VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Võ Phiến: Về một người làm báo

Xem Lời dẫn cho chùm bài này của Võ Phiến

trên trang blog này ngày 5-5-2017

Cách đây 5 năm, ông Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận qua đời, ngày 4-3-1970.
Phú Đức là một nhà văn. Ông đã viết hơn ... 70 bộ tiểu thuyết khá dài, có bộ đăng báo trong năm, sáu tháng; có bộ phải đăng một hai năm mới dứt. Cuốn  Châu về Hiệp Phố được phổ biến thật rộng rãi trong quần chúng năm mươi năm trước, khắp từ Nam tới Bắc.
Phú Đức cũng là một nhà báo. Ông từng là ký giả viết thuê; ông cũng từng làm chủ bút (tờ Công Luận); rồi ông cũng từng làm chủ nhiệm (tờ tạp chí  Bình Dân , tờ nhật báo Dân Thanh).
Tuy nhiên, hôm nay không phải chúng tôi có ý định trình bày thân thế và sự nghiệp của nhà văn nhà báo ấy trong một dịp kỷ niệm. Có những tờ tạp chí văn học đã từng làm công việc ấy, làm khá chu đáo và đầy đủ.
Chẳng qua là trong lúc làng báo Việt Nam xảy ra nhiều biến cố, đời sống của ký giả Việt Nam trải qua một thời đặc biệt khó khăn, có lẽ nhiều người còn tò mò muốn biết về nhiều khía cạnh nghề nghiệp của một người làm báo trước đây nửa thế kỷ tại Sài Gòn.

