VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chất lang chạ trong mỗi chúng ta


Giao thiệp rộng vốn là một yêu cầu thiết yếu đặt ra với nghề cầm bút. Có giao thiệp rộng, một người viết văn mới có cơ may hiểu đời hiểu người và có vốn để viết.
     Trong hoàn cảnh mà việc viết lách còn luôn luôn đòi hỏi cả mọi sự thường xuyên dỏng tai nghe ngóng để nắm bắt được sư luận cho chính xác, thì có thể nói là không giao thiệp rộng không viết nổi.
 
     Ấy vậy mà có những người trong chúng tôi, vụng về cố chấp, cả đời chỉ loanh quanh trong một đám bạn bè hẹp.
     Trong khi ấy lại có những người gần như đi với ai cũng được, đi với ai cũng toe toét cười đùa nói năng bả lả. Cả già lẫn trẻ, cả các ma cũ lẫn đám ma mới, cả đám chuyên môn chúi đầu vào sách lẫn đám sống không ngại bụi đời và quan trọng nhất là cả những người lúc nghiêm chỉnh anh tìm đến để dãi bày tâm sự lẫn đám Chí Phèo thực bụng là anh e ngại, --  tất cả, tất cả, anh đều khoác tay thân mật như bồ bịch.
    Trông sự đóng kịch của anh mà thèm.
     Vâng, chúng tôi cũng hiểu anh X. nói ở đây là người giỏi đóng kịch, giỏi đổi màu, đi với bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy, là sống theo kiểu làm xiếc.
      Rồi có một lần ai đó buột miệng bảo anh là điếm. Không đánh đu với lão X. ấy được, người ta bảo vậy. Lão ấy điếm lắm, đi với ai cũng thế, chỉ cốt moi tài liệu thôi mà.
     Người chung quanh ngớ ra một lúc rồi cũng thấy phải.
     Riêng có anh X. vẫn cười nhăn nhở, vẻ như muốn bảo ai người trong bọn mình chả có chút điếm hoặc nói nhẹ đi một chút, ai chả lang chạ. Lang chạ trong giao thiệp như tôi còn là chuyện tha thứ được, anh nói thêm. Đến như các bố lang chạ trong viết lách mới thực đáng sợ.
     Lần này thì lời cảnh cáo của cái con người thập thành ấy có làm cho chúng tôi sững người ra một lúc thật!
    Trong tiểu thuyết Anh em Karamazov, nhà văn Nga Dostoievski từng nói tới một tình huống kỳ lạ. Smerdiakov thực thi việc giết bố. Nhưng chính kẻ sớm có ý định làm việc ấy và ngấm ngầm khuyến khích hung thủ, tóm lại tội nhân chính phải kể là Ivan.
     Chuyện lang chạ nói ở đây cũng có nét gì đó tương tự. Có những người suốt đời không biết đến người đàn bà nào khác ngoài vợ, nói đến chuyện chơi bời thì ngớ mặt ra, muốn bảo vệ nhân phẩm của chị em một cách nhiệt huyết, một cách chân thành… song ở các lĩnh vực đời sống khác nhiều người trong họ lại cư xử theo đúng tinh thần của cái nghề mà họ khinh bỉ.
      Trong sự giao thiệp hàng ngày nhiều khi vì lịch sự mà chúng ta phải tạm xếp cái cá nhân chính đáng của mình lại, để chiều chuộng tất cả những người mà ta có quan hệ.
      Bảo thế là điếm e còn oan.
       Nhưng cứ đà ấy mà kéo, nhân danh sự kiếm sống ta tự cho phép làm tất cả những việc ta vốn không thích, miễn làm vừa lòng khách hàng của mình; việc vốn thiêng liêng đáng ra phải mang tất cả tình cảm và hứng thú ra để làm, lại được tiến hành một cách bừa bãi, theo nguyên tắc của chiếc tắc xi, khách nào cũng chở, có tiền là chở, tiền trao cháo múc… thì đúng là lang chạ vô nguyên tắc rồi còn gì.
      Càng những nghề có quan hệ tới công chúng rộng rãi, cái nguy cơ ấy càng lớn. Như trong việc sáng tác văn chương mà chúng ta đang nói.
      Là lang chạ vô nguyên tắc, những cây bút nào nhận viết về mọi đề tài không phân biệt quen hay lạ, sở trường hay sở đoản, cứ có người đặt tiền vào tay là viết, viết xong lại khinh bỉ ngay cái vừa viết rời tay, song rằng quen mất nết đi rồi, ngày mai lại làm tiếp cái việc hôm qua đã làm.
      Là lang chạ vô nguyên tắc, những cây bút phê bình không cần biết hay dở, hợp gu hay không hợp gu, viết bạt mạng, viết lấy được, suồng sã xô bồ trong thẩm định và đánh giá.
     Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường so sánh việc cầm bút với tình yêu, coi đó là những hành động nguyên bản, mỗi lần diễn ra là một trường hợp độc đáo. Bởi trong xã hội hiện đại, sự nhốn nháo có chiều tăng lên, người ta lại càng quý mến những ai giữ được tiết sạch giá trong của ngòi bút (còn việc mang lại cho cái tình yêu đó một sắc thái hiện đại, ấy lại là chuyện khác và chúng ta sẽ nói tới vào một dịp khác!)
Lần đầu  in trong Những kiếp hoa dại,1993

Viết thêm  18-2-2012
   1/  Ở dạng bản thảo , bài viết này của tôi mang tên Chất điếm trong mỗi chúng ta, nhà thơ Ngô Văn Phú năm đó là tổng biên tập  Nxb  Hội nhà văn khi cho in bài này đã chữa chữ điếm thành  chữ lang chạ. Lúc đầu  tôi chấp nhận có phần miễn cưỡng , sau thấy cảm ơn anh Phú. Vì thực ra ở VN mình cái gì cũng nửa vời,  cái loại điếm có nghề nghiệp có quan niệm rõ ràng … có lẽ là chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Dù là mở rộng để xem xét tình hình trong  mọi lĩnh vực khác, thì vẫn phải nhận rằng  đa số  trường hợp, cái dễ nhận nhất  chỉ là lang chạ học đòi bắt chước gió chiều nào theo chiều ấy, giương cờ rất nhanh và trở cờ cũng rất nhanh… bởi vậy dùng chữ lang chạ là hợp lý hơn.
    2/ Có nhiều lĩnh vực cần phải nghiên cứu khi nói đến chất điếm chất lang chạ, trong đó chắc chắn có phần việc hàng đầu là mối quan hệ giữa nó với cái phản đề của nó là sự nghèo nàn trong định hướng sống, không dám tiếp xúc không dám thay đổi, sự trung thành giả dối và sự thiếu quyền biến trong chiến lược chiến thuật.
     Mặt khác, muốn được thấu đáo, không gì bằng thử nghiên cứu xem chất điếm chất lang chạ có liên quan đến chất lưu manh ra sao . Những việc này hẳn sẽ mang lại hứng thú cho các công trình  xã hội học văn hóa học về con người VN, xã hội VN.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn