VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Đời loạn đi về như hạc độc


10-2014, tôi đi với anh bạn Đoàn Công Tính về Nam Định. Đến khu tưởng niệm đơn sơ dành cho Tú Xương ngay trung tâm thành phố, thấy ở đó tỉnh Nam cho khắc hai câu thơ của nhà thơ non Côi sông Vị, đã mừng.
Nhưng khi đọc lên sao cứ thấy không phải, nó không ra những câu đáng khắc trên mộ mà cũng không hẳn đã tiêu biểu cho Tú Xương . Hai câu đó là:
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò

Thứ tư 25-10, ngồi với Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Sinh, Nguyễn Văn Thành, ở Hàng Hành. Nghe tôi thuật lại chuyện đó, Thiệp nói ngay:
-- Cái câu tiêu biểu cho Tú Xương phải là “thương cả cho đời bạc”.
Câu này Thiệp đã dùng làm đầu đề một truyện ngắn.
Chủ nhật 29-10, lại ngồi với Thiệp ở salon Bảo Khánh, phố Đỗ Hành nhưng bọn tôi vẫn quen gọi là Đỗ Hạnh.
Thiệp tặng tôi một đĩa nhỏ có khắc hình con hạc, kèm thêm câu thơ “Đời loạn đi về như hạc độc”. Tôi thích hai chữ đời loạn, -- nó có gì liên quan tới điều tôi thường nghĩ -- để rồi về sau lại càng ngạc nhiên khi biết đó là câu thơ của Nguyễn Khuyến, lứa tuổi của bọn tôi lùi về một trăm năm trước ( 1835 – 1909). 

 Nghĩ tới Tam Nguyên Yên Đổ là nghĩ tới “ao thu lạnh lẽo nước trong veo” nghĩ tới một không gian và thời gian tĩnh lặng, tất cả như ngưng đọng, sao cái chữ loạn ấy lại ở đây được.
Sực nhớ ra có lẽ đó là thơ chữ Hán của Yên Đổ chăng, sau về tra lại thấy đúng vậy, càng phục Thiệp.

 Bạn bè đồng nghiệp lứa mình mấy người chịu học cái cổ đâu. 
Có quay lại văn học quá khứ thì chỉ biết tới văn học tiền chiến, muốn tỏ ra ngưỡng mộ các nhân vật lớn thường toàn hướng về các nhà văn nước ngoài hôm qua là Pháp với Nga, hôm nay là Anh Mỹ. Hướng về nước ngoài thì cũng phải thôi, nhưng lẽ ra đồng thời phải học lại chữ Hán cổ, hay tối thiểu là đọc các bản dịch để học các cụ, chứ sao lại bằng lòng với mấy bài giảng học được ở nhà trường. 
Mấy ai được như Thiệp, ngay ở cái phần học hỏi!
Xế trưa một ngày cuối thu đầu đông, trên xe ôm từ phố Đỗ Hạnh về ngang qua khu phố cổ Hàng Buồm Hàng Bạc lên cầu Chương Dương -- dọc theo một Hà Nội tạm gọi là vắng vẻ, trong đầu nẩy ra cái ý nghĩ thấy đúng là sau cái vẻ thanh bình, đời nào với người Việt chẳng là đời loạn ( loạn ngay cả khi không có tiếng súng).
Mà văn chương mình thì lại chẳng viết về cái tinh thần đời loạn này gì cả.
Hãy thử nhìn vào cái thứ “văn học ca ngợi người lính chiến trường để lôi con người ta ra trận” như lâu nay các nhà văn Hà Nội vẫn viết, hoặc thứ "văn chương làm hàng" dông dài trên báo trên mạng,.  Theo tôi cả hai đều là sản phẩm của đời loạn, với nghĩa không phải văn chương đúng nghĩa.

Còn như đích thực cái đời loạn ấy là như thế nào thì lại chẳng ai nói tới, thậm chí chính hai chữ ĐỜI LOẠN ấy theo nghĩa của Nguyễn Khuyến cũng chẳng mấy ai nghĩ tới nữa.



Mới hơn Cũ hơn