt truyện bắt rễ sâu vào thời tiền sử, cuối cùng, chúng hòa tan trong những hình thức của tư duy.
Cũng có ý nghĩa đặc biệt là các thể loại, qua trường kỳ lịch sử trong các thể (kể cả thể loại văn học thành văn, lẫn văn chương truyền miệng) đã quy tụ những hình thức nhìn nhận và suy nghĩ về những phương diện nhất định của đời sống. Đối với những người xem nghề văn chỉ là một thứ nghề thủ công, thể loại là một thứ khuôn sáo bề ngoài. Chỉ các nghệ sĩ lớn mới biết thức tỉnh những tiềm năng ý nghĩa có sẵn trong thể loại. Shakespeare  đã sử dụng và đưa vào tác phẩm của mình một kho tàng lớn lao những ý nghĩa ở dạng tiềm năng mà thời bấy giờ người ta chưa phát hiện ra và nhận thức đầy đủ…
Nói vậy không có nghĩa là nhà văn có thể bằng cách nào đó tách khỏi thời đại đang sống, tác phẩm của nhà văn đó có thể đặt vào quá khứ hay xếp sang tương lai đều thế cả. Thời đại nhà ăn đang sống vẫn giữ nguyên vai trò quyết định của mình: thiếu đi yếu tố đó, không thể có sáng tác đó nữa. Sự phân tích khoa học chỉ có thể xuất phát từ thời đại nhà văn đã sống, và muốn tiếp tục phát triển,  mọi thời đại phải tự soát xét lại từ cái gốc đó. Như chúng tôi đã nói từ đầu, trước tiên người ta hiểu một tác phẩm văn học trong sự thống nhất đa dạng của nền văn hóa của cái thời đại nó đã được xây dựng. Có điều không thể bó gọn nó trong thời đại này mà vẻ đầy đặn của nó chỉ được phát hiện ra trong cả thời đại lớn.
Nhưng nền văn hóa của một thời đại – dù thời đại này cách xa chúng ta bao lâu nữa – không thể tự gói gọn trong chính nó,  như một cái gì đã hoàn thiện, đã sẵn sàng, và có thể đi mãi không quay lại, tức có thể chết. Đến nay, quan niệm của Spengler về những thế giới văn hóa hoàn thiện và khép kín vẫn còn gây được ảnh hưởng trong các nhà sử học và giới nghiên cứu văn học ở ta. Nhưng cần phải bổ sung và phê phán tư tưởng đó ở những phương diện quan trọng nhất của nó. Spengler xem nền văn hoá của một thời đại như một vòng tròn khép kín. Nhưng sự thống nhất của một nền văn hóa nhất định là sự thống nhất để ngỏ. Mỗi một đơn vị thống nhất đó (ví dụ văn hoá cổ đại) có tính đặc thù của mình, nhưng vẫn gia nhập vào quá trình hình thành nền văn hóa nhân loại, quá trình này là duy nhất, tuy không phải là phát triển theo đường thẳng. Trong mọi nền văn hóa quá khứ còn hàm chứa một tiềm năng ý nghĩa lớn lao, chưa được nhận thức và chưa được sử dụng trong suốt cuộc sống lịch sử của nền văn hóa đó.
Chính nền văn hóa cổ đại chưa biết rằng có một nền văn hóa cổ đại mà hôm nay chúng ta biết. Ai từng là học trò hẳn nghe một câu đùa đại ý nói: Những người Hy Lạp cổ không biết điều chủ yếu ở họ - họ không biết rằng họ là những người Hy Lạp cổ, và không bao giờ họ tự gọi mình như vậy. Chính là khoảng thời gian để biến người Hy Lạp thành người Hy Lạp cổ có một ý nghĩa thức tỉnh lớn lao: nó được lấp đầy bởi những phát hiện, theo đó, thời cổ đại hiện ra với những giá trị tư tưởng hết sức mới mẻ, mà người Hy Lạp thực ra không biết, dù chính họ đã sáng tạo nên.
Chúng tôi xin nhấn mạnh ở đây chúng tôi nói tới cái chiều sâu tư tưởng vốn có trong nền văn hóa ở các thời đại đã qua, chứ không nói tới việc tăng cường những hiểu biết của chúng ta về các nền văn hóa đó, qua những tư liệu, bằng chứng mà ngành khảo cổ đã khai quật được, cũng như qua việc phát hiện những văn bản mới, hoàn thiện việc giải mã các văn bản ấy, hoặc là qua việc phục chế… đó là việc tìm ra những cơ sở vật chất của tư tưởng, kẻ mang tư tưởng, phần xác của tư tưởng như người ta vẫn nói. Nhưng trong văn hóa, giữa phần xác và phần hồn không thể có một sự phân chia ranh giới tuyệt đối. Văn hóa không phải được tạo nên từ những yếu tố chết. Như chúng ta đã nói, trong tay những người xây dựng, đến những hòn ngói cũng biết nói lên một điều gì đó qua hình thức của mình. Do đó, những phát hiện mới về nền văn hóa vật chất góp phần sửa chữa những quan niệm tư tưởng của chúng ta và yêu cầu chúng ta phải làm lại những quan niệm đó ở những phía rất cơ bản.
Có một quan niệm đã sống dai dẳng trong chúng ta nhưng là quan niệm một chiều và do đó không đúng: đó là quan niệm cho rằng để hiểu một cách thật đúng một nền văn hóa khác, cần đặt mình vào đó, quên mình đi, nhìn thế giới bằng con mắt của nền văn hóa xa lạ với mình này. Cố nhiên, việc thâm nhập vào một nền văn hóa khác, khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của nó là nhân tố cần thiết để tìm hiểu nó. Nhưng nếu chỉ nhờ yếu tố đó đã hiểu mọi chuyện, thì cách hiểu đó chẳng qua chỉ là một bản sao đơn giản, không có gì mới và cũng chưa giàu có thêm về bất cứ phương diện nào. Cách hiểu sáng tạo không từ chối chính mình, vị trí của mình trong thời gian và nền văn hóa của mình. Nó không chịu quên chút gì hết cả. Để hiểu hiện tượng, nhà nghiên cứu có một việc quan trọng là tạo ra thế đứng ngoài – đứng ngoài về cả không gian, thời gian và văn hóa – trong tương quan với sự vật mà nhà nghiên cứu đó muốn hiểu một cách sáng tạo. Bản thân bề ngoài của mỗi con người cũng không bao giờ được người đó nhìn nhận một cách thấu đáo và suy nghĩ được toàn diện; không một tấm gương hoặc một bức ảnh nào giúp được người đó trong việc này hết. Chỉ có những người ngoài nhìn thấy cái vẻ ngoài thực sự của anh ta, hiểu vẻ ngoài đó, nhờ cái thế đứng ngoài xét về mặt không gian, cũng như nhờ vào chỗ họ là những người khác.
Trong lĩnh vực văn hóa, thế đứng ngoài là một thứ đòn xeo mạnh mẽ giúp cho sự hiểu biết (cố nhiên, phải kết hợp chặt chẽ với việc thâm nhập từ bên trong bằng cách đi sâu vào đối tượng). Chỉ trong mắt những nền văn hóa khác, một nền văn hóa lạ mới tự phát hiện ra mình một cách đầy đủ hơn và sâu sắc hơn (nhưng không phải đã hiểu tất cả, vì lại có những nền văn hóa khác nhìn nhận và lý giải hay hơn). Trong khi gặp gỡ và tiếp xúc với nhau, từng nền văn hóa này phát hiện ra bề sâu của mình; giữa đôi bên dường như bắt đầu một cuộc đối thoại, khiến cho tính cách chật hẹp và đơn điệu của từng nền văn hóa này, được khắc phục. Chúng ta đặt ra cho nền văn hóa lạ kia những vấn đề mới, mà nó chưa từng đặt ra, nền văn hóa kia trả lời chúng ta, mà cũng là mở ra cho chúng ta thấy những phương diện mới của nó những bề sâu ý nghĩa mới. Không có những câu hỏi của mình, người ta không thể hiểu những cái khác lạ ngoài mình (cố nhiên, đây phải là những câu hỏi nghiêm chính thực thụ). Khi hai nền văn hóa gặp gỡ đối thoại với nhau, chúng không hòa trộn mà cũng không lẫn lộn vào nhau, mỗi bên bảo vệ sự thống nhất và sự nguyên vẹn để ngỏ của mình, nhưng cả hai có thể làm giàu thêm cho nhau.
Về triển vọng của sự phát triển tới đây của khoa nghiên cứu văn học ở ta, tôi thấy đó là một triển vọng hết sức tốt đep, vì chúng ta có những khả năng lớn. Cái mà không phải bao giờ chúng ta cũng đủ, đó là sự dũng cảm trong khoa học nghiên cứu; mà nếu thiếu đi sự dũng cảm đó, không bao giờ chúng ta có thể đạt tới đỉnh cao và thâm nhập được xuống bề sâu như chúng ta mong muốn.

Đã in trên Tạp chí Văn học, số 4 (184), tháng
7&8/1980, tr. 139 - 144
Mới hơn Cũ hơn