VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chuyện quanh Hội nhà văn hồi trước 30-4-75 -- tiếp

 Ông Chế Lan Viên, đó là phía bên kia của ông Tuân.
Ông này năm 1971 vào Quốc hội, thay ông Nguyễn Đình Thi.

 
Ông Nguyễn Đình Thi, không ai bảo là cơ hội, ôngTô Hoài, người cứ ráo hoảnh ra, không ai bảo là cơ hội – ít ra là giữa đình trung. Nhưng ông Chế Lan Viên thì mọi người đều nghĩ rằng đó là một người đúng với cái từ ấy. Nghe nói ông ta bị một thứ bệnh mất hết cả vị giác. Ăn ngọt cũng như chua. Theo Ng Khải, giữa đoàn đông người, ông Tô Hoài cho một câu hết sức tàn ác nữa mà tôi không dám ghi vào đây.
Bởi ông Chế  nịnh không biết ngượng. Ông ta bị một thứ bệnh gì đó, phải chụp bộ xương đầu, cái đầu lâu trông rất kinh khủng. Bà vợ, bà Vũ Thị Thường cũng nhăn nhở: Khéo tôi cũng phải đi chụp xem sao.
Ng Khải: Tôi cũng đánh bạo nói một câu. Tôi mới bảo lắm lúc cũng phải trông vào cái này (cái chết!) để nghĩ chuyện viết lách thế nào cho phải.

Có một chuyện tưởng liên quan đến cánh trẻ mà liên quan đến nền văn nghệ nói chung: Đó là có một truyện ngắn làm cho nhiều người xôn xao: truyện ngắn Những vì sao xa xôi của Lê Thị Minh Khuê. Tô Nhuận Vỹ: Mình thấy ông Khải già hẳn đi.
Sự thực, tôi biết Lê Thị Minh Khuê từ mấy năm nay. Một cô bé cũng có tài năng, cũng có nghị lực, nhưng là loại vừa phải thôi, là loại mà cũng có những thói xấu của những nhà văn tiểu tư sản là học đòi và nông nổi.
Từ mấy năm trước, tôi thấy Lê Thị Minh Khuê viết cũng ang áng như Đỗ Chu, Như Trang. Và đọc những cái gần đây, thì tôi thấy ngay cô ta có đọc Sài Gòn, văn xuôi trong Sài Gòn. Vì hai điểm: 1. lối suy nghĩ đồng hiện 2. sự trắng trợn, qua lối tự xưng tôi của một người đàn bà, tất nhiên là sự trắng trợn có thể chấp nhận được. Thế là trôi thôi. Tại sao mọi người cứ làm ầm cả lên. Ở cái xã hội mình, thấy người cũ đã ghét, thấy người ta mới lại càng ghét hơn - chẳng qua nó là sự trá hình của những cái cũ.
Lê Lựu: Chắc là nó đọc nhiều.
Nhàn: Đọc nhiều thì lại không thể ảnh hưởng bợm đến thế được. Đúng hơn, chắc là đọc rất ít.

27/12
Cái đáng buồn của một người viết trước hết nhiều khi không phải là ở mình mà là ở mọi người, ở đời sống chung. Ví như năm 1971 năm nay, khó lòng nói rằng văn nghệ được một quyển sách cho nên hồn: không có quyển gì cả, không có cái gì đáng nhớ cả. Không có cả đến những sự kiện, như câu chuyện Lý Phương Liên và Trần Việt Phương năm trước.
Đã bao nhiêu lần, tôi nghe chuyện về ông Chế Lan Viên. Và bây giờ trong tôi, đã thành một ấn tượng sâu sắc quá. Hà Minh Đức: Viết về Tố Hữu chưa ai hơn được Chế Lan Viên. Nguyễn Khải: Nịnh thế này thì giỏi lắm, còn viết được nhiều lắm. Thế này mới chơi chua các nhà phê bình chứ: ở mục Cùng một người viết, ông ta chỉ liệt kê những thứ phê bình thôi.
 Thế  nhưng khi tôi đọc lại quyển suy nghĩ và bình luận ấy, tôi khó chịu và có lẽ không đọc được một trang nào trọn vẹn. 
Đọc Chế Lan Viên bây giờ luôn luôn có cảm nghĩ: ông ta nói thế này cũng giỏi đấy, nhưng nếu như phải nói ngược lại, ông ta cũng có giỏi như thế thế, không kém hơn. Hình như mất hết tiêu chuẩn, mất hết chân lý, không còn gì ở đây nữa. 
Thế còn đi sâu vào một tí thì thế nào: những lối tâng bốc quá đáng và giả tạo. Những sự suy diễn. Một ít kiến thức ở tây ở tàu tán mãi ra. Rất nhiều chỗ lặp lại, lặp lại cả về ý, lặp lại cả về câu cú chữ nghĩa. 
Tại sao lại có sự huênh hoang và nhợt nhạt đến như vậy.
Sáng 27-12, tôi thoáng thấp ông  nhưng  ngần ngại  muốn tránh. Ông  biết ngay  hỏi sao lại cứ len lén vậy. Tôi hơi ngượng, nhưng biết làm thế nào. Tôi nghe người ấy nói gì, cũng sẽ cảm thấy rằng người ta nói với mình cho xong chuyện.

Tô Hoài giữa năm cho in Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.Nhàn: Tôi đọc của ông ấy, mấy cái chuyện đầm cổ, chuyện Đảo hoang, lại nghe hay hơn những chuyện bây giờ.
Khải: ông ấy phải viết để lấy cái nọ độn cho cái kia chứ?
Ông Tô Hoài ấy lại mới viết xong hồi ký. Ai đó nói Về giới văn nghệ, ông ta cũng chỉ là một người ngoại đạo, một người vào sau, một người vào bằng một thứ rất là của lạ chứ không phải một người bao quát được giới văn nghệ. Tô Hoài có tả lúc nhóm Tự lực văn đoàn trầm trồ đến xem mình. Chỗ ấy như là đi xem một con vật viết văn, chứ không phải người viết văn nữa. Họ muốn đi xem một của lạ.
Khải: Đúng là họ xem của lạ. Nhưng mà thực ra hồi ấy, cũng chẳng nhóm nào vào nhóm nào, cũng toàn là nhố nhăng cả. Người viết văn của mình vơ vẩn lắm, toàn là cùng sản xuất với các hàng thuốc lậu mà lại. Ông Tô Hoài có điểm này nói đúng này: Tức là chính các nhà phê bình mang lại vẻ vang cho các nhà văn, họ cho vào đó một ý nghĩa, chứ thực ra, cũng chẳng ra sao cả.
Thứ hai là những đoạn Tô Hoài viết về những Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, viết  thế nào ấy. Bây giờ bọ là những người ở bên kia, nói thế nào mà chẳng được. Nhưng nên viết thế nào để mọi người thấy mình không làm liều.
Tóm lại, là Một quãng đường viết cũng không được cẩn thận, trong khi đáng lý phải viết cẩn thận, vì là chuyện không thể viết lại được nữa.

Liên hoan các nhà văn  do đài phát thanh chiêu đãi. Trước khi ăn, ông Hoàng Văn Tiểng chỉ mời một tiếng, không nói dài.
Hữu Mai kể lại: Có người hỏi sao họ không nói nhỉ. Đài phát thanh nổi tiếng nhiều mồm cơ mà Tô Hoài liền tiếp bao nhiêu mồm ở đây rồi, thì còn nói đến đâu được nữa.
Theo Nguyễn Minh Châu câu của Tô Hoài nguyên là
--Thế mới biết mình cũng ghê. Đến cả thứ lắm mồm như đài phát thanh cũng phải sợ.

Nguyễn Minh Châu: đọc một số bài phê bình bây giờ cứ có cảm tưởng y như thằng nhà văn như con gà đứng gáy, nhà phê bình như con hồ ly tinh bên cạnh: Bác gáy hay lắm. Nhưng giá nhắm mắt lại thì gáy hay hơn. Nhưng thử nhắm mắt lại mà gáy vơ vẩn xem. Lại không hồ ly tinh ăn thịt trước.


Khải: (kể chuyện họp thường vụ Hội)
Họp có 7 ghế giữa, thì bao giờ cũng có từng này cụ:Tú Mỡ, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi... Mình thì bao giờ cũng là loại ở rìa thôi. Phen này cũng lại trúng nữa không biết chừng, vì toàn làm bù nhìn thôi mà.
Xem thế thì thấy nó còn từng từng lớp lớp chắc lắm, cánh trẻ khó lòng mà len vào được.
Ông Nguyễn Xuân Sanh thế, nhưng mà là người tốt bụng, chịu khó lắm, và quen việc lắm. Bao giờ nói chuyện với các ông ấy tôi cũng vâng dạ.
Ông Xuân Diệu nói chuyện còn hồn nhiên , ông ấy có muốn làm thường vụ đâu, chỉ thích sáng tác.
Nói thật, có lúc các ông ấy thế nọ thế kia, nhưng như ông Hoài Thanh lắm lúc còn khôn lắm, nói ra những câu rất thông minh.
Nhàn: Hoài Thanh hơn loại Chế Lan Viên.
Khải: Hơn chứ, ông ấy tập trung hơn mọi việc, và hiểu thời thế hơn. Ông Chế Lan viên dẫu sao vẫn để lộ ý định quá, người ta dễ biết ngay... Cơ bản như ông Hoài Thanh vốn là tay có kinh nghiệm trong giới lâu rồi.
Ông Thi, ông Tô Hoài là những người chủ trì ở Hội Nhà văn, họ viết khác nhau và người khác nhau. Cho nên, chắc là họ cũng không chịu được nhau.
Ở Liên Xô vừa rồi, giải thưởng Bông Sen vàng trao cho Miền Tây của ông Tô Hoài. Thôi thì đúng ra, đó là giải của Marian  Tkachev vì chỉ có ông ta đọc.
Nhưng như thế là ông Thi không đựợc gì. Đáng cho Vỡ bờ thì phải. Vỡ bờ, dẫu sao cũng bao trùm một phạm vi để tài quan trọng hơn. Nhưng quyển Vỡ bờ chỉ do một tay xoàng dịch, văn chương đặc biệt học trò....
Họ lại càng không thích nhau.
Năm 1971, ông Thi mang tiếng vì một vụ tán tỉnh một cô, rồi lại còn mang vợ đến đánh ghen. Chuyện to ra. quả thật người ta ghét ông vì tư cách trong chuyện đó, tỏ ra không tốt, chứ người ta không trách vì sự đa tình quá. Bà Tuệ Quỳnh ở báo Nhân Dân.
-- Cái thằng Thi nó có yêu ai, nó chỉ yêu chính nó!
Khải: ông Thi thỉnh thoảng lại còn đi giảng giải cho mọi người về cái nọ cái kia. Hôm nào tôi phải cho ông ấy một vố  mới được (Hồi trước bài phân biệt tiểu thuyết và ký đã là một vố rồi).
Vũ Cao: Phải công nhận ông Thi có cái phần đối với các nơi hơi giả, hơi màu mè một tí, nhưng lại có cái lịch sự có thật. Còn như ông Tô Hoài ông ấy có sợ ai đâu, hồi trước đi dự mít tinh, kỷ niệm Tú Xương, bắt đầu vào buổi lễ là ông ấy ngồi ông ấy đọc sách đọc tiểu thuyết, sừ ấy ghê lắm.
Vừa rồi, sừ ấy lại bảo mình tôi sẽ gửi cho ông một truyện viết về thời Rivie. Tôi hoan nghênh ngay.

Ngày 3/2/72
Nxb Thanh Niên tổ chức để ông Tô Hoài nói chuyện về quyển Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ và nhân thể, nói về việc viết sách giáo dục truyền thống. Ông Tô Hoài làm việc này rất thoải mái: kể lại việc đến lấy tài liệu, đến xin ý kiến ông Trường Chinh... v.v... Người nói rất thành tâm. Hà Minh Đức đứng lên, đặt vấn đề về công phu suy nghĩ của nhà văn. Nguyễn Khải cũng khen, dù rằng về sau ông ta thú nhận chưa bao giờ ông ta đọc.
Hồ Phương: Tôi gặp lại ông ấy, thấy ông ấy bảo buổi nói chuyện thành công lắm.
Khải: Cái ông Tô Hoài này chịu không biết lúc nào ông ấy thật, ông ấy giả, phần nào ông ấy dại, phần nào ông ấy khôn. Như mình, mà họ nói thế là mình gạt đi, vì mình biết những buổi nói chuyện như thế không bao giờ thành công. Thế mà ông ấy còn đi khoe được. Hồi sang bên Liên Xô, thỉnh thoảng ông ấy còn mang ra khoe với mình thì mình cũng thấy buồn cười. Tôi mới bảo. Thôi, nhất định là anh viết thì hay rồi.
Đài bạn nó đến đặt bài
- Thế cậu có viết không?
- Một đoàn có 2 người, anh cứ viết đi. Chứ tôi viết làm sao cho được.
 Mình không phải viết mà vẫn được tiêu chung, thế thì thích quá chứ còn gì?
Nhưng mà cái ông Tô Hoài, này cũng là người có tí vô vi đấy, coi mọi thứ là của phù vân đấy. Đến nhà xem, tịnh không có thứ của gì là quý cả. Chả thiết cái gì. Sang Liên xô có tiền cứ tiêu vung. Nhưng đấy là người duy nhất của giới văn chương mà gửi tiền ở ngân hàng Moskva định để cho vợ sang Liên Xô chơi. Chắc cụ ấy nghĩ: mọi thứ sắm sửa đều không đâu vào đâu, đi một chuyến cho nó phấn khởi.
(Ngày xưa, bà vợ Tô Hoài là một người nhà giàu, lấy Tô Hoài là có mắt xanh lắm.)
Chỉ có một điều của Tô Hoài đủ làm tôi sợ. Buổi họp trao đổi về Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ sắp dứt thì ông giám đốc Nxb Thanh Niên lên phát biểu một số ý kiến về truyền thống. Lập tức ông Tô Hoài chuồn thẳng, trong khi mọi người còn ngồi rất yên vị.
Con người ông ta là  thế !

Trong giới văn nghệ hiện nay, có một người thuộc loại quan trọng nhất nữa, đó là Hoàng Trung Thông. Hân có kể câu chuyện năm 1948, ông Hoàng Trung Thông thay mặt cho giới văn nghệ Khu bốn ra Trung ương họp, gặp thường vụ Hội là ông Nguyễn Xuân Sanh, phải đợi đâu 2-3 ngày mới gặp được. Hoàng Trung Thông xuất thân là giới chính trị: Tỉnh uỷ viên Nghệ An đi làm thơ. Bây giờ thì ngược lại ông Hoàng Trung Thông đã lên địa vị lãnh đạo rồi. Vụ trưởng Vụ văn nghệ Trung ương Đảng. To lắm. Lò tuyên giáo ra. Tương đương Thứ trưởng đấy. Tức là việc gì về văn nghệ, ông Tố Hữu có phải hỏi ý kiến, thì Hoàng Trung Thông sẽ là người được hỏi ý kiến đầu tiên. Mà cũng mãi mới nhận cho đấy.
Công việc của ông ấy làm gì, mình không rõ. Chỉ thấy hay đi họp hay hội hè: họp phê bình báo này, họp trao đổi về báo kia, kỳ họp nào cũng thấy mặt ông Vụ trưởng.
Ông lại hay uống bia, mặt đỏ, ngồi tán dóc những chuyện vui vẻ vô thưởng vô phạt. Hôm VNQĐ kỷ niệm 15 năm, xong rồi Hoàng Trung Thông còn ở lại tán chuyện, và nhất định đòi xin thêm tặng phẩm, đến nỗi ông  Doãn Trung phải lấy ra tặng.
Vũ Cao: Được mười ông khách như ông thì chúng tôi cũng phấn khởi đến chết mất.
Tối, nghe nói có ca nhạc, Vụ trưởng lại mò đến. Chừng ý người muốn có những cái nhố nhăng. Lúc thấy đoàn những tiết mục cũ, người chán, mặt mũi cứ dài ra.
Tất cả mọi người ở VNQĐ đều nghĩ: đấy là lão yêu lắm, lão mới lại chơi như vậy. Người bây giờ vụ trưởng, thiếu gì nơi mời mọc.
Nguyễn Minh Châu: Thế mà vẫn chưa mất chức, chắc là làm ăn còn giỏi lắm.
Vì lão toàn chỉ đạo bằng nghe ngóng như vậy. Ở buổi họp 15 năm, Trịnh Xuân An nói Các đồng chí VNQĐ phải chú trọng đề cập một số vấn đề chung. Hoàng Trung Thông lập tức ghé tai Vũ Cao : ông ấy nói thế kệ ông ấy thôi. Bộ đội các ông phải giữ vững vị trí của mình. Các ông mà nghe lời ông ấy, thì các ông chết.
Rồi ông ấy nhận xét về bài mới trên báo Nhân Dân. Rồi về bài  trên Tác phẩm mới. Rồi cả đến anh biên tập viên là tôi ,,nên giúp  Nhàn về vấn đề đường lối"
Ngày trước Xuân Quỳnh kể chuyện ông ta về báo Văn nghệ, là lập tức chuyển ông Hoàng Trung Nho trong ban phụ trách đi. Ông ta viết bài phê phán Nguyễn Tuân Tình rừng, khóc mà vẫn phải viết vậy.
Nguyễn Khải kể: ông ấy bảo tôi hay nói nước đôi. Tôi bảo: chỉ có nhà phê bình mới nói nước đôi. Ông Hoàng Trung Thông: Thì ông đã phê bình Bên bờ sông Lô đấy thôi.
Hoàng Trung Thông: Bây giờ mình đi đâu cũng chỉ thấy nói về đường lối. Ông Vương Trí Nhàn lại đang bảo viết một bài về đường lối. Không ai bảo viết về thơ.
Khải kể tôi nghĩ mà tôi không dám nói. Thì người ta không bao giờ đặt ông những thứ ông viết dở là được chứ gì?
Lần khác, vẫn Khải: ông Hoàng Trung Thông vừa bảo tôi người ta viết là phải có tính chất hai mặt. Ví như qua cái này phải nói cái khác.
Ông ta đang định làm thơ đại ý 2 anh tranh một bà, cuối cùng không anh nào được. Cũng ví như Trung quốc và Liên xô cùng tranh giành ảnh hưởng ở Việt Nam, cuối cùng không ai được.
Nhàn: Thế cụ ấy có ngây thơ không? Bởi cái đó là chuyện thường xuyên, chuyện nhất định có từ xưa đến nay rồi, văn học bao giờ chẳng thế!
Và Hoàng Trung Thông đi làm thơ đả kích, ký tên những Bút châm.
Những sự phê phán gãi ghẻ.

Những người văn nghệ nghĩ về các đảng bề trên thế nào?
Nhân dịp năm mới, ông Tố Hữu lại làm thơ. Nhàn: Lại thua Xuân Sách rồi. Khải: "Không, cái này lại không còn bằng Phạm Đức, cái này là cái mà tạp chí mình vò đi hàng đống". Nhưng điều quan trọng nhất là trong thơ người thấy rõ người chả đi đâu cả, lúc nào cũng có người kèm kè kè, có xuống xã thì mọi thứ cũng đã do xã sắp xếp cả rồi, có được tiếp xúc thực với ai đâu. Rồi ở nhà thì nhàn tản. Làm thơ, thơ bây giờ chỉ có quả hồng con chim sâu là cùng  chứ gì.
Người bây giờ to lắm. Đi đến các hội nghị bao giờ cũng như đang bận bịu, lim dim mắt thế này, chỉ trỏ người này người khác thỉnh thoảng lại chợt nhận ra cái gì đó: Kỳ diệu, kỳ diệu... Còn giải quyết công việc? Là đầu mối của các bí thư tỉnh uỷ cơ mà. To lắm.
Nhớ một lần Xuân Sách bảo: ông Tố Hữu đã tuyên bố phải cho văn nghệ khá lên cơ mà?
Khải: ông ấy nói thế, bao giờ ông ấy làm hãy hay.
Rồi mọi người như thế nào, người ta cũng tìm cách lộ ra, và chung quanh cũng nhận ra được.

