Thăm thú Hội An đến ngày thứ hai, buổi
chiều hôm ấy, chúng tôi được mấy bạn quen rủ ghé lại một nhà thờ họ. Thành thực
mà nói, lúc đầu cũng hơi ngại. Đến thăm
nơi này là để ngắm nghía chùa Tàu cầu Nhật, chứ mấy ngôi nhà thờ họ thì đâu
chẳng có, tới thăm mà làm gì?!
Nhưng chuyện chung quanh ngôi nhà thờ họ ấy cũng
rôm rả không kém mấy địa điểm du lịch khác. Tại sao ư? Nói tóm lại là không ở
đâu chúng tôi thấy con người ta sống với quá khứ của ông cha hết lòng đến thế.
Trong nhà nhiều đồ đạc từ hơn một trăm năm để lại. Đèn sáng vừa đủ để tạo không
khí. Và điều thú vị là: Mọi thứ đều có cái bề ngoài rất thực của nó, đại khái bảo đồ cổ thì có
thể tin là đồ cổ thứ thiệt, chứ không phải mấy thứ tân thời giả cổ(!).
Chẳng
những thế mọi vật kỷ niệm còn lại, mấy bức tranh, bộ bàn ghế, cái án thư - đều
sạch sẽ thơm tho như vẫn đang được sử dụng, mà người sử dụng thì đúng là những
người “cổ lai hy”, nghĩa là có phong thái sống khoan thai từ tốn, chứ không xô
bồ ù xoẹ như chúng ta bây giờ.
Trong một ngôi nhà dường như cả mấy thế hệ đang
sống hoà hợp.
Sau hết, sự hiện diện của cô chủ nhà, với những phẩm chất hiếm
hoi, kết hợp được cả tình cảm yêu kính ông cha, lẫn một sự hiểu biết lịch lãm.
Một mặt cô không giấu giếm tình cảm riêng, nỗi quyến luyến của cô với những gì
vợ chồng cô được thừa kế. Mặt khác là cái tinh tế trong giao tiếp: Cô biết đặt
mình vào địa vị người đến thăm, đón truớc những câu hỏi, ngừa trước những thắc
mắc. Và vui vẻ trước mọi kết luận để ngỏ: đấy gia tài ông cha chúng tôi để lại
là thế đấy, làm sao chúng tôi không tự hào cho được?
Cẩu thả và thô lậu. Những việc phản cảm
Từ khi
còn ngồi trên ghế trường tiểu học, tất cả chúng ta đã được dạy dỗ rằng tục thờ
cúng tổ tiên là một nét đặc sắc trong nền văn hoá dân tộc.
Tuy nhiên, hẳn là
câu chuyện về mấy ngôi nhà thờ họ ở Hội An sẽ không để lại trong đầu óc ấn
tượng sâu đậm đến thế, nếu nó không tương phản rõ rệt với cái tình trạng thường
thấy mấy năm gần đây.
- Ở
nơi này, sự thờ cúng trễ nải qua loa, thấy khách đến chủ nhà mới lôi mấy thứ đồ
thờ mốc meo ra phủi bụi, để chứng tỏ tấm lòng “không kém ai” của mình.
- Ở
nơi kia, một sự hiểu biết lỗ mỗ kém cỏi, không tương xứng với nỗi niềm tha
thiết của gia chủ. Một vài niên đại sai lệch. Một vài địa danh không chính
xác... lẽ tự nhiên là phải nghe những lời ba hoa vụng về, người ta dễ nảy sinh
ra sự nghi ngại.
- Còn
ở một nơi khác nữa, thì lại có tình trạng gia chủ có cái vẻ như là thích khoe,
thích làm dáng, vừa khấn vái tổ tiên vừa như là đứng tách ra tự ngắm nghía và
phải cố kiềm chế lắm mới không nói thẳng vào mặt khách: Các anh xem, tôi thờ
cúng thế đấy, tôi giữ gìn truyền thống thế đấy, bản sắc dân tộc ở tôi đậm đà
thế đấy (!)
Những chuẩn mực không thể châm chước
Theo
những con đường khác nhau, song một khi sự phản cảm đã nảy sinh, thì không cách
gì cứu vớt lại được.
Hoá
ra, một hành động văn hoá chẳng thể có ý nghĩa như nó phải có, nếu được làm một
cách hình thức, thậm chí bôi bác, tuỳ tiện.
Ngược
lại, một công việc nào đó chỉ được xem là một hành động văn hoá thực thụ, nếu
ít nhất nó thoả mãn những điều kiện sau đây:
1. Nó
được làm với niềm tin thiêng liêng, người làm việc đó tin rằng mình đang hướng
đời sống tinh thần vào một cõi cao đẹp, và đây nhất thiết là một hành động vô
tư, không vụ lợi (với tất cả sự đa dạng và những biến thái tinh tế và trơ tráo của chữ
lợi).
2. Nó
được làm một cách thành thục, theo những quy tắc nghiêm cẩn, đã hình thành từ
nhiều thế hệ.
Có
người sẽ bảo: Vẽ chuyện! Bảo tồn văn hoá là mục đích còn nghi lễ chỉ là cái vỏ,
cái bình đựng. Cốt lòng mình có nghĩ tới, còn làm thế nào chẳng được! Song văn
hoá vừa vô hình và cao cả tinh khiết, vừa là một cái gì rất cụ thể. Người ta sẽ
đọc ra cái thực chất văn hoá của một con người cũng như cả một xã hội ở đâu,
nếu không phải qua những thể thức biểu hiện sinh động, những thể thức này không
lừa được cảm giác của người chứng kiến.
Thành kính và thuần thục
Không
phải chỉ đến hôm nay mà từ ngàn xưa, các hành động văn hoá đều đã đòi hỏi được
biểu hiện chân thành và thuần thục như vậy.
Với tư
cách một cuốn sách ghi lại những nếp sống văn hoá đã trở thành thói quen bền
vững của người xưa, Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, bên cạnh những
truyện nói về thú viết chữ đại tự, rồi thả thơ, đánh thơ, uống rượu,
làm đèn kéo quân, còn có một thiên truyện mang tên Chén trà trong sương
sớm (sau Nguyễn Tuân giản lược đi mà chỉ gọi Chén trà sương).
Nhân
vật chính trong truyện, một cụ già, đã làm cái việc chuẩn bị cho những chén trà
uống trong buổi sớm mai của mình với tất cả thành kính và những sự dụng công,
mà người ngày nay chắc bảo là cầu kỳ: nào ấm đun phải ra sao, lửa phải cháy
đượm thế nào, nước sôi già phải được thử lại thế nào.
Rồi pha, rồi uống, nhất
nhất đều tuân thủ những nguyên tắc khắt khe của trà đạo.
Nguyễn Tuân kết luận:
“Chưa bao giờ ông già này dám cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời
khách, cụ ấy đã để vào đấy nhiều công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ
nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết
lý. “
Uống
trà đã vậy, đến như những ngày sóc vọng tức là tuần rằm mùng một, lên chùa lễ
Phật hoặc giỗ tết thờ cúng tổ tiên, ông cha ta xưa càng đòi hỏi một sự thuần
khiết trong nghi lễ, bao gồm cả tấm lòng chân thành lẫn sự tự nguyện tôn trọng
mọi quy tắc ứng xử đã trở thành khuôn mẫu.
Những cách làm phi văn hóa đang quá phổ biến
Sau những năm dài chiến tranh, nay là lúc xã hội trở lại với những nếp sống bình thường. Chính vào lúc cánh cửa giao tiếp với nước ngoài được mở rộng thì cũng là lúc lời kêu gọi “Hãy quay trở về với mọi nền nếp văn hoá dân tộc” có được những nội dung cụ thể.
Ta rủ nhau lên chùa.
Ta góp tiền xây dựng lại nhà thờ.
Ta đi nghe ca trù, xem rối nước v.v...
Nhưng liệu đã có thể coi mọi việc ổn
thoả chưa, thì còn phải xem xem đã. Đang thấy xảy ra một quá trình đối nghịch
đáng ngại, tức là người đến với văn hoá càng đông thì văn hoá lại càng trở nên
xô bồ, thô lậu và chưa biết bao giờ tìm lại được vẻ thiêng liêng thanh khiết
của nó. Đôi khi, người ta không khỏi phì cười để rồi sau đó thấm thía buồn
trước việc mấy cô mấy cậu choai choai vào chùa mà ăn mặc hở hang và cả mấy câu
cầu khấn tối thiểu cũng không thuộc.
Lại càng buồn hơn khi phải tận mắt chứng
kiến những công trình tu bổ di tích văn hoá theo lối học đòi, làm mất vẻ cổ
kính vốn có, hoặc phải đọc những dòng mô tả lịch sử một nghệ thuật truyền thống
nào đó được viết vội vàng theo kiểu nói lấy được, khen lấy được.
Dẫu
sao, những vụng dại ấy còn có thể tạm tha thứ. Đến như những người mở hội lễ
chỉ nhằm thu tiền lệ phí, góp tiền công đức xây chùa đúc tượng cốt để cầu mong
thần thánh bỏ qua cho mọi hành động gian manh, đội bát hương cốt để phát tài
phát lộc thăng quan tiến chức... tóm lại, làm tất cả những việc cao quý với mục
đích vụ lợi, rồi lại tự lừa luôn cả mình và lớn tiếng khuyên nhủ mọi người trở
về với văn hoá dân tộc, thì trước khi nói đến khía cạnh đạo đức, ở đây còn có
vấn đề chính danh tức là người ta
đã không làm đúng một việc như ý nghĩa việc đó phải có.
Một vài chi tiết
chung quanh câu chuyện thờ cúng tổ tiên còn tuỳ tiện nham nhở nói ở trên là nằm
trong cái mạch chung đó.
Ngược trở lại, sự thành tâm của người dân Hội An với
những ngôi nhà thờ họ của gia đình chính là ví dụ về một tinh thần văn hoá thực
thụ mà, rộng hơn chuyện thờ cúng, lẽ ra phải được quán xuyến trong nhiều hoạt
động khác.
In báo 1995
In lại trong Nhân nào quả ấy 2003