VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Võ Phiến: Tham nhũng như một vấn đề văn hóa

Vài tháng trước đây, đáp lời cuộc phỏng vấn của một tạp chí Hoa Kỳ, ông André Malraux tỏ ý phàn nàn khoa học về một chỗ yếu: nó đem lại cho con người thật nhiều phương tiện, nhưng nó không giúp ích được gì vào việc đào tạo con người.
Hồi xưa không cần đến khoa học khoa hiếc gì ráo, xã hội đã đào tạo ra những mẫu người rất hay ho: mẫu người hiệp sĩ thời trung cổ ở Âu châu, mẫu người gentleman ở nước Anh... Những mẫu người ấy nêu lên một khuôn phép xứ thế, một đạo sống cho thiên hạ noi theo, những mẫu người ấy đã đóng vai trò xứng đáng trong lịch sử.




Bây giờ, khoa học tiến bộ nhanh kinh khủng, thực hiện được bao nhiêu là phép lạ nhưng ở Tây phương - quê hương của khoa học - chẳng còn tìm thấy bóng dáng của một mẫu người tiêu biểu nào nữa. Thật vậy, mới mẻ nhất, tiền phong nhất, là những anh chị streaker chạy tồng ngồng lăng quăng đây đó giữa chốn đông người. Mẫu người tiêu biểu đó sao ?
Thành thử, trong xã hội mạnh ai nấy sống, miễn sao thành công, tức là giàu có sang trọng. Không có khuôn khổ mẫu mực gì cả, lý tưởng nào cả. A. Malraux lấy đó làm một điều đáng buồn.
Sau cùng, nhà văn Pháp có một cái nhìn ra ngoài xã hồi các nước Tây phương. Ông hi vọng chút ít ở những mẫu người có thể hình thành tại Nga xô, và Trung cộng.
*
A. Malraux là một nghệ sĩ chuyên đi “tìm đẹp”. Ông từng mơ màng tới việc lập một “viện bảo tàng tưởng tượng”, sưu tập mọi nghệ phẩm kim cổ của thế gian. Các mẫu người của các giai đoạn văn minh trước cũng là những cái đẹp đáng sưu tầm.
Những mẫu người ấy, dù thất bại, cũng hãy còn đáng yêu lắm. Đáng yêu như hiệp sĩ Don Quichotte lang thang trên lưng con lừa ốm độ nào ở Tây Ban Nha. Đáng yêu như người “quân tử Tàu” thình thoảng còn lạc loài giữa xã hội ta ngày nay.
Một người có khiếu tìm đẹp, thấy mất đi những cái ấy, đâm ra buồn tiếc là phải.
Vừa rồi chúng ta có nhắc đến người “quân tử”. Con người ấy không được A. Malraux đề cập tới, nhưng chắc chắn cũng là mẫu người quan trọng. “Quân tử Tàu” là cái khía cạnh hài hước của người quân tử thực sự, quân tử chân chính. Đó cũng là một danh từ phản ảnh cái nhìn bất kính, hỗn xược của kẻ sau đối với người trước, cái nhìn thiếu thông cảm của một thời đại này đối với một thời đại khác.
Ấy, “quân tử Tàu” là vậy thế mà “quân tử Tàu” vẫn còn phảng phất một vẻ đáng yêu. Huống hồ vào cái thời đại của “chàng”, người quân tử (cũng vẫn là Tàu) mới đường đường, đẹp đẽ biết bao...
Ở đây, chúng ta không có tham vọng đi sâu vào mọi phương diện của cốt cách quân tử, không dám lạm bàn đến các nguyên tắc tu thân xử thế của chàng, đến thái độ yêu đương của chàng chẳng hạn.
Hôm nay chúng ta bị một vấn đề ám ảnh: tham nhũng.
Môn đồ của họ Khổng ra làm quan, hạng giàu có nứt đố nổ vách không phải là ít. Chắc chắn những kẻ ấy không phải là quân tử. Còn quân tử thì nghèo.
Nghèo như Nhan Hồi ăn cơm hẩm uống nước lã. Nghèo như Tô Đông Pha hai bố con cùng ăn ... ánh nắng để đỡ đói. Nhân tiện, tưởng nên dừng lại một chút về cái ông quân tử văn sĩ kỳ cục này. Đậu tới tiến sĩ, làm quan tới đại thần; nổi tiếng tới nỗi khi có tin đồn (sai) là Tô Đông Pha chết thì vua Thần Tôn sững sờ đang ăn vội bỏ bữa ăn ngồi than thở; từng giữ chức thái thú Hàng Châu, coi cả sáu tỉnh giàu có, vậy mà làm quan hai mươi năm rồi nhà vẫn nghèo.
Nghèo cho tới nỗi ông phải đích thân giữ tiền chợ: “Tôi phải thắt lưng thắt bụng lại, mỗi ngày chỉ được tiêu 150 đồng tiền thôi. Cứ ngày mồng một đầu tháng, tôi lấy ra 4.500 đồng tiền, chia đều làm ba mươi phần, lấy lạt xâu mỗi phần lại, treo lên xã nhà, rồi mỗi ngày lấy xuống một xâu để chi tiêu, tới tối còn được đồng nào thì để dành phòng khi có khách khứa”.
Như vậy mà đến già, khi ra Hải Nam sinh sống không còn được chút vàng bạc gì dành dụm để đem theo, cho nên túng bấn, có những hôm đói quá, ông sực nhớ từng trông thấy lũ ếch nhái ngồi ngóc cổ hả miệng đớp ánh nắng. Tháng tư năm 1099, ông có “sáng kiến” (!) rủ cậu con trai út ra ngồi há miệng đớp ánh sáng. Vậy mà cha con cũng thấy đỡ đói ! Ông Tô bèn ghi kinh nghiệm vào nhật ký để lưu lại đời sau.
Cái phát minh, kinh nghiệm ấy không được khoa học của thế kỷ XX đếm xỉa tới. Nhưng nó là một minh chứng quí báu về hình ảnh của người quân tử.
Mẫu người ấy thật đáng mê, nhất là trong thời đại tham nhũng. Tiếc răng nhà văn hóa Pháp không nói đến. Ông ta lại kỳ vọng về những mẫu đang tượng hình ở Nga Tàu.
*
Ở Nga, ông muốn nói đến mẫu người “bôn sờ vích” ?
Giáo sư Vladimir Tchernavin ở đại học Leningrad kể chuyện về những con người bôn-sờ-vích cặm cụi chọn lựa và đóng những thùng cá đặc biệt để dâng biếu thượng cấp, làm cho tiến sĩ Lâm Ngữ Đường cười ngất: Cá ngon ở đâu  cũng hấp dẫn, và người ở đâu cũng là người. Họ Lâm lắc đầu nguầy nguậy, không tin vào cái điều mà Malraux mong đợi.
Thế rồi khi ở Hoa Kỳ bùng nổ ra vụ Watergate, nào nghe trộm, nào tham nhũng bị phanh phui tùm lum; bấy giờ ở các nước Nga Hoa, những người bôn sờ vích tỏ vẻ ngơ ngác, rồi khó chịu. Gì chứ những chuyện như vậy, ở đâu mà chẳng có? Ở xứ tụi này, chuyện ấy xảy ra như cơm bữa, không ai dại dột mà làm ồn lên như vậy. Bọn Mỹ điên thật.
Rồi sử gia Medvedev đưa ra vụ tham nhũng khổng lồ ở Georgia, với thái độ giải quyết êm thấm “khôn ngoan” của nhà nước Xô viết v.v...
Thành thử ở nơi có người mẫu và ở nơi không có người mẫu nào, chuyện lem nhem cũng xảy ra như nhau, có điều phân biệt là nơi có người mẫu thì chuyện xảy ra thường xuyên hơn (như cơm bữa) và êm thấm hơn. Do đó, riêng về một vấn đề tham nhũng, tưởng không nên đặt nhiều mong mỏi ở những mẫu người thời nay.
Thời nào có phép nấy: Bây giờ thì lại nên trông vào khoa học, vào kỹ thuật điều tra cho nhanh, cho hiệu nghiệm, vào hiệu lực tố cáo của một nền báo chí tự do.


Mới hơn Cũ hơn