Tạp chí Tác phẩm mới 11-12/71 đăng bài của ông Tuân, nói về chuyện đi. Qua Tư Mã Thiên đề cao một người viết.  
 Nhưng  chuyện ấy, chỉ được nói khác mọi người một chút. Còn điều ông định nói cũng giống như mọi người. Cuối cùng, trong bài, có một vài cái đinh, thì những người biên tập vẫn để sổng. Đó là cái câu: Chuyện đâu đâu mà như thấy nhỡn tiền.
Chính Nguyễn Khải phát hiện ra điều đó.
Còn như những câu khác, mà người ta đã bỏ được, đó là "Thời xưa, có những tay mưu sĩ cứ đi xúi thiên hạ đánh nhau lung tung cả lên"
Trường hợp  phiếm luận Đặng Thai Mai. Theo Khái Vinh kể, cách đây ít lâu, ông có bảo những người làm báo Văn nghệ: Lý luận của ta bây giờ khô cứng quá, để tôi viết cho một ít bài.
Mấy bài đầu ông viết khá dễ dãi: những mẩu giai thoại mà nhặt đâu cũng thấy. Và nhất là chịu không đọc được trong đó một chút ngụ ý gì cả.
Nhưng đùng một cái, trong Văn nghệ số xuân ông viết rất hay về đôi mắt của vua Minh Mạng, tức cũng là về thói nịnh về cái vòng luẩn quẩn về sự nịnh.
Tất cả mọi người đều giật mình về sự thâm nho đó.
Tôi có cảm tưởng rằng trong những ngày này trong văn chương, nói chung là trong phát ngôn, trong chuyện trò của người ta, thấy phát triển rất mạnh những chuyện cười, những lối nói đùa bỡn.
Nghiêm Đa Văn: Trong chiến dịch viết cả xê-ri bài hạ bệ một số người nổi lên  2 cái gai của phê bình bây giờ là Nguyễn Văn Hạnh và Trương Chính.
Trương Chính viết một bài về Nguyễn Đình Thi, mang tên Tức nước vỡ bờ. Rồi lại viết một bài về Hoài Thanh. Bài này viết rất khéo, trong bài chỉ có một câu "Hoài Thanh là một nhà phê bình bất đắc dĩ.” 
Như thế là hạ bệ quá rồi còn gì nữa?
Rồi ông Trương Chính còn định hạ Vũ Ngọc Phan nữa.
Khải: Những ông như ông Đặng Thai Mai ghê thật. Trước kia, tôi cứ tưởng là ông ấy chỉ đọc sách thôi, bây giờ mới biết người ta cũng nghĩ nhiều lắm.
Ông Nguyễn Minh Châu kể: một bác sĩ loại đầu bò ở 103, ngày xưa học cùng với Phạm Hồng Sơn đến hỏi thăm ông Đặng Thai Mai. Cụ Đặng:
-- Anh có giấy tờ không?
--Tôi không biết là đến đây phải giấy tờ gì cả
Những ngày ấy người ta đã làm đủ mọi chuyện rồi, đã chịu khủng bố, đánh đập rồi, cho nên người ta không sợ mọi thứ quyền lực nữa Mình bây giờ sợ quyền lực chứ!
Nhàn: Tôi chỉ thấy là các ông ấy viết lúc đầu cứ như không ấy, để cho không ai chú ý tới, sau mới viết thật ghê.
- Thế mới gọi là mình ít kinh  nghiệm.
Trong số các nhà văn lớp trước còn đi theo cách mạng, ai dám đảm bảo  là có người nào không hiểu tình hình, không có sự phản kháng. Nhưng mà có phải là họ không muốn manh động không?
Phần nào là phần khôn ngoan. Phần nào là phần họ hèn mạt?
Như ông Hoài Thanh. Nguyễn Khải phải công nhận: Chế Lan Viên thế mà dại, lộ liễu. Hoài Thanh đỡ hơn.
Người ta nói về Hoài Thanh: Không phải phê bình mà là nịnh bình - xưa nay, ông ấy viết về trên còn nghe được. Chứ động viết về những chuyện khác là y như trái cựa.Viết về Nguyễn Thế Phương Đi bước nữa viết về Lưu Quang Vũ thì bài viết nào cũng hỏng cả. Hỏng là: rễ thối, tác phẩm nêu ra bị kêu. Hai là ông ấy hiểu không đúng anh em trẻ.

Ông Nguyễn Đăng Mạnh: không, những lúc nói chuyện riêng với ông Hoài Thanh, cũng thấy ông ấy biết đấy.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn