VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Quanh chuyện sách cũ

Nguyên là bài Sách cũ sách mới đã đưa 15-12-2014

Sự có mặt của các tác phẩm cổ điển
Trên các trang báo, thường người ta chỉ thấy những lời giới thiệu về sự có mặt của các tác phẩm mới in ở phương Tây, nhất là các tác phẩm được giải nọ giải kia. Khi đọc những bài ấy, tôi nhận ra một nỗi hào hứng ở nhiều người viết: với những cuốn sách mới toanh thế này, hình như về văn hóa và nói chung là về cách sống -- chúng ta đang nhịp bước cùng thế giới hiện đại bên Anh, bên Mỹ.
Qua báo Tuổi trẻ 27-10-14, lâu lắm tôi mới lại thấy một bài có cách suy nghĩ ngược lại, đó là trường hợp nhà văn Trầm Hương giới thiệu tiểu thuyết Một cuộc đời của G. de Maupassant.
Được nhấn mạnh rõ nhất trong bài báo này là sự khốn khó khôn lường trong việc vận dụng tình yêu, kể cả tình yêu của một bà mẹ với đứa con trai.
Câu hỏi đặt ra là cha mẹ yêu con sao cho đúng? Phải chăng trong tình mẫu tử, chúng ta không chỉ cần có tình cảm, sự hết lòng mà còn cần cả sự sáng suốt, trí tuệ?
Đi theo sự dắt dẫn của Trầm Hương trong bài Cảnh giác với bà mẹ "một cuộc đời”, do đó, người ta thấy ngày nay các tác phẩm cổ điển còn có thể mang lại cho chúng ta nhiều bài học.
Lại cũng có thể nói là nhiều lúc chúng ta cứ ảo tưởng mà bảo nhau rằng xã hội đã sang quá trình phát triển hiện đại, thật ra cuộc sống xã hội VN hôm nay chỉ đang là phiên bản nhòe nhoẹt của xã hội Âu Mỹ các thế kỷ XX, XIX…

Những bóng ma trên bãi tha ma của sách
Thỉnh thoảng vẫn nghe tin có những khu đất không người lai vãng ngay giữa thành phố, hoặc những kho hóa chất trong rừng.
Ở các thư viện lớn, có những cuốn sách mà không bao giờ có người đọc tới.
Một ví dụ nhỏ  trong năm 2014 là cuốn Từ điển tiếng Việt dùng cho học sinh của tác giả Vũ Chất.
-- Tại sao một cuốn sách như thế mà đến nay người ta mới phát hiện ra sai lầm không thể tha thứ của nó?
--Phải chăng điều này có nghĩa là trong khâu chuẩn bị cho nó xuất xưởng, các biên tập viên đứng tên ở các trang cuối không hề đọc nó, ông Tổng biên tập cũng không hề giở qua vài trang của nó trước khi ký giấy cho in.
--Và sau khi in ra nó không hề được bất cứ nhà giáo cũng như em học sinh nào sử dụng?
Tóm lại trên bãi tha ma sách vở chung quanh ta, lại thêm một hồn ma — không, có lẽ là một bóng ma vờ vật – ngay từ lúc ra đời đã nằm ép xác ở các ngăn tủ nào đó, chờ ngày trở thành sách cũ mang bán đồng nát, nghĩa là trở thành tro bụi—tro bụi không mang một nghĩa bóng gió nào hết.

Trí thức phương Tây và VN những năm chiến tranh
Trên một trang mạng, thấy đưa tin một nhà văn ta vừa lặn lội sang tận Anh mới tìm thấy phóng sự Việt Nam nhìn từ bên trong của G. Márquez, viết sau chuyến thăm Việt Nam tháng 7-1979.
Tôi chợt nhớ ra, hồi chiến tranh, ở Hà Nội có nhiều nhân vật trong giới trí thức phương Tây đã tới Hà Nội.Loáng thoáng tạm kể mấy người.
Trước tiên là M. MacCarty mà hồi ấy một số nhà văn tôi quen đã biết ở phương Tây được gọi là người đàn bà thông minh nhất nước Mỹ. Bà này có lần nói đại ý các trí thức phương Tây chỉ lo mách nước cho Nixon về việc rút quân, có biết đâu cái này tổng thống Mỹ nào cung biết thừa, chỉ có điều họ có định rút hay không thôi.

Một nhà văn Mỹ là S. Sontag, nghe nói bà này không chỉ nói về chiến tranh mà còn có những nhận xét thú vị về người mình. Cố nhiên hồi ấy bọn tôi không được giới thiệu. Mãi hơn ba chục năm sau, có hôm đọc sách của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hưng Quốc thấy ông kể S. Sontag từng nhận xét người Việt Nam ít có thói quen tư duy trên một phạm vi địa lý rộng.

Lại còn Peter Weiss nhà văn Đức. Ông này cũng có nhiều nhận xét liên quan tới đời sống bình lặng ở Bắc Việt Nam lúc đó. Ông bảo rằng ở đây có một cái gì quá ư đơn điệu, nhìn quanh chỉ thấy một đường mờ mờ ở chân trời, ở đây không có cái gì liên quan đến độ cao.
Đã bao nhiêu đầu óc thông minh của thời đại đã qua VN.
Nếu biết lắng nghe lời phát biểu của họ thì chẳng những chúng ta sớm ra khỏi chiến tranh mà còn biết phát triển hợp lý trong hòa bình.
Đằng này không.
Đại khái lối tiếp nhận ý kiến của nhà nước với khách nước ngoài hồi đó thực dụng đến thô thiển. Ai ca ngợi ta và khuyến khích chúng ta đánh nhau thì ta đưa lên tận mây xanh, và nhắc đi nhắc lại cho toàn dân được biết. Ai nói hơi khác là ta lảng, nếu nói ngược là ta cấm cửa không cho vào. Nếu ngoài những ý kiến về chiến tranh, người nói có đả động chút nào đến tình hình chung của VN (mà như tôi vừa dẫn là những ý kiến đáng quý giúp cho việc tự nhận thức của xã hội VN thời hậu chiến) thì đều bị vứt bỏ không thương tiếc.

Những trang ghi chép âm thầm
Nhân đây xin dẫn lại một tin trên mạng hải ngoại, có liên quan tới chuyện viết hồi ký về quãng đời đã qua .
dutule.com (ngày 1 tháng 4-2014): Một thành viên gia đình của cố nhà văn Mai Thảo cho hay: Khi soạn lại những vật dụng, tài liệu, bản thảo của nhà văn Mai Thảo / Nguyễn Đăng Quý, để cất vào một nơi thích hợp, họ đã tình cờ tìm thấy trong một hộp giấy được dán kín bởi băng keo, những trang hồi ký của ông.
Vẫn theo nhân vật này thì đó là những trang giấy viết tay về những ghi nhận của họ Nguyễn liên quan tới những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, cùng thời với ông, như Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc, Bùi Giáng v.v… Điều đáng ngạc nhiên ở chỗ đó là những nhận định hoàn toàn trái ngược với những gì ông đã viết xuống thuở sinh tiền.


Tôi ghi nhận lại tin này để củng cố thêm cho một ý tưởng ngày càng ăn sâu trong tâm trí. Chúng ta thường mải lo phát biểu về các vấn đề trước mắt, trong khi có bao nhiêu vấn đề của quá khứ chưa được nhận thức, thậm chí đã nhận thức rồi vẫn không dám nói ra.
Ngoài ra, trong tập di cảo mang tính hồi ký này, cũng có những trang ông viết về các mối tình hay những người phụ nữ đã đi qua, hoặc có liên hệ với ông từ những năm tháng quê nhà và hải ngoại.
Các thành viên trong gia đình cố nhà văn Mai Thảo cũng cho biết thêm, họ chưa quyết định sẽ phổ biến hay không, tập hồi ký “nhậy cảm” này của ông.

Đọc tới phần cuối mẩu tin nói trên có thể có người nghĩ các hồi ký đã viết ở ta nhiều khi quá sa vào chuyện riêng tư, nhưng theo tôi, nay đã đến lúc mọi chuyện riêng tư đều có thể được đọc theo một cách nào đó để có ý nghĩa chung. Nếu cứ đòi hỏi cái gì thật có ý nghĩa mới đưa vào hồi ký thì rồi chả còn gì đáng công bố nữa. Stefan Zweig là người viết tiểu sử Marie Antoinette. Trong hồi ký Thế giới hôm qua, ông kể rằng ông đã từng đọc qua cả những hóa đơn ghi số tiền bà hoàng hậu này chi khi đi chợ.

Đi mua sách giáo khoa cũ ở Sài Gòn
Trong thời gian chữa bệnh ở Sài Gòn, một trong những công việc vào mỗi tuần tôi dành cho một buổi, là đi lục mua sách cũ.
Hồi trước, tức là những năm đầu tiên sau 75, bọn tôi chỉ biết đi kiếm các bản dịch tiểu thuyết nước ngoài.
Rồi có thời gian đi tìm sách triết.
Giờ đây, tôi lại thích đi tìm các loại sách giáo khoa dạy trong các nhà trường ở Sài Gòn cũ, nhất là phần khoa học xã hội.
So với những giáo trình đại học mà tôi đã được đọc ở Hà Nội, tôi thấy những cuốn sách dạy văn cho các lớp tú tài ở đây lại nghiêm túc và có giá trị hơn. Giá trị không phải ở sự phân tích tỉ mỉ, mà ở cái nhìn toàn cục, do đó giúp tôi có một cái nhìn đầy đủ hơn cả văn học Việt Nam trung đại lẫn văn học tiền chiến.

Các cuốn Quốc văn 12 ABCD bao giờ cũng có phần lý thuyết đi vào các tư tưởng lớn trong văn chương Việt Nam, bao gồm cả tư tưởng bình dân lẫn các tư tưởng tiếp thu từ các nước phương Đông cũng như phương Tây.
Phần lịch sử các bộ môn văn học bên cạnh lịch sử thi ca lịch sử tiểu thuyết có thêm phần lịch sử báo chí -- báo chí liên quan tới văn học - là cái phần Hà Nội lảng tránh.
Khi đọcViệt Nam văn học sử giản ướctân biên của Phạm Thế Ngũ, tôi đã rất thích thú khi thấy trong số các tác giả được viết thành chương riêng thì Phạm Quỳnh được viết kỹ nhất,chiếm nhiều trang nhất, khiến ta ngầm hiểu rằng Phạm Quỳnh thực đáng gọi là nhà văn quan trọng nhất của văn học Việt Nam.
Nay đọc các tác giả khác, trong các sách quốc văn dành cho cả trung học đệ nhất cấp lẫn trung học đệ nhị cấp, tôi đều thấy một tinh thần tương tự.

Như trên vừa nói một chỗ yếu của các giáo trình đại học phần viết riêng về văn học tiền chiến 1932 - 1945, là không nhìn thấy sự phát triển của báo chí, nên cũng bỏ qua luôn cả sự phát triển của tư tưởng Việt Nam mà trong bước tập tành ban đầu, thể hiện chủ yếu qua các ấn phẩm định kỳ.
Ngược lại trong một cuốn mà tôi tạm lấy làm ví dụ, cuốn Giảng văn lớp chín của Nguyễn Quảng Tuân, Trường Thi xuất bản 1970, thấy có cả một phần gọi là HỢP THÁI, nơi tập hợp những bài nghị luận luân lý và văn chương trích trong các tạp chí.
Ở các sách khác, thì phần này được rải đều ra, chứ không tập trung, nhưng người ta luôn luôn làm nổi một sự thật là đời sống tư tưởng trước 1945 khá đa nguyên đa dạng, chứ không có dòng nào độc tôn như thường thấy được viết trong sách vở Hà Nội.

Các cuốn sách giáo khoa viết về sử và luân lý đạo đức thì lại có rất nhiều tài liệu mới.
Chẳng hạn, trong cuốn Việt sử và thế giới sử của Nguyễn Văn Mùi nhà xuất bản Thăng Long Sài Gòn 1960 thấy công bố bản hiến pháp được thông qua ở Sài Gòn năm 1956.
Còn trong cuốn Đạo đức học 12 ABCD của Vĩnh Đề, Nguyễn Văn Đa, Lê Tấn Lộc, in năm 1973, trong chương V còn chép ra đầy đủ -- và chắc là với chất lượng dịch hoàn hảo - cả bản tuyên bố về nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948.

Điều đáng kể hơn: Ta biết rằng bao nhiêu năm nay sinh viên văn sử ở Hà Nội đều không hề biết đến lịch sử văn hóa dân tộc. Lịch sử Việt Nam tóm lại toàn là lịch sử nông dân khởi nghĩa, lịch sử các triều vua, lịch sử nội chiến (tuy không gọi sự vật bằng tên của nó, nhưng đúng là toàn lịch sử nội chiến).
Trong khi đó, thì trong các sách sử địa dành cho lớp 12 ở Sài Gòn, bao giờ cũng phần viết về văn minh Việt Nam.
Ở các phần này, người học sinh trước khi ra trường, sau phần lịch sử hình thành, và các ảnh hưởng, được học cả ba phương diện, sinh hoạt chính trị, sinh hoạt kinh tế xã hội, sinh hoạt tinh thần làm nên văn minh Việt Nam.

...và sách cũ Hà Nội
So với ở Sài Gòn thì việc tìm mua sách cũ ở Hà Nội nhiều khi trông vào sự ăn may. Vì các hàng sách cũ ở Hà Nội phần nhiều vốn liếng ít hơn, làm ăn nghiệp dư tài tử hơn.
Sách quý ở Sài Gòn phần nhiều là sách ở các gia đình.
Sách quý ở Hà Nội phần nhiều là sách do các thư viện thanh lý, hoặc sách do các tư nhân nghèo quá, nhà không đủ chỗ chứa sách, nên bán bừa cho xong.
Lâu nay ở Hà Nội có một hiện tượng phải nói là quái gở.
Có một số sách về khoa học xã hội có quan điểm chính trị mới mẻ do nước ngoài đề nghị cũng đã được in.
Vốn đã không thích, song vì muốn kiếm lợi trên phương diện ngoại giao người ta buộc lòng phải in.
Có điều chỉ in với số lượng thấp và không muốn cho những đầu óc độc lập có dịp tiếp xúc.
Chỉ đến hiệu sách không bao giờ người ta tìm được các cuốn loại đó. Mà chỉ hy vọng là cơ quan nào đó hoặc ông cốp nào đó được biếu lại không dùng, đem bán đồng nát.
Tôi không phải loại chơi sách, nên chỉ lần mò ở một số hiệu sách cũ, với hy vọng có được các cuốn sách loại đã in ra mà chưa bao giờ sống này.

Việc tái bản những cuốn sách có giá trị
Thường đi hiệu sách nhiều khi với tôi cũng là dịp để mà buồn. Bao nhiêu sách mới ra đời mà riêng mình thì không có mặt. Bao nhiêu đầu sách tầm thường, nhạt nhẽo được tái bản, trong khi sách của mình đã hết mà nói với đầu nậu in cho thì họ bảo không ai đọc. Và họ nói cũng có lý thật. Bây giờ nghiên cứu phê bình bán được chủ yếu là sách giúp cho đi thi. Mình trong việc này, chả cần cho ai cả.
May lắm chỉ còn chút an ủi thật ra còn biết bao sách hay trên đời nữa mà cũng chỉ xuất hiện một, hai lần rồi các thế hệ sau cũng không thể tìm sách mà đọc.
Một trong những ví dụ mà chính tôi có liên quan là trường hợp cuốn Những vấn đề thi pháp Dostoevski.
Bây giờ thì Bakhtin cũng đang thành mốt.
Nhiều anh em nghiên cứu trẻ hỏi mượn tôi về cuốn sách đó. Bản thân tôi đã có lần đề nghị với anh Trần Đình Sử là đề nghị NXB Giáo Dục in lại, hoặc nếu không thì cho các NXB khác in.
Nhưng rồi chả bao giờ lời đề nghị của tôi được đáp ứng. Trong những lúc bi quan nhất, tôi nghĩ không chừng càng những cuốn sách tốt thì người ta càng không muốn cho in. Để mà giữ độc quyền của những người đi trước.



Mới hơn Cũ hơn