VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký Hà Nội - tháng 9-10/1972: Nỗi thèm muốn ngưng chiến

Bài đã đưa trên blog này

 ngày 11 thg 10, 2012


10/9  -- Đi Quảng Trị về 
 Lưu Quang Vũ: Cái thu hoạch chính của ông trong chuyến đi là gì?
 Nhàn: Tôi thấy bọn trẻ miền Nam nó làm ăn cũng không phải là chuyện thường - vì thế, ngoài này phải làm gì cho đáng một chút.
 Vũ : Người ta có thể tránh được cuộc chiến tranh này không?
 Nhàn: Không thể tránh được. Ở miền Nam, tôi thấy thằng Mỹ khốn nạn. Tôi thấy cái nhục dân tộc, cái nhục ở cả hai miền Nam Bắc.


Xuân Quỳnh: Nhiều khi người ta thấy nhục mà phải chiến đấu. Tôi cũng từng thấy nhục, ở Thái Bình, máy bay Mỹ bay đi doạ mình, bay sạt nóc nhà, trẻ con khóc re cả lên, nhục muốn phát khóc.

  25/9
     Người ta nói quá nhiều về kết thúc chiến tranh.  Ngô Thảo bảo lúc chiến đấu giữ Quảng Trị, thì gọi là bài ca bất diệt. Lúc mất Quảng Trị, thì gọi là bài ca bất hủ.
Xuân Sách: Cứ ngồi mà đoán mò với nhau mãi. Tháng 5 bảo hẳn sẽ có chuyện gì không biết. Mình bảo, nó chiếm lại Quảng Trị cho mà xem. Đoán rồi, chỉ mong mình sai, nhưng lại toàn thấy đúng cả.
Nhàn: Xem bọn lính trẻ bây giờ thì mới thấy chiến tranh không phải là cái việc người ta có thể tiếp nối đều đặn, như lao động được. Chiến tranh được chuẩn bị lâu dài, để làm trong một chốc một nhát.

Một vụ đánh nhau giữa "bộ đội" (?) và CA ở Phú Gia. "Bọn phá hoại" chiếm thang gác, CA ở dưới sau phải gọi chó béc - giê đến. Có người bảo hẳn là bộ đội. Phi bộ đội, có ai dám làm như vậy? Nhưng có người nói đó là một số thanh niên sợ đi bộ đội. Họ nghĩ, đằng nào cũng chết, thà ở đây ngồi tù con hơn.

Nhân nói về đài ta, đài Tây Âu.
Ai đó bảo nhiều người nghe đài nó, rồi phát điên lên...
Hân: Với lại họ không hiểu. Ví dụ như câu ”Bắc Việt thà gánh chịu những rủi ro trong chiến tranh hơn là tiếp nhận những hiểm hoạ của hoà bình”, họ không hiểu đâu. Ngay ông Bùi BìnhThi nhà mình cũng nhắc lại mấy lần không được.

Những - người - chống - đối ở Nga lý luận cũng đúng chủ nghĩa Mác lắm. Bây giờ không phải là tình hình trong một nước, mà là tình hình của phe (Hai phe phải chấp nhận, phải chung sống). Vấn đề là thi đua hoà bình. Không thể xuất cảng cách mạng được.
Nguyễn Minh Châu: Bên mình, trong bọn thứ trưởng, loại đại tá cũng có những tay sừng sỏ đấy chứ. Nhưng mà đành chịu.
Cuộc chiến tranh này sẽ dậy cho chúng ta phải bình tĩnh lại, chúng ta sẽ quen với những biến động quen với những tác động từ xa đến, quen chịu đựng những tai vạ, và phải quen với những bất lực. Rất nhiều lúc, chúng ta sẽ chịu theo những điều kiện ngoại cảnh -- không phải là mình muốn sao thì được vậy.
Lịch sử cuộc chiến tranh này.
- Một phép cộng của những chiến thắng nhỏ và sự trì trệ của bước đi chung của chính trị.
- Tổ hợp của những hứa hẹn hão và sự xuyên tạc đã thành bài bản.
Người lính từ chiến trường về đi học chính trị thấy hoang mang -- hoá ra mình nói không đúng, mình không hiểu biết tình hình chiến trường (như các đồng chí chỉnh huấn cho mình!)

  Nguyễn Minh Châu kể một thằng lính SG bị mình bắt làm tù binh ra ngoài này.
- Xì, hăm mấy năm cách mạng vẫn cái cày con trâu.
Ông chiến sĩ nhà mình đứng đấy ức quá. Vừa ức, vừa thấy là nó nói thực, không biết nói gì đáp lại.
Có một chính sách, như chính sách đối với các HTX: "Làm nhiều được ăn nhiều", thế mà cũng phải bao nhiêu năm mới thực hiện được, đủ hiểu những chính sách khác của ta chậm trễ đến đâu.

Thắng lợi là không thể có được.
Thất bại là không thể chấp nhận được (lời một nghị sĩ miền Nam)

Phan Hồng Giang: Mấy năm nay, nhiều yêu cầu tinh thần của xã hội mình bị hạ thấp ghê gớm. Ví dụ như mấy năm trước, thằng nào công chức đúng giờ đã bị phê phán ghê lắm rồi. Bây giờ thì cái loại người ấy, vẫn là một loại người tích cực.
Phạm Kim Sơn, bạn tôi đi học Nga về: Ở bên kia tôi đã thấy lối nghĩ, lối làm việc của người Mỹ là có sức hấp dẫn đến như thế nào. Nếu như cái đó trở thành phong cách thống trị trong thời đại, thì sẽ rất tuyệt.
Xuân Sách: Cứ xem như phong cách văn chương thông cáo của hai bên, thì không biết tại sao mà người ta lại có thể đánh nhau được. Một bên thì dài dòng lằng nhằng. Bên kia thì nó nói ngắn gọn, mỗi câu như một châm ngôn một định nghĩa.
Diễn văn của Nixon có câu:
Đã qua đi cái thời nước Mỹ coi việc của các nước là việc của mình. Qua đi cái thời mà Mỹ đi chỉ bảo các dân tộc khác xem phải sống như thế nào.
.. Chúng ta đang đứng trên thềm một kỷ nguyên hoà bình lâu dài.

Lại nhớ một ý của B. Shaw: Những kẻ quý phái, giàu có, bao giờ cũng là những kẻ thù của chính dân tộc họ.
Ph K S:
-- Tôi kinh sợ ở con người Việt Nam cái điểm này - cái điểm giỏi thích nghi với đời sống. Cái điểm nhạy bén gần như tuỳ tiện. Còn người nước ngoài, nét điển hình cho tính cách họ là khả năng nhìn nhận mọi thứ một cách mạch lạc, sống một cách mạch lạc.
Là một người tiên tiến của xã hội Việt Nam bây giờ, anh phải sống với cả hai cái đó.

9/10
 Nhiều chuyện đáng bi quan. Chuyện "đối ngoại" không hay. "Mình" với "nó" còn đương mặc cả. Nixon tuyên bố không cần, chúng tôi đang bận tuyển cử, sau sẽ hay. Còn như mình thì cũng cứ chửi vung lên. Đây mới là đại diện chính thức. Quyết tâm phấn đấu cho độc lập và tự do. Người ta nhận xét "không bên nào chịu bên nào". Nhất định một bên phải nhường.
... Lại đang thời buổi của những điều tán nhảm, đồn nhảm. Nước thay vua  -  cua thay càng. Mưa sao - Thời buổi của những truyện huyền thoại. Huyền thoại thì giả, nhưng bom đạn thì rất thật.
Và rất thật là một cuộc sống nhênh nhang, tạm bợ, không sao chịu nổi. Người ta sống hết sức vô nguyên tắc. Ai chăm chỉ cứ chẻ xác ra mà làm; người nào lười biếng xoay sở thì ngang nhiên, không ai dám nói.
Mọi việc đều cứ tấp đống đấy, không ai hay hiểu cụ thể là phải như thế nào.
Và bất cứ việc gì cũng có thể hỏng. Bất cứ lúc nào cũng có thể thấy những tai họa đổ lên đầu.
Người ta chỉ còn tin vào chính mình, tin vào công việc của mình, và tin rằng chỉ có mình lo cho mình, chứ không ai khác lo giùm hộ. Hỏng một đồ vật cũng không dám nhờ ai chữa. Có người anh quen, người ta mới không chữa hỏng của anh.
Sự giả dối len vào trong mọi thái độ sống. Thói tư hữu vặt  lối ăn cắp vặt đã trở thành "quốc tính"; và một sự ăn cắp công khai, chỉ thời nay mới có – riêng hai cái đó  cộng lại đã làm cho không ai được sống yên ổn. Ai có lương tâm cũng cảm thấy buồn phiền, vô cùng buồn phiền.

Niệm: Sở dĩ mình muốn đến với cậu, là vì vẫn cảm thấy cậu còn cái phần hăng hái mà bây giờ trong thanh niên, mình không kiếm đâu ra được nữa. Thanh niên bây giờ sống bề ngoài quá. Nhớ một lần qua cầu phao. Những người thanh niên đứng làm nhiệm vụ ở đó, phải nhận là những người dũng cảm chứ gì? Nhưng mà rồi mình rất buồn. Chỉ thấy bọn ấy toàn hát nhạc vàng và nói tục.
Nhàn: Lâu nay, người ta chỉ cần đào tạo người đi đánh nhau mà lại.

Sơ tán là gì? Là làm nháo nháo cả lên, để rồi nó có ném bom trúng, thì mỗi người thiệt một tí, mỗi người chịu trách nhiệm một tí, không ai thiệt hết cả.
Bây giờ, người ta ai cũng sợ trách nhiệm với trên, hơn là tác hại của chính sự việc do mình gây ra.

 Tối 9/10
Châu: Dạo này ông Khải cứ sợ bóng sợ vía không dám đi đâu cả. Ông ấy còn muốn giữ thân ông ấy để nay mai có gì ông ấy viết chứ.
Khải: Đúng là dạo này tôi cứ trốn biệt đi. Gặp những ông như ông Tuân thấy cũng không nói chuyện được nữa. Ông ấy lại trách nước nọ, trách nước kia, bây giờ thì làm gì có tiêu chuẩn mà trách nữa. Mới thấy ông ấy cũng là người của một thời.
 Nghe những ông như ông Tuân xong, rồi gặp những lão lờ phờ như Tế Hanh lại càng chán tợn. Hôm nọ Vũ Tú Nam lên đây thăm ông Cao, thở ra toàn một giọng nghe rất quan liêu và xa lạ. Mình, Xuân Sách, Hải Hồ vỗ đít bỏ về thẳng, cũng chẳng có chào hỏi gì cả.
- Tình hình thế này, không ngừng đánh nhau thì chiến tranh kéo đến bao giờ. Không biết người mình say đánh nhau hay sao đấy không biết. Ông Duẩn có lần bảo đánh cho đến lúc nó phát chán thì thôi cơ mà. Hoá ra chính mình phát chán chứ không phải nó phát chán.
- Mình hay có lý luận tức là thời gian trước làm, thời gian sau sẽ có kinh nghiệm. Ví dụ như ta đã quay 4 năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại rồi, kỳ này sẽ khá hơn. Có ai biết đâu rằng kỳ này, dân tình nát bét ra, ai cũng muốn thôi. Bây giờ, mà lên rừng ấy à - có ma biết rằng mọi chuyện sẽ ra sao nữa.

10/10
Nhàn: Anh có công nhận rằng đây là thời gian có nhiều suy nghĩ nhất - giống như thời gian năm 1956-57?
Khải: Đúng là năm ấy, mình có nhiều cái thấy rõ thật. Ví như đã thấy bên này cũng có những người dở, thối. Nhưng cái chính là vẫn thấy mình tốt.
          Chính năm 1969, là năm tôi có nhiều suy nghĩ về mình nhất. Vì mình thấy thế này này. Người mình chỉ hơn nó là về khoản quan hệ giữa người với người. Trong năm 69 là năm mình thấy quan hệ giữa người và người nó khỉ quá đi. Cho nên tôi mới phải nói nhiều về lòng tin.
Một lần khác.
Nhàn: Dẫu sao, những năm này cũng là những năm cực nhất – tôi nói về phương diện tinh thần ấy.
Khải: Việc gì mà cực. Vẫn vui thôi, vui vì mình thấy vỡ ra một cái gì đó. Nghĩa là cuộc sống nhất định phải thay đổi... Dân khôn hơn lên nhiều chứ!
Dịp khác
Nhàn: Dân mình thật là dại về chính trị?
Khải: Ông nói thế thì ông rất là ngu. Dân mình khôn quá đi chứ. Chẳng qua là họ tốt.  Lắm lúc tôi chỉ ức một điều. Dân mình tốt, mình có chính nghĩa, sao mà mình vẫn thất bại.
Báo Văn nghệ, khi in một chương Chiến sĩ, cắt của tôi những đoạn quý lắm. Ví như hai anh chiến sĩ quay về. Một anh nhớ tới những người mới chết.
- Thế sau này còn nhớ tới họ không?
- Có, có thể có, mà có thể không, còn tuỳ ở sự suy nghĩ của mình lúc bấy giờ.
Cắt mất cả. Bao giờ in sách thì giữ. Người lính bây giờ, từ thực tế cũng có những lối suy nghĩ trắng trợn lắm.

11/10
Những ngày mọi người đánh cược nhau, mà cũng là một dịp nói những ao ước của chính mình.Thắng ư? Trên bảo 50%. Có người bảo: Không, 90% rồi...
Lénin: Khi một đất nước do những người vô văn hóa lãnh đạo, thì đó lại chính là đất nước của những lối bép xép và những chuyện thần tiên.

12/10
 Chúng tôi đang đứng giữa một bước ngoặt lớn của lịch sử. Con người vốn rợn ngợp trước những sự thay đổi, sẽ phải đối diện với một sự thay đổi rất lớn lao của khách quan, mà rất nhiều năm sau lịch sử còn nói tới.
Hình như không có ý thức, nhưng mọi người đều đang làm cái việc kiểm điểm lại những năm qua mình đã sống thế nào, dân tộc mình đã sống thế nào. Quả thật, mọi người đều mỏi mệt lắm.
Hữu Mai kể, ở ngoài nó cứ bảo cánh Quân đội thì chắc người nào cũng nói đánh đến cùng. Hữu Mai kể tiếp, thoạt đầu tôi còn nhỏ nhẹ "thì cũng phải xem thế nào mới ngừng được chứ” sau mới hạ cho một câu:
- Chúng tôi thì giá thế đéo nào chúng tôi cũng ngừng.
Ng Khải: Tôi nghĩ có họa là muốn tự sát, thì mới găng mãi. Đằng nào cũng chết. Dẫu sao, đằng này, sự chết chóc cũng từ tốn hơn.
...
 Ngày càng thấy xuất hiện những hình ảnh so sánh cay độc nhất. Nhân bàn chuyện viện trợ, mình vác rá đi xin, Nguyễn Minh Châu bảo mình như con ve sầu kêu ve ve, cuối cùng đi xin con kiến. "Suốt muà hè bác còn bận việc gì?" "Tôi còn bận ca hát. Xưa nó nói thế. Bây giờ mình thì “Tôi còn bận chiến đấu”.

Còn như về cách đối nhân xử thế. Nhân chuyện Tô Hoài đọc bài viết của Nguyễn Tuân, nói với một nhà văn trong Nam -- mà mọi người đều nghĩ là Vũ Bằng, mới thấy buồn cười. Nhị Ca bảo thật là dơ. Chẳng bao giờ nhắc đến nó, bây giờ lại nói đến nó ầm ầm.
 Nhưng rồi Nhị Ca lại thêm:
-- Nhưng mà bây giờ thế cả thôi. Thái độ mọi người quay 180o cả, mình cũng phải quay như thế, chứ làm sao khác?

Như một thói quen nghĩ ngược, những ngày vui, tôi đã chạnh lòng và hoài nghi, hôm nay đáng lẽ phải nghĩ được những cái này-- phải nghĩ được những điều tốt đẹp, những sự bình tĩnh.
( còn tiếp)

Phụ lục
( theo một số tài lệu trên mạng)
Bản Sơ thảo Hiệp định Paris thành hình vào thượng tuần tháng 10/1972.
Trước đó tình hình đàm phán rất trì trệ, kéo dài từ suốt từ tháng 4/1969 cho tới tháng 8/1972.
Tại phiên họp ngày 26, 27/9/1972, Lê Đức Thọ còn đòi loại chính phủ Thiệu, lập chính phủ Lâm thời hòa giải dân tộc. Kissinger không chấp nhận.
Tại buổi họp 9/10/1972  Hà Nội mới nói không đòi Mỹ rút đơn phương, không lập chính phủ Liên hiệp tại miền nam VN, không đòi lật đổ TT Thiệu, không đòi Mỹ cắt viện trợ quân sự kinh tế cho VNCH
 9 và 10/10/1972 họp tiếp 16 tiếng mỗi ngày. Hai bên thỏa thuận dần dần và lên thời khóa biểu: 18/10 ngưng oanh tạc và phong tỏa Hải phòng ;19/10 Kissinger và Lê Đức Thọ ký tắt Sơ thảo tại Hà Nội ; 26/10 Bộ trưởng ngoại giao của các nước sẽ ký; 27/10 ngưng bắn tại chỗ sẽ có hiệu lực trên toàn cõi nam VN.
 12/10 Kissinger về Hoa Thịnh Đốn:
18/10 Kissinger tới Sài Gòn. Nhưng mấy ngày sau, khi tiếp Kissinger và Bunker, TT Thiệu nói không thể chấp nhận Hiệp định này, ký kết tức là đầu hàng.
 23/10 Kissinger về Mỹ thất vọng hoàn toàn.
Sang tháng 11/1972 hòa đàm không tiến triển gì hơn.
 13/12 hòa đàm tan vỡ, Lê Đức Thọ bỏ Hội nghị không hẹn khi nào trở lại.
14/12 Kissinger về Mỹ cùng Nixon và Tướng Haig bàn luận đưa tới quyết định ném bom BV. Nixon gửi tối hậu thư, rồi lập tức cho oanh tạc ngoại ô Hà Nội, Hải phòng bằng B-52. Chiến địch kéo dài 12 ngày, từ 18/12 cho tời cuối tháng 12/1972.
 9/1/1973 hai bên trở lại đàm phán, đi tới thỏa hiệp chung.
 23/1/1973 Kissnger và Lê Đức Thọ ký tắt,
 27/1 Bộ ngoại giao Mỹ, HN, VNCH, miền Nam VN ký chính thức Hiệp định ngưng bắn.
(soạn ngày 11-10-2012)


Mới hơn Cũ hơn