VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Khi đá biết nói -- truyện ngắn "Thạch tinh trong ruột một người" của Nguyễn Tuân


Dưới đây là một truyện ngắn thuộc dạng yêu ngôn (yêu= ma, quái) của Nguyễn Tuân, thiên truyện lạ lùng bậc nhất mà lại chưa hề xuất hiện trong một tuyển tập nào của tác giả mấy chục năm nay.
  Sở dĩ người sưu tầm tha thiết muốn nhiều bạn đọc cùng đọc lại truyện ngắn in ra lần đầu  1943 này vì hai lẽ.
Thứ nhất nó có những đoạn cực tả về tình trạng thụ bệnh của một con người.     Xã hội ta hiện nay đầy rẫy những người bệnh tật, bệnh nổi có bệnh chìm có; và tổng quát lại có thể coi là một xã hội trong thời hậu chiến bệnh tật.   Chắc hẳn là sau những trạng thái bệnh bình thường, còn có biết bao nhiêu thứ bệnh kỳ lạ mà chỉ thời hiện đại mới có.
 Trước khi bàn chuyện kê đơn chữa chạy, đang cần những người biết miêu tả biết nói ra cho mọi người rõ về bệnh để cùng biết, cùng ngấm, cùng sợ.
   Hơn nữa, chữ bệnh theo nghĩa đen thường cũng tương ứng với một tình trạng bệnh tật về tinh thần,– chữ bệnh theo nghĩa bóng.
   Thứ hai truyện nói về sự báo oán báo thù cũng là cái thứ rất nặng nợ trong mối quan hệ giữa người với người thời nay.    Trong truyện ngắn dưới đây, báo oán  là sự trừng phạt kỳ cục với những kẻ lừa dối dẫn đến cái chết của mấy người đàn bà trẻ tuổi.
Ngày nay đang nẩy sinh những tội ác trên quy mô lớn, động chạm đến số phận tài sản nhân cách hàng vạn hàng triệu người.   Bất lực trước tình trạng công lý không có trên trần thế , hẳn các nạn nhân  có lúc sẽ nghĩ tới việc cầu cứu tới những thế lực siêu nhiên.
    Người ta cùng mong đợi một sự báo oán ghê rợn tột cùng sẽ xẩy ra với bọn ác.
     Niềm tin vào cái  thế lực  mơ hồ huyền bí ấy hình như rất sâu sắc nơi Nguyễn Tuân. Nó buộc ông ở cuối truyện, mượn lời một nhân vật , phải công khai đứng ra khuyên mọi người qua các tình tiết éo le để “tìm lấy một ý niệm trong đời sống đạo đức”.  
Tác giả thường bị mọi người coi là một ngòi bút ngang ngược, phá cách, duy mỹ, bất chấp cả những lẽ phải thông thường.
Ở đây, khi  tự nguyện đóng vai giáo huấn, ông có dịp thể hiện một sự “phá cách ngược” nghiêm trang hiếm thấy.
      Chính nó là cái dư vị kéo dài  khiến tôi tin là thiên truyện đáng được đông đảo chúng ta đọc đi đọc lại và liên hệ với tình hình thời sự.

GHI CHÚ VỀ VĂN BẢN       Sinh thời Nguyễn Tuân, các truyện Yêu ngôn đã viết chỉ mới kịp đăng báo chứ chưa được ráp thành tập. Dựa trên ý đồ và tài liệu sẵn có của tác giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã tìm cách dựng lại Yêu ngôn rồi khai sinh cho nó thành một tập sách riêng.  Sách Yêu ngôn in ra lần đầu ở nhà xuất bản Hội Nhà văn 1999. 
     Chúng ta có dịp đọc lại ở đây Đới roi, Rượu bệnh, Xác ngọc lam, Loạn âm, Lửa nến trong tranh, ngoài ra còn có Khoa thi cuối cùngTrên đỉnh non Tản (lấy từ Vang bóng một thời ),Tâm sự của nước độc (lấy từ Chùa đàn).   
Song theo chúng tôi tìm hiểu, Yêu ngôn của Nguyễn Tuân không chỉ có vậy.    
Thiên truyện  dưới  đây in ra lần đầu ở một tập sách mang tên Thơ văn mùa xuân ( 1943 ), vốn là một thứ sách tập hợp sáng tác của nhiều người khác nhau. 
Điều đáng chú ý là trong truyện này, tác giả đã ghi chú là sẽ cho in Tổ tôm người và ở cuối truyện thì có ghi rõ là rút ở tập Yêu ngôn. 
Tiếp đó, tới đầu 1945, trên tạp chí Thanh Nghị số đặc biệt ( 100,101.102,103,104) , còn thấy NXB Tân Việt quảng cáo rằng đã in của Nguyễn Tuân một tập ký mang tên Xe đào ( ghi rõ bản thường mỗi cuốn 7 đồng ) và sẽ cho in Cậu lãnh một.  
Xe đào nói ở đây tức là xe điều, một quân trong cỗ tam cúc; còn lối gọi nhân vật là “cậu lãnh một” cũng xui người ta liên tưởng tới cách gọi nhân vật trong Chùa đàn.  
Lại một lần nữa chúng ta thấy sự liên tục của những mô típ và chất liệu.    
Bởi vậy mặc dù chưa tìm thấy các cuốn sách trên trong các thư viện (  hơn nữa  Cậu lãnh một có thể là mới rao thế thôi, nhưng tác giả chưa cho in, thậm chí chưa viết ), chúng tôi vẫn muốn tin rằng có cả một mạch tư duy “kiểu yêu ngôn“ mà vào khoảng 1942 – 1945, Nguyễn Tuân đã theo đuổi.  
   Có khả năng cả loạt tác phẩm đã được thai nghén, và dù chỉ một số đã xuất xưởng, số ấy cũng nhiều hơn những truyện trong tập Yêu ngôn chúng ta đang có.    
Thiên truyện Thạch tinh trong ruột một người, [ tinh chứ không phải tín]  in đúng như văn bản đã tìm thấy, kể cả cách viết hoa trong một số trường hợp ; chỉ riêng cách viết một số từ, chúng tôi sửa theo quy định chính tả hiện nay. Chú giải đầu tiên của tác giả đánh dấu hoa thị, các chú giải sau đều là của người sưu tầm. 


THẠCH TINH TRONG RUỘT MỘT NGƯỜI


“…đến lúc nào mà đá lại biết nói nữa,  thì chúng bay sẽ chết hết"
Kinh Sám Hối

Từ cái chuyến đi chơi hội Đèn mùa Xuân năm ấy và đánh Tổ Tôm Người (*) ở làng Nguyệt Tường về , là cậu Bảy đau nặng. Bệnh lạ quá. Động ăn chút gì vào là thổ ra hết. Thuốc, đến chén này là chén thứ bốn mươi hai — tính đến cụ lang xóm Bình Xa này là ông danh y thứ mười một –, không chén thuốc nào chịu đi qua cổ họng cậu Bảy.
Mặc dầu con bệnh cố nuốt nước thuốc mà thuốc không chịu xuống.  
Hễ uống ngụm nào là lại trả ra ngay.
Nền gạch lá nem dưới giường kia, từ ngày cậu Bảy nằm liệt đó, đã mất cái màu hồng tái cố hữu của nó. Những nước thuốc thổ ra đây đã sơn lên một màu cánh gián dày cộm, mỗi khi gặp kỳ hanh nó lại nứt rộp ra từng tảng cạnh uốn cong. Gặp gió nồm, những tảng sơn đó lại nhũn sũng ra, lênh láng sánh đặc.
   Trông cứ như là thuốc phiện tốt, chan hoà mà không trôi chẩy đi đâu cả.
Đến thế này thì con bệnh đã phụ thày và phụ thuốc nhiều quá.
Nước thuốc của đơn nào, cậu Bảy liền giả ngay cho thày đó, không hợp với ai cả.
Trong khi nằm chờ sự lành vững cũ trở về với thể xác, ở các lỗ chân lông con bệnh vẫn tiết ra một thứ mồ hôi đỏ như máu, mỗi ngày thay đều mấy lượt quần áo mà người vẫn cứ đỏ đẫm ra như máu.       Máu ấy khô cứng lại, dính bám vào da thịt, mỗi lần con bệnh bị dựng dậy để thay mặc, sự đau khổ thực không biết thế nào mà nói cho hết được.
Đũng và cạp quần, đường hồ lá sen áo cánh dính bết vào đã đành. Lại đến cả đường bâu áo dài cũng phải khéo tay gỡ lắm thì mới tránh được sự nhăn nhó rên la cho con bệnh.
Nhục hình đó, sớm chiều ngày nào cũng diễn lại.  
Vào những buổi thay áo và tắm khan cho cậu Bảy, thân quyến đều lánh đi hết. Chỉ có một người đầy tớ già làm việc bên giường.  
Cậu Bảy lo khổ về bệnh thì có một phần và đau xót về nỗi nhục nhã này thì có đến muôn nghìn.
Không rõ có phải đây là một chứng nan y hay không, nhưng con bệnh tưởng phụ ngay được đời sống bằng một việc quyên sinh còn hơn là kéo dài ngày chờ khỏi với cái cảnh tượng một phế nhân tanh tởm xấu xí này.
Hỡi ôi, trông cậu bây giờ, ai dám nghĩ rằng con người ấy, trước đây, đã từng bao nhiêu lần mặc áo gấm lam có vảy bạc và cưỡi một con ngựa màu phấn đạm. Cậu Bảy tuy là người của thế kỷ này, nhưng nhất định không dùng ô-tô, mặc dầu cậu thừa sức sắm được – mỗi lần ngừng nhạc (1) ở cổng vườn nhà nào để hỏi thăm tiểu chủ nhân xem đêm trước hoa rụng nhiều hay ít, thì miệng nói ra toàn là thơ và nhời của câu đối cả!
Con người phong lưu mã thượng ấy, giờ trông đáng kinh tởm lắm.
Ngày nào cũng vậy, ở các lỗ chân lông, thay cho mồ hôi của một thứ bệnh thoát dương,chưa có tên chua trong y khoa xứ này thời này, máu cứ đều đều rỉ tuôn ra tưởng như không bao giờ cái chất quý ấy ở một người lại có thể cạn kiệt được. Gian buồng bệnh, tanh hơn lòng thuyền của người đi bể đánh cá dài hạn.  
Cho người lạ chợt vào đây, cái cử chỉ đầu tiên của người ấy là cứng chân kìm đà bước, ưỡn ngửa người ra sau để đưa tay lên cố mà băn khoăn với một cơn mửa lộn hộc.  
Và nhìn người nằm đờ trên giường bệnh áo quần tẩm ướt đỏ ngòm và dưới gầm bóng loáng nước thuốc nâu cô sánh lại, người ta nghĩ đến một vụ án mạng — tử thi nằm chờ quan huyện đến khám nghiệm, đối chiếu xác với phép sách Tẩy Oan.
Thân quyến cũng héo dần trong sự ngậm ngùi.
Hết lễ bái ở đền này phủ nọ, hết bói toán tướng số thì lại ngờ đến mồ mả gia tiên xem có ai phạm tới không.
Ông thầy địa lý cũng không hơn gì được ông thầy bói và ông thầy thuốc.
Cô Chín — em ruột cậu Bảy — vốn biết anh mình không phải là một người thẳng thắn, trong tâm tính những lúc ra ngoài, ngờ anh đã dính vào một việc tình cảm ở chỗ đầu sông ngọn nguồn xứ Mường, đã chót chỉ non thề bể với con nhà lang đạo nào ở thượng du để đến nỗi người ta phải hờn giận mà chài ốm chăng.
Bèn nói với mẹ nên đem vàng nhang lên dò hỏi ở những chỗ rừng xanh núi đỏ.  
Cũng vô hiệu. Cũng vẫn không chỉ được cái thứ mồ hôi đó ngày ngày tuôn rỉ ra khắp mình Cậu Bảy.    Ấy là sự thuốc thang chạy chữa.  
Còn như việc cơm cháo hằng ngày thì con bệnh chỉ chịu uống có nước đậu xanh xanh lòng; còn bất cứ cái gì khác là cũng đều trả ra hết.  
Người, ăn uống như thế, gì mà chẳng teo ngót mãi đi. Tứ chi như bốn thân que, khắp mình đường gân xanh nổi lên rõ; ổ mắt trũng xuống, xương lồng ngực đội mãi lên; cuống họng thắt lại, tiếng nói bé dần, nói ra không ai nghe thấy gì nữa; rồi đến thính giác lại càng hỏng quá; không nghe thấy một tiếng động gì của ngoại cảnh lọt được vào và riêng trong đầu mình thì suốt ngày đêm cứ thấy có cái gì nó kêu gào ngay ở đấy  —  lắm lúc nghe sợ quá, con bệnh lại rú lên, vật vã giẫy giụa, trông thương thảm vô cùng.
Một hôm, theo lệ thường vào thay quần áo lần thứ nhất mỗi ngày cho Cậu Bảy, người nghĩa bộc có tuổi bỗng kêu to lên, làm kinh động cả một gia đình ít lâu nay chỉ còn sống trong âm thầm.
Y gọi cả nhà lại giường bệnh mà xem.
Người nằm đây không đỏ đẫm như mọi ngày nữa và giờ lại trắng bệch. Thì ra, không hiểu vì phép sinh lý gì, máu đỏ trong người con bệnh đã hết từ đêm trước và, tuôn ra các lỗ chân lông, giờ chỉ toàn là một thứ máu trắng.
 Lấy tờ giấy bản để lên mình con bệnh một lúc lâu cho nó thấm hút lấy ít máu trắng, người lão bộc thè lưỡi nếm vào mảnh giấy ướt, thấy nó nhạt như vị nước lã, bèn khóc oà lên với một câu: “Thế này thì cậu con chẳng còn sống được mấy chốc nữa đâu. Cả nhà lo liệu đi thì vừa thôi.”
Từ buổi nếm phải một thứ máu không có chất tanh, mặn và thay những quần áo không còn màu đỏ máu như trước nữa, người đầy tớ già xác tín rằng mình đang liệm sống cho một người lả dần về cõi khác.
Cuối tháng đó, nguời chú Cậu Bảy lật đật về đến nhà, sau khi nhận được gia thư do Cô Chín gởi đi. Ông tức tốc vào buồng bệnh, đem thẳng ngay cát bụi của đường xa vào gian phòng sâm tịch (2), muốn giáp mặt ngay đứa cháu để hỏi chuyện.  
Đã từ lâu, Cậu Bảy vốn không nghe được tiếng gì và không nói được ra tiếng, chú cháu phải lấy giấy mực ra để bút đàm. Tờ giáp (3) cuộc hội đàm thân mật bằng bút này, xem lại y như những lời hỏi cung và những lời thú tội. Gọn rõ và cảm động.
Chú hỏi: “- Tháng giêng mùa vừa rồi, mày cho ngựa ngày ăn cỏ ở vùng nào?”
Cậu Bảy, cố thu hết thân lực vào đôi mắt, nhìn ông chú không chớp cố tỏ cho chú biết rằng mình không có điều gì phải minh (4) cùng ai hết.  
Biết đứa cháu có tính gàn bướng, ông chú bèn đấu dịu. Bèn viết lại: “Thầy cháu mất đi rồi, lớn nhất trong chi họ nhà ta, chỉ còn có chú. Vì sự mưu sinh, chú phải đi xa luôn. Chú không ở luôn ở nhà được để góp thêm tâm ý vào việc phục hưng gia tộc, thật là một điều lỗi đối với các cháu hàng dưới. Nay nhận được thư của em Chín cháu, kể rõ sự tai biến, chú vội về thăm cháu và cần nhất là hỏi cháu mấy điều, trước khi cháu chết — chú chẳng cần phải giấu mà không dám nói ngay cho cháu biết rằng sự sống của cháu bây giờ cũng chỉ là việc của khoảnh khắc đây thôi; có kéo dài lắm thì cháu cũng chỉ đậu được đến ngày thu phân tháng sau thôi”.
Đến đây, ông chú chừng cũng bùi ngùi thay cho đứa cháu bạc mệnh, ngừng viết, nhìn Cậu Bảy.
Mặt Cậu Bảy rớm lệ.
Ông chú viết tiếp:
– Tháng giêng vừa rồi, cháu chơi ở làng Nguyệt Sương?
– Vâng. Chơi Tổ Tôm Người.
– Đúng rồi. Chẳng lúc về đây, tiện đường, chú rẽ vào làng Nguyệt Sương thăm ông Chánh Ba và được nghe một câu chuyện tự ải (5). Người con gái quan Lãnh Tín gieo mình xuống đầm. Rồi ông Chánh Ba lại kể cho chú nghe về phong tư diện mạo một người khách phương xa đến chơi Tổ Tôm Người, khăng khít với một con Thang Thang. Cứ những dáng điệu người và lời thơ hạ chữ đối và gieo tử vận (6), do ông Chánh Ba thuật lại, thì chú đoán ngay ông khách phương xa ấy lại là cháu chú rồi. Thế còn cái con Thang Thang ấy? Ai sắm Thang Thang trong hội bài người?
– Bẩm chú, chính là con gái quan Lãnh.
Ông chú lịm người đi, tay rời hẳn bút ra. Thế này thì ông hiểu rồi. Chợt trong có một phút của trực giác, ông nhận thấy ngay liên can giữa bệnh người cháu và cái chết đuối của người con gái kia.
Ông gặng hỏi: “Vậy chớ mày thề thốt những gì với con gái ông Lãnh Tín?”.  
Cậu Bảy không trả lời, khẽ thở dài.
Ông đổi câu chuyện:  
– Giờ tao hỏi về bệnh mày. Thế trong người mày bây giờ nó như thế nào? Kể rõ cho chú nghe.
– Kể lại cũng vô ích. Thuốc thầy nào chữa nổi. Cháu chỉ còn chờ có chết để tạ lỗi cùng con bài Thang Thang. Việc cô con gái quan Lãnh tự vẫn, cháu được biết từ trước khi chú nói. Chỉ có lửa vạc dầu sôi của một thế giới khác là mới tẩy hết được căn bệnh của cháu. Lửa của cuộc đời này, không đủ nóng để diệt những trùng trong mình cháu. Thôi, ngày giờ của cháu đang bị tính đếm từng li từng phút, chú để cho cháu được yên tĩnh mà nghĩ tới một hậu kiếp của cháu ở ngoài thế giới này.
– Làm ích được cho đời sống này chút nào, ta vẫn cứ phải gắng, gắng cho tới phút cuối. Bệnh của cháu, tự cổ lai đến giờ, chưa có một y gia cổ kim Đông Tây nào nói đến. Y học Thái Tây thì lại càng không có bàn đến nữa. Nó là ở ngoài khu vực y khoa hiện đại. Cháu cứ kể rõ chú nghe. Chú ghi lại để rồi sau sẽ thuật chép ra để chất chính (7) cùng những bậc Biển Thước của năm cõi lục địa. Đã hay rằng việc này là một việc quả báo, một việc âm oán. Nhưng biết đâu đấy? Cháu cứ kể rõ. Cháu gây nên tội ác, cháu đau khổ nhục nhã đến như thế, tưởng cũng là đủ cho linh hồn cháu siêu thoát rồi. Đời cháu, vào quãng cuối, thế mà lại còn hơn cả những cuộc đời kẻ khác trọn đời không làm một điều thiện nào và cũng chẳng làm một điều ác nào. Cháu cứ bình tĩnh mà kể lại chứng bệnh cháu, may ra có bổ ích gì cho người đồng thời không?
Tay run run, Cậu Bảy cầm bút.  
Những dòng chữ chằng vào nhau và chữ nọ dính bắt qua chữ khác như chữ phép lá bùa trừ tà.
Chữ ít, không có linh khiếu, thiếu cả kiến lẫn thức (8), và lại không bác văn quảng học thì có người lại sẽ tưởng đây là một câu thai (9) của sứ Tầu gởi đố và ai giảng được thì sẽ nhất đán (10 ) được làm Trạng – theo đúng vào một lời tiên tri của Tả Ao bắt hòn đất nhà mình phải phát vào ngày giờ ấy đây.

Cậu Bảy kể rằng: 
    “Tính về thời kỳ thụ bệnh kể từ hôm người cháu tiết ra một thứ máu trắng cho đến về trước, cháu không biết gì cả. Thân xác cháu ở ngoài Thời Gian và Không Gian. Những chuyện mồ hôi đỏ như máu tuôn rỉ khắp mình cháu là sau này người lão bộc kể lại thì cháu mới rõ đấy thôi. Rồi mới biết kinh sợ và cháu thừa biết là cháu hỏng mất rồi, là đời cháu hết rồi.   
“Máu đỏ chảy cạn hết, thì tiếp ngay đến việc cháu điếc và cháu câm. Ngày lại ngày, cháu nhìn lớp máu trắng tuôn đầy trên mình cháu thay cho lớp máu đỏ trước, tịnh không nghe được ai nói vào một câu nào và cũng tịnh không nói ra với ai một lời nào.   
“Đầu cháu rức nặng như bị đánh đai sắt vào. Ngủ được tí nào thì thôi, chứ hễ thức giấc dậy là như có người la ó trong đó. Tiếng kêu trong đầu rất là phồn tạp hỗn loạn. Có khi như gió ngàn đuổi mãnh thú. Có khi như bẻ bão rượt sóng bờ. Có khi vang dậy như hầm thuốc súng nhỡ bén chạm phải lửa ngoài. Có khi lại xa vắng u tịch như vọng hưởng của đàn chiêu hồn bên sông không có đò chở. 
     Ở trong đầu thì vang dậy kinh động như vậy mà nhìn ra quanh mình để lắng lấy tiếng một cái gì quen thuộc của hằng ngày nó có thể làm bạn với mình và nhắc cho mình nhớ rằng mình vẫn là người của cuộc đời này, thì cháu chỉ thấy có im lặng. 
     Những bóng người qua lại của cả nhà này đều câm cả.
        Những hình ảnh đó cử động và mấp máy môi như người trong trò phim câm.  
“Mất đến ba tuần khổ loạn như thế ở trong đầu. Được đúng một ngày một đêm, trong đầu cháu tắt hẳn tiếng kêu. Nhưng đến ngày sau thì trong người cháu lại có một việc biến rất mới lạ. Là ở trong bụng, lại có tiếng người rì rầm lào xào.  
     Hình như đấy là một cuộc nói chuyện tay đôi của hai con người. Không rõ họ là già hay trẻ, đàn ông hay là đàn bà. Vì cái tiếng nói của họ là một thứ âm thanh không có tuổi không phân ra giống cái giống đực. 
     Họ nói tuy bé nhưng rồi sau cháu cũng nghe được.   
Có lẽ vì cháu đã thành một người điếc đối với tất cả biểu diễn của cuộc đời bên ngoài bằng tiếng động, có lẽ vì thính giác của cháu chỉ còn có thu dồn vào để mình lại lắng cái tiếng của cuộc đời bên trong thôi, có lẽ vì thế mà cháu đã nghe nổi những cuộc đối thoại của họ trong bụng cháu chăng?
   Buổi sớm họ cười đùa, buổi trưa họ hờn giận, buổi chiều họ cãi nhau xỉ vả nhau để lúc khuya khoắt thì lại làm lành và cợt nũng nhau. 
     Không rõ họ có ngủ phút nào trong người cháu không, chứ hễ cháu thức lúc nào là nghe thấy họ kể lể than vãn khúc khích lúc ấy.   
     “Một buổi nặng bụng buồn tay quá, cháu có đem việc này kể ra giấy cùng tên nghĩa bộc vẫn luôn luôn có mặt ở bên giường cháu. Ngay chiều ấy, cháu nghe thấy một cuộc than khóc vật vã của họ, tiếng thê thảm đưa từ dưới lên trên đầu, rung mạnh các thớ màng óc. Cháu nghe rõ mồn một. Câu của người thứ nhất:
” -Này, nó định trục hai đứa ta ra khỏi lòng nó đấy.   
” Câu của người sau:  
” – Sao biết? Và nó định dùng thuật pháp gì? Lòng nó là quê của ta rồi. Một vào nổi là ở mãi, trăm ngàn năm cũng không ra nữa. Chỉ có nó chết, là ta mới chịu rời đi đâu thôi. Chúng ta mà vào ngồi vững được ở đáy lòng nó thì càng là việc Giời. Giời đã bảo ta vào thì rồi cũng chỉ có Giời là bắt ta ra được thôi. Chứ thứ nó thì làm gì nổi. 
“Đến đây, hai người lại hạ thấp giọng xuống.  
” – Tao nghe thấy người nhà nó đang định cho nó ăn thịt chó để đánh bật chúng ta ra ngoài. Người nhà nó, chắc đoán ra hai đứa ta là ai rồi. Vậy chớ mày có sợ mùi thịt chó không? 
” – Nếu thế này, thì cơ nguy đã đến nơi rồi. Ra ngoài, lạnh và lạ lắm. Mà rồi ăn vào đâu, ở vào đâu.   ” – Vậy mày sợ? Tao thì yên trí lắm. Nó muốn làm gì thì làm. Tao vững lắm. Không ra. 
” – Người có chất dương như anh, không sợ đã đành. Nhưng tôi thuộc về chất âm, nghe cái tin này, rất lấy làm buồn sợ. Chúng ta sẽ phải chia rời từ đây. Ra rồi thì khó mà vào lắm. Những lúc tưởng nhớ đến nhau, tôi ở ngoài sẽ thông tin với người ở trong bằng cách nào? Chẳng nhẽ biệt nhau lại có nghĩa là mất hẳn?  
“Đến lúc này, cháu mới rõ rằng trong lòng cháu, có cả một người đàn ông và một người đàn bà và họ đang xây dựng một cái gì trong người cháu.       Cháu lấy làm nghĩ nhiều. Cháu liền cho gọi lão bộc vào hỏi. Y cũng nói lại rằng ở nhà ngờ bệnh cháu thuộc về âm loạn và có người mách cho rằng muốn trừ tà khí thì không gì bằng thịt loài cầy và sắp nấu cầy cho cháu ăn.      Cháu cười và bảo lão bộc nên thôi việc ấy đi. Cháu nghĩ rằng đằng nào thì cháu cũng tận số đến nơi rồi. Có trừ khử được những quái vật ấy ra khỏi lòng dạ mình thì cuộc đời của cháu ở cõi đời này cũng vẫn cứ phải tắt hết như thường.    
Trước, lúc còn lành mạnh, đã gây nên điều lỗi với đàn bà; giờ, người đã bạc nhược hao mòn đến thế này thì còn nên gây oán luỵ làm gì với một người đàn bà khác – mặc dầu người đó là thuộc về giống yêu, giống quái đang mượn cái lòng bị hình phạt của mình để làm một nơi chung họp với một con quái khác.  
Không phải là cháu nghĩ đến sự báo thù của giống yêu quái này mà cháu sợ đâu. Điều oán của cháu gây nên ở đời thực tại này, cháu tin rằng cháu đã trang trả xong bằng cái chết mòn này rồi.  
Nhưng cái tương lai của cháu là ở ngoài đời thực tại này kia.  
Công việc kiến thiết của cháu lại phải ở ngoài thế giới này.  
Chết trong bây giờ ở đây, để mai kia cháu sẽ gặp lại con gái quan Lãnh ở chỗ khác để lập lại với nàng một cuộc sống khác công bằng hơn và đẹp hơn. 
“Bây giờ cháu nhờ chú một việc này. Là chú sẽ cho táng cháu ở mé gò Bạch Ảnh, ở bờ phía đông đầm làng Nguyệt-Sương, gần ngay chỗ con quan Lãnh gieo mình. Các bề trên trong gia tộc có gì phản đối về việc chôn cất này, chú thề với cháu là phải làm theo ý nguyện của cháu. 
Thôi, lạy chú, chú ra đi. Và cho đào huyệt sẵn đi thì vừa. Cái chết đã dâng lên đến nửa phần người cháu rồi.”*    

Lúc Cậu Bảy vừa thở hơi cuối cùng, quạ ở tám phương trời rủ nhau bay đến sao mà nhanh và nhiều đến thế. Những cây và các luỹ tre các làng phụ cận bỗng hoá ra màu đen cả.   Ở những cây đen ngòm ấy, loài ác điểu ngày đêm kêu không ngớt tiếng.  Trông thi hài Cậu Bảy, người thương tiếc thì ít mà sợ tởm thì rất đông.   Trời là một đấng biết tha thứ, biết xoá bỏ, đối với một người đã biết hối lỗi là gì rồi, sao Trời lại còn bày thêm ra một việc thảm mục (11) đến thế nữa. Cái thây Cậu Bảy ở giữa giường thực không còn hình nữa. Ra từ lúc còn sống, xương Cậu Bảy đã rũa mòn dần mà không ai để ý tới.  
Thành thử cỗ quan làm cho người chết hoá ra to rộng quá. Bỏ bao nhiêu cỗ tổ tôm, bao nhiêu cuốn lịch, bao nhiêu giấy bản, bao nhiêu trà phát du (12) vào đấy cho vừa. Nói cho đúng ra, thì phải đến năm cỗ thi hài Cậu Bảy nữa thì mới chắc kín lòng săng.
Người ta lại phải thửa áo quan khác. Nó lại chỉ bé bằng thân hình cái tiểu sành có viền đường gấm hoa chanh. Thành ra lúc đám khởi hành, việc hung táng mà người không rõ chuyện lại tưởng là cát táng (13).
     Lúc hạ huyệt, quạ trên một giời cao, một loạt chà xuống mép bờ đầm bâu cứ đen đặc lại. Đứng xa trông, bờ đầm Nguyệt Sương như có người viền một vành khăn đen tròn không nhoè lép lấy một nét.
Việc tang ma chôn cất người cháu quá mấy tuần cơm cúng rồi, bấy giờ ông chú mới ngồi ở buồng sách tại mái tây biệt thự đã được xông hương trầm mà giở cuốn Gia huấn trong họ nhà ra ghi vào đấy những dòng dưới đây:
  ” Đây là những lời quý báu ta để lại cho lũ con chính thống của ta và cho lũ cháu trong họ nhà. Tụi bay, đứa lớn rồi thì phải đọc lấy mà làm trọng và đe mình từ ngay phút này; còn đứa nhỏ thì noi các đàn anh mà gắng hiểu ngay để sớm biết mà e sợ.
  “Việc Cậu Bảy bị chết trong cảnh nghịch biến thương thảm – ta đã có thuật rõ kèm vào đây, ở chương Cố sự nơi cuối tập Gia huấn này – là một điều cảnh cáo của ý Trời. Ta vốn nặng lòng với những điều thuộc về đạo đức thường, ta rất lấy làm đau xót cho danh dự gia tộc đã bị Cậu Bảy làm tì ố. Người chết đã biết sám hối. Ta cũng đã biết tha thứ. Nhưng còn ta còn sống, còn lũ bay còn sống đó!
“Nhân việc tai biến vừa xảy đến trong họ, ta lại nhớ đến một việc cũ.
“Trước đây, ta đã nhiều phen lên rừng xuống biển để tìm chân nhân.     Một chuyến đò đi bể, còn độ phần tư đường, thì ghé được tới đảo có người bên ta bị bọn giặc bể Tầu Ô bắt.     Ta được thoát chết vì cái đức bình thản của ta trước sự rộ nạt của giáo mác lũ giặc. Đứa đầu đảng bèn đãi ta vào bực khách, lúc ăn ngủ ra vào đều lấy các thứ lễ tiết đối với cao sĩ ra mà dùng. Ngoài những lúc chúng phải bóc lột thuyền buôn để duy trì cuộc sống của chúng trên mặt nước cả, đầu đảng bọn cướp thường vời ta tới bàn để hỏi về thiên văn, địa lý và nhân luân.
Hắn biết rằng hắn hỏi ta chẳng phải để mà theo; ta biết rằng ta có nói ra, cũng chẳng phải là để cho hắn nghe.    Nhưng đã đãi nhau là đám có chữ, lấy chữ ra mà nói chuyện thì hỏi đến đâu ta đều trả lời rất thành thực và hắn cũng lấy lễ độ cất những câu ta viết ra.  
Từ đấy, hắn đãi ta vào bực thượng khách.
Một buổi thuyền Tầu Ô vào vịnh Hạ Long, ghé đảo Cát Bà. Đổ bộ, hắn đưa ta vào hầm đựng của, ở trong một hang núi cách bờ độ lụi hết hai nén hương. Ta vào, chân tay bị vướng bởi vàng lụa, ngà voi, sừng tê, quế chính sơn, mật ong, sa nhân và nhiều thứ nữa.
Hắn hỏi ta muốn gì và cười, tay giơ thẳng vào đống của cướp.
Ta cũng cười, hai tay giơ lên giời, nghĩa là đụng vào trần hang.
Ta để ý xem xét thấy bị mắc kẹt vào bọn châu báu phi nghĩa kia là một cuốn sách đã gần mục. Giở ra xem thì đấy là một tập lữ ký của Trần Dĩ Luyện – một hàng nhân trong một đoàn tuế cống sứ (14) qua Trung-Quốc, về đời Thiệu-Trị — nói về những điều tai nghe mắt thấy, bên cạnh con đường đi sứ ở Tàu (Ta vốn có khiếu riêng để nhớ những dã sử của nước nhà).
Ta không đủ thời giờ để hỏi tên cướp xem hắn bắt được sách này ở trường hợp nào. Ta chỉ kịp bảo hắn rằng vàng bạc của hắn định cho ta, ta không lấy gì làm thú bằng việc xin hắn cuốn sách ấy.       Hắn thuận và cố giữ ta ở lại.
     Ta nhất định bỏ hắn và thoái thác là nhớ quê cũ lắm. Sau hắn phải chịu, cho ta xuống thuyền nhỏ nhìn ta xuôi về Hải Ninh (15) với một cuốn sách cũ.
     “Sách đó, Cậu Bảy, vì thiếu tiền đi chơi đã bán cho một người nước Hiệp Chủng du lịch qua xứ mình.
     Ta tiếc giận vô cùng. (Nếu tụi bay mà tiền và lực có dư và lại muốn nhìn thấy sách đó, ta dám cam đoan với lũ bay rằng sẽ thấy sách đó ở tủ kính một viện bảo tàng Mỹ nào, chứ không sai).
Sách mất, nhưng trí nhớ của ta thì mất sao được. Ta đọc sách đến đâu, chữ cứ như chôn vào ruột. Vì thế mà ta mới nhớ nổi chuyện lạ của quan Hàn Lâm Trần Dĩ Luyện chép được ở dọc đường đi sứ, để kể nữa – không sai lấy một chữ một lời — cho tụi bay nghe lại:
“Đất Giang-Tô, nhiều người đưa lụa trắng ra cho đoàn sứ nước ta đề thi. Thi (16) hay và chữ đẹp quá, họ đều lấy làm cảm kích.
Một nhà kia thanh bạch, không biết lấy gì tạ lại người đi qua chỉ có một thuở, bèn đem luôn một cái thảm sử trong gia tộc ra mà kể, tưởng làm như thế cũng là đáp được cái duyên tri ngộ trong muôn một.  
 Tổ họ ấy ở đất ấy – tên người và tên đất, ngài Phó Công Sứ Nguyễn Đại Nhân có ghi rõ –, vốn là người có tài và có duyên, lúc ra ngoài, quanh năm chỉ đi chơi, chẳng mấy khi phải ăn bữa nào ở nhà.     Những lúc ra ngoài, lại hay thề thốt với rất nhiều giai nhân bên đường.
   Cơm thiên hạ hay có nhiều sạn sỏi, ăn nhiều vào, sỏi sạn ấy tích lữy và đúc lại thành những hòn cuội trong dạ dầy. Ruột ông tổ nhà họ ấy đã có cuội.
   Kế đến một lần, ông tổ nhà họ ấy dám thề nhảm với một nguời đàn bà và rủi lại gặp giờ thiêng, sau khi uống láo những giọt nước mắt của người đàn bà vào ruột, những hòn cuội cũ kia bèn hoá thành thạch tinh (17).
Những thạch tinh ấy biết nói chuyện và biết làm hại người sống. Nó phá từ trong lòng người ta mà phá ra. Phá hại lúc còn sống chưa đủ, nó lại còn theo rồi đến lúc xuống huyệt nữa kia.
Vì thế mà thi hài tổ họ ấy đã mai táng xong xuôi tưởng yên ấm, bỗng một đêm về sáu tháng sau, nó bật lên như có kẻ cắm cốt mìn vào mà bắn.
“Có lẽ hai con nguời biết nói chuyện trong ruột Cậu Bảy là giống thạch tinh đó.  Đời Cậu Bảy, tung tích bôn tẩu hồng trần, chắc trong bụng không thiếu gì sỏi sạn của cơm thiên hạ. Và nước mắt thiêng Cậu Bảy uống liều vào trong cơn trí trá với lòng người, chính là nước mắt của con gái quan Lãnh Tín làng Nguyệt Sương đó.“Lũ bay nên khớp hai chuyện chênh nhau về cả thời lẫn không-gian, nhưng đều chung một lý do huyền bí, để tìm lấy một ý niệm trong đời sống đạo đức.“Ta góp việc này vào tập Gia huấn, tự coi nó như một điều cần đáng thêm vào thập điều trong gia pháp. Lũ bay khá vâng theo”./.


Chú giải
(*) Xem truyện Tổ tôm người sẽ đăng ở Thơ văn, tập mùa hạ
(1 ) tức là dừng ngựa
(2) sâu và vắng
(3) Ngày nay hay viết : tờ nháp
(4) làm rõ,cắt nghĩa
(5) Cũng có nghĩa tự tử tuy nghĩa ban đầu nói rõ là tự thắt cổ
(6) Cái vần gieo đến mức tuyệt vời . Tương tự như tử công phu là hết sức công phu .
(7) Gạn hỏi để tìm câu trả lời đúng
(8) Kiến : điều thấy ; thức : điều biết ; đây chỉ cả kinh nghiệm lẫn hiểu biết qua sách vở
(9)Câu đố
(10) Một ngày kia
(11) Đau xót cho con mắt ( khi phải chứng kiến những chuyện thương tâm )
(12) Chúng tôi chưa tra cứu được
(13 ) Người chết chôn xuống lần đầu gọi là hung táng , bốc mả chôn lại gọi là cát táng
(14) Đoàn đi cống theo chu kỳ hàng năm ; hành nhân , nghĩa đen là người đi đường , nhưng đây chỉ người phiên dịch đi theo các sứ bộ
(15) Tên một tỉnh cũ sát biên giới Việt Trung , sau nhập vào thành tỉnh Quảng Ninh
(16) Đầu thế kỷ XX, trong ngôn ngữ hàng ngày , nhiều người vẫn gọi thơ là thi .
(17) Chỉ phần tinh tuý của đá


Mời xem thêm một bài viết khác có liên quan tới bài trên:
Tư duy nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong các truyện Yêu ngôn:
http://vuongtrinhan.blogspot.com/2013/03/tu-duy-nghe-thuat-cua-nguyen-tuan-trong.html




Mới hơn Cũ hơn