*
Nhìn chung cả cuộc đời mình, lúc về già, Phú Đức trả lời cuộc phỏng vấn của báo Ngày Mới, cho rằng: “Nghề viết văn viết báo giúp tôi đời sống đầy đủ vật chất lẫn tinh thần”.
Mấy ai trong thế hệ ký giả hiện nay dám nói ra câu ấy ?
Phú Đức quả đã thực sự hài lòng về nghề văn nghề báo, cho nên suốt đời ông không làm một nghề nào khác, từ khi cầm bút.
Thật ra, trước tiên mới ra đời, ông là một nhà giáo, lãnh lương nhà nước mỗi tháng 40đ. Sau đó, khi bắt tay làm báo, ông xin thôi dạy học.
Phú Đức làm báo chỉ chuyên viết truyện feuilleton mà thôi, ngay cả khi làm chủ bút chủ nhiệm, ông cũng không viết thứ gì khác cả.
Mới đầu, viết feuilleton, ông được trả mỗi tháng 20 đồng (bằng nửa tháng lương giáo học). Chẳng bao lâu, ông được tăng lên 40 đồng một tháng, rồi 80 đồng một tháng.
Phú Đức là con nhà giàu, nhưng hồi làm giáo học ông chỉ có chiếc xe mô tô. Đi xe mô tô thời bấy giờ là ghê gớm lắm rồi, khắp Sài Gòn Gia Định hồi 1925 không mấy ai có mô tô.
Từ khi Châu về Hiệp Phố được hoan nghênh, mức lợi tức của nghề viết báo khiến Phú Đức bỏ mô tô mua xe hơi. Hồi ấy, dường như cả xứ Nam Kỳ chí mới có vài trăm chiếc xe hơi, phần lớn là công xa và xe các ông lớn cai trị người Pháp cả. Chiếc xa “Amilca” loại thể thao của ký giả Phú Đức là cả một chuyện động trời.
Khi Phú Đức được mời làm chủ bút tờ Công Luận thì được trả lương ngang hàng với đốc phủ sứ. Chúng tôi không rõ lương đốc phủ sứ vào khoảng 1925 - 1926 là bao nhiêu. Dù sao đó là ngạch cao nhật, là mức tột cùng của người công chức rồi.
Vả lại Phú Đức làm một thứ chủ bút đặc biệt, thật nhàn hạ, cả ngày chỉ ngồi viết tiểu thuyết rồi đi dự những buổi tiếp tân tiệc tùng mà thồi! Công việc tòa soạn đã có người khác lo.
*
Nhưng đó không phải là thời kỳ huy hoàng nhất của nhà báo Phú Đức đâu.
Bởi vì hồi 1926, Phú Đức phải lo viết tiểu thuyết mới có tiền... ? Trái lại 20 năm sau, khi ai nấy nghĩ rằng ông đã quá thời rồi, lúc bấy giờ nhà báo Phú Đức lại còn kiếm tiền dễ dàng hơn, nhàn hạ hơn. Ông không cần viết lách nữa; ông chỉ cần chép lại chuyện cũ để hốt bạc. Như thế gọi là “Bổn cũ soạn lại”, Vẫn Châu về Hiệp phố, vẫn Lửa lòng, vẫn Một mặt hai lòng v.v... cứ chép lại rồi trao cho các nhật báo đăng từng kỳ.
Hồi 1948, một ký giả viết feuilleton như Phú Đức mối tháng được trả 10.000 đồng. Về sau, thấy truyện của ông ăn khách quá, ông soạn một lượt nhiều “bổn cũ” và kiếm được mỗi tháng vài chục nghìn đồng.
Vài chục nghìn hồi 1948 khác xa với vài chục nghìn đồng hiện nay. Lúc bấy giờ, theo lời ông Ngọa Long, thì mỗi đồng VN ăn 17 quan Pháp. Với số lương viết báo, ông Phú Đức có thể mua mỗi tháng một chiếc xe Peugoet 203 mới nguyên.
Nhưng đó chẳng qua chỉ là lợi tức của công việc soạn lại bổn cũ. Có người cầu kỳ như ông chủ báo Tiếng Chuông thời ấy, cứ nhất định đòi Phú Đức phải viết cho mình một bộ truyện mới toanh. Phú Đức cũng chiều lòng, nhưng tiền nào của nấy; Viết truyện Bách Xi ma cho Tiếng Chuông, ông lãnh mỗi tháng 30.000 đồng.
Nếu lại tính ra xe Peugeot 203 thì cứ hai tháng mua được 3 chiếc !
*
Đó vẫn chưa phải là thời kỳ huy hoàng nhất của nhà báo Phú Đức !
Thời huy hoàng có lẽ là thời ông đứng ra chủ trương tờ Bình Dân, tự mình làm chủ một tờ báo.
Tờ Bình Dân thoạt nghe qua có chỗ kỳ cục: Ấy là một tờ báo in rặt truyện mà thôi, nhất là truyện Phú Đức. Mà lại là truyện cũ soạn lại.
Cứ theo lời ông Ngọa Long, thì lúc này thật ra Phú Đức không có thì giờ để “soạn” lại, mà cũng không có cả thì giờ để “chép” lại các bổn cũ. May ra, ông còn có thì giờ để cắt các truyện cũ, đưa cho thợ xếp chữ. Và cứ thế tạp chí Bình Dân ăn khách như điên.
Trong vòng ba tháng, ông chủ nhiệm phát giàu. Ông mua một tòa nhà hai tầng, ông mua xe hơi Ford Vedette, ông mua luôn tờ nhật báo Dân Thành v.v..
Chuyện ấy xảy ra trước đây hai mươi năm. Sau đó nhà báo Phú Đức hình như không có những lúc lên voi tưng bừng nữa. Ông tiếp tục sống thêm mười lăm năm và mới rời bỏ chúng ta cách đây năm năm mà thôi. Dù không tưng bừng, những năm cuối cùng của Phú Đức không bao giờ khó khăn: Bằng cớ là câu trả lời đầy tinh thần lạc quan gởi báo Ngày Mới.
*
Nghề báo ở Việt Nam chẳng qua chỉ có hơn trăm năm lịch sử. Chỉ trong chừng ấy thời gian, những bước thăn trầm lên voi xuống chó của báo chí cũng có lắm điều lý thú bất ngờ.
Nghe nói trong tháng tới, nha Sinh hoạt Học đường thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên có sáng kiển mở một cuộc trưng bày những tờ báo xưa nhất tại Thư viện Quốc gia, sẽ cho trích sao để phổ biến làm tài liệu những bài trong Gia định báo từ 1865 đến 1901 v.v...
Trong lúc làng báo Việt Nam đang trải qua một giai đoạn đặc biệt, vấn đề báo chí được mọi người quan tâm, mọi nhắc nhở về nghề báo Việt Nam, về lịch sử báo Việt Nam chắc chắn đều được chú ý, hoan nghênh.

Nhưng ước gì quần chúng được cho thấy cả những bước thăng trầm của người ký giả trong một thế kỷ qua. Quần chúng tò mò về tờ báo, và lại càng tò mò về người làm báo của mỗi thời. Từ cái người làm báo được mời vào Dinh Thượng thư, người làm báo đi xe “xì gà”, cho đến người làm báo xách bị cầm gậy...
Mới hơn Cũ hơn