VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký Quảng Trị 7-9/1973 - kỳ 3


Lính nói về Quảng Trị: Tỉnh 6 vạn dân, thì 12 vạn lính. 1 tấc đất, 1 cân sắt. Sỏi đá ít hơn mảnh đạn.

Rừng mít kín hai bờ sông, cả bên Thượng Phước, lẫn bên Tích Tường. Nay chỉ còn những thân cây. Những con đường tăng bị phá huỷ, đào xới (5.000 viên đạn đại bác/ngày) nay không còn là đường. 

Sao tôi vẫn luẩn quẩn về những con đường.
 Quảng Trị này đâu cũng đường, mà không đâu còn đường.
Những ranh giới ngoằn ngoèo, như là không bao giờ nó có lý.
- Bây giờ mới có hình ảnh người đi bộ với những ban ngày, với bề nổi trên mặt đất. Nhà cửa dã chiến, tôn lợp che bằng túi hoá học đắp điếm, tất cả hiện ra như ta quen nghe về những người lính bên kia. Chuyển địa điểm người lính mang theo một lô bao  cát, bó vào một bó.
Trồng rau: rau cạnh miệng hố bom. Đào giao thông hào ra gần, có gì tụt vào (những ngày còn đánh nhau)

Nơi giáp mặt
Một người lính SG
- Khả năng là có thể chúng tôi còn phải nổ súng, các anh cũng còn phải nổ súng. Điều quan trọng là cuối cùng viên đạn đi đến đâu. Có nhiều mặt có thể nghe các anh, nhưng một số mặt chưa thể nghe các anh. Mỹ có những điều phải học, như Nga Tàu có những điều phải học.

 Một người lính Sài Gòn mặc quần đùi, xi líp ra bảo: C trưởng tôi bảo mang biếu C trưởng anh cục thịt.
- Không, không lấy.
- Trời, không lấy hả ." Các ông không lấy, tụi bay" "Thôi các ông không lấy mang vào cho tụi tao"
- Chỉ huy địch, cấm không ra cấm, thả không ra thả.
- Chiến tuyến rộng (C2) đêm đi kiểm tra 6g-11g hoặc 11g-3g
Hầm ta sập, bới thấy một xác địch cũ (giày Sài Gòn) Như vậy là lâu nay, lính sống nằm lẫn với lính chết ép lại trong lòng đất.
       Thường tôi chỉ mới thấy hố bom nằm đó, người bỏ đi. Bây giờ là người nằm ngay trên hố bom, trên hoang tàn, trên những nền nhà thỉnh thoảng lòi ra một chiếc dép phụ nữ - người nằm bên cạnh, làm hầm kèo, đào giao thông hào và trời mưa thì dựng lên những chiếc lều, như là lều vịt - người nằm tạm bợ, mặc cỏ táp lên hai bên chung quanh, vạch những đường mòn giữa hai bờ cỏ mà đi, có chỗ lội bùn mà đi. Và chỉ có thế, người lính không phải sinh ra để xây dựng, để kiến thiết. Rồi người ta cũng lo chuyện làm sân bóng chuyền, sân bóng đá, nhưng tất cả chỉ là tạm bợ - cái không khí thời chiến, chiến tuyến vẫn ám ảnh.

Một bãi sông, ngày 28/1, chúng ta chỉ có mỏm nhỏ. Ngày tuyên bố hiệp nghị hiệu lực, lính còn nghỉ ngơi, xuống sông câu cá lên ăn mừng hoà bình.
Nhưng ngày 29/1, nhận nhiệm vụ mới. Lội sông sang, không biết chỗ nào nông chỗ nào sâu, lên bờ, đơn vị cũ bàn giao. Nép tạm vào một hầm nhỏ. Rồi đánh lên. Trên dãy đồi trước mặt định kiểm tra từng khoảng - và chúng ta lấn từng chỗ một.
... Bây giờ đây, chúng tôi ra hàng cây chắn nước, nơi phía dưới là bãi cát. Một ít búi cỏ lúp xúp, rều còn phủ trên mặt. Những đọn đất sụt lở, xoáy thành bãi, rất nhiều những thân cây khô mắc kẹt. Và mắc kẹt lại nơi đây, còn là những phần mộ những người đã hy sinh, nằm sát mặt nước (những người còn sống thanh minh: định đưa lên cao, nhưng không đưa được - hồi ấy địch bắn ghê quá!). Có chỗ, mộ xếp thành hàng ngay ngắn, mỗi một có cắm một tấm biển - biển sắt, đục đinh thành những dòng chữ liệt sĩ " H.T. Tiến - T2 A3"  Đất bờ sông, cái nơi mà các cụ thường bảo là rất mát, nhưng có lẽ người lính không nằm được lâu. Mùa nước. Nước mưa.
Hình như là trước mọi biến chuyển của thời tiết, chỉ còn có đất là vô tâm, đất là chịu đựng được. Nước lên, đất lại dày dặn một lớp phù sa. Nơi sân bóng cũ, nước cuốn cả cột bóng chuyền, nước tràn về những hố bom lấp trên sân bóng đá. Chỉ có cỏ là lên nhanh, cỏ ấu, rậm như râu, và những bụi lau lên đã đến bụng chân. Đất hứa hẹn những mùa màng rất tốt. CTV D đã bàn chuyện có lẽ có hạt giống, có thể cấy được một vụ lúa, trên các mảnh đất mà mỡ này.
- Nhưng mà quãng ruộng cũ, quãng làng xóm, thì lại chính là địa giới giữa hai miền. Chỗ rào cao, nhưng có chỗ, chỉ mấy hàng cọc thấp độ mắt cá chân, dây thép gai luồn ngang luồn dọc. Lùi về một chút, hai bên bốt gác. Tôi đứng ở phía người chiến sĩ giải phóng, những hàng bao tải cát chất lên, chung quanh là các loại lựu đạn, B40.  Cách tôi khoảng 30 m, người lính bên kia ngồi gác, những người lính khác cũng tập trung chung quanh. Dân lính đen đủi, kẻ quần áo rằn ri vằn vện, bó chét vào người. Kẻ chỉ cái quần đùi, nghênh ngang ngáo ngáo, cũng nấu cơm, sửa hầm, tu nước lau súng - lắm lúc một người như tôi ngồi nghĩ, làm sao họ có đủ công việc trong một ngày dài. Họ ít họp hơn, nhưng họ cờ bạc, chơi bời, sát phạt nhau qua ngày.

Đi trên chốt, cái cảm giác về mặt trận lần đầu đến với tôi, một người lính thực ra chưa bao giờ ra mặt trận. Đôi lúc, tôi hơi ngần ngại: không chừng người lính bên kia nổi súng bắn một ít phát thì mình chết - Những gì thuộc về xương thịt người ta là dễ đổ vỡ, dễ tiêu diệt lắm. Nhưng ai đời lại thế. Sáng nay tôi nghe đài, một ông cốp đã nói: Cuộc chiến tranh đã qua - xu thế thế giới bây giờ là xu thế hoà bình, hoà hợp - Và nghĩ thế, thì lại thấy buồn, buồn vì những ngày qua, cũng như lúc lên chốt, thấy cảnh hai bên, lắm lúc hơi buồn cười vì sáng kiến của mỗi bên, nhưng rồi lại ứa nước mắt. Cái ấn tượng cuối cùng: những bếp lửa sớm mai, những đám khói- Sớm mai dậy, trai tráng hai bên ngồi xổm trên mặt đất cỏ dại, hoang vắng, nhưng mỗi bên đã đốt lên những đốm lửa, làm ấm lên những làn khói, nó là dấu hiệu riêng của những ngày hoà bình. Cỏ rất xanh, khói lam rất mỏng, nó còn có gì sinh động hơn những con người này nữa.

Tính bất thường là bản chất của khí hậu
Một mình lo bảy lo ba
Lo từ nắng lửa, lo ra mưa rầu.


Đản
 - Tôi 7 tháng nay, không trông thấy cây lúa
- Vào đây, mới cảm thấy quý cái yên nghỉ ngày hậu phương
- Cũng đừng đánh giá nó mù quáng. Nó cũng suy nghĩ về dân tộc. Nó bảo: Nó dùng kỹ như ta dùng con trâu, thay sức người
Nó nhìn về chiến tranh một cách huyền bí.

Bãi cỏ ven sông nhiều muỗi, hẳn nơi nhiều người chết. Cái bụi cây nào tốt, ắt là có người chết nằm dưới.

Một người lính trẻ đi giải phóng
Người lính Sài Gòn
- Răng anh bé thế, anh đã đi giải phóng?
- Mẹ tôi biểu tôi đi.
- Anh nói chi lạ rứa?
      Chị thợ may cầu Lai Phước, 33 tuổi. Tôi biết cả 2 bên thôi. Người nhà tôi, ngày hai em đi nguỵ về, tối hai Việt cộng ở dưới hầm lên. Tôi cũng cầu hoà hợp. Con gái tôi bảo Các anh con trai còn chọn chế độ. Chúng em chế độ nào cũng vậy.
Dân Cam Lộ: ngoài đó vào HTX không ai bóc lột ai, nhưng không có lao động, chắc khổ lắm.
Nhà nước, HTX bóc lột đến 70%
Địa chủ cũng chỉ bóc lột 30%

Ngay từ ngoài kia, tôi đã nghe nói, bây giờ tôi đang sống giữa cái không khí một đám đông quần chúng làm chính trị tất cả mọi người làm chính trị. Người ta đứng trước kẻ thù mà hôm qua hai bên bắn giết nhau khốc liệt. Và bây giờ, người ta gọi kẻ thù là các bạn, hỏi han gia đình, nhà cửa, nhưng nhất là làm ra dáng đàn anh, khuyên bảo, giảng giải, rồi lại có lúc hạch sách, doạ nạt. Tất cả là tuân theo một ý định mong mỏi. Tất cả tuân theo cái ảo tưởng ám ảnh, tất cả là một phép tự lừ dối.Tôi không còn hiểu ra sao. Trời đất, nắng gió, những người lính ngồi xổm trên những hào đất mới sụp. Con người ta lúc này nhỏ bé và cứ bị nuốt đi trong những hoang vắng, tàn phá, do chính bàn tay mình tạo nên. Con người ta thấp xuống lẫn đi với đất cát xáo lộn, làm việc gì thì cũng không ngoài lo những bữa ăn đạm bạc, giặt giũ phơi ngay trên cỏ, ỉa đái ngay bên cạnh nhà mình, cùng lắm thì chỉ dọn được những chiến hào phẳng phiu mà không hề có được một mặt đất bình ổn làm nơi tựa lưng - tất cả những cái đó phơi ra ở chốn thiên thanh bạch nhật.

Thìn kể
Sang bờ Nam, không hiểu nơi mình sang sẽ ra sao. Qua đằng Cửa Tùng - đi trên đồng lầy muỗi rất nhiều.
Qua ấp chiến lược, mùi thuốc phiện, bẩn thỉu.
Dân gọi:
- Mời ông giải phóng vào uống nước.
- Ba má đừng gọi chúng con như thế. Ba má đáng tuổi bố mẹ con như thế.
Những gia đình ở Trung An, bắt bộ đội nằm hầm. Cứ thấy anh em về là nấu cơm, có khi 6 lần 1 đêm. Một ông già nói khu vực này, bộ đội để mất, thì tôi cũng mất luôn.
Ra Gio Linh nghỉ, lại gặp cụ.
Những khu vực đồng bằng, khu vực ven sông, chứng tỏ cái giàu có của Triệu Phong.
Nhưng đó cũng là khu vực phơi ra vẻ tàn phá.
Trên áp phích dán cổng trại lính cũ, hình ảnh Kiều Trinh phim "Người tình không chân dung"
Trước, tưởng dân không thể chịu đựng nổi cách sống mới. Ngay mình là người lính, còn cảm thấy nhức đầu.
Sau thấy người dân cũng cứng rắn. Gio Linh dân nhà nào cũng được phát súng.

Vào thành, không thể nhận ra nơi mình đã vào cũ. Cây to đều đổ hết. Nhớ hồi trước vào, còn đi lục sách.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn