VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Lập gia đình và nửa tập thơ đầu tiên ( Xuân Quỳnh, phác thảo một tiểu sử, chương V)

Năm 1963, như Đông Mai đã viết trong hồi ký Xuân Quỳnh một nửa cuộc đời tôi, quả là năm có những sự kiện quan trọng đáng nhớ trong cuộc đời Quỳnh: tập thơ đầu tay và đám cưới. Hai sự kiện này xảy ra gần như đồng thời và liên đới chặt chẽ với nhau.
Cẩm Lai là người đã được nhắc nhở nhiều trong kháng chiến chống Pháp, với bài thơ Tơ tằm được phổ nhạc và khắc sâu trong tâm khảm nhiều người.
Khi lớp học Quảng Bá khai mạc Cẩm Lai (cũng như Bích Thuận, Nguyệt Tú) được chọn về học, nhân đó, Cẩm Lai hoàn chỉnh thêm một số bài khác, làm nên tập Tơ tằm.
Để đánh dấu thời gian theo học của Xuân Quỳnh ở Quảng Bá, nhà xuất bản Văn học in cho Quỳnh một số bài, làm nên tập Chồi biếc.
Nhìn theo con mắt ngày hôm nay, có thể thấy hơi trái khoáy: Giữa Tơ tằmChồi biếc gần như không có liên hệ gì, sao không tách ra, làm hai tập riêng?
Song thực tình là lúc ấy, cả hai người, Cẩm Lai và Xuân Quỳnh đều chưa có đủ những bài tương đối khá, để ra tập riêng.
 Vả chăng, trong hoàn cảnh việc in thơ hoàn toàn theo chế độ bao cấp -- việc in cho một người cả tập thơ hay nửa tập thơ, cũng đã là một sự định giá của giới chuyên môn về nhà thơ đó.
Xét về tuổi tác, Xuân Quỳnh là tác giả trẻ số một được in nửa tập sớm nhất ( tới 1968 Vũ Quần Phương in chung với Văn Thảo Nguyên, Lưu Quang Vũ in chung với Bằng Việt)
Tổng cộng 39 trang, Chồi biếc gói gọn lại trong 18 bài, phần nhiều  là các bài  Xuân Quỳnh đã viết trong các lần theo đoàn văn công đi biểu diễn ở nơi xa.
Trước khi trích dẫn 4 câu:
Hạt muối mang theo vị đậm đà của biển
Mai, giữa Phần Lan em mang bóng dáng quê ta
Ôi những con đường từ bùn đen đứng dậy
Tung cánh bốn phương trời bay bổng lời ca.
Vân Long đã viết rằng “câu thơ Quỳnh lúc đó lốp xốp những khái niệm“, và nói rõ những bài thơ này “ phần lớn chỉ để dán bích báo của đoàn (văn công)”.
Nhưng cũng có mấy bài hé ra một số chi tiết liên quan đến cuộc đời riêng của Xuân Quỳnh, trong đó có bài thơ tình thuộc loại hay của tác giả, và sẽ vĩnh viễn gắn với tên Xuân Quỳnh như bài Thuyền và biển.
Để hiểu  loại sau này, không thể không trở lại với cuộc đời tình cảm riêng tư của tác giả.
Đến với đoàn văn công đầu năm 1955, Xuân Quỳnh sẽ ở với đoàn cho tới 1962. Đây là thời gian từ một thiếu nữ mới lớn tuổi 15, - tuổi mực tím như cách nói những năm chín mươi -- Quỳnh sẽ chuyển sang tuổi thanh nữ chín đầy, tuổi hai mươi hai.
Lẽ tự nhiên là đây cũng là thời gian trưởng thành của Xuân Quỳnh về phương diện tình cảm.
Có lần, trong câu chuyện với người viết cuốn sách này, vào khoảng những năm 1969 - 70, Xuân Quỳnh bảo:
    --- Thế này mới biết mình già này: Hồi đang ở văn công, tôi có yêu một ông, sau hai người phải chia tay. Tôi đau đớn quá, lúc nào cũng nghĩ đến mối tình vừa trải qua, đến mức đầu óc lúc nào cũng ong ong, không nghĩ được chuyện gì khác. Mỗi đêm chỉ ngủ có hai tiếng. Bây giờ thì khó yêu ai được như thế nữa.
    Câu chuyện dừng lại ở đấy, và tôi cũng không có dịp hỏi thêm nữa song thường vẫn nhớ mỗi  khi cần phải điểm lại những ngô nghê của mình cũng như của bè bạn thuở trẻ.
     Quan sát  Xuân Quỳnh lúc đã trưởng thành, tôi nhận ra một sự thực là có mối liên hệ trực tiếp giữa thơ Quỳnh và đời Quỳnh. Gặp chuyện gì gây xúc động, con người này phải tìm cách ghi bằng được dấu ấn của nó trong lòng mình bằng thơ. Nói cách khác, Quỳnh đã làm thơ cho mình trước khi mang nó đến với mọi người. Qua theo dõi từng bài thơ của Quỳnh - dĩ nhiên là chỉ những bài quan trọng -, người ta có thể lần ra rồi dựng lại tiểu sử nhà thơ.
Nhưng trong trường hợp này -- những năm Xuân Quỳnh mới đến với thơ -- các bằng  chứng thi ca đó hoàn toàn vắng thiếu.
Mọi cánh cửa đều đã khép lại.
Vậy chúng ta hãy tạm bằng lòng với câu  chuyện giữa Quỳnh với Tuấn, người chồng  chính thức đầu tiên.
Như Đông Mai đã nhận xét, Tuấn là một thanh niên đẹp trai song tính tình hoàn toàn trái ngược với Quỳnh. Quỳnh vui nhộn trong khi Tuấn lặng lẽ ít nói. Quỳnh thích một cuộc sống tự nhiên phóng túng trong khi Tuấn còn câu nệ theo nếp sống của các gia đình trung lưu thời ấy. Được cái Tuấn đối với Quỳnh bằng tất cả tấm tình chân thật. Người con gái sớm thấy rõ những nhược điểm của Tuấn: “Anh ấy chỉ là những động tác cơ bản đẹp chứ chưa thành điệu múa, chỉ là một bát phở ngon không có gia vị, chỉ là một cốt truyện hay chưa được viết thành văn...”.
 Đằng sau lối diễn tả hình ảnh mù mờ và không chắc đã chính xác, những dòng thư gửi chị mai này chỉ  cho thấy: Xuân Quỳnh cảm thấy ở Tuấn còn thiếu một cái gì mà mình mong muốn, còn chưa có những phẩm chất để Quỳnh mê mệt.
Nhưng chết nỗi Quỳnh là một người tự tin, tự tin cả trong công việc, lẫn trong tình yêu. Yêu người khác mình, vì mong người đó bổ sung cho mình.
Yêu người còn nghèo, còn đơn giản vì tin khả năng làm cho người đó trở nên giàu có, trở nên phong phú sinh động như mình mong mỏi.
 Thậm chí, có lúc yêu cả người mà Quỳnh cảm thấy chưa tốt, vì tin rằng mình sẽ có khả năng cảm hoá, làm cho người đó cao đẹp, sang trọng hơn.
Lòng tin đó, sẽ theo suốt Xuân Quỳnh trong những tình yêu về sau.
Lúc này đây, ở những bước đường đầu tiên trong đời, lòng tin ấy của Quỳnh clà yếu tố chi phối tất cả. Bởi vậy, sau khi nói với chị Đông Mai , mà cũng tự nhủ, rằng anh ấy (Tuấn) “tốt, rất tốt”, Quỳnh quyết định trao thân gửi phận cho Tuấn (*)
 Theo cách diễn giải của Đông Mai, Quỳnh hy vọng rằng với tình yêu của mình “động tác đẹp sẽ thành điệu múa, bát phở ngon sẽ có gia vị, cốt truyện hay sẽ được viết thành văn”.
Khi lòng Quỳnh đã quyết vậy, thì thơ Quỳnh cũng hướng cả về với Tuấn.
Bài thơ Ghét không phải loại thơ hay ở Xuân Quỳnh. Được cái, nó có giọng kể hồn nhiên và khá nhiều những chi tiết liên quan đến đôi bạn trẻ. Nhân vật chính ở đây cùng một anh kéo đàn và một cô ở đội múa. Hai bên lúc đầu xung khắc, vì chưa hiểu nhau.
 Song dần dần, trong công việc họ nhận ra vẻ đẹp của nhau, và lại đến với nhau một cách hồn hậu. Nhà thơ kết luận:
Ai biết đâu chữ ghét
Là nhịp cầu nối duyên
Đây cũng là thứ nghịch lý được nhiều bạn trẻ xác nhận.
Chung quanh bài thơ Chồi biếc có một chuyện vui vui. Khi báo in ra, Xuân Quỳnh đến phân trần với Ngô Văn Phú:
- Anh Phú ơi, bài của tôi in rồi đấy. Nhưng ghét quá, đầu đề họ lại in sai là Trời biếc. Cải lương chế thì còn ra quái gì nữa!
- Thế Quỳnh viết Chồi  tr hay ch?
- Tôi viết là Trồi biếc.
- Thế thì họ in sai là phải. Nếu viết đúng là Chồi, người ta không in sai được.
Xuân Quỳnh im lặng không nói gì. Câu chuyện về những sơ xuất như thế này khá phổ biến trong giới, có điều, nó cũng tố cáo rằng Quỳnh phạm những “phốt” rất căn bản.
Tuy nhiên, nội dung chính bài Chồi biếc thì có phần sâu sắc hơn bài Ghét nói trên. Ta gặp ở đây một mô-típ của thơ tình Xuân Quỳnh: đôi ta cũng chỉ là một trong muôn ngàn cuộc tình ở đời này. Rồi cũng có lúc, chúng ta không còn trên mặt đất nữa. Nhưng lúc ấy, lại có những đôi khác:
Và rồi mai sau
Trên đường này nhỉ
Những đôi tri kỷ
Sóng bước qua đây
Lá vàng vẫn bay
Chồi non lại biếc.
Mô-típ này, chúng ta sẽ còn gặp trong phần cuối bài thơ dài Những năm tháng không yên  hoặc bài Không đề , cả hai in trong Tự hát 1984, bài Thơ tình cho bạn trẻ, in trong Hoa cỏ may, 1989.
Đây là một đoạn trong Thơ tình cho bạn trẻ:

Vẫn con đường, vạt cỏ tuổi mười lăm
Mặt hồ rộng, gió đùa qua kẽ lá
Lời tình tự trăm lần trên ghế đá
Biết lời nào giả dối với lời yêu

Tôi đã qua biết mấy buổi chiều
Bao hồi hộp lo âu và hạnh phúc
......
......
Người mới đến những nơi tôi từng đến
Lại  con đường vạt cỏ tuổi mười lăm
Lại hàng cây nghe tiếng thì thầm
Lời thành thật, dối lừa trên ghế đá

Nào hạnh phúc, nào là đổ vỡ
Tôi thấy lòng lo sợ không đâu
Muốn giãi bày cùng ai đó đôi câu
Về tất cả những gì rồi sẽ trải
Mong rút ngắn dặm đường xa ngái
Để cho người tới đích bớt gian truân
Bao khổ đau sung sướng đời mình
Xin tặng bạn làm bước thang hạnh phúc
Nhưng tôi biết chẳng giúp gì ai được
Những vui buồn muôn thuở đi qua

Khoảng cách giữa hai bài thơ là 27 năm.
Sự liên tục giữa hai bài thơ - một sự liên tục song lại có phát triển -- cho thấy sự nhất quán của hồn thơ Xuân Quỳnh trước và sau.
Cũng có thể nhận ra sự nhất quán tương tự khi ta so sánh bài Con tàu in trong Chồi biếc với nhiều bài thơ sau của Xuân Quỳnh. Con tàu bắt nguồn từ cảm hứng về sự giao hoà giữa những người yêu ở những phương trời xa cách nhau. Và bài thơ kết ở hai khổ cuối:
Tàu sẽ dừng ga cuối
Xin đừng vội ra đi
Cho phút giây gặp gỡ
Đỡ  lo giờ cách chia

Em khác chi con tàu
Nay đây rồi mai đó
Nên cả lúc gần anh
Mà lòng em vẫn nhớ
Mô-típ lo sợ, lo về sự chia ly ngay trong gặp gỡ, cũng như mô-típ cả lúc gần nhau vẫn nhớ, sẽ còn trở lại trong nhiều bài thơ khác của tác giả.
Sau hết thành tựu đáng gọi là đỉnh cao của Chồi biếc, phải kể là Thuyền và biển.
 Được viết có lẽ là trong chuyến Xuân Quỳnh ra đảo Cô Tô, bài thơ này cũng là một bài thơ tình đặc sệt chất Xuân Quỳnh: tình không bao giờ thoả mãn, tình rất sợ cách xa. Sau khúc dạo đầu hiền lành (Từ ngày nào chẳng biết - Thuyền nghe lời biển khơi - Cánh hải âu sóng biếc - Đưa thuyền đi muôn nơi) và một vài đưa đẩy khác, là đoạn định nghĩa về tình yêu.
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mang nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu
(Không phải ngẫu nhiên, trong bản nhạc phổ thơ Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đưa đoạn này vào ngay phần đầu)
Cao trào của bài thơ là ở tám câu cuối:
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố
Thơ tình Xuân Quỳnh là thơ tình của những kẻ không chấp nhận bất cứ sự xa cách này, ngược lại lúc nào cũng muốn kề cận “như chim liền cánh, như cây liền cành”.
Vì vậy, chỉ mới không gặp nhau một ngày mà đã bạc đầu thương nhớ, lòng đau rạn vỡ, và nếu từ giã nhau, thì sóng gió nổi lên. Điều thú vị cần nhớ đây không phải lời người con trai, mà lời tuyên bố của người con gái. Để nói hết sự giận dữ (= tình yêu) ấy, người con gái cảm thấy hình ảnh biển chỉ còn sóng gió chưa đủ, mà phải nhấn thêm hai câu cuối cùng: Nếu phải cách xa anh - Em chỉ còn bão tố.
 Không cường điệu một chút nào cả, bão tố là chuyện có thật trong đời Quỳnh, dù chỉ là bão tố trên những mảnh vườn hẹp.
--------

(*) Đầu 1968, khi tôi mới về Văn nghệ quân đội, người chuyên môn lo việc trình bày tạp chí  là  anh Hà Trì đã vui miệng kể với tôi chính đám cưới Quỳnh là do Quỳnh lo liệu, chứ không phải Tuấn. Một người bạn thân của Quỳnh, biết Quỳnh từ khi mới lập gia đình lần đầu còn nói rõ hơn chỗ khác căn bản của Quỳnh với Tuấn là ở cách sống lối sống. Tuấn kỹ càng chỉn chu rất có trách nhiệm với gia đình , nhưng theo một kiểu hơi cũ. Khi còn chưa lấy nhau có lần, Tuấn rủ Xuân Quỳnh đi xem phim, nhưng tới nơi, thì đã thấy cả bà cụ đẻ ra Tuấn. Và Tuấn xếp đặt để bà ngồi giữa, Quỳnh và Tuấn ngồi hai bên. Nhưng ở Tuấn lại thiếu sự  hào phóng rộng mở về tâm hồn. Tuấn không thể hiểu nổi những nóng lạnh bất thường trong con người Quỳnh. Trong khi Quỳnh quá tự tin ở cái ý tưởng có thể làm cho Tuấn thay đổi  thì càng ngày Tuấn chỉ càng bộ lộ sức ỳ của mình. Chính sự kéo dài không cần thiết của cuộc hôn nhân này lại đã làm hỏng đời Quỳnh. Khi một nỗi khao khát quá lớn không thể thực hiện  nó sẽ là  nguồn gốc của sự phá phách về sau, mà Quỳnh thì trước sau vẫn tự tin ở sức cải hóa đối tượng bằng tình yêu và sự hy sinh vô bờ của minh, đến nỗi trở thành nạn nhân của chính mình mà không hay biết và không bao giờ công nhận. Gần đây, tôi đọc cuốn tự truyện Để gió cuốn đi của ca sĩ Ái Vân, thấy có sự gặp gỡ giữa đời hai nghệ sĩ. Họ cùng sai lầm trong cuộc kết hôn đầu tiên. Nhưng Ái Vân vừa biết mình sai làm là tính chuyện ly thân rồi ly dị liền, không để dây dưa rồi dẫn đến những đau đớn không cần thiết như Xuân Quỳnh. Ở chỗ này, tôi càng thấy Xuân Quỳnh thiệt thòi vì lớn lên mà  không có được một gia đình đầm ấm, cụ thể là một người mẹ nhân ái và từng trải hướng dẫn. (Ghi thêm 12-2016)
Mới hơn Cũ hơn