VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Bao giờ thì VN có giải Nobel văn chương ?

Hàng hoá Việt Nam thường được coi là nghèo nàn về mặt chủng loại. Những công cụ hoặc đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày cái gì cũng có, nhưng đơn sơ chưa đạt tới mức độ hoàn thiện. Trong hoàn cảnh giao lưu kinh tế với nước ngoài được mở rộng, người sản xuất của chúng ta khá nhạy cảm trong việc tiếp nhận. Nghĩa là thấy ai làm cái gì ta cũng chịu khó mô phỏng bắt chước. Song thường nhái theo kiểu cách học được mà ít có khả năng tạo ra những mẫu mã mới và không xây dựng nổi những thương hiệu có uy tín, nên thua ngay trên sân nhà, tức không cạnh tranh nổi với hàng hoá nhãn mác nước người. Không có tiền thì đành bóp bụng chịu, chứ nếu có, người tiêu dùng hôm nay vẫn sính dùng hàng ngoại hơn hàng nội. Trên đây là những đặc điểm đang chi phối sự sản xuất vật chất ở ta.Chúng được nói nhiều, được phân tích kỹ trên mặt báo và mọi người đều biết, cả những người làm nghề sáng tạo ra các của cải tinh thần ( trong đó có các nhà văn nhà thơ ) cũng biết. Chỉ có điều không ai chịu có một chút liên hệ tối thiểu, nhìn các mặt hàng khác mà nhận chân giá trị thứ hàng mình làm. Ngược lại, nhiều người cầm bút vẫn nuôi ảo tưởng, hình như nghề của mình là một ngoại lệ, văn chương mình làm ra không thể xoàng xĩnh như mấy thước vải do các hãng trong nước dệt hoặc mấy viên thuốc nội khi con ốm bất đắc dĩ mới mua cho con dùng. Không, ta kém những gì không biết, chứ văn chương không chịu kém ai cả ! Sự thực thì như thế nào ? Thử nhìn vào một thể tài mà bạn đọc đang tha thiết mong đợi và nhiều người cũng đang háo hức lập nên kỳ tích là thể tiểu thuyết. Đây vốn không phải là một thể văn nội sinh, mà chỉ mới được du nhập từ khi người Pháp tới ( thể truyện nôm trong văn học trung đại mới chỉ là những mầm mống sơ khai ).Và mặc dù tiểu thuyết VN thế kỷ XX được viết khá nhiều, song còn quá sớm nếu bảo rằng chúng ta có một truyền thống tiểu thuyết hùng hậu như nước này nước nọ. Chẳng có người trong cuộc nào công khai thú nhận, song về lý mà xét, có lý do để dự đoán rằng không ít cuốn tiểu thuyết được viết và in ra thời gian vừa qua tạm gọi là thành công trên phương diện thể loại chẳng qua nhờ biến báo những kinh nghiệm học được từ nước ngoài. Chưa thể nói tới những sự đột phá tìm tòi, những bước mở rộng quan niệm về thể tài mà người ta thường bắt gặp ở những nền tiểu thuyết lớn ( cũng tức là chưa có những mẫu mã mới như bên kinh tế thường nói ). Một nhà nghiên cứu văn hoá đã đưa ra ví dụ khái quát :Việt Nam không sáng chế ra chiếc xe đạp, nhưng đứng ở góc độ khai thác hiệu năng của chiếc xe đạp để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt thì không ai bằng người VN. Tôi nghĩ rằng thành tựu của tiểu thuyết ở ta cũng ở mức độ tương tự, tức là giữa phát minh và vận dụng, có vẻ ta khá hơn trong việc vận dụng tiểu thuyết để phục vụ đời sống, thế thôi.Viết thì cứ viết đọc thì cứ đọc, cần trao giải thưởng để động viên nhau thì cứ trao, nhưng bốc nhau lên quá thì không nên. Tỉnh táo trong việc đánh giá thành tựu đã qua chính là một cách để đỡ có những hy vọng hão huyền và cả những đòi hỏi lố bịch. Tư duy về văn học ở ta còn loanh quanh ở mức như thế này, văn hoá nghề nghiệp ở những người viết còn dừng lại như thế kia, thì hy vọng làm gì cho mệt. Gần đây một vài người thích nêu ra những câu hỏi vui vui kiểu như bao giờ VN có những người đoạt giải Nobel văn chương. Tôi nghĩ câu trả lời không có gì khó khăn lắm : đại khái bao giờ người Việt có những phát minh khoa học lớn được cả thế giới áp dụng ; hoặc có những nhà hoá học tìm ra những nguyên tố mới ; hoặc gần gũi hơn, bao giờ bóng đá Việt Nam Việt Nam ở vào tốp 10 tốp 20 trong bảng xếp hạng bóng đá thế giới -- thì lúc ấy thơ văn tiểu thuyết chúng ta trước sau sẽ có Nobel. Văn chương không thể là một ngoại lệ, sự sáng tạo trong văn chương cũng nằm trong tiềm năng sáng tạo chung,và cùng trình độ như mọi ngành nghề khác.